Bánh mì tươi là món ăn đơn giản, giàu dinh dưỡng và tiện lợi, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Được biến tấu từ công thức của bánh mì giòn, loại bánh này có phần tơi, mềm và xốp hơn. Cùng Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) vào bếp với cách làm bánh mì tươi dưới đây để có những ổ bánh ngon chiêu đãi cả nhà nhé!
Vỏ bánh mì tươi không giòn cứng như bánh mì thông thường (Ảnh: Internet)
Bánh mì là món ăn quen thuộc đối với người Việt và được cả thế giới biết đến. Dạo quanh phố phường Việt Nam, bánh mì xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi. Bên cạnh bánh mì truyền thống, bánh mì tươi cũng là cái tên được nhiều người tìm kiếm và lựa chọn. Bạn có thể làm bánh mì tươi ngọt hay mặn tùy vào sở thích và ăn kèm với các loại mứt như: Mứt dâu, mứt cam, mứt thơm…hoặc nhân xúc xích, phô mai, chà bông… Để làm bánh mì tươi, bạn có thể xem qua công thức dưới đây và thực hiện ngay tại nhà nhé!
Cách làm bánh mì tươi chuẩn công thức
Nguyên liệu
- Bột mì : 300gr
- Giấm: 10ml
- Đường: 10gr
- Sữa tươi: 150 ml
- Men nở: 10gr
- Muối: 1/2 muỗng
- Nước ấm
- Bơ thực vật
Hướng dẫn cách làm bánh mì tươi
Trộn bột
Cho đường, nước ấm và men vào âu, dùng muỗng khuấy đều và để yên khoảng 10 – 15 phút cho men nở.
Làm ấm sữa tươi bằng phương pháp hấp cách thủy hoặc cho vào lò vi sóng.
Cho bơ cùng các nguyên liệu vào âu và trộn đều
Cho bột mì, giấm, bơ vào âu và trộn đều. Tạo thành khoảng trống ở giữa hỗn hợp bột, đổ từ từ sữa, men và dầu ăn vào. Trộn bột từ trong ra ngoài đến khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau thành khối. Nếu bột còn khô thì cho thêm một ít sữa tươi. Ngược lại, nếu bột quá nhão bạn nên cho thêm bột mì để cân bằng lại.
Nhào bột
Đặt khối bột lên mặt phẳng có phủ một lớp mỏng bột mì để chống dính. Nhào đều tay bằng cách kéo dãn bột rồi gập lại, thực hiện thao tác đập nhẹ khối bột xuống mặt phẳng để bột mịn màng hơn. Nhào bột thật kỹ từ 12 – 15 phút đến khi bột mịn, dẻo, đàn hồi tốt, không còn dính tay và có thể kéo thành màng mỏng mà không bị rách là được.
Nhào bột thật kỹ bằng tay
Chuẩn bị âu để ủ bột, dùng cọ quét một lớp dầu mỏng bên trong. Cho bột vào và bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Ủ bột ở nhiệt độ phòng trong 60 phút đến khi bột nở to gấp đôi. Sau khi ủ bột lần 1, tiếp tục nhào thêm 2 – 3 phút để ép hơi bọt khí ra ngoài.
Tạo hình bánh
Chia khối bột thành từng phần nhỏ đều nhau, vê bột thành viên tròn, căng mịn. Dùng tay dàn bột thành hình chữ nhật rồi cuộn lại theo chiều dài, vê bột để hai đầu nhỏ lại, phần bụng giữa phình to. Đặt bột lên khay đã lót sẵn giấy nến chống dính.
Dùng dao lam nhúng qua dầu ăn rồi rạch 2 – 3 đường chéo trên thân bánh.
Tạo hình khéo kéo để có được chiếc bánh cân đối, đẹp mắt
Nướng bánh
Bật đèn lò nướng và đặt vào một cốc nước nóng. Cho bột vào ủ lần 2 trước khi nướng. Quan sát thấy bột nở khoảng 75% thì lấy khay ra khỏi lò.
Điều chỉnh nhiệt độ và thời gian phù hợp với từng loại lò nướng
Làm nóng lò ở 180 độ C trước khi nướng bánh vào từ 10 – 15 phút. Sau đó, cho bánh vào lò, xịt nước ở khoảng không phía trên để tạo độ ẩm cho bánh. Nướng khoảng 15 phút thì quay ngược khay lại để bánh chín vàng đều, đợi thêm 5 phút nữa thì lấy bánh ra khỏi lò.
Khi bánh còn nóng, bạn phết một lớp bơ mỏng lên mặt để bánh mềm và thơm hơn. Đợi cho lớp bơ khô là bạn đã có thể thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm
Thành phẩm bánh mì tươi vàng đều, bắt mắt (Ảnh: Internet)
Bánh mì tươi sau khi nướng sẽ có màu vàng đều, đẹp mắt và không bị khét, từng ổ bánh thon gọn đều đặn. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được độ mỏng và giòn nhẹ của vỏ bánh, phần ruột mềm xốp và thơm bơ. Bánh mì tươi sẽ ngon hơn khi ăn cùng với các loại mứt, chấm với món mặn hoặc kẹp xúc xích, chà bông cũng rất hấp dẫn.
Bí quyết làm bánh mì tươi đạt chuẩn
- Khi kích hoạt men khô, bạn không nên dùng nước từ 60 độ C trở lên, nước quá nóng sẽ làm chết men, bột sẽ không nở.
- Không nên ủ bột ở nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm mùi vị của bánh.
- Nhào bột thật kỹ theo đúng phương pháp, nhào đều tay và ủ đủ thời gian để bột mềm mịn và nở.
- Nếu nhào bột bằng máy, bạn nên điều chỉnh tốc độ thấp và canh thời gian hợp lý, tránh nhồi quá lâu sẽ làm hỏng Glugen.
- Nên rạch mặt bánh trước khi ủ lần 2 để thao tác dễ dàng hơn và bánh không bị xẹp sau khi rạch.
Vậy là chỉ với vài bước cơ bản bạn đã có thể chinh phục món bánh mì tươi mềm thơm tại nhà. Bánh mì tươi dùng để ăn sáng hay “cứu đói” giữa buổi đều rất thích hợp. Hi vọng cách làm bánh mì tươi ở trên sẽ giúp bạn có được mẻ bánh ưng ý nhé. Chúc các bạn thành công!