(Baonghean.vn)- Ăn chay là để cải thiện chính tâm thức ta, giúp cho tâm thức ta an bình hơn, từ bi hơn, một tâm thức trong sáng, rộng lớn và bén nhạy trước những khổ đau của chúng sinh.
Chữ Chay nguyên âm là Trai, dịch từ Phạn âm Ô ba va sa tha (Upavasatha), có nghĩa là Thanh Tịnh và một nghĩa nữa là Thời thực. Thời thực là dùng bữa ăn trưa vào giờ Ngọ và Phi Thực là ăn trưa sau giờ Ngọ.
Theo quan niệm phổ thông của phật tử Đại thừa Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thứ hôi nồng thuộc về loại ngũ tân vị (năm món gia vị có mùi cay nồng gồm: Hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ).
Theo đạo Phật có hai phương thức ăn chay là chay trường và chay kỳ. Đối với ăn chay trường là tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục. Còn ăn chay kỳ thì theo những ngày trong tháng, trong năm.
Hơn nữa, một trong những tội nghiệp nặng nhất của nhà Phật là sát sinh. Con vật cũng như con người, đều có sinh mạng và tất cả sinh mạng đều đáng trân quý. Vì thế, Phật giáo khuyến khích ăn chay với ý nghĩa bảo vệ sinh mạng, tránh quả báo xấu, người và vật chung sống hài hòa, yên vui.
Ăn chay là một phương thức tu tập hằng ngày, luôn luôn nhắc nhở chúng ta về lòng từ bi. Ăn chay là để cải thiện chính tâm thức ta, giúp cho tâm thức ta an bình hơn, từ bi hơn, một tâm thức trong sáng, rộng lớn và bén nhạy trước những khổ đau của chúng sinh.
Khi lòng từ bi được phát huy đến cực độ thì sẽ đưa tâm thức đến Trí tuệ và Trí tuệ tức là Giác ngộ. Lòng từ bi như thế mới chính thức là Từ bi của Phật giáo. Ăn chay như thế mới gọi là ăn chay theo Phật giáo.
Người theo Phật giáo Nam tông vẫn ăn thịt động vật nhưng ăn chay tuân theo nguyên tắc Ngũ tịnh nhục: 1. Không thấy người giết thịt, 2. Không nghe tiếng kêu khóc của con vật bị giết, 3. Không chủ đích giết cho mình ăn, 4. Con vật tự chết, 5. Thịt con thú khác ăn còn thừa.
Còn người Phật giáo Bắc tông ăn chay khắt khe hơn, nhưng lại ăn quá nhiều, ăn đến hai hoặc ba bữa và có khi ăn rất cầu kỳ, bắt chước gần như thật các món ăn bằng thịt cá của thế tục, đôi khi nhìn giống như đúc, kể cả mùi vị cũng giống.
Đó cũng có thể là một cách đánh lừa tâm thức mình, nuôi nấng sự thèm khát và bám víu của mình. Vì thế người tu hành dù là người xuất gia hay thế tục đều phải thật cảnh giác trong từng hành động của chính mình.
Các ngày ăn chay
02 ngày: Mùng 1 và rằm (15)
04 ngày: Mùng 1, 14, 15 và 30
06 ngày: Mùng 8, 14, 15, 23, 29 và 30
08 ngày: Mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30.
10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30.
01 tháng: Tháng giêng hoặc tháng 4 hoặc tháng 7 hoặc tháng 10.
03 tháng: Tháng giêng, tháng 7 và tháng 10.
04 tháng: Tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10.
Trường trai: Ăn quanh năm suốt tháng.
Nếu đã ăn chay tức là tâm muốn hướng thiện, muốn sống cuộc sống hiền hòa hơn. Vì thế, đừng nên kiêu ngạo, cho rằng việc ăn chay của mình là hơn người. Ăn chay để tránh nghiệp, kết thiện duyên, không chứng tỏ rằng ta tinh tấn hơn, tu chính đạo hơn.
Hiện nay, ăn chay vừa thể hiện một nghi thức tâm linh của đạo Phật vừa là hình thức dưỡng sinh tốt cho sức khỏe, được nhiều người áp dụng. Chính vì vậy, dù theo mục đích nào đi nữa thì việc ăn chay cũng nên xuất phát từ việc tự nguyện của bản thân và hướng tới những giá trị tốt đẹp, thiện mỹ.