Thay nước
Cá lóc nổi tiếng là loài có sức chịu đựng dẻo dai bởi chúng có thể sống trong những vùng mà những loài khác không thể; vậy lý do tại sao mà chúng thường xuyên bị chết trong hồ nuôi? Câu trả lời thật đơn giản. Trong khi hầu hết những loài cá khác rất mạnh khoẻ khi được thay nước nhiều thì cá lóc ngược lại không thích hợp với điều này. Cá lóc cũng chịu đựng rất kém với chất chlorine và thành phần kim loại có trong nước máy.
Thành phần hoá học của nước hồ thay đổi quá nhanh có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất làm cá lóc bị chết. Hầu hết các loài cá lóc đều có phản ứng tiêu cực đối với việc thay quá nhiều nước máy. Điều này đặc biệt trầm trọng ở những cá thể cá lóc non. Nếu cần phải thay thật nhiều nước hồ thì nước trước tiên phải để cho hả dù rằng việc này có hơi phiền phức.
Như vậy, việc mỗi lần chỉ thay một ít nước hồ kết hợp sử dụng chất phân giải chlorine và bộ lọc thích hợp là giải pháp thay nước đúng đắn. Bộ lọc có công suất càng lớn càng tốt; mặt khác, việc dùng thêm bộ lọc sinh học sử dụng mút xốp cũng rất tốt nếu miếng mút đủ lớn để chứa thật nhiều các vi khuẩn phân huỷ có ích.
Thức ăn
Nuôi cá lóc rất dễ, hầu như chúng bắt đầu ăn ngay từ ngày đầu tiên sau khi được thả vào hồ nuôi. Đôi khi cũng cần phải kiên nhẫn một chút vì chúng ta mua một cá thể đã trưởng thành và chúng phản ứng với sự thay đổi môi trường bằng cách nhịn ăn. Thông thường, giai đoạn này không dài lắm, tối đa là 3 tuần.
Khi ăn, cá lóc đớp ngay vào con mồi và nhả khí ra đằng khe mang; cử động này tạo ra một khoảng chân không hút con mồi vào trong khoang miệng. Những loài cá lóc cỡ lớn có thể ăn con mồi có kích thước gần bằng cơ thể của chúng. Một khi đã xác định con mồi, cá lóc sẽ tiến gần đến vị trí thích hợp. Sau đó, nó cong người lại như hình chữ S rồi lao mình ra phía trước để đớp mồi. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra trong tích tắc. Thật đáng tiếc là chuỗi cử động này không xảy ra khi chúng ta nuôi cá lóc bằng thức ăn đông lạnh. Trong trường hợp đó, cá lóc chỉ tiến đến đớp và nuốt thức ăn theo một đường thẳng.
Thức ăn lý tưởng cho cá lóc là tép, cá con, giun đất và các loại thức ăn đông lạnh. Cá lóc non nên được cho ăn hàng ngày bằng các loại thức ăn phù hợp với kích thước của chúng. Với con non của những loài cá lóc cỡ nhỏ, nên nuôi chúng bằng artemia, trùn chỉ và bo bo. Còn với con non của những loài cá lóc cỡ vừa và lớn, chúng ta có thể cho chúng ăn thực phẩm đông lạnh và cá châm. Khi cá đã lớn đến độ nào đó, chúng ta chỉ nên cho chúng ăn từ 3 đến 4 lần một tuần để giảm chất thải của cá và tránh làm nước hồ bị ô nhiễm. Độ lớn này được tính bằng 2/3 kích thước tối đa đối với loài cá lóc cỡ nhỏ, 1/2 đối với loài cá lóc cỡ vừa và 1/3 đối với loài cá lóc cỡ lớn.
Sinh sản
Ngoài tự nhiên, hầu hết các loài cá lóc sinh sản vào đầu mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm tuy nhiên cũng có những loài như Channa striata, Channa punctata và Channa argus sinh sản nhiều lần trong năm. Môi trường giàu thực vật thủy sinh rất thích hợp để cá lóc sinh sản tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp cá lóc sinh sản trong các môi trường có ít hoặc hoàn toàn không có thực vật thủy sinh. Chúng thường dọn sạch một vùng thực vật thủy sinh để làm ổ đẻ. Cặp cá sẽ vờn nhau cho đến khi trứng được đẻ và thụ tinh. Sau đó, trứng được bao phủ bởi lớp chất nhờn nên nhẹ và nổi lên trên mặt nước sẽ được cá bố mẹ bảo vệ. Một số loài cá lóc như Channa gachua, Channa orientalis và Channa asiatica là những loài ấp miệng; cá đực sẽ đớp trứng đã được thụ tinh vào miệng để ấp. Chúng thường đẻ trứng ít hơn so với các loài khác, khoảng 200 trứng so với từ 30.000 đến 50.000 trứng.
Trứng có kích thước từ 1 mm đến 2 mm tùy theo loài và nở sau 2 đến 3 ngày. Cá bột khi mới nở có kích thước từ 3 đến 3.5 mm. Trong những ngày đầu chúng tiêu thụ chất dinh dưỡng có sẵn ở ổng bụng. Sau khi chất này tiêu hết, chúng bơi đi kiếm ăn nhưng luôn tụ với nhau thành bầy và được cá bố mẹ đi theo bảo vệ nghiêm ngặt.
Tất cả các loài cá lóc đều có thể lai tạo trong hồ nuôi nếu chúng ta hiểu rõ về cách thức sinh sản của chúng. Người ta yêu thích cá lóc không chỉ vì chúng là loài săn mồi mà còn ở hành vi phức tạp và việc chăm sóc con ở cá lóc làm cho chúng trở thành một trong những loài cá thú vị nhất khi ngắm nhìn trong hồ cảnh.
Một cặp đôi hoà thuận sẽ dễ sinh sản thành công và chúng thường được lựa chọn từ một nhóm. Việc chọn và ghép hai cá thể trưởng thành khác giới tính cũng không tạo ra được một cặp cá hoà thuận. Nhiều nhà lai tạo cá lóc phát hiện ra rằng một cặp cá hình thành từ một nhóm sẽ sinh sản một cách thành công. Thông thường, khoảng 6 cá thể được nhốt chung trong một hồ thuỷ sinh có cấu trúc thích hợp. Đôi khi cá tự bắt cặp và để yên cho những cá thể còn lại cho đến khi chúng sinh sản. Thật không may, trong hầu hết trường hợp, việc chọn được một cặp cá thích hợp trong một nhóm thường dẫn đến cái chết cho những cá thể còn lại. Bắt chúng ra khỏi một hồ thuỷ sinh được thiết kế đặc biệt như vậy là rất khó khăn còn nếu đặt bẫy thì có thể làm cá chết ngạt vì chúng không thể ngoi lên mặt nước để thở một khi đã dính bẫy.
Một cách khác là nuôi một nhóm cá lóc từ khi chúng còn non và chờ cho đến khi chúng lớn và tự bắt cặp. Hồ dùng cho mục đích này nên bố trí rễ cây và các loại rong cỡ lớn như Java fern, anubias, Amazon sword, cùng các loại rong nổi như Indian fern cũng như lá mục thả trên nền hồ. Đá phiến là loại đá thích hợp nhất để tạo khung cảnh cho hồ. Điều này có nghĩa rằng toàn bộ hồ có thể được làm trống để bắt các cá thể còn lại ra rồi sau đó có thể được tái bố trí lại một cách dễ dàng. Một hồ trống trải dành để nuôi và bắt cặp cá lóc là hoàn toàn không thích hợp! Một khi cá lóc đã bắt cặp rồi, chúng sẽ duy trì việc sinh sản cho cho đến cuối đời.
Gần đây những nhà lai tạo cá lóc phát hiện ra rằng cá lóc cái tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi cá con ngay sau khi chúng tiêu thụ hết chất dinh dưỡng trong ổ bụng. Vì vậy việc tách cá bố mẹ khỏi bầy con sẽ dẫn đến hậu quả là bầy cá con sẽ phát triển chậm hơn bình thường bởi vì chất dinh dưỡng được cá cái tiết ra rất giàu chất đạm và nhờ ăn chúng mà cá con lớn rất nhanh.
Theo_Sinh Vật Cảnh