Khi mắc bệnh đau mắt đỏ, cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh. Cùng tìm hiểu những cách chữa đau mắt đỏ nhanh nhất tại nhà qua bài viết dưới đây.
Đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ, có tên gọi chính thức là viêm kết mạc, là bệnh lý gây khó chịu cho mắt do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Cơ thể của chúng ta có thể tự chữa lành được bệnh đau mắt đỏ, nhưng bạn nên thực hiện một số biện pháp để đẩy nhanh quá trình chữa trị, nó còn tùy thuộc vào loại đau mắt đỏ mà bạn mắc phải. Dưới đây là một vài thông tin cần biết về cách chữa bệnh đau mắt đỏ nhanh chóng và hiệu quả.
Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ
– Do virus: Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. .
– Do vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae, … có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
– Do dị ứng: Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, … thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
Dấu hiệu đau mắt đỏ
Thông thường, biểu hiện đau mắt đỏ ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt. Ở thể nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt.
Một số dấu hiệu có thể nhận biết là:
– Chảy nhiều nước mắt;
– Mẩn đỏ, ngứa và sưng mắt;
– Đau liên tục trong mắt (cảm giác cộm mắt);
– Khó chịu với ánh sáng;
– Có chất dịch màu trắng rõ ràng (nếu là đau mắt do nhiễm virus hoặc dị ứng);
– Có dử mắt màu vàng và màu xanh lục từ mắt (do nhiễm khuẩn);
– Bệnh nhân đau mắt đỏ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có cát, mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua.
Cách chữa đau mắt đỏ
1. Sử dụng thuốc dị ứng.
Nếu bạn bị đau mắt đỏ do dị ứng nhẹ thì thuốc dị ứng thông thường có thể giúp bạn loại bỏ các triệu chứng này chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày. Nhưng nếu các triệu chứng không nhanh chóng thuyên giảm, có thể bạn đã bị nhiễm bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc siêu vi.
Thử dùng thuốc antihistamine (thuốc có tác dụng chống chất histamin). Cơ thể sẽ phản ứng với các tác nhân gây dị ứng bằng cách sản xuất ra một loại hoá chất có tên gọi histamin, loại hoá chất này là thủ phạm gây đau mắt đỏ và các triệu chứng dị ứng khác. Thuốc antihistamine giúp làm giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn lượng histamin do cơ thể sản sinh, từ đó giúp ngăn chặn các triệu chứng đau mắt đỏ.
Sử dụng thuốc thông mũi. Mặc dù thuốc thông mũi không giúp chống lại ảnh hưởng bởi các tác nhân gây dị ứng nhưng thuốc sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng viêm nhiễm mô mắt.
2. Thường xuyên lau sạch vùng mắt bị nhiễm bệnh.
Bất kể khi nào mắt xuất hiện rỉ dịch, hãy dùng khăn lau sạch mắt để ngăn ngừa vi khuẩn gây mưng mủ cho mắt.
Lau mắt bắt đầu từ vị trí gốc mắt trong cùng, ngay cạnh mũi. Nhẹ nhàng lau toàn bộ mắt theo chiều tiến dần về đuôi mắt bên ngoài. Cách này sẽ giúp loại bỏ dịch nhầy khỏi ống dẫn nước mắt và mắt của bạn một cách an toàn. Lưu ý về cách chữa đau mắt đỏ này là:
– Rửa tay thật sạch trước và sau khi lau mắt.
– Dùng khăn hoặc giấy sạch lau mắt để tránh chất dịch dính trở lại vào mắt.
– Vứt bỏ khăn giấy hoặc khăn lau mắt dùng một lần, bỏ khăn mặt vào sọt chứa đồ giặt ngay sau khi sử dụng.
3. Sử dụng thuốc nhỏ mắt (không cần đơn thuốc).
Hầu hết, các loại thuốc nhỏ mắt thông thường là những dung dịch bôi trơn dịu nhẹ có chiết xuất từ nước muối được sử dụng thay thế cho nước mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể làm giảm triệu chứng khô mắt do đau mắt đỏ gây ra và rửa sạch các chất bụi bẩn gây kéo dài các triệu chứng viêm kết mạc do siêu vi, vi khuẩn, hoặc do dị ứng.
Một vài loại thuốc nhỏ mắt không cần kê toa có chứa chất kháng histamin được đánh giá là cách chữa đa mắt đỏ do dị ứng vô cùng hữu hiệu.
4. Chườm lạnh hoặc chườm ấm.
Ngâm một chiếc khăn mềm, sạch, không bị dính bụi vào nước. Sau đó, vắt khăn thật khô, nhắm mắt lại rồi chườm nhẹ khăn lên mắt.
Cách tốt nhất để chữa đau mắt đỏ tại nhà do dị ứng là chườm lạnh, nhưng chườm ấm giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và làm giảm sưng tấy khi mắc bệnh viêm kết mạch do siêu vi hoặc do vi khuẩn.
Lưu ý: Chườm ấm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang vùng mắt còn lại. Vì vậy, bạn nên thay gạc sau mỗi lần sử dụng và dùng các miếng gạc khác nhau cho mỗi bên mắt.
5. Tháo bỏ kính áp tròng.
Nếu đang sử dụng kính áp tròng thì hãy tháo bỏ ngay khi biết bị đau mắt đỏ. Kính áp tròng có thể gây khó chịu cho mắt, làm các biến chứng trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, kính áp tròng còn có thể lưu giữ lại các vi khuẩn gây viêm kết mạc trong mắt.
Loại kính áp tròng sử dụng một lần (disposable contacts) có thể loại bỏ ngay nếu bạn sử dụng chúng trong khi bị viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc do siêu vi.
Loại kính áp tròng sử dụng nhiều lần (non-disposable contacts) nên được làm sạch kỹ lưỡng trước khi tái sử dụng.
6. Ngăn ngừa lây lan.
Đau mắt đỏ do siêu vi và do vi khuẩn đều rất dễ lây lan và bạn có thể bị tái nhiễm sau khi khỏi bệnh nếu bệnh lây lan sang các thành viên khác trong gia đình. Cách ngăn ngừa lây lan căn bệnh này là:
– Không chạm tay vào mắt. Nếu chạm tay vào mắt hoặc mặt, hãy nhanh chóng rửa sạch tay ngay lập tức. Ngoài ra, bạn cũng nên rửa tay sau khi sử dụng các loại thuốc dành cho mắt.
– Sử dụng khăn mặt sạch và thay vỏ gối mỗi ngày trong suốt thời gian bị bệnh.
– Không dùng chung bất kỳ sản phẩm nào chạm vào mắt như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính áp tròng, mỹ phẩm dùng cho mắt, dung dịch dùng cho kính áp tròng, hộp đựng kính hoặc khăn lau kính.
– Không sử dụng mỹ phẩm trên mắt cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn bởi các loại mỹ phẩm này có thể làm bạn tái nhiễm bệnh. Nếu bạn từng sử dụng bất kỳ một loại mỹ phẩm nào đó khi bị đau mắt đỏ, hãy vứt bỏ nó ngay.
– Xin nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày. Hầu hết, mọi bệnh nhân khi mắc bệnh đau mắt đỏ do siêu vi có thể đi học hoặc đi làm sau 3 đến 5 ngày, khi các triệu chứng được cải thiện rõ rệt. Nhiều người bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể đi học hoặc đi làm sau khi các triệu chứng biến mất hoặc 24 giờ sau khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh.
Lưu ý về thực phẩm cho người đau mắt đỏ
1. Thực phẩm nên kiêng
Những thực phẩm có mùi tanh
Chất tanh trong tôm, cá, ốc, …sẽ làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm. Ngoài ra mùi tanh còn làm tăng thêm các triệu chứng khó chịu khi bị đau mắt đỏ. Vì thế nếu bị đau mắt đỏ thì không nên ăn đồ tanh để giảm bớt sự khó chịu cũng như giúp bệnh nhanh khỏi.
Rau muống
Rau muống sẽ làm mắt sản sinh ghèn nhiều, khiến những người đau mắt đỏ khỏ chịu và làm cho bệnh lâu khỏi. Những người bị đau mắt đỏ không nên ăn rau muống hoặc uống nước canh rau muống. Một trong những cách chữa đau mắt đỏ không cần dùng thuốc là kiêng thực phẩm như rau muống.
Những chất kích thích
Những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá rất có hại cho cơ thể. Khi khỏe mạnh cơ thể chúng ta có thể chống lại những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng những chất này. Nhưng khi bị bệnh, các chất này sẽ gây tác động xấu cho sự phát triển của bệnh. Chúng rất dễ gây những biến chứng nguy hiểm.
Rượu bia sẽ làm giảm chức năng nhìn của mắt, khiến mắt phải điều tiết mạnh hơn. Trong điều kiện đang bị đau mắt đỏ mà khiến mắt phải làm việc nhiều hơn sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Trong thuốc lá có lượng nicotin chúng có tác động vào hệ thần kinh cũng làm tăng sự điều tiết của mắt.
Mỡ động vật
Việc sử dụng mỡ động vật vẫn được nhiều gia đình sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Sử dụng mỡ động vật khiến tăng lượng mỡ trong máu, có ảnh hưởng không tốt đến bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra ăn nhiều mỡ động vật còn khiến bạn dễ mắc các bệnh như béo phì, nội tạng nhiễm mỡ, … Do vậy, bạn nên thay đổi thói quen sử dụng mỡ động vật thay bằng dầu thực vật.
Uống đồ uống có ga
Đồ uống có ga làm tăng lượng đường trong máu, có thể khiến bạn hoa mắt, chóng mặt gây ảnh hưởng xấu đến việc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Cách chữa đau mắt đỏ hiệu quả nhất là kết hợp vệ sinh sạch sẽ và chế độ dinh dưỡng.
2. Thực phẩm nên ăn
Cà rốt
Cà rốt là một trong những loại thực phẩm tốt nhất cho mắt vì chúng chứa lượng beta-carotene cao – chất sẽ chuyển đổi thành vitamin A, làm cho võng mạc và các bộ phận khác của mắt bạn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn cà rốt thôi không thực sự giúp bạn có đôi mắt khỏe mạnh vì vitamin A sẽ không phát huy hết hiệu quả. Do đó, bạn nên ăn cà rốt kết hợp với một số loại thực phẩm khác để giúp mắt phòng ngừa bệnh tật.
Rau xanh
Các loại rau xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa carotenoid, cụ thể là lutein và zeaxanthin. Hai carotenoid này được tìm thấy trong võng mạc, giúp mắt bạn nhìn chi tiết và nhìn gần tốt hơn. Lutein cũng được biết đến như một chất hỗ trợ hấp thụ ánh sáng màu xanh. Điều này có thể giúp bạn duy trì chu kỳ ngủ và phản xạ học tập tốt hơn. Bạn nên chọn những loại rau xanh như cải lá xoăn, cải bó xôi, rau cải cầu vồng, rau cải rổ, bông cải xanh và bắp cải con vì chúng chứa hàm lượng lutein cao nhất.
Ớt chuông cam
Theo một nghiên cứu do tạp chí Anh quốc xuất bản, ớt chuông cam có hàm lượng zeaxanthin cao nhất so với 32 loại quả và rau củ khác. Kết hợp ớt chuông cam với các loại rau xanh khác trong một bữa ăn có thể cung cấp cho bạn lượng lutein và zeaxanthin rất cao. Do vậy, bạn có thể bổ sung loại thực phẩm này khi bị đau mắt đỏ.
Lòng đỏ trứng
Lòng đỏ trứng có lượng lutein và zeaxanthin thấp nhưng lại có chứa các hợp chất cần thiết cho sức khỏe như chất béo và chất đạm lành mạnh. Mặc dù lượng lutein và zeaxanthin thấp, nhưng ngược lại loại thực phẩm này có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Vì vậy, ăn lòng đỏ trứng có lợi cho mắt của bạn hơn so với các thực phẩm giàu chất carotenoid khác.
Theo Hiệp hội sinh học thực nghiệm Hoa Kỳ (FASEB), việc kết hợp trứng với salad có thể giúp bạn tăng hấp thu carotenoid gấp 9 lần. Tuy nhiên, trước khi chế biến lòng đỏ trứng, bạn nên lưu ý rằng nhiệt độ cao sẽ làm phân hủy lutein và zeaxanthin, làm giảm chất lượng oxy hóa mà mắt bạn có thể hấp thụ. Do đó, để hấp thu chất dinh dưỡng từ trứng một cách tốt nhất, bạn nên ăn trứng luộc hoặc lòng đỏ trứng sống.
Dầu cá
Dầu cá rất giàu omega-3, một loại chất béo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Đối với mắt, omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc mắt xuống 60%. Ngoài ra, omega-3 có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm, giúp bảo vệ mắt khi bị đau mắt đỏ. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Surgery Neurology, tình trạng đau mắt đỏ ở những người thường xuyên uống dầu cá giàu omega-3 cải thiện đáng kể so với những người chỉ sử dụng thuốc kháng viêm không steroid.
Chất chống oxy hóa astaxanthin
Astaxanthin là một loại thực phẩm bổ sung chống lại tình trạng oxy hóa do vi khuẩn Haematococcus pluvialis sản sinh. Chất này có tác dụng mạnh hơn lutein và zeaxanthin kết hợp. Ngoài đau mắt đỏ, astaxanthin còn có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề liên quan đến mắt khác như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, phù hoàng mạch và tắc nghẽn động mạch võng mạc.
Cây lý chua đen
Cây lý chua đen có hàm lượng anthocyanin cao (một loại flavonoid), dao động từ 190–270 mg trong mỗi 100g loại quả này. Anthocyanin có thể giúp bạn cải thiện thị lực hoặc khả năng nhìn thấy các vật thể ở khoảng cách xa với bạn.
Quả việt quất
Việt quất chứa hàm lượng anthocyanin cao. Điều thú vị ở đây là chiết xuất anthocyanin từ quả việt quất rất khác với chiết xuất của chất này từ quả lý chua đen. Theo nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, anthocyanin từ quả việt quất có khả năng giúp bạn phòng chống tình trạng viêm ở mắt.
Theo Hoàng Lan (Khám phá)