Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan do người ho phát tán virus trong không khí và người lành hít phải. Bệnh thường diễn biến lành tính, nhưng đôi khi có thể tiến triển nặng dẫn đến biến chứng bội nhiễm, viêm phổi, viêm cơ tim, thậm chí tử vong. Việc cần làm là biết được thủy đậu điều trị như thế nào để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.
1. Bệnh thủy đậu điều trị theo nguyên tắc nào?
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là do virus cho nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, đặc biệt là giảm ngứa và tránh bội nhiễm trên da. Kết hợp với dùng thuốc kháng virus như acyclovir, vidarabine… để diệt virus Herpes zoster, đặc biệt với những trường hợp bị suy giảm miễn dịch.
- Thủy đậu điều trị chủ yếu là hỗ trợ giảm triệu chứng kết hợp với điều trị kháng virus
Tuy nhiên, bệnh thủy đậu điều trị như thế nào, bị thủy đậu dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu cần phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh hoặc người nhà tuyệt đối không tự ý mua thuốc. Khi nốt thủy đậu bị vỡ, có thể dùng tăm bông nhúng vào các dung dịch sát khuẩn như: nước oxy già, dung dịch betadin hay xanh metylen chấm vào. Tiếp đó dùng bông vô trùng thấm khô, bông này sau khi dùng xong phải cho vào túi ni lông buộc kín, cho vào nước đun sôi để diệt mầm bệnh tránh lây lan bệnh.
Khi trẻ sốt cao trên 38 °C, cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt Paracetamol, với liều lượng 10mg/1kg cân nặng. Khi ở trẻ có nhiều nốt phỏng bị vỡ hoặc có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng cho trẻ đi bệnh viện ngay để được điều trị, phòng sốc do mất nước, bội nhiễm và đề phòng các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
2. Thủy đậu điều trị bằng cách nào?
Điều trị thủy đậu chủ yếu là điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng kết hợp với điều trị kháng virus.
a. Điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng:
- Bệnh thủy đậu điều trị bằng cách dùng thuốc giảm triệu chứng cho trẻ
- Nếu trẻ có sốt thì dùng hạ sốt bằng Paracetamol. Không được dùng aspirin hoặc những thuốc cảm có chứa aspirin cho trẻ em do nguy cơ xảy ra hội chứng Reye (một bệnh chuyển hóa nặng gồm tổn thương não và gan dẫn đến tử vong).
- Các nốt đậu thường gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Vậy thủy đậu làm sao hết ngứa? Khi trẻ cảm giác ngứa nhiều, khó chịu, trẻ gãi nhiều có nguy cơ bội nhiễm thì điều trị bằng thuốc kháng histamin.
- Hàng ngày chăm sóc tốt các tổn thương da, tại chỗ nốt đậu bị dập vỡ nên chấm dung dịch xanh methylen, bôi thuốc chống ngứa tại nốt phỏng.
- Khi trẻ có biến chứng bội nhiễm cần tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn kháng sinh phù hợp.
b. Điều trị kháng virus
– Trong vòng 24 giờ đầu khi xuất hiện nốt đậu dùng thuốc chống virus loại acyclovir để rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Liều lượng phụ thuộc vào lứa tuổi hoặc cân nặng (đối với trẻ nhỏ).
– Với những trường hợp nặng hơn hoặc có biến chứng như viêm màng não, trẻ suy giảm miễn dịch, có thể dùng acyclovir đường tĩnh mạch.
Lưu ý: Việc bị thủy đậu uống thuốc acyclovir cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hoặc nghe người khác mách bảo mà dùng thuốc sai lầm, dẫn đến thủy đậu bội nhiễm nặng.
3. Cách chăm sóc các vết tổn thương da và niêm mạc do bị thủy đậu
Khi có biểu hiện tổn thương cần phải tuân thủ nguyên tắc sau: tuyệt đối không cào, gãi, xát chanh, xát muối, đắp đậu xanh, gạo nếp lên các vết thương tổn. Vì nếu làm như vậy, sẽ làm cho tổn thương sâu hơn, lan rộng hơn và đặc biệt gây nhiễm trùng, loét và việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân vẫn có thể tắm rửa hàng ngày nhưng không được xát xà phòng trực tiếp lên vùng da bệnh, cần kiêng uống rượu bia và thức ăn nhiều gia vị cay, nóng. Nên ăn các thức ăn bổ sung vitamin và các yếu tố vi lượng để tăng sức đề kháng cho da và niêm mạc.
DS. Nguyễn Thị La