Định nghĩa
Da nhạy cảm được biết đến với nhiều tên gọi: “reactive skin”, “overreactive skin”, “intolerant skin”, “irritable skin”, nhưng cái tên “sensitive skin” – da nhạy cảm vẫn được sử dụng nhiều nhất.
Theo Diễn đàn quốc tế nghiên cứu về ngứa (International Forum for the Study of Itch) năm 2017, tạp chí Lâm sàng Da liễu Mỹ (American Journal of Clinical Dermatology) năm 2019, da nhạy cảm được định nghĩa là sự xuất hiện cảm giác khó chịu (châm chích, nóng rát, đau, ngứa) đáp ứng với một kích thích bên ngoài mà không xảy ra trên người có làn da khoẻ mạnh.
Da nhạy cảm không phải là bệnh da nghiêm trọng nhưng rất thường gặp. (Ảnh minh họa)
Dịch tễ
Da nhạy cảm không phải là bệnh da nghiêm trọng nhưng rất thường gặp. Tỉ lệ da nhạy cảm ở nữ cao hơn ở nam. Qua rất nhiều nghiên cứu cắt ngang, tỉ lệ da nhạy cảm là 1/3 ở nam và 1/2 ở nữ trên toàn bộ dân số nói chung.
Cơ chế
Da nhạy cảm không phải là bệnh da dị ứng hay tự miễn. Ba cơ chế chính của da nhạy cảm là hàng rào da bị tổn thương; tổn thương thần kinh và sự thay đổi về mạch máu:
– Một số nghiên cứu cho thấy ở da nhạy cảm, hàng rào da thường không toàn vẹn, có sự mất nước qua thượng bì và giảm nồng độ các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên. Không quan sát thấy sự liên quan đến pH của da và mức độ tiết bã nhờn trong da nhạy cảm.
– Cơ chế thần kinh được quan tâm nhiều nhất khi quan sát thấy sự tăng mật độ sợi C ở thượng bì (sợi thần kinh truyền cảm giác nóng, lạnh, ngứa). Ngoài ra còn thấy sự liên quan giữa hội chứng ruột kích thích và da nhạy cảm, những bệnh có cơ chế qua thần kinh. Các nghiên cứu cũng cho thấy có sự tăng hoạt động của Receptor TRPV1 (transient receptor potential vanilloid 1) hơn so với ở da không nhạy cảm. TRPV1 bị kích hoạt bởi capsaicin, pH thấp, acid lactic, tia UV, nhiệt… Đây cũng là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng nhạy cảm ở da.
– Sự thay đổi về mạch máu có thể thấy là giãn mạch nông nhưng thường không biểu hiện ban đỏ và các tình trạng viêm da có thể tìm thấy được. Quan sát được hiện tượng này thông qua Laser doppler velocimetry (LDV) và Confocal Raman microspectroscopy.
Nguyên nhân
Có 4 nhóm nguyên nhân chính:
– Các yếu tố nội tại của da: Tổn thương hàng rào da, nhạy cảm hệ thần kinh, các bệnh viêm da có sẵn.
– Các yếu tố trong cơ thể: Hormon, căng thẳng, rối loạn cảm xúc…
– Yếu tố về lối sống: Thói quen dùng mỹ phẩm, chế độ ăn, dùng rượu…
– Yếu tố về môi trường: Ô nhiễm môi trường, thời tiết (nóng, gió), tia UV…
Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2019 trên 20,486 người bệnh, cho thấy các yếu tố khởi phát da nhạy cảm thường gặp nhất là: Mỹ phẩm (OR: 7.12), không khí ẩm ướt (OR: 3.83), thay đổi nhiệt độ (OR: 3.53)…
Các yếu tố nguy cơ của da nhạy cảm là nữ giới, da trắng, có bệnh da nền, thói quen dùng mỹ phẩm (chứa nhiều AHA, alcohol)…
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng của da nhạy cảm thường rất mơ hồ, chủ yếu khai thác qua lời kể của người bệnh. Đó là cảm giác ngứa, rát, bỏng, châm chích sau vài phút đến vài giờ sau tiếp xúc với mỹ phẩm, môi trường hoặc sau vài lần sử dụng các sản phẩm (hiệu ứng tích luỹ). Có thể gặp các dấu hiệu của da kích ứng như đỏ, bong vảy nhưng không thường gặp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán da nhạy cảm hiện nay dựa vào 3 bước: Đánh giá lâm sàng; Dùng bộ câu hỏi tự đánh giá và các test trên da.
– Đánh giá lâm sàng: Khai thác tiền sử gia đình, các sản phẩm bôi, thói quen, lối sống, nghề nghiệp, yếu tố khởi phát và quan trọng nhất là hỏi cảm giác. Tìm các dấu hiệu viêm da và loại trừ các bệnh da khác như viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, viêm da dầu, viêm da tiếp xúc.
– Các bảng kiểm tự đánh giá: Các thang điểm hay dùng: Ten-item questionnare for assessing sensitive skin – Sensitive scale (Misery và cộng sự), Score d’Irritabilité Global Local (Gougerot và cộng sự), Scales for sensitive skin specifically related to cosmetic or environmental factors (Querleux và cộng sự), Scales for specialized locations: 3S questionnaire for sensitive scalps (Misery và cộng sự).
– Test trên da: Dùng các chất kích thích (acid lactic, capsaicin, nicotin…), thay đổi nhiệt độ… để đánh giá phản ứng thần kinh cảm giác, các dấu hiệu da bị kích ứng. Ngoài da có thể do các thông số cấu trúc và sinh lý da (độ mất nước qua da, độ dày thượng bì, pH da). Một vài trường hợp cần làm test áp để loại trừ viêm da tiếp xúc dị ứng.
Bảng: Các đánh giá phản ứng thần kinh cảm giác ở da nhạy cảm
Điều trị da nhạy cảm
Điều trị da nhạy cảm gồm:
Điều trị chung
– Điều trị các bệnh da có triệu chứng
– Giai đoạn cấp: Có thể tuỳ từng mức độ mà dùng corticoid tại chỗ nhẹ và trung bình (3-4 ngày), pimedrolimus, tacrolimus (dùng trong thời gian dài)
– Làm mát: Xịt khoáng, tránh nắng
– Dưỡng ẩm: Chọn những loại dưỡng ẩm không mùi, không có chất kích ứng như ure
– Chống nắng
– Điều trị da nhạy cảm bằng cách tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố khởi phát nghi ngờ. Dừng tất cả các mỹ phẩm đang dùng trong 2 tuần, sau đó có thể thử lại từng loại một. Sau đó, đánh giá phản ứng của từng sản phẩm. Các sản phẩm ưu tiên dùng cho da nhạy cảm: Được đánh giá tính ổn định từng thành phần, không có ethanol, propylene glycol; dạng bột, có thể rửa sạch dễ dàng bởi nước, không có mùi.
Bác sĩ Vương Chiến trực tiếp hướng dẫn các học viên
Điều trị đặc hiệu
– Trans-4-tert-butylcyclohexanol (đối kháng TRPV1). Một nghiên cứu năm 2010 của Thomas Kueper và cộng sự trên 30 bệnh nhân: dùng Trans-4-tert-butylcyclohexanol 0.4% sau khi test capsaicin thì thấy các bệnh nhân đều có giảm triệu chứng nhanh.
– Pimecrolimus. Nghiên cứu năm 2012 của Xie ZQ và cộng sự trên 32 bệnh nhân da nhạy cảm, dùng pimecrolimus 1% bôi tại chỗ, cho thấy giảm điểm ngứa và nóng rát có ý nghĩa.
– Bifidobacterium longum ap 10%. Nghiên cứu năm 2009 của Audrey Gueniche và cộng sự trên 66 phụ nữ có da nhạy cảm sau khi đánh giá bằng test acid lactic, chia thành 2 nhóm: 33 người được dùng kem có chứa Bifidobacterium longum ap 10%, và 33 người dùng giả dược. Kết quả cho thấy giảm triệu chứng có ý nghĩa sau 29 ngày ở nhóm người dùng Bifidobacterium longum ap 10%.