Cách giúp trẻ không mè nheo và bám mẹ.

Cách giúp trẻ không mè nheo và bám mẹ.

Bình thường khi không có mẹ, như khi ở nhà với ông bà, trẻ thường rất ngoan hoặc không có vấn đề gì. Nhưng khi mẹ về hoặc chỉ cần nghe tiếng mẹ là bé mè nheo, hết đòi bế, hết khóc rồi đến không chịu cái này cái kia, và cực kì bám mẹ. Điều này là tình trạng chung của nhiều trẻ hay chỉ riêng một số trẻ?

Tại sao trẻ hay mè nheo khi có mẹ?

Điều gì tạo nên “những biểu hiện thái quá” ở trẻ như vậy? Thực ra, với trẻ dưới 10 tuổi, và ngay từ 8 tháng tuổi tự trẻ đã nhận thức được mẹ là nơi bình yên và an toàn nhất của các bé- nơi mà trẻ có thể làm thứ trẻ muốn và biết rằng mẹ sẽ luôn giữ chúng được an toàn. Một số chuyên gia tâm lý ví von người mẹ là bể chứa và đứa trẻ là vòi xả những cảm xúc. Có thể cả ngày ở trường hay ở với ông bà trẻ đã “gồng” nhiều, khi gặp mẹ những biểu hiện mè nheo hay khóc đòi là dễ hiểu.

Cách giúp trẻ không mè nheo và bám mẹ.

Thật ra, người lớn chúng ta cũng vậy, ở 1 thế giới nào đó chúng ta phải gồng mình thích nghi, nhưng ở một thế giới khác chúng ta luôn cảm thấy bình an và buông lỏng. Trẻ con cũng vậy! khi có mẹ, các con trở về với cảm xúc nguyên thủy là nơi mà các con cảm thấy bình an nhất. Chỉ là với trẻ nhỏ các con chưa phát triển não bộ hoàn toàn, cũng thiếu ngôn ngữ diễn đạt, do đó, đôi lúc sẽ có những biểu hiện hành vi khó hiểu như đòi bế, đòi ôm, đòi mẹ nói nhỏ nhẹ…

Chúng ta không nên cản cảm xúc này của trẻ, mà điều chúng ta nên làm là giúp các con thể hiện cảm xúc theo cách tốt hơn và có lợi cho các con hơn.

Đây là một số bước các bạn có thể tham khảo để giúp trẻ trưởng thành hơn:

1. Chấp nhận bản thân là 1 bể chứa bình an cho các con. Điều này có nghĩa người mẹ cần có thái độ đúng khi trẻ thể hiện cảm xúc. Thái độ đúng là gì? bạn nên có thái độ ân cần và lắng nghe, hơn là hổ báo hay bỏ qua cho qua chuyện. VD, khi bạn đang dở tay làm cá, mà trẻ chạy lại vòi bạn bế. Bạn có thể ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ và nói: con thấy tay mẹ dơ không, để mẹ làm nốt xong việc này nhé! Con có muốn xem mẹ làm cá không nhỉ?

2. Cha mẹ học cách quan sát hành động của trẻ, để hướng bé cố dùng ngôn ngữ hoặc cử chỉ để giao tiếp, hơn là dùng tiếng khóc hoặc hành vi cắn, đánh, phá để giao tiếp.

Trẻ có thể mè nheo hoặc tỏ ra bực bội ở bất kì tình huống nào miễn là có bạn. Ví dụ, khi đọc sách cho trẻ, tự nhiên trẻ bực bội đòi lật và kéo rách trang sách, sau đó trẻ khóc và nói như: “con giận mẹ, con giận mẹ luôn”. Hãy quan sát lúc mà trẻ giành lật trang sách, và ngay lúc này hãy dạy trẻ cách mà trẻ muốn nói “con muốn xem trang này” bạn vỗ lên trang sách và nói “lật trang mới”. Sau đó, bạn đặt tay trẻ lên sách và vỗ vỗ cho trẻ thấy. Dần dần trẻ sẽ sử dụng cách này mỗi khi muốn lật sang trang mới. Đó là cách chúng ta giúp trẻ diễn đạt điều trẻ muốn và hạn chế các hành vi phi ngôn ngữ như giành giật và đánh cắn.

3. Bạn không nhất thiết phải làm hết mọi thứ mà trẻ mè nheo đòi. Bạn có quyền chọn cách để trẻ chọn và chấm dứt nó. VD, trẻ đòi bạn bồng hoài, điều này bạn có quy định khi nào bạn bồng hoặc bồng bao nhiều lần… Có lẽ, bạn nghĩ trẻ sẽ khóc và không cho bạn quy định gì cả. Đó cũng nằm trong quy định bạn luôn. Nếu trẻ khóc hoặc đi ngược với giao kèo thì điều kiện và trò chơi sẽ chấm dứt. Các bé từ 2 tuổi sẽ hiểu quy định và giữ giao kèo rất tốt. Có thể một vài lần đầu trẻ sẽ đi sai giao kèo, nhưng trẻ sẽ tự điều chỉnh để đi đúng và hành vi từ đó mà được cải thiện.

Để kết, tôi muốn nhắc lại câu ví von vừa rồi: người mẹ là một bể chứa, còn đứa trẻ là vòi xả những cảm xúc vì với trẻ mẹ là nơi an toàn nhất. Biết được điều này, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm, yêu thương và hiểu hành vi mè nheo của trẻ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giúp trẻ biết cách thể hiện cảm xúc và giúp các con trưởng thành hơn.

————-

Nguồn tham khảo:

Anh Nguyen

Barlow J, et al. Preventing emotional and behavioural problems: the effectiveness of parenting programmes with children less than 3 years of age. Child Care Health Dev. 2005 Jan;31(1):33-42.

Pepper, J. & Weitzman, E. (2004). It Takes Two to Talk: A practical guide for parents of children with language delays (2nd ed.). Toronto: The Hanen Centre.

————-

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
– Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
– Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
– Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616

 

Rate this post

Viết một bình luận