Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sỹ Đinh Thị Mỹ Hạnh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ cơ thể, thường gây ra do nhiễm ký sinh trùng hoặc virus. Phản ứng sốt nói chung vô hại và là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang chống lại tác nhân gây bệnh. Sốt thường không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu, mệt mỏi và muốn được hạ sốt nhanh chóng.
1. Khi nào cần hạ sốt nhanh?
Thân nhiệt con người là 37oC. Tuy nhiên trên thực tế, mức nhiệt bình thường có thể dao động trong khoảng từ 36,1 độ C đến 37,2 độ C hoặc hơn. Theo đó, sự thay đổi thân nhiệt tùy thuộc vào mức độ hoạt động và thời điểm đo trong ngày. Thông thường, người già có nhiệt độ cơ thể thấp hơn người trẻ.
Dấu hiệu đo thân nhiệt cho thấy cần tìm cách hạ sốt gấp bao gồm:
- Nhiệt độ tại trực tràng, tai hoặc thái dương từ 38 độ C trở lên;
- Nhiệt độ ở miệng từ 37,8 độ C trở lên;
- Nhiệt độ tại nách từ 37,2 độ C trở lên.
Khi người lớn hoặc trẻ em bị sốt, mục tiêu chính của việc hạ sốt nhanh tại nhà là giảm bớt sự khó chịu và bệnh nhân có thể nghỉ ngơi. Điều trị sốt có thể cải thiện triệu chứng nhưng không thể rút ngắn hay kéo dài thời gian bệnh. Nhiệt độ cơ thể tăng ngắn hạn có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, sốt nặng có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
2. Hướng dẫn nhanh cách hạ sốt
Những lời khuyên sau đây là cách để hạ sốt hiệu quả tại nhà:
- Uống nhiều nước, có thể dùng dung dịch oresol hoặc nước trái cây để tránh mất nước
- Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoải mái;
- Đắp chăn nếu cảm thấy ớn lạnh, cho đến khi triệu chứng này biến mất;
- Không được cho trẻ uống aspirin;
- Không nên cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào cho đến khi được bác sĩ khám và chẩn đoán.
- Sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen theo hướng dẫn trong tờ thông tin thuốc.
Sốt ở người lớn trên 65 tuổi thường không cần đến một chế độ điều trị đặc biệt. Tuy vậy, bệnh nhân cao tuổi vẫn nên đề phòng các triệu chứng như khó thở hay chóng mặt. Nếu gặp phải những triệu chứng như vậy, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
3. Một số hướng dẫn khác
Trường hợp sốt kèm theo tình trạng suy giảm hệ miễn dịch (người mắc bệnh HIV, ung thư hoặc các bệnh tự miễn), bệnh nhân cần đến bệnh viện để tìm cách xử lý thích hợp.
Sốt thường là dấu hiệu của nhiễm trùng. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng chuyển biến sang thể nguy hiểm rất nhanh và khó điều trị. Do đó, đặc biệt với những bệnh nhân sốt có hệ thống miễn dịch suy giảm, việc hỗ trợ và chăm sóc y tế là rất quan trọng và cần được thực hiện sớm.
4. Những sai lầm khi hạ sốt nhanh tại nhà 4.1. Kết hợp nhiều loại thuốc
4.1. Kết hợp nhiều loại thuốc
Khi chưa nhận diện được nguyên nhân gây ra sốt, không nên tự ý kết hợp nhiều loại thuốc với nhau và xem đó như một cách hạ sốt gấp. Việc sử dụng paracetamol kết hợp ibuprofen là tuyệt đối cấm nếu bị sốt xuất huyết. Ngoài ra, phối hợp 2 hay nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau có nguy cơ bị quá liều thuốc và gây tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là loét dạ dày.
Đối với trẻ em, phụ huynh không được tùy tiện phối hợp thuốc để hạ sốt nhanh cho con. Hoạt chất ibuprofen mặc dù có tác dụng hạ sốt, nhưng không phải là nhóm thuốc ưu tiên dùng cho đối tượng trẻ em. Việc tự ý phối hợp thuốc có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm, nhất là với các trẻ bị sốt do nhiễm trùng. Trẻ em là đối tượng rất dễ bị sốt xuất huyết vào mùa nắng nóng. Trong khi đó, các loại thuốc hạ sốt thông thường sẽ không có tác dụng với bệnh nhân sốt xuất huyết, một số còn bị chống chỉ định do có nguy cơ gây ra xuất huyết trầm trọng.
Để hỗ trợ hạ sốt nhanh và hiệu quả, loại thuốc được ưu tiên dùng hàng đầu, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là acetaminophen (paracetamol). Tuy nhiên, phụ huynh cần phải chú ý về liều lượng, số lần dùng và thời gian dùng thuốc để tránh nguy cơ quá liều.
4.2. Tắm nước ấm, chườm khăn ấm, chườm lạnh
Chườm khăn ấm là cách được nhiều phụ huynh áp dụng cho con nhằm mục đích hạ sốt gấp. Tuy những biện pháp này được các bà mẹ tin tưởng là cách hạ sốt nhanh cho trẻ nhưng trên thực tế, các phương pháp vật lý hầu như không có tác dụng làm giảm sốt. Những cách khác như tắm nước ấm, lau người bằng cồn y tế, chườm lạnh đều không được khuyến khích áp dụng cho trẻ em.Tuy không có công dụng hạ sốt nhưng các biện pháp này giúp cho cả phụ huynh và bản thân các bé cảm thấy thoải mái, tinh thần dễ chịu hơn, tránh hoang mang, lo lắng thái quá. Nếu trẻ bị sốt kéo dài quá 3 ngày, dùng thuốc hạ sốt nhưng không có tác dụng, bị nhiễm trùng hoặc dị ứng với thuốc thì nên đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu đo thân nhiệt thấy sốt trên 40oC thì phải vừa cho dùng thuốc vừa đưa trẻ đi viện ngay. Đặc biệt, những bệnh nhân bị viêm gan, vàng da do tắc mật thì không được dùng thuốc tại nhà nếu chưa có hướng dẫn từ bác sĩ. Trong mọi trường hợp, nếu cảm thấy không chắc chắn về nguyên nhân gây sốt và cảm thấy khó chịu, mệt mỏi thì nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tìm cách hạ sốt hiệu quả.
Để được tư vấn kỹ hơn và thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, Quý khách hàng có thể đặt lịch trực tiếp trên website để được phục vụ tốt nhất.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo:Mayoclinic.org; Healthline.com