Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh tro là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm. Cùng tìm hiểu cách làm bánh tro (bánh gio, bánh ú) cho ngày Tết diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 đủ đầy.

Bánh tro là gì? làm từ gì?

Bánh tro hay còn được gọi với cái tên là bánh ú tro, bánh nẳng hay bánh gio. Loại bánh này được làm từ gạo nếp ngon cùng nước lấy từ tro của lá một số loại thảo dược hoặc nước tro tàu. Tùy vào từng vùng miền mà nguyên liệu làm bánh sẽ có sự khác biệt.

Hiện nay, bánh tro có 2 phiên bản là bánh có nhân và không nhân. Nếu như người miền Bắc làm bánh không có nhân khi ăn chấm cùng mật mía thì người Hoa lại có món bánh tro nhân đậu xanh và thịt ba chỉ heo ăn rất thơm ngon.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 1

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 2

Bánh tro đặc sản ở đâu?

Tại Việt Nam, bánh tro tỉnh nào cũng có nhưng một số vùng có cách làm món bánh này ngon hơn hẳn.

– Ở miền Bắc, bánh tro nổi tiếng là đặc sản của làng Đắc Sở (Hà Nội), Tây Đình, chợ Tràng (Vĩnh Phúc), Làng Dòng, Thanh Sơn (Phú Thọ).

– Khu vực miền Trung thì các vùng như Yên Lãng (Thanh Hóa), Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định có món bánh nẳng rất ngon.

– Miền Nam có bánh ú bá trạng của cộng đồng người Hoa.

Hướng dẫn cách làm 2 loại bánh tro truyền thống

Tùy vào từng loại bánh tro mà cách làm sẽ khác nhau. Tham khảo công thức làm bánh ngon chuẩn vị ngay sau đây.

1. Bánh tro chấm mật truyền thống

Bánh tro (bánh gio) chấm mật truyền thống có hương vị rất ngon. Phần bánh làm từ nếp cái hoa vàng nên hạt gạo dẻo thơm đặc trưng. Bánh màu hổ phách trong suốt ăn vào có cảm giác mát lạnh, chấm cùng mật mía ngọt thơm cực kỳ cuốn.

– Nguyên liệu làm bánh gồm có:

+ Gạo nếp cái hoa vàng: 1.5kg

+ Nước tro tàu: 1.5 lít

+ Lá chuối/lá dong/lá tre, lạt.

* Mẹo hay: Nước tro tàu bạn có thể mua sẵn hoặc tự làm tại nhà. Cách làm nước tro tàu không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Nguyên liệu cần có:

+ Than củi

+ Nước đun sôi để nguội

Cách làm như sau:

+ Bạn cho than củi sạch vào 1 chai nhựa sau đó đổ nước đun sôi để nguội vào đầy chai. Chú ý, phần than chiếm khoảng 1/3 chai nhựa.

+ Ngâm than trong khoảng 3 – 4 ngày. Đổ phần nước than đã ngâm qua khăn xô để gạn lấy phần nước trong.

+ Tiếp tục ủ nước than vừa gạn khoảng 1 đêm rồi lọc thêm 1 lần nữa là bạn đã có nước tro tàu để làm bánh rồi.

– Cách làm bánh như sau:

Bước 1: Chuẩn bị gạo nếp

+ Gạo nếp đem vo sạch rồi ngâm khoảng chừng 4 – 8 tiếng.

+ Khi gạo đã ngâm đủ thời gian, bạn đem đi vo thật sạch rồi đổ vào một chiếc thau cỡ vừa.

+ Trút 1.5 lít nước tro tàu đã chuẩn bị vào thau có gạo nếp và ngâm khoảng 22 tiếng khi hạt gạo mềm là được.

+ Vo gạo 1 lần nữa rồi đổ ra rổ cho ráo nước.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 3

Bước 2: Gói bánh

+ Lá dong đem rửa sạch rồi lau khô, dóc bỏ phần sống lá.

+ Xếp lá dong ra mâm phẳng rồi múc gạo nếp vào. Gói 2 bên mép lá lại sau đó dùng lạt cố định bánh.

Chú ý, buộc lạt chặt để tránh bánh bị bung ra trong quá trình luộc.

Bước 3: Luộc bánh

+ Xếp bánh vào trong nồi lớn rồi đổ nước lã ngập mặt bánh. Bạn nên đặt 1 vật nặng lên trên bề mặt để bánh có thể chín đều nhé.

+ Sau khoảng 2 – 3 tiếng thì bánh chín. Bạn vớt bánh ra để nguội và thưởng thức.

Bước 4: Thành phẩm

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 4

Bánh tro sau khi nguội có màu trong rất đẹp mắt. Đừng quên chuẩn bị thêm 1 bát mật mía để món ăn thêm tròn vị nhé.

2. Bánh tro người Hoa (bánh ú bá trạng)

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người Hoa có món bánh tro hay còn gọi là bánh ú bá trạng ăn cực kỳ ngon. Cách làm bánh tương tự như với bánh truyền thống của người miền Bắc nhưng thêm nhân thịt đậu xanh.

– Nguyên liệu:

+ Đỗ xanh: 200g

+ Hạt sen: 200g

+ Gạo nếp ngon: 900g

+ Nấm đông cô: 8 cái

+ Lạp xưởng: 50g

+ Thịt ba chỉ: 200g

+ Trứng muối: 8 cái

+ Tôm khô: 50g

+ Hành tím, dầu ăn, ngũ vị hương

+ Lá chuối

+ Rượu gạo

– Cách làm bánh tro người Hoa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

+ Gạo nếp ngâm khoảng 2 – 4 tiếng vo sạch, vớt ra để ráo nước.

+ Hạt sen và đậu xanh bạn đem hầm chín.

+ Thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn rồi ướp cùng hạt nêm, nước tương, ngũ vị hương, hạt tiêu trong vòng 30 phút.

+ Tôm khô, nấm đông cô ngâm nở mềm rồi thái nhỏ.

+ Lạp xưởng thái thành từng miếng vừa ăn.

+ Trứng muối rửa với rượu trắng để hết mùi tanh và màu trứng đỏ, đẹp hơn.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 5

Bước 2: Xào nhân bánh ú bá trạng

+ Bắc chảo sạch lên bếp rồi thêm vào đây 1 thìa dầu ăn. Cho 1 thìa hành tím băm nhỏ vào phi thơm rồi lần lượt trút thịt ba chỉ, tôm khô, nấm, hạt sen vào xào chín.

+ Nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.

Bước 3: Gói bánh

+ Lá chuối hơ nóng và cắt thành từng miếng với kích thước khoảng 40x40cm.

+ Xếp chồng 2 miếng lá chuối lên nhau sau đó bạn gấp lại để tạo thành hình chiếc phễu.

+ Múc gạo nếp vào bên trong rồi lần lượt cho đỗ xanh, nhân thịt đã xào. Đặt trứng muối vào giữa, thêm 1 lớp đậu xanh và cuối cùng là gạo nếp.

+ Phủ lá chuối lên trên cùng rồi gấp mép lá chuối lại. Dùng lạt gói chặt bánh để tránh gạo bị rơi ra ngoài.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 6

Bước 4: Luộc bánh

+ Xếp bánh vào trong nồi lớn rồi đổ nước ngập mặt bánh. Luộc khoảng từ 3 – 4 tiếng là bánh chín.

+ Vớt bánh ra rổ để cho nguội là có thể thưởng thức.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 7

Bánh tro người Hoa có hương vị thơm ngon, lớp gạo nếp dẻo thơm, nhân bên trong bùi béo ăn mãi không chán.

Mẹo làm bánh tro ngon, dẻo thơm không bị lại gạo

Dù áp dụng cách làm bánh nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải nắm vững những bí quyết sau để bánh dẻo thơm, không lo bị lại gạo.

– Chọn được gạo nếp ngon. Phần lớn người ta đều lấy gạo nếp cái hoa vàng, nếp nhung để gói bánh. Loại gạo này hạt tròn đều lại thơm và đặc biệt là cực kỳ dẻo, nhờ đó bánh sẽ ngon hơn.

– Ngâm gạo đủ thời gian cũng là bí kíp nâng tầm hương vị cho món bánh này. Việc ngâm gạo lâu sẽ giúp hạt gạo đủ ẩm để nở đều, đẹp hơn.

– Việc dùng nước tro tàu tuy tiết kiệm thời gian, công đoạn khi ngâm gạo nhưng loại nước này không thực sự tốt cho sức khỏe. Bạn nên dùng tro truyền thống được lấy từ các loại thảo mộc, thảo dược như thế bánh sẽ thơm và không lo hại cơ thể.

– Luộc bánh chín kỹ. Sau khi luộc xong bạn nên ngâm bánh trong nồi khoảng 30 phút để bánh chín, để lâu không sợ lại gạo.

Cách làm bánh tro, bánh ú bá trạng người Hoa ngày Tết Đoan Ngọ - 8

Bánh tro để được bao lâu?

Mỗi loại bánh tro lại có thời gian bảo quản khác nhau. Ví dụ, trong điều kiện thường, bánh tro chấm mật truyền thống có thể để được từ 1 – 2 ngày nhưng bánh tro người Hoa chỉ để được 1 ngày, nếu thời tiết nóng có thể sẽ ôi thiu.

Cách bảo quản bánh tốt nhất là cho vào ngăn đá của tủ lạnh. Nếu để theo cách này, thời gian sử dụng có thể kéo dài tới 2 tháng. Khi ăn, bạn chỉ cần lấy ra rồi luộc hoặc hấp lại là được.

Trường hợp nhà không có tủ lạnh bạn nên để bánh ở những nơi thoáng mát và chỉ ăn trong ngày thôi nhé.

Trên đây là 2 cách làm bánh tro (bánh ú bá trạng) ngon, tham khảo thêm cách làm các món ăn ngon cho ngày Tết Đoan Ngọ tại Bếp Eva nhé. Chúc bạn thành công!

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

5/5

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/

Hường Cao (Gia đình & Xã hội)

Rate this post

Viết một bình luận