Tôm chính là loại thực phẩm mà mẹ cần thêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Dưới đây là một số cách nấu cháo tôm cho bé lười ăn mà mẹ nên tìm hiểu.
1. Lưu ý khi nấu cháo tôm cho bé lười ăn
Tôm là một trong những loại hải sản có hàm lượng calo thấp nhưng lại rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin cũng như khoáng chất. Theo ước tính, trung bình 100g tôm nấu chín có chứa: 99 calo; 0,3 gam chất béo; 0,2 gram Carbs; 189 miligam Cholesterol; 111 miligam Natri và 24 gam Protein.
Đối với trẻ em, thức ăn từ tôm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, khi nấu cháo tôm cho bé lười ăn thì phụ huynh vẫn cần lưu ý một số điều cơ bản sau:
- Mặc dù rất giàu dinh dưỡng những tôm cũng chứa lượng natri rất lớn, 1 khẩu phần ăn chế biến từ tôm có thể cung cấp khoảng 75% natri được khuyến cáo cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Do vậy, khi cho bé ăn dặm thì không nên bổ sung quá nhiều natri từ tôm.
- Lượng canxi, phốt pho, axit béo…, có trong tôm nếu cho bé ăn quá nhiều sẽ dễ gây tiêu chảy và chướng bụng.
- Tôm dễ gây dị ứng hải sản, vì vậy khi mới bắt đầu cho bé ăn dặm bằng tôm thì phụ huynh chỉ nên thử 1 vài miếng nhỏ và đợi xem phản ứng của trẻ trong khoảng 1 giờ. Sau đó, nếu trẻ không có dấu hiệu nào bất thường thì có thể tăng dần số lượng tôm ở những bữa ăn sau.
- Tôm là một loại hải sản có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, do đó khi nấu cháo tôm hay chế biến các món khác từ tôm cho bé ăn dặm thì phụ huynh cần phải nấu chín kỹ để vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể của bé.
- Không nên kết hợp tôm với các thực phẩm giàu vitamin C trong quá trình cho bé ăn dặm, vì như vậy sẽ dễ gây ngộ độc hoặc gây khó tiêu.
2. Cách lựa chọn tôm tươi để nấu cháo cho trẻ lười ăn
Để nấu cháo tôm cho bé lười ăn được thơm ngon và hấp dẫn nhất thì cần phải chọn được những con tôm tươi ngon, ưu tiên chọn mua tôm còn sống và có một số các đặc điểm như:
- Tôm có hình dáng thẳng hoặc hơi cong;
- Chân tôm phải dính liền với thân, không bị tách rời, thịt vẫn còn săn chắc nhưng chân không chuyển sang màu đen;
- Không mua những con tôm đã bị chảy nhớt: Để biết tôm có bị chảy nhớt hay không, phụ huynh có thể dùng ngón tay ấn lên phần vỏ của con tôm, sau đó di chuyển ngón tay vài lần từ trước ra sau và làm ngược lại, nếu nhận thấy có cảm giác thấy sạn dưới các ngón tay hoặc tôm bị chảy nhớt, dính vào tay thì không nên mua.
- Trong trường hợp phải mua tôm đông lạnh, phụ huynh hãy đọc kỹ thông tin trên bao bì và chọn các sản phẩm từ những nguồn uy tín, có chất lượng. Đồng thời, kiểm tra hạn sử dụng trước khi mua để đảm bảo an toàn thực phẩm khi cho bé ăn dặm.
3. Một số cách nấu cháo tôm cho bé lười ăn
Đối với những bé lười ăn, phụ huynh cần phải xây dựng thực đơn cho bé dựa trên sở thích, độ tuổi cũng như giai đoạn phát triển. Không nên ép trẻ ăn mà hãy dành thời gian chế biến các món ăn mới lạ về mùi vị, màu sắc để kích thích sự thèm ăn của bé. Dưới đây là một số công thức nấu cháo tôm cho bé lười ăn mà phụ huynh có thể tham khảo.
3.1 Nấu cháo tôm lá chùm ngây
Là một loại rau giàu dinh dưỡng nên chùm ngây có thể sử dụng để chế biến thành các món ăn hàng ngày cho trẻ. Tuy nhiên, khi kết hợp chùm ngây để nấu cháo tôm thì chỉ nên cho bé ăn từ 2 – 3 lần mỗi tuần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Cách nấu cháo tôm chùm ngây rất đơn giản: Đầu tiên phụ huynh cần chuẩn bị 20g chùm ngây, 20g gạo tẻ ngon, 20g tôm sú, 200ml nước dùng và các gia vị như dầu ô liu, hành khô… Sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu thì vo gạo, cho vào nồi áp suất ninh nhừ. Về phần tôm, cần lột vỏ, bỏ đầu và đường chỉ trên lưng, sau đó băm nhỏ, ướp với một chút nước mắm và cho dầu lên chảo, phi hành rồi cho tôm vào xào qua.
Lá chùm ngây đem rửa sạch đem băm nhỏ hoặc xay nhuyễn, khi cháo đã chín thì cho tôm đã xào vào đun khoảng 5 phút. Cuối cùng là cho rau chùm ngây vào nồi cháo và đun thêm 3- 5 phút để rau vừa chín tới. Múc ra để nguội và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.
3.1 Cách nấu cháo yến mạch tôm tươi
Là một trong những thực phẩm thường được khuyên dùng, yến mạch có chứa một lượng lớn protein, chất xơ hòa tan, các vitamin, khoáng chất thiết yếu, giúp nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ.
Cách nấu cháo tôm yến mạch như sau:
- Đầu tiên, phụ huynh cần chuẩn bị 3 thìa canh bột yến mạch, 50g thịt tôm tươi và 3 – 4 lá cải ngọt. Khi đã chuẩn bị xong thì đem tôm, rau rửa sạch, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn tùy theo độ tuổi của bé.
- Khi đã chế biến xong, cho thịt tôm vào nấu với 200ml nước, đun sôi và đổ bột yến mạch vào. Nấu với lửa nhỏ trong khoảng 5 – 7 phút rồi cho thêm cải ngọt, nêm nếm vừa ăn. Cuối cùng là tắt bếp và cho thêm 1 thìa dầu ăn rồi cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.
3.3 Cách nấu cháo tôm hạt sen
Tôm tươi và hạt sen đều có vị ngọt tự nhiên, nấu cháo tôm nấu với hạt sen không chỉ kích thích vị giác mà còn giúp cho trẻ phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
- Về nguyên liệu, phụ huynh cần chuẩn bị 20g gạo nếp và gạo tẻ trộn chung, 10g tôm sú, 20g hạt sen khô/ tươi, 250ml nước và gia vị cần thiết.
- Cách nấu: Cho gạo vào ngâm nước từ 1 – 2 giờ; tôm đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu và chỉ ở phần lưng rồi băm nhuyễn. Về phần hạt sen, nếu tươi thì nên loại bỏ phần tim sen, còn khô thì nên ngâm nước khoảng 1 giờ để hạt mềm. Khi đã sơ chế xong thì cho nước vào ninh hạt sen khoảng 10 phút rồi đổ gạo và ninh nhừ. Đợi đến khi cháo đã chín nhừ thì mới cho thịt tôm vào, đảo đều trong khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Cuối cùng là nêm nếm gia vị cho vừa miệng và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.
3.4 Nấu cháo tôm rau dền cho bé
Trong rau dền có chứa nhiều chất sắt, vitamin A và canxi giúp bé tăng trưởng khỏe mạnh. Cháo tôm rau dền là một trong các món cho bé ăn dặm cực hấp dẫn và bổ dưỡng, được nhiều phụ huynh chế biến.
Để nấu cháo tôm rau dền cho bé, phụ huynh cần chuẩn bị 40g bột gạo, 20g rau dền, 20g tôm tươi và gia vị cần thiết như dầu oliu, nước mắm,…
Cách nấu: Đem tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ đường chỉ đen trên lưng rồi đem xay nhuyễn hoặc băm nhỏ (tùy vào độ tuổi thích hợp của bé). Rau dền cũng phải đem rửa sạch, để ráo nước rồi băm nhuyễn. Sau khi đã sơ chế xong nguyên liệu thì quấy cháo cho đến khi đặc lại rồi cho tôm vào, tiếp đó là rau dền đã băm nhuyễn, lưu ý khuấy đều tay để cháo không bị vón. Khoảng 5 phút sau thì tắt bếp và thêm chút dầu oliu, cho bé ăn khi cháo còn ấm.
3.5 Cháo tôm bông bí cho bé lười ăn
Bông bí có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe, với trẻ nhỏ, bông bí có thể giúp bảo vệ mạch máu, thanh nhiệt cũng như hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tình trạng ho kéo dài.
Với món cháo cho bé ăn dặm này, phụ huynh cần chuẩn bị 20g gạo, 20g tôm đã bóc vỏ, 20g bông bí, 1 thìa cà phê dầu oliu và 300ml nước. Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu cần thiết thì vo sạch gạo rồi cho vào nồi, thêm nước và nấu nhừ thành cháo. Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ đường chỉ đen trên và băm nhuyễn. Bông bí cần phải bỏ nhụy, bỏ đài, bỏ cuống rồi đem rửa sạch và băm nhuyễn (nên chọn bông bí có màu vàng đậm, bông to)
Khi cháo đã chín nhừ thì cho tôm vào khuấy đều, khi tôm chuyển sang màu đỏ thì cho bông bí đã băm nhỏ vào nồi cháo, nấu khoảng 3 – 5 phút rồi tắt bếp, múc cháo ra chén, đợi đến khi cháo nguội thì cho một thìa nhỏ dầu ô liu vào, trộn đều và cho bé thưởng thức khi cháo còn ấm.
Trên đây là một số cách nấu cháo tôm cho bé lười ăn đơn giản và lạ miệng. Dù tôm là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng phụ huynh cũng cần lưu ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều để tránh phản tác dụng.
Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.