Cách nấu cháo trai ngon kiểu Hà Nội ăn với quẩy giòn để đổi vị cho cả nhà. Cháo trai có độ sánh dẻo nhờ sự kết hợp của gạo nếp và gạo tẻ. Cách sơ chế trai sạch không bị tanh, thơm mùi rau răm, thoảng chút ấm nồng của gừng tươi phù hợp cho cả người lớn và trẻ em.
Hình ảnh trong bài viết và video có thể khác nhau nhưng cùng 1 cách làm.
Ở Hà Nội có cháo trai Trần Xuân Soạn, cháo trai Đội Cấn, cháo trai Trần Khát Chân, Lò Đúc là những con phố có món cháo trai ngon được nhiều người đánh giá cao.
Cháo trai dễ ăn, bổ sung canxi và tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt đối với các bé hay bị đổ mồ hôi trộm thì mẹ không nên bỏ qua loại cháo thơm ngon bổ dưỡng này. Nếu bạn nấu cháo trai cho trẻ ăn dặm thì biết một số lưu ý phía cuối bài viết này.
Cách làm
Ngâm trai
Trai mua về ngâm trong nước để nhả hết bùn đất. Nên tận dụng nước vo gạo để ngâm trai, trai sẽ nhả bùn đất hiệu quả hơn nếu cắt vào đó vài lát ớt tươi đồng thời dùng 1,2 dụng cụ kim loại như thìa, muống, nĩa… để ngâm cùng cũng rất hiệu quả. Đây là mẹo làm sạch các loại hải sản vỏ cứng như trai, ốc, ngao, hến… mà bạn nên áp dụng.
Ngâm trai
Ngâm trai ít nhất trong 1 tiếng, sau đó cọ sạch vỏ trai, rửa lại rồi vớt ra. Nếu có thời gian, bạn nên ngâm trai tầm 2-4 tiếng, trong quá trình ngâm nhớ thay nước để trai sạch hơn.
Sơ chế xương ống
Xương ống xát muối hạt, rửa sạch rồi mang đi nướng tầm 3 phút ở nhiệt độ cao để chảy hết máu đỏ trong tủy. Làm như vậy giúp cho xương sạch, không bị hôi.
Nướng xương bằng lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu (ở 200 độ C trong 15p)
Sau đó rửa lại xương, nấu sôi 1 nồi nước rồi cho xương vào chần qua cùng với muối hạt khoảng 10 phút.
Chần xương
Khi chần xương, bạn nhớ không đậy nắp nồi để các tạp chất và mùi hôi trong xương được bay hơi. Sau khi chần xong, vớt xương ra, rửa thật sạch. Đổ nước chần xương đi, thay nước mới để bắt đầu ninh xương lấy nước dùng nấu cháo.
Để nước ninh xương thơm hơn, bạn cho vào 2- 3 củ hành khô nướng xém xém, bóc vỏ.
Cho xương lại vào nồi, đổ nước để ninh xương.
Thường thì ninh xương heo ít nhất trong 3 tiếng để nước dùng có độ ngọt nhất định. Còn thời gian lý tưởng để ninh xương heo rơi vào tầm 6-13 tiếng.
Lượng nước cho vào ninh xương bạn ước tính khoảng 2,5 lít. Ban đầu cho nhiệt độ bếp lớn để nước sôi, sau đó hạ bớt xuống để ninh liu riu. Sau khoảng hơn 2-3 tiếng ninh, nước dùng sẽ cô đặc lại còn tầm 1,5 lít.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Băm nhỏ 1 ít hành khô và gừng. Phần này sẽ dùng để xào thịt trai cho thơm.
Số hành khô còn lại thái lát mỏng để làm hành phi.
Hành lá, rau răm nhặt rửa sạch, xắt nhỏ.
Gạo nếp và gạo tẻ nếu dùng nguyên hạt thì nên rửa sạch, ngâm nước ấm rồi cán vỡ để nấu cháo được nhanh và nhuyễn.
Luộc trai
Trai sau khi ngâm, rửa sạch rồi để ráo. Cho nước vào nồi, thả 1 vài lát gừng tươi vào để nấu cùng. Gừng sẽ giúp trung hòa tính hàn của con trai, làm cho người ăn cảm thấy ấm bụng hơn.
Luộc trai với vài lát gừng tươi
Khi nước già sôi, thả trai vào luộc với lửa lớn.
Khi thấy trai há miệng thì vớt ra.
Sơ chế thịt trai
Trai sau khi luộc chín, tách phần thịt ra cho vào bát. Phần nước luộc trai chắt lấy cho vào tô riêng, lưu ý chỉ lấy phần nước trong, bỏ phần cặn phía dưới đáy nồi.
Thịt trai
Thịt trai bạn nhớ nặn bỏ phần cặn bẩn bên trong bụng, sau đó bóp muối rửa sạch, để ráo nước thì thái thành những miếng nhỏ vì trai ăn khá dai.
Thái thịt trai thành các miếng nhỏ vừa ăn
Và để thịt trai được đậm đà thì nên ướp cùng với 1 chút gia vị, gồm có: 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1/2 thìa cà phê tiêu xay và 1 thìa cà phê nước mắm.
Trộn đều và để thịt trai thấm gia vị trong khoảng 15 phút. Nếu như nấu cháo trai cho bé nhỏ, các bạn không cho tiêu.
Làm hành phi & xào trai
Cho dầu ăn vào chảo, cho thêm 1 thìa cà phê bột mì lúc dầu còn nguội, khuấy đều. Bột mì có tác dụng hút nước, giúp cho hành phi giòn hơn. Về lượng dầu, các bạn ước chừng ngập hành là được. Chiên hành phi ngập dầu hành sẽ chín đều, giòn và vàng ruộm.
Cho hành vào lúc dầu còn nguội, sau khi khuấy bột mì. Chiên hành ở lửa nhỏ vừa. Hành chín sẽ nổi lên trên, lúc này dùng đũa đảo nhẹ, đặc biệt là ở phần viền cạnh nồi vì hành dễ bị cháy ở đấy.
Khi hành ngả sang màu vàng nhạt, vàng hanh thì bạn vớt ra cho ráo dầu. Vì hành vẫn tiếp tục chín sau khi vớt, vì vậy không nên đợi lúc hành có màu vàng ưng ý mới vớt ra. Bởi nếu trong chảo hành có màu vàng ruộm thì khi vớt ra sẽ bị sẫm màu hoặc cháy. Xem bài cách làm hành phi.
Khi vớt hành ra, bạn nên dàn đều để hành được tản nhiệt.
Phi hành
Hành phi
Chắt bớt phần dầu vừa phi hành ra bát, phần còn lại làm nóng, phi thơm hành gừng băm rồi cho thịt trai vào xào ở lửa lớn.
Xào thịt trai
Đảo đều tay và xào nhanh tầm 30 giây rồi tắt bếp. Nếu xào quá lâu thì thịt trai sẽ bị dai. Trút thịt trai ra 1 bát riêng.
Nấu cháo trai
Sau khi ninh được 2-3 tiếng, tắt bếp, vớt xương heo và hành khô ra. Nếu xương có thịt thì bạn nên gỡ ra và dùng nấu cháo, ăn rất ngậy.
Sau đó cho nước luộc trai vào nồi nước ninh xương. Lượng nước khoảng 2,5-2,6 lít. Tiếp đến cho bột gạo nếp và bột gạo tẻ vào, khuấy đều để bột tan, không bị vón cục và đóng cặn dưới đáy. Rồi mới bật bếp để nấu cháo.
Nếu dùng bột gạo để nấu cháo, bạn cần cho bột vào lúc nước ấm hoặc nguội để bột không bị đóng cục. Trường hợp dùng gạo nguyên hạt hoặc gạo cán vỡ thì cho vào lúc nước nóng bình thường.
Bật lửa lớn 1 chút để nước dùng sôi, sau đó hạ bớt xuống, để sôi liu riu, khuấy đều, nấu cháo khoảng 15 phút là bột chín.
Nếu dùng gạo hạt thì thỉnh thoảng mới khuấy để cháo không bị dính dưới đáy nồi và đặc biệt tránh bị nát cháo. Và thời gian nấu cháo sẽ rơi vào khoảng 40-55 phút cháo mới có độ nhữ, nhuyễn.
Bí quyết để nấu cháo trai ngon đó chính là lượng nước. Làm sao để cháo vừa ăn, không phải thêm nước hay thêm cốt cháo để ‘chữa cháy’ khi gặp tình trạng cháo quá đặc hay quá loãng.
Theo kinh nghiệm của Cookbeo, khi nấu cháo nói chung bạn nên cân theo tỷ lệ 1kg cháo thì sử dụng tầm 13-14 lít nước. Có nghĩa là với 200g bột gạo như trên (cộng cả gạo nếp và gạo tẻ), bạn cần dùng 2,5-2,6 lít. Còn nếu dùng nguyên hạt hoặc cán vỡ thì nên cho thêm 1 chút, khoảng tầm 2,8-3 lít nước là cháo sẽ vừa ăn.
Trong trường hợp cháo quá đặc, bạn có thể chêm thêm nước. Còn nếu cháo quá loãng, bạn pha 1 chút bột năng với nước lạnh, khuấy đều rồi rưới từ từ vào cháo. Bột năng có tác dụng tạo độ sánh, giúp cháo đặc ngay tức thì. Tuy nhiên khi rưới bạn nên kiểm soát lượng để tránh cháo lại quá đặc.
Sau khoảng 15 phút, cháo đã nhừ nhuyễn, sánh mịn rồi, bạn cho phần thịt trai xào vào, có thể giữ lại 1 ít để cuối cùng cho lên trên bát cháo cùng với hành tươi, hành phi và quẩy.
Khuấy đều và nêm gia vị vừa ăn, với lượng cháo như trên sẽ nêm gồm có 2,5 thìa canh bột nêm, 1/2 thìa canh bột ngọt, 1 thìa canh bột canh, 2 thìa canh nước mắm. Lượng gia vị các bạn có thể điều chỉnh phù hợp với khẩu vị ăn của từng gia đình.
Nồi cháo trai
Sau khi nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp và chuẩn bị bày biện.
Cho 1ít rau thơm vào bát, múc cháo trai lên, rồi rắc thêm ít rau thơm, ít quẩy, ít hành phi, ít thịt trai. Cháo trai nên ăn lúc nóng, ăn kèm với ít hạt tiêu xay và ớt bột để tăng thêm hương vị hấp dẫn.
Món cháo trai