Không giống như chó mèo, chuột hamster có đặc tính của bộ gặm nhấm cho nên môi trường sống, thời gian hoạt động và khẩu phần ăn uống sẽ có nhiều điểm khác biệt. Để nuôi chuột hamster đúng cách sao cho chúng phát triển khỏe mạnh, sống lâu, không mắc bệnh tật, cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương, chăm sóc là điều không phải ai cũng làm được. Cho nên, nếu đây là lần đầu tiên bạn rước chúng về nhà thì hãy tìm hiểu kỹ cách nuôi hamster cho người mới trong bài viết này nhé!
*Ghi chú: hướng dẫn nuôi chuột hamster này sử dụng chung cho mọi chủng loại phổ biến tại Việt Nam như: Hamster Winter White, Hamster Campbell, Hamster Robo, Hamster Bear,… và các dòng hamster khác hiếm gặp hơn.
Nuôi chuột hamster cần những gì?
Nuôi chuột hamster bạn có thể sẽ chỉ cần một số vật dụng cơ bản mà thôi. Nhưng như vậy có thể chưa đủ tốt cho một chú chuột hamster phát triển nên mình sẽ chia thành hai phần như sau.
Dụng cụ nuôi chuột hamster cơ bản:
Dụng cụ nuôi chuột hamster bổ xung:
Bạn hãy mua những vật dụng cơ bản trước để đảm bảo nuôi hamster không gặp vấn đề gì ảnh hưởng tới phát triển của chúng trước rồi sau đó xem xét mua thêm những phụ kiện bổ xung nhé!
Chế độ dinh dưỡng và thức ăn
Chuột hamster có thể ăn tạp nhiều loại thức ăn chủ yếu là các hạt cứng, rau củ, côn trùng hoặc thịt, cá.
1. Khẩu phần ăn chính
a. Các loại hạt cứng
Hamster thuộc bộ gặm nhấm cho nên thức ăn phù hợp và ưa thích của chúng là các loại hạt cứng như:
- Hạt kê
- Hạt hướng dương
- Đậu phộng (lạc)
- Đậu nành
- Mè (vừng)
- Hạt kham
- Hạt láng
- Hạt ba khía
- Yến mạch
- Lúa mì
- Lúa mạch
- Kiều mạch
- Gạo lứt
- Hạt lanh
- Cốm
- Hạt dẻ (hạn chế),…
Thức ăn trộn các loại hạt được bán tại các cửa hàng mà bạn mua hamster. Nếu như bạn muốn tiết kiệm hơn khi nuôi nhiều thì có thể tự trộn theo các thành phần mình nêu trên.
b. Rau củ
Để bổ xung thêm vitamin, chất xơ và khoáng chất thì hamster nên được ăn thêm các loại rau củ tươi như:
- Cà rốt (ít)
- Dưa chuột
- Bắp cải
- Giá đỗ
- Súp lơ
- Rau diếp
- Bí đỏ,…
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng bạn chỉ nên cho chúng ăn rau củ 2 đến 3 lần/tuần với liều lượng vừa phải bởi vì chúng rất dễ gây ra triệu chứng tiêu chảy ở hamster.
c. Hoa quả
Một số loại trái cây dành cho hamster với liều lượng ăn nên hạn chế hơn một chút như:
- Táo
- Mơ
- Dâu
- Chuối
- Dưa lưới
- Dưa bở (phần cùi)
- Nho
- Vải
- Xoài
- Nhãn,…
Bạn chỉ nên cho chúng ăn phần ruột của các loại trái cây trên và bỏ cả hạt ra nữa nhé. Mật độ một tuần bạn có thể cho chúng ăn từ 1 đến 2 lần.
d. Thịt và côn trùng
Hamster có thể ăn được các loại thịt chín, khô và KHÔNG tẩm ướp gia vị hoặc chiên xào dầu mỡ như:
- Nạc bò, nạc heo, nạc gà (nấu, luộc,…)
- Dế, châu chấu, sâu gạo,… rang hoặc sấy khô
- Tôm, mực, cá (nấu, luộc,…)
Khẩu phần ăn của chuột hamster phải có đủ chất dinh dưỡng yêu cầu để đảm bảo sức khỏe theo nghiên cứu như sau:
- Dưới 6 tháng tuổi:
- Protein (chất đạm): 20 – 24%
- Chất béo: 7 – 8%
- Chất xơ: 8 – 10%
- Trên 6 tháng tuổi:
- Protein (chất đạm): 17 – 19%
- Chất béo: 4 – 7%
- Chất xơ: 10 – 15%
2. Thức ăn bổ xung (thức ăn dặm)
Các loại thức ăn dặm bổ xung rất nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt là đạm và chất béo cho hamster như:
- Phô mai (ít béo)
- Đậu hũ non
- Sữa chua (ít hoặc không đường)
- Kỷ tử
- Bánh sữa dê (không đường)
- Sâu gạo rang hoặc sấy khô
- Cá tuyết sợi Thái Lan
- Trứng luộc
- Côn trùng rang hoặc sấy khô,…
Thức ăn dặm thường dành cho hamster biếng ăn, thiếu chất, gầy, suy dinh dưỡng hoặc đang có bầu nhằm phục hồi sức khỏe giúp chúng trở nên khỏe mạnh. Tuy nhiên, mình thấy một số bạn muốn hamster của mình ú nu, bồng bềnh nên cho chúng ăn quá nhiều dẫn đến béo phì. Hamster quá mập mạp có thể dễ bị mắc bệnh, giảm tuổi thọ và sức khỏe kém cho nên mình không khuyến khích việc này.
3. Những loại thực phẩm không nên cho hamster ăn
Những loại thực phẩm mà hamster tuyệt đối không nên ăn theo nghiên cứu của các chuyên gia phương Tây được liệt kê như sau:
- Hạnh nhân
- Đồ ăn đóng hộp có chất bảo quản
- Sô cô la
- Kẹo
- Đồ chiên dầu mỡ
- Thức ăn mặn
- Bơ
- Trái cây có vị chua (kiêng)
- Mứt
- Thực phẩm nhiều đường (kiêng, hạn chế tối thiểu)
- Các loại hạt của trái cây
- Khoai tây sống
- Trái lê
- Đậu đỏ,…
Mặc dù là động vật ăn tạp nhưng chế độ dinh dưỡng của hamster lại có rất nhều điểm khác biệt so với chó mèo. Nếu như bạn không biết về điều này và cho hamster ăn những loại thực phẩm KIÊNG KỴ thì chúng hoàn toàn có thể giảm tuổi thọ, ốm yếu, mắc bệnh hoặc ngộ độc và tử vong.
4. Một số lưu ý khi cho hamster ăn
Có nhiều bạn mới hamster thường không chú ý đến những điều này dẫn đến hamster ốm yêu hoặc tăng cân mất kiểm soát. Bởi vậy, khi cho hamster ăn bạn cần chú ý:
- Thời điểm: tối ưu nhất thì bạn nên cho chúng ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và buổi tối. Giữ thói quen ăn uống của hamster cố định không được thay đổi liên tục. Thời điểm hoạt động chủ yếu của hamster là vào ban đêm cho nên nạp năng lượng vào buổi tối là cần thiết. Ngoài ra, trong suốt quãng thời gian ngủ ngày chúng vẫn thức dậy một vài lần ăn nhẹ.
- Liều lượng: bạn chỉ nên cho hamster ăn lượng thức ăn giao động từ 10 – 15% trọng lượng cơ thể chúng (cơ địa và mức vận động của các bé hamster khác nhau cho nên thông số này bạn chỉ nên tham khảo). Nếu bạn ước lượng lượng được thì có thể lấy thìa ăn cơm ra xúc đầy 1 thìa rồi chia ra làm 2 lần sáng và tối (Hamster Bear thì nhiều hơn một chút). Bạn cũng nên để ý xem qua các lần ăn chúng có ăn hết hay không. Trường hợp bạn cho hamster nhiều hơn bình thường thì chúng có thể tích trữ trong túi má. Điều này là không tốt vì có thể khiến cho hamster bị viêm túi má hoặc bị hôi miệng.
- Mài răng: vì hamster là loài gặm nhấm, răng của chúng sẽ phát triển suốt đời gây cản trở trong quá trình ăn uống (có thể tử vong) cho nên thức ăn cứng như các hạt ngũ cốc để mài răng là thiết yếu. Nếu bạn cảm thấy vẫn chưa yên tâm về vấn đề răng của bé thì có thể dùng thêm cành gỗ táo hoặc Whimzees.
5. Nước uống và bình đựng
Nước lọc đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho hamster (chúng khá dễ bị ốm). Bạn nên dùng bình nước cho hamster chuyên dụng để đảm bảo nước luôn sạch vì nếu dùng vật đựng nước khác thì sẽ dễ bị đổ hoặc vật lót chuồng bay vào.
Môi trường sống
Chuột hamster không hề dễ kiểm soát một chút nào, bạn chỉ cần thả chúng ra vài tích tắc là chúng lẩn ngay vào những chỗ tối, chật hẹp và từ đó nó có thể sẽ không bao giờ quay lại hoặc mất tăm luôn. Cho nên môi trường sống riêng biệt cho hamster để làm thú cưng là sự đầu tư cần có.
1. Chuồng/lồng nuôi
Bạn có thể tạo một không gian sống cho hamster từ thùng nhựa, hồ kính, thùng gỗ hoặc mua lồng, chuồng từ cửa hàng bán chuột hamster. Phổ biến trên thị trường hiện nay có:
- Lồng sắt (phổ biến nhất):
- Ưu điểm: thoáng mát, dễ vệ sinh, giá rẻ.
- Nhược điểm: dễ bị vãi lót chuồng khi hamster đào bới.
- Lồng mica:
- Ưu điểm: ấm vào mùa lạnh, trang trí đẹp.
- Nhược điểm: bí bách vào mùa nóng (quan trọng), khó vệ sinh, giá thành cao.
- Lồng nhựa:
- Ưu điểm: dễ dàng mang đi, giá rẻ hơn.
- Nhược điểm: rất bí, hơi đục mờ một chút.
Ngoài ra, bạn sẽ thấy một vài mẫu chuồng hamster khung bằng gỗ mặt kính ít được sử dụng hơn do một phần là chi phí, khó vận chuyển hoặc vệ sinh.
*Lưu ý: chuồng hamster phải chắc chắn, cao và được đậy/đóng kín để tránh trường hợp chúng đào tẩu (nhất là Hamster Bear) hoặc bị các loài vật khác tấn công.
2. Vật dụng lót chuồng
Hamster cần vật dụng lót chuồng để khi chúng vệ sinh thì sẽ tiện cho việc thay thế không cần phải cọ rửa lau chùi. Ngoài ra, lót chuồng còn giúp chúng cảm thấy êm ái và gần với tự nhiên hơn, bảo vệ khỏi sự cào hoặc cắn phá của hamster vì chúng cực yêu thích việc đào bới. Các loại lót chường phổ biến được nhiều người sử dụng hiện có:
- Mùn cưa (phổ biến nhất): đây được coi là loại lót chuồng quốc dân vì giá thành rẻ, thấm hút ẩm tốt, êm ái, ấm áp vào mùa đông. Mùn cưa ngoài dạng nén thông thường còn có mùn cưa thơm dễ chịu, giảm thiểu mùi hôi, mùi khai. Bạn nên mua mùn cưa ngay tại cửa hàng bán hamster và tuyệt đối không dùng mùn cưa chưa qua xử lý vì chúng có dăm nhọn có thể làm hamster bị thương.
- Cát Sand: thấm hút ẩm tốt, có khả năng khử mùi, mát mẻ hơn vào mùa nóng và thời gian sử dụng lâu hơn. Khi hamster đi tiểu cát có thể bị bết lại dễ dây lên lông chúng nên bạn phải lấy ra vứt ngay.
- Gỗ nén: thơm, thấm hút ẩm và có khả năng khử mùi tốt. Sử dụng được lâu dài nhưng không được êm ái, dễ bết dính. Loại này thường dùng cho Hamster Bear vì chúng đi vệ sinh nhiều.
- Cát buddy (Ấn Độ, Thái Lan): thơm dễ chịu, khử mùi và thấm hút ẩm tốt. Đây là loại cát cao cấp dùng được lâu nhất và có khả năng tái sử dụng. Mặc dù giá thành cao nhưng loại lót chuồng này rất được yêu thích.
- Giấy Carefresh: cực kè mềm mại và êm ái cho hamster (đặc biệt là hamster con mới sinh). Loại này đắt nhất nên rất ít người dùng, nhưng hiệu quả đem lại thì cực kỳ tốt.
Vật dụng lót chuồng cho hamster thì dùng càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên để tiết kiếm thì chỉ cần lót từ 1,5 cm trở lên là được. Thời gian thay lót chuồng tùy theo khả năng đi vệ sinh của hamster, thông thường là khoảng 1 tuần/lần. Nếu chuồng có mùi hôi sớm hoặc hamster đi vệ sinh nhiều thì bạn tăng chu kỳ thay lên. Trường hợp bạn nuôi hamster chuồng nhỏ thì cũng nên thay thường xuyên hơn chuồng lớn.
3. Cát tắm và nhà tắm (vệ sinh cho hamster)
Bạn không nên cho hamster tắm bằng nước (trừ khi chúng bị dính chất bẩn bắt buộc phải dùng nước) bởi điều đó có thể khiến chúng bị cảm lạnh, mất đi tinh dầu trên da khiến lông bị bết. Cho nên bạn cần mua cho chúng cát tắm (rất thơm) chuyên dụng cho hamster cùng với một chiếc nhà tắm/bồn tắm đặt trong chuồng, chúng sẽ tự vệ sinh cơ thể bằng cách lăn vào cát tắm. Trường hợp khác bạn có thể dùng cát tắm cho hamster bằng cách thoa, rắc lên người chúng nếu chúng không chịu tự tắm để không bị hôi nhé!
4. Giải trí
Hamster cũng giống như các loài thú cưng khác. Chúng có thể cảm nhận được tình cảm của bạn (mặc dù mất khá nhiều thời gian) để dần trở nên hiền hòa và dễ dàng bồng bế, vuốt ve hơn. Nếu bạn nuôi hamster mà xa lánh không chơi đùa với chúng trong một khoảng thời gian dài thì chúng sẽ dần sống theo bản năng và bị nhát khi gặp bạn. Vì vậy, bạn nên chơi đùa với chúng thường xuyên theo cách mà mình yêu thích. Chẳng hạn, bạn có thể bắt hamster lên tay vuốt ve trên đầu của chúng (sau khi đã quen) hoặc thò tay vào để chúng mò đến tìm hiểu hoặc trò chuyện với chúng hằng ngày.
Ngoài việc thường xuyên chơi đùa với hamster bạn có thể thêm một số món đồ chơi cho hamster được bán rất nhiều tại các cửa hàng như:
- Wheel (cần thiết): một chú chuột hamster trong một đêm có thể chạy vài km/h cho nên trong môi trường nuôi nhốt chúng thường được gắn thêm một chiếc wheel để vận động. Điều này là rất tốt cho việc giảm cân, giải trí và giảm stress cho nên đây là đồ chơi cần thiết bạn nên mua.
- Ống chui: mặc dù không quá quan trọng nhưng hamster cũng khá thích chui rúc cho nên bạn có thể mua cho chúng chơi thử.
- Đồ chơi khác: bạn có thể trang trí và thêm nhiều đồ chơi để chúng leo trèo, những loại đồ chơi này phải phục vụ chủ yếu cho việc vận động của chúng.
Hơn nữa, nếu có thể thì bạn hãy cho hamster ra ngoài chơi hàng tuần nhưng phải lưu ý chúng phải nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chơi tại công viên hoặc vườn hoa gần gũi với thiên nhiên là lý tưởng nhất hoặc cho chúng chạy quanh nhà cũng được.
Chăm sóc chuột hamster theo mùa
Hamster rất dễ bị ốm hoặc mắc bệnh cho nên nếu bạn không chăm sóc kỹ thì chúng có nguy cơ tử vong rất cao vì không có địa chỉ thú ý nào chuyên chữa hoặc có thuốc dành riêng cho chúng cả mà đều dựa theo liều lượng của con người hoặc chó mèo. Nhiệt độ hamster sinh sống được từ 16 – 32 °C và trong khoảng đó nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 22 – 26 °C. Cho nên khi nuôi chuột hamster bạn cần tham khảo cách chăm sóc chúng theo mùa nóng và lạnh sau đây nhé.
1. Chăm sóc hamster vào mùa nóng (hè)
Mùa hè ở Việt Nam phải nói là nóng kinh khủng khiếp đến người còn không chịu được nói gì đến mấy chú hamster nhỏ bé. Cho nên, khi mùa nóng đến bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ để hamster không bị nóng chết nhé. Mình sẽ liệt kê tất cả các bước thực hiện, nếu bạn làm được càng nhiều thì càng tốt.
Bước 1: dùng các thiết bị làm mát.
Đây là điều đơn giản nhất bạn có thể làm được bởi hầu như ai cũng có thiết bị làm mát như quạt gió trong nhà và đa số người dân Việt Nam cũng đã có điều hòa rồi. Hamster hoàn toàn có thể sống tốt trong môi trường điều hòa. Tuy nhiên, bạn phải lưu ý nhiệt đô không được thay đổi quá đột ngột vì điều này có thể khiến hamster bị sốc nhiệt.
Đối với quạt gió thì trên thực tế khả năng làm mát của nó dựa vào nhiệt độ môi trường. Cho nên, nếu trời mà quá nóng thì quạt cũng sẽ phả hơi nóng mà thôi. Nhiệt độ cơ thể của hamster giống với con người khoảng 37 °C nhưng khả năng chịu nhiệt độ nóng chỉ dưới 32 °C. Cho nên nếu như nhiệt đội môi trường cao hơn thì dùng quạt gió sẽ phản tác dụng. Bạn nên chú ý điều này.
Bước 2: đặt lồng/chuồng ở vị trí thấp và mát mẻ nhất trong nhà.
Không khí nóng thường nhẹ hơn nên sẽ bay lên cao cho nên vị trí thấp nhất trong nhà thường rất mát. Ngoài ra bạn có thể cách nhiệt với không khí bên ngoài bằng cách đóng các cửa ra vào và cửa sổ. Gầm của các vật dụng trong nhà có thể là nơi cách nhiệt rất tốt không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng đèn điện như: Gầm bàn, gầm giường, gầm tủ,v.v… Ngoài ra, vị trí mát thường nằm gần nguồn nước như nhà tắm chẳng hạn.
Bước 3: dùng hộp nước đá.
Hộp nước đá đặt trong chuồng (kê thêm một vật đựng nước tan) sẽ trao đổi nhiệt với không khí nóng hạ nhiệt cho chuột hamster. Khi sử dụng hộp đá bạn cũng nên đặt chuồng ở vị trí mát để đá lâu tan. Hạn chế chuồng trao đổi nhiệt với không khí bên ngoài (chuồng nhựa với mika làm rất tốt) nhất có thể.
Bước 4: sử dụng các vật làm mát.
Rất nhiều shop đang bán các sản phẩm hạ nhiệt cho hamster như: đá làm mát, nhà ngủ sứ. tấm làm mát kim loại, bình hoa tổ ngủ hamster đựng đá,… để có thể vượt qua được cái nóng khắc nghiệt ở những nhà không có điều hòa.
2. Chăm sóc hamster vào mùa lạnh (đông)
Hamster hoang dã có tập tính ngủ đông khi trời lạnh dưới 16 °C. Chuột hamster thuần chủng vẫn giữ được bản năng này cho nên để chú chuột của bạn không rơi vào trạng thái này bạn cần một số biện pháp chăm sóc chúng vào mùa lạnh như sau.
Bước 1: làm ấm căn phòng của bạn.
Nhiệt độ trong nhà thường ấm hơn ngoài trời vào mùa lạnh và hơn nữa hơi ấm của con người cùng với các thiết bị đèn chiếu sáng, máy tính (PC), bếp điện, bếp ga,… cũng đã giúp tăng nhiệt độ trong phòng. Điều bạn cần làm là đóng kín các cửa ra vào, cửa sổ để gió không lùa vào nhà là đã hoàn thành bước này. Nếu bạn có dùng điều hòa 2 chiều hoặc lò sưởi trong trường hợp nhiệt độ môi trường quá thấp thì càng tốt.
Bước 2: làm ấm chuồng hamster.
Bạn nên mua thêm nhà ngủ bông (hoặc bằng sứ cũng được) cho hamster để chúng chui vào giảm tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài. Hơn nữa, hamster còn có thể tự tha vật lót chuồng về để lấp tổ nữa cho nên bạn cần lót bằng mùn cưa hoặc giấy lót chuyên dụng dày hơn một chút. Nếu có thể thì dùng chuồng mika hoặc nhựa vào mùa đông sẽ ấm hơn lồng sắt.
Ngoài ra, trường hợp nhiệt độ bên ngoài quá lạnh mà hamster không tự sưởi ấm được cho bản thân bạn nên dùng thêm đèn sưởi và làm cho chuồng của chúng trở nên thật kín. Đèn sưởi có thể sử dụng bóng đèn chuyên dụng hoặc loại trang trí cho chuồng hamster (hiệu quả thấp hơn), bịt kín chuồng (lưới sắt) bằng vải chỉ để lại một chút hở để thông khí.
Một số lưu ý về tập tính của hamster
Mặc dù đã được thuần hóa để làm thú cưng nhưng chuột hamster vẫn giữ một số bản năng sinh ra đã đã vậy rồi, cho nên bạn cần lưu ý và tôn trọng nó.
1. Thích sống đơn độc và bảo vệ lãnh thổ
Mặc dù thỉnh thoảng hamster có săn mồi theo bầy đàn nhưng ngoài những lúc đó ra thì chúng chỉ sống một mình và có thể sẽ tấn công (kể cả đồng loại) nếu xảy ra xâm phạm. Một số ít cá thể có thể sống chung (tỉ lệ thấp), nếu chúng sinh ra cùng chung một mẹ (cùng đàn) thì tỉ lệ sống chung sẽ cao hơn. Ngoài ra, trường hợp hamster có thể sông chung thường thấy gồm một cái và một đực hoặc chúng muốn sống chung (ít thấy).
*Lời khuyên: nếu bạn không có ý định cho chúng sinh sản thì không nên ghép chúng ở chung với nhau. Tuyệt đối tránh ghép chung hai loài hamster khác nhau ở chung vì chắc chắn chúng sẽ xảy ra tranh chấp.
2. Bảo vệ con khi sinh sản
Hamster mẹ thường trở nên hung dữ hơn khi mới sinh con, kể cả là đối với con đực được phối với nó.
*Lời khuyên: sau khi hamster mẹ mới đẻ bạn nên tách con đực ra (sớm hơn lúc phát hiện con cái có bầu thì càng tốt) và hạn chế tiếp xúc với chúng để tránh trường hợp hamster mẹ bị stress (có thể ăn con). Trong thời gian này bạn nên đặt chuồng ở vị trí yên tĩnh trong nhà, hạn chế vệ sinh chuồng hoặc nếu có thì chỉ một phần chúng không sử dụng và gỡ wheel chạy ra. Bồi bổ cho hamster mẹ các loại thức ăn dặm bổ xung nhiều chất dinh dưỡng như: Phô mai, kỷ tử (giảm stress), sâu rang, trứng luộc,v.v… để chúng có thêm sữa chăm sóc và nuôi đàn còn của mình.
3. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm
Chuột hamster sẽ ngủ hầu hết thời gian ban ngày để hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Đây là bản năng tự nhiên nên bạn khó có thể thay đổi chúng.
*Lời khuyên: bạn nên đặt chuồng hamster cách xa vị trí ngủ của mình để tranh nghe các tiếng động của chúng. Nếu bạn có mua wheel cho hamster chơi thì nên mua loại Silient êm ái không phát ra tiếng ồn.
4. Thích đào bới và chui rúc
Chuột hamster là những chuyên gia đào hang trú ẩn. Mặc dù đã được thuần hóa từ lâu và qua nhiều thế hệ, chúng vẫn giữ nguyên được bản năng này. Cho nên, nếu bạn thấy chúng có bới đồ lót chuồng tung tóe khắp nơi thì cũng là điều hoàn toàn bình thường mà thôi. Bên cạnh đó thì chúng cũng thích chui rúc vào những chỗ chật hẹp nữa.
*Lời khuyên: bạn có thể lót mùn cưa, cát sand, gỗ nén,… dày lên để chúng được toại nguyện. Mua thêm ống chui, nhà ngủ, nhà tắm nếu có thể.
5. Dự trữ thức ăn trong túi má
Hamster có thói quen dự trữ thức ăn trong túi má (chủ yếu trong môi trường sống tự nhiên) để tha về tổ. Điều này khiến hamster trở nên rất đáng yêu vì khi bạn cầm trên tay thì chúng sẽ nhả thức ăn ra ngoài để dễ dàng tìm đường thoát thân (cười). Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt thì chuồng hamster là nhà rồi nên ít khi bạn thấy chúng còn làm điều đó nữa. Như vậy là tốt vì trữ thức ăn trong túi má lâu ngày có thể sẽ bốc mùi hoặc khiến chúng bị viêm túi má.
*Lời khuyên: cho hamster ăn lượng thức ăn vừa đủ (đảm bảo hết sạch cho lần tới) để chúng không bị kén ăn và trữ thức ăn thừa trong túi má. Ngoài ra, điều này cũng giúp hamster ăn đủ chất, giảm thiểu tình trạng béo phì và ngon miệng hơn khi bị đói.
6. Răng mọc và phát triển suốt đời
Răng của hamster cũng giống với các loài gặm nhấm khác, đều mọc không có điểm dừng và chúng sẽ phải mài mòn nó cho dễ ăn uống. Bởi vậy khi bạn thấy hamster cạp cạp cái gì đó cứng thì điều đó là hoàn toàn bình thường.
*Lời khuyên: bạn hãy cung cấp thức ăn cứng (các loại hạt) cho hamster làm thành phần ăn chính để chúng vừa ăn vừa mài răng.
7. Thích vận động và khám phá xung quanh
Vào ban đêm trong môi trường tự nhiên, chuột hamster có thể di chuyển vài kilômét chỉ để săn mồi, tìm thức ăn hoặc khám phá xung quanh khu vực sinh sống mà vẫn tìm được đường về tổ một cách an toàn.
*Lời khuyên: bạn nên mua cho chúng một chiếc wheel để chúng vẫn động tăng cường sức khỏe, giảm thiểu bệnh béo phì và tình trạng stress (nếu có).
Thông qua bài viết này, chắc rằng bạn cũng đã nắm được cách nuôi và chăm sóc chuột hamster khá chi tiết rồi. Đây là những kiến thức và kinh nghiệm nuôi chuột hamster của mình chia sẻ cho bạn nên có thể nó không hoàn toàn đúng cho tất cả các trường hợp. Bạn có thể tham khảo và áp dụng thêm những phương pháp của riêng mình để đưa ra một chuẩn mực nuôi phù hợp nhất. Nếu bạn thấy bài viết này còn thiếu sót điều gì thì hãy giúp mình hoàn thiện nó bằng cách comment cho mình biết. Hoặc nếu bạn có nhận xét, đánh giá, góp ý hoặc thảo luận về chủ đề này thì vui lòng để lại bình luận dưới bài viết này nhé!
4.4/5 – (7 bình chọn)