Do những quan niệm sai lầm, thiếu cơ sở khoa học như thịt cá nóc bổ và giàu dinh dưỡng như thịt cóc hay cá nóc chỉ độc nếu như không biết làm sạch, chế biến kỹ mà đã có rất nhiều vụ ngộ độc cá nóc nguy hiểm xảy ra. Mặc dù đã có lệnh cấm đánh bắt, tiêu thụ và sử dụng cá nóc nhưng gần đây vẫn tiếp tục có các ca tử vong do ăn cá nóc, đặc biệt là ở vùng ven biển. Do đó, các bà nội trợ cần hết sức cẩn thận và biết cách chọn cá an toàn, tránh mua nhầm cá nóc hoặc ăn phải cá nóc gây nguy hiểm đến tính mạng.
Độc tố trong cá nóc
Đúng là thịt cá nóc có thể ăn được, nhưng phải là loài cá nóc hoàn toàn không chứa độc tố. Người tiêu dùng phải phân biệt được các loại cá nóc, loại nào độc và loại nào không độc.
Cần biết cách chọn cá để không mua và ăn nhầm phải loại cá nóc có độc nguy hiểm
Hơn nữa, độc tố của cá nóc biến động khá phức tạp theo mùa vụ và theo cá thể. Trong cùng một loài có thời điểm trong năm mang độc tính cao và sẽ có những cá thể độc nhiều hoặc ít độc. Ngoài ra chưa có một công trình khoa học nào công bố về những giá trị dinh dưỡng đặc biệt của thịt cá nóc.
Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỉ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc và độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (tháng 2 đến tháng 7).
Nguy hiểm hơn, độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Đặc biệt, hoàn toàn chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc cá nóc. Biện pháp chữa trị chỉ là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính (active charcoal) để thải loại bớt chất độc, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng cường sức chống chịu của cơ thể…
Cách nhận biết cá nóc
Loài cá nóc độc người dân ăn phải thường có thân dài từ 4cm đến 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ.
Đặc điểm quan trọng để nhận biết và phân biệt với các loài cá khác là cá nóc không có vây bụng và các vây đều không có gai cứng. Vây lưng và vây hậu môn nằm đối diện hoặc gần đối diện với nhau và chúng nằm cách xa vây ngực, gần với vây đuôi. Vây đuôi thường tròn hoặc bằng hoặc lõm nông (trừ cá nóc ba răng có vây đuôi chẻ sâu). Cá nóc không có khe mang, chỉ có lỗ mang và ngay sau lỗ mang là gốc vây ngực.
Nên tránh chọn cá không có vây bụng, các vây đều không có gai cứng, vây lưng và vây hậu môn nằm đối diện…
Thân cá nóc không có vảy. Cá nóc nhím có gai sắc nhọn như lông nhím. Cá nóc hòm có lớp giáp cứng liên kết với nhau thành hình hộp bao quanh cơ thể. Miệng cá nóc bé nhưng răng khoẻ; xương hàm và xương gần hàm gắn liền với nhau thành mỏ cứng thích nghi với các loài thức ăn có vỏ cứng.
Cá nóc không có xương sườn và các xương dăm ở phần thịt. Dạ dày cá có thể co dãn và ở nhiều loài cá nóc có thể hút được nhiều nước hoặc không khí để làm phồng tròn bụng lên như quả bóng.
Cách phòng tránh ngộ độc cá nóc
Tốt nhất là loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá, loại bỏ cá nóc có lẫn cá thường khi phơi khô. Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác để bán, không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.
Khi ăn phải cá nghi ngờ là cá nóc, nếu xuất hiện dấu hiệu ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay thì gây nôn ngay bằng cách ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt tính và Sorbitol), đồng thời phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Để tránh bị ngộ độc cá độc, phải nhận dạng cá rồi mới đem làm sạch, chế biến kỹ. Với những loại cá lạ, cần bỏ hết các cơ quan nội tạng. Nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được kịp thời cứu chữa. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, phải bằng mọi cách gây nôn để loại chất độc ra khỏi cơ thể.