Ho khan là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Cách trị ho khan cho bé sẽ thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể ngăn ngừa ho khan bằng cách áp dụng các biện pháp như đưa con đi tiêm chủng hoặc ngăn con tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu không chắc chắn về nguyên nhân khiến con bị ho khan, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh bệnh tiến triển nặng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé.
Nguyên nhân ho khan ở trẻ em
Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ em bị ho khan.
Bé ho khan do cảm lạnh thông thường
Những đứa trẻ bị cảm lạnh đã nhiễm một loại virus và loại virus này có thể gây ra cảm giác ngứa trong cổ họng. Ở giai đoạn đầu của cảm lạnh, bé có thể ho nhẹ và có chút đờm. Nhưng sau khi cảm lạnh nặng hơn, các cơn ho sẽ trở nên khô.
Cách trị ho khan cho bé do cảm lạnh hiệu quả nhất là các biện pháp có tác dụng làm dịu cơn ho.
Bé ho khan do trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
GERD là tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi đó, axit dạ dày có thể tác động lên cổ họng, dẫn đến tình trạng ho. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc không kê đơn để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Bé ho khan do kích ứng
Đôi khi các chất kích thích từ môi trường (khói thuốc lá, bụi bẩn, mùi hóa chất, không khí quá nóng và khô…) có thể khiến con bị ho khan. Tình trạng này phổ biến hơn ở những đứa trẻ nhạy cảm.
Cách trị ho khan cho bé do kích ứng môi trường tốt nhất là để con tránh xa các tác nhân gây kích thích.
Bé ho khan do cảm cúm
Trẻ em bị cúm và cảm lạnh có biểu hiện khá giống nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn.
Khi mới bị cảm cúm, con sẽ ho khan; nhưng khi bệnh tiến triển, bạn có thể thấy con ho kèm đờm.
Bé ho khan do ho gà
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn truyền nhiễm ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ sơ sinh. Nếu con đang bị bệnh này, bạn sẽ nhận thấy những cơn ho mạnh và dai dẳng hơn. Bé cũng có thể phát ra tiếng lạ (tiếng cục cục) khi ho.
Ho do nguyên nhân này cực kỳ khô và có thể dẫn đến ngạt thở ở trẻ sơ sinh. Khi bị ho gà từng cơn nghiêm trọng, bạn có thể nhận thấy mắt bé chảy nước mắt hoặc hơi xanh.
Cách trị ho khan cho bé trong từng trường hợp cụ thể
Có rất nhiều vấn đề có thể khiến bé bị ho khan. Và cách chữa ho khan cho trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng. Việc tuân thủ đúng liệu trình điều trị ho khan cho bé là vô cùng quan trọng. Bạn nên đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn – bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng và quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Cách trị ho khan cho bé do cảm lạnh thông thường
Lựa chọn các phương pháp điều trị tại nhà là cách tốt nhất để chữa ho khan do cảm lạnh thông thường. Các biện pháp xử lý tại nhà không chỉ dễ thực hiện mà còn an toàn cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng bất cứ thứ gì.
Cách chữa ho khan cho bé do GERD
Nếu nguyên nhân gây ho khan của bé được chẩn đoán là GERD, bác sĩ sẽ khám cho bé để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một khi biết nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị.
Cách trị ho khan cho bé do kích ứng
Cách hiệu quả nhất để tránh ho khan do các tác nhân kích thích từ môi trường là cho bé ra ngoài trời ít hơn một chút.
Cha mẹ cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ cho không khí trong phòng của con không quá khô. Hãy đảm bảo rằng bạn làm sạch máy tạo độ ẩm thường xuyên vì nó có thể trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn và vi trùng.
Đừng sử dụng thuốc xịt, chất khử mùi hoặc chất làm mát phòng. Chất hóa học trong các sản phẩm này có thể khiến bé bị kích ứng.
Hãy mặc cho bé những bộ quần áo thoải mái, phù hợp với thời tiết vì những cơn ho có thể khiến bé đổ mồ hôi. Quần áo thoải mái cho phép không khí lưu thông và cũng giúp giữ nhiệt độ của bé trong tầm kiểm soát.
Điều trị ho khan cho bé do cảm cúm
Nếu bé bị ho khan do cúm, thuốc kháng sinh sẽ không giải quyết được vấn đề. Bác sĩ có thể đề nghị bạn cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ với các thực phẩm lành mạnh.
Điều rất quan trọng là con bạn phải uống đủ nước và nghỉ ngơi nhiều hơn.
Điều trị ho khan cho bé do ho gà
Khi bác sĩ xác định rằng ho gà là nguyên nhân gây ra ho khan, họ sẽ kê một đợt kháng sinh cho bé.
Trong trường hợp bé dưới 1 tuổi, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện để khắc phục mọi biến chứng. Nghẹt thở là một biến chứng phổ biến mà trẻ sơ sinh gặp phải khi bị ho gà. Giám sát y tế là điều quan trọng trong những trường hợp như vậy.
Khi bị ho gà, con sẽ được giữ trong một khu riêng biệt hoặc cách ly vì bệnh này rất dễ lây lan.
Trong trường hợp bé không thở được, bác sĩ có thể cho con dùng thuốc corticosteroid. Thuốc này sẽ làm giảm nguy cơ nghẽn thở. Bác sĩ cũng có thể sử dụng mặt nạ dưỡng khí để giúp bé thở tốt hơn. Các triệu chứng, độ tuổi và tình trạng của bé sẽ giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Các biện pháp khắc phục chứng ho khan ở trẻ em ngay tại nhà
Trong phần này, chúng ta sẽ thảo luận một số cách trị ho khan cho bé hiệu quả, an toàn mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.
Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
Nếu con dưới 6 tháng tuổi, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà sau đây để chữa ho khan:
-
Sữa mẹ là phương pháp trị ho khan tại nhà tốt nhất đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng và cung cấp nhiều kháng thể để bé chống lại các bệnh đường nhiễm trùng.
-
Nhỏ nước muối sinh lý giúp thông mũi và giảm khô mũi cho bé.
Trẻ em từ 6 – 12 tháng
Nếu con bạn từ 6 – 12 tháng tuổi, các biện pháp điều trị tại nhà sau đây có thể hiệu quả với trẻ:
-
Cho bé uống đủ nước (sữa, nước lọc, nước ép hoa quả, nước canh,…). Nước ép cà rốt được tin là có khả năng điều trị ho và cảm lạnh hiệu quả. Vì vậy, bạn hãy lấy một chút nước ép cà rốt tươi, thêm một ít nước ấm, khuấy đều và cho bé uống để làm dịu cổ họng.
-
Cho bé uống canh gà để bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Canh gà cũng sẽ giúp làm dịu cổ họng đang bị khô giúp con cảm thấy dễ chịu hơn.
-
Bạn có thể xoa lên bàn chân, ngực, lưng của bé để giúp làm dịu cơn ho.
Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên
Nếu con 12 tháng tuổi trở lên, bạn có thể sử dụng bất kỳ cách nào sau đây để chữa ho khan cho bé:
-
Cho con bạn uống nhiều nước hơn, vì việc cung cấp đủ nước có thể giúp cổ họng không bị khô. Bạn cũng có thể cho con ăn soup ấm để làm dịu cổ họng đang khó chịu của con.
-
Với trẻ từ 12 tháng trở lên, bạn có thể thử cho con sử dụng các bài thuốc trị ho dân gian như lê hấp đường phèn, củ cải trắng ngâm mật ong, hoa hồng hấp mật ong, chanh đào ngâm mật ong,…
Mẹo để giữ cho con bạn cảm thấy thoải mái
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bé dễ chịu hơn khi bị ho khan:
-
Giữ cho không gian yên tĩnh để bé có được giấc ngủ ngon.
-
Hãy vỗ về con khi bé cảm thấy khó chịu.
-
Đừng để bé một mình lâu vì những cơn ho khan dữ dội có thể dẫn đến nghẹt thở.
-
Cho con tắm nước ấm. Hơi nước ẩm và ấm giúp cơ thể thư giãn và giúp cổ họng không bị khô.
-
Sử dụng máy tạo độ ẩm. Không khí trong nhà khô có thể làm cổ họng con bị khô dẫn đến ho khan nhiều hơn. Vì vậy, bạn hãy thử sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí.
-
Uống nước ấm. Nếu cổ họng của con bị đau do ho, nước ấm có thể khiến bé cảm thấy dịu.
Trẻ bị ho khan nên uống thuốc gì?
Khi nói đến cách trị ho khan cho bé, nhiều người nghĩ tới việc cho con uống thuốc. Tuy nhiên, các bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo rằng không nên cho trẻ dưới 4 tuổi sử dụng thuốc trị ho và cảm lạnh không kê đơn (OTC). Đối với trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, chỉ cho bé uống nếu bác sĩ yêu cầu. Sau 6 tuổi, cha mẹ có có thể cho con uống thuốc theo hướng dẫn trên bao bì (nhưng cần cẩn thận với liều lượng).
Bằng cách áp dụng các cách trị ho khan cho bé phù hợp, bạn sẽ giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.