Cách ủ đậu nành đậu tương thành phân bón hữu cơ hiệu quả

Cách ủ đậu nành đậu tương thành phân bón hữu cơ hiệu quả

Những loại phân bón hữu cơ được chế biến từ đậu nành như: bột đậu nành, phân ủ từ bánh dầu, bã đậu nành… Là một nguồn đạm, vitamin, vi lượng tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Trong tình trạng đất đai thoái hóa do lạm dụng phân hóa học thì phân ủ từ đậu nành, phân chuồng là hai loại phân đang khá thịnh hành và mang lại hiệu quả khi sử dụng.

Sở dĩ các loại phân này đang được lan truyền rộng rãi là vì chúng có rất nhiều công dụng. Chúng giúp bổ sung các dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng như: acid amin (đạm hữu cơ), trung, vi lượng, vitamin và khoáng chất,… Ngoài ra, các loại phân này còn có tác dụng góp phần cải tạo đất, tăng độ mùn cho đất, tăng mật độ vi sinh vật trong đất. Đặc biệt, các loại phân bón hữu cơ giúp phân giải lân, kali khó tan trong đất rất tốt.
Bà con có thể tham khảo hai cách ủ đậu nành thành phân tại nhà dưới đây:

1. Cách 1: Ủ bột đậu nành thành phân bón hữu cơ bằng Trichoderma (ủ khô):

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

  • 50kg đậu nành (đậu tương) loại xấu khoảng 12 – 15.000/1kg (xay nhỏ thành bột)
  • 10kg super lân
  • 01kg Trichoderma
  • Bao tải lót nilon để giữ nhiệt

Bước 2: Tiến hành cách ủ đậu nành thành phân

Trộn đều hỗn hợp 3 nguyên liệu đã chuẩn bị lại với nhau, sau đó cho vào bao tải buộc kín lại. Khi cho hỗn hợp vào bao tải có lót nilon buộc kín, sẽ sinh ra độ ẩm tạo điều kiện cho trichoderma hoạt động rất tốt. Vì vậy nên ở cách ủ này, bà con không cần phải tưới nước vào. Do đó ta gọi là ủ khô.

Cách ủ đậu nành với Trichoderma

Để giữ nguyên hỗn hợp đã ủ sau ba tháng là bà con có thể sử dụng để bón cho cây trồng.

Cách sử dụng phân hữu cơ ủ từ đậu nành:

Phân bón hữu cơ đậu tương được ủ theo dạng bột này có thể sử dụng cho tất cả các loại cây trồng. Đối với cây ăn quả có thể bón định kỳ 1 – 2 tháng/lần với lượng 2kg/gốc. Bón bằng cách dải đều lên bề mặt sau đó lấp đất lại và tưới nước. Ta cần tưới đều nước và tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm và tránh ánh sáng trực tiếp vào gốc. Ngừng sử dụng phân đậu tương trước khi thu hoạch 3 – 5 ngày.

>> Tham khảo sản phẩm trichoderma chuyên dùng để ủ đậu tương tại đây

2. Cách 2: Cách ủ đậu nành thành phân bón hữu cơ bằng men vi sinh (ủ nước):

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 50kg bột đậu nành (đậu tương)
  • 01 lít men vi sinh (men ủ cá, ủ đậu tương)
  • 1kg đường đỏ dạng phên (bán ở cửa hàng đồ khô)
  • Thùng sơn 100 lít
  • 50 lít nước sạch (nước máy phải phơi 3 – 5 ngày)

Bước 2: Tiến hành ủ đậu nành thành phân:

Sử dụng thùng 100 lit, lấy đủ 50 lít nước, cho toàn bộ đường đỏ và men vi sinh đã chuẩn bị vào khuấy đều.

Sau đó cho từ từ bột đậu tương vào khuấy đều (thu được hỗn hợp sệt sệt là đạt, không loãng cũng không đặc quá vì trong một vài ngày đầu bột đậu tương sẽ còn nở ra).

Cách ủ đậu nành với men vi sinh

Đậy nắp lại và trong 1 tuần đầu 1 ngày mở ra khuấy đều 1 lần. Sang tuần thứ hai 2 – 3 ngày chúng ta khuấy 1 lần . Sau 1 tháng là có thể sử dụng bón cho cây trồng.

Cách sử dụng phân hữu cơ đậu nành:

Hòa loãng phân bón hữu cơ đậu tương với nước theo tỉ lệ 1:50, tưới định kỳ 2 tuần/lần đối với cây hoa. Còn đối với cây rau màu và cây ăn trái tưới định kỳ 1 tháng/lần.

>> Tham khảo loại men vi sinh chuyên dùng để ủ đậu tương tại đây

>>> Đọc thêm: Một số loại cây họ đậu cố định đạm phổ biến (phần 1)

Hùng Chaetomium

Xem thêm về: Cách làm phân bón

Danh mục: Cách sản xuất phân hữu cơ

Rate this post

Viết một bình luận