Cách xử lý khi con bị ngán ăn bột, ngán ăn cháo | Bé Yêu

Làm thế nào để việc ăn uống là niềm vui của bé? Làm thế nào để bé háo hức đón nhận bữa ăn mỗi ngày? Những kinh nghiệm được chia sẻ trên diễn đàn Webtretho của các bà mẹ sẽ phần nào mang đến cho bạn một vài sáng kiến mới để cải thiện bữa ăn cho con.

Mẹ đổi cách nấu, con đổi cách ăn

Lâu nay, nếu mẹ chỉ nấu món cháo theo cách thông thường, cháo trắng hòa lẫn rau củ thịt thành một chén hỗn hợp thì nay hãy thử làm theo cách mới xem. Mẹ có thể nấu thịt, rau riêng và cháo riêng, không trộn lẫn làm cho bé mau ngán. Bé vừa được món lạ miệng vừa ăn với nhiều khẩu vị khác biệt nhau. 

Cũng có thể cho bé ăn những miếng to, cứng hơn. Luộc hay chiên nguyên miếng rồi mang ra bày con tự xé, bốc ăn, hẳn là bé sẽ rất thích thú. Bàn tay con trẻ còn vụng về nên thường làm rơi, đổ, nhưng mẹ đừng vì thế mà ngại khi nhìn con dơ bẩn. Hãy kiên nhẫn tập cho bé, đó cũng chính là cách để dạy trẻ tính tự lập. Mẹ lại lo lắng là con sẽ nuốt chứ không nhai, nhưng nếu bạn thử một vài lần, sự háo hức với món mới cộng với bản năng sẽ giúp bé tự nhiên có phản xạ nhai. Các nghiên cứu đã cho thấy cơ chế nhai của trẻ đã hình thành từ khi bé 6 tháng tuổi. Đây cũng chính là chia sẻ của ID Magnet từ những kinh nghiệm mà chị áp dụng thành công cho con mình.

Tô, thìa, muỗng con thích nhất

Cách này thì các bà mẹ chắc đều đã “kinh” qua, nhưng quả thật là bé không chỉ thích những cái tô, muỗng xinh đẹp được bày bán trong cửa hàng, bé cũng không phân biệt đâu là hàng “xịn”, hàng ngoại đâu là hàng nội. Bé sẽ thích tất cả, miễn đó là cái mới, lạ và trong nhãn quan của bé, nó “đẹp”. Cho nên bạn có thể tạo sự thú vị của con bằng những chiếc chén trong bộ đồ chơi của bé, trong chiếc nồi to đùng của mẹ. Có thể thay cái muỗng nhỏ xíu của con bằng cái muôi, vá mà mẹ hay dùng nấu canh… miễn là những thứ đó tạo cho bé niềm vui. 

Thử thoải mái với những món mới

ID Phạm Hải Anh chia sẻ, có thể thử cho con các món như bún, phở, bánh đa, mì nui, xôi nếp nát, bánh cuốn tự làm bằng bột gạo…. miễn là em bé thích và những món ấy phù hợp với độ tuổi của bé. 

Hãy làm phong phú bữa ăn cho bé bằng các món mới lạ hơn

Thật vậy, không nhất thiết phải cho bé ăn thịt bò, cua biển con to, tôm sú thì mới bổ dưỡng mà hầu hết các loại thực phẩm người lớn ăn được thì bé cũng có thể hấp thu tốt. Trong mỗi loại thực phẩm đều có chứa dưỡng chất tốt, vì thế mẹ chỉ cần chọn loại phù hợp với độ tuổi của con là có thể yên tâm để tạo cho bé những món đa dạng phong phú. Nếu không có những dấu hiệu của dị ứng thức ăn thì khoảng trên 1 tuổi là bé đã có thể dùng hầu hết các loại thực phẩm.

Hơn nữa, nếu bé nhà bạn đã rành rẽ món cháo và “có ý” thử món cơm của ba mẹ thì bạn có thể chuyển món cho con được rồi. Không phải quá lo lắng là bao tử bé không chấp nhận được, vì theo kinh nghiệm của ID mẹ Ổi khi cho con ăn dặm theo kiểu Nhật nổi tiếng thì một trong những nguyên nhân làm trẻ biếng ăn là do cho thời gian duy trì các giai đoạn ăn dặm của bé quá lâu. Trong những bài viết kể về kinh nghiệm cho con mình ăn dặm và thực tế từ những đứa trẻ Nhật mà chị đã nhìn thấy, hầu hết đều có thể ăn các món thô, cứng từ rất sớm. 

Không ép bé ăn khi bé không thích

ID meyeulim với quan điểm cho con ăn theo sở thích và đa dạng hóa thức ăn cho con đã chia sẻ: “Khi bé đã chán cháo rồi, cương quyết đình công với cháo thì đương nhiên mẹ phải chuyển món cho bé thôi, đừng ép các bé ăn thứ mà bé không muốn,” và “đa dạng hóa thức ăn và món ăn cho bé sẽ là phương thức tốt nhất để giúp bé ăn ngon miệng và nhiều.” 

Đừng ép khi con đã từ chối ăn thêm

Rất nhiều người mẹ vì nóng lòng với cân nặng và tăng trưởng của con nên đã vô tình mắc phải sai lầm rất nghiêm trọng là ép con ăn thật nhiều, dù con đã khóc lóc từ chối. Điều này thực sự chỉ làm cho sự biếng ăn của bé trở nên trầm trọng mà thôi, bởi mẹ đã vô tình gây ra tâm lý sợ ăn cho bé. ID Mẹ Cún Phính tâm sự: “Đã trải qua thời kỳ khủng khiếp với từng bữa ăn của con nên mình rất hiểu tâm trạng các mẹ có con lười ăn. Bé nhà mình từng mất 2 tiếng/bữa ăn, vị chi mình tốn 6 tiếng đồng hồ cho 3 bữa ăn của con trong 1 năm đầu. Tuy nhiên giờ bé rất thích ăn, chỉ mất 10-15′ và đã có thể tự xúc từ khi 15 tháng. Mình nghiệm ra con lười ăn trước đây là do mình chứ không phải do con.” 

Có thể còn rất nhiều những “bí mật” khác trong kho kinh nghiệm riêng của mỗi người mẹ, nhưng nhìn chung sự biếng ăn hay dễ ăn của trẻ phần nhiều phụ thuộc vào cách mà bạn cho trẻ ăn như thế nào. Bé không phải là một con búp bê dễ bảo, mà là một “con người nhỏ” – có nhiều thứ giống một “con người lớn”, vì thế nhu cầu của bé cũng giống như người lớn. Người lớn thích ăn ngon, món ăn mới lạ mỗi ngày, vậy cớ gì bé cứ phải mãi với món cháo và một kiểu nấu chán ngắt?

Rate this post

Viết một bình luận