TPO – Bức màn tiểu thuyết đã vén lên trong công việc của nhà văn chính là sự làm mới trong sáng tạo. “Cõi ta bà”, cuốn tiểu thuyết thứ ba, sau “Xuyên Cẩm” và “Thổ Địa”, Dương Kỳ Anh muốn tìm tòi sáng tạo ở lối vào hiện thực.
Khi tôi đặt bút vào cái Cõi ta bà đầy mới lạ, hấp dẫn, nhà văn Dương Kỳ Anh đã bay vào phương Nam để lo cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Một hoạt động văn hóa truyền thống nổi tiếng của báo Tiền Phong mà người khởi xướng đã dành nhiều tâm lực sáng tạo cũng như với thi ca và tiểu thuyết.
Như một nhân duyên, hai lần trước, hai cuốn tiểu thuyết trước cũng vậy, anh chưa kịp đề tặng tôi sách mới thì đã phải vào ghế Chủ khảo của các cuộc thi Hoa hậu. Lần này, vậy là đã quá tam ba bận.
Như số phận nhân duyên, anh đã đi qua một vòng tiểu thuyết: Xuyên cẩm (2004), Thổ địa (2006), Cõi ta bà (2008). Chỉ nói riêng sức làm việc và hiệu quả ở ba ở ba tác phẩm đầy đặn đã đủ chứng minh một năng lực tiểu thuyết đáng quý.
Nói theo ngôn ngữ biểu tượng của các nhà văn trẻ, Dương Kỳ Anh là: Tiền Phong – Cao ốc – Hoa hậu – Văn chương. Tờ báo Tiền Phong nhiều năm qua trong thời đổi mới thì đã rõ, tòa tháp cao tầng trụ sở báo thì đã rõ.
Hoa hậu đưa tác giả vào từ điển “Danh nhân văn hóa” khu vực châu Á Thái Bình Dương. Văn chương đây là nói các thể loại mà anh có đóng góp xứng đáng, rõ nhất là Tiểu thuyết và Thơ.
Đi vào Cõi Ta Bà là một sự vô cùng. Nhà văn chọn lĩnh vực này, sau mảnh đất quê hương Xuyên Cẩm và mảnh đất người đời Thổ Địa, hẳn là có sự ngẫm ngợi chủ ý như đi kín một vòng đời.
Vấn đề là viết cho ra Cõi Ta Bà lạ mà quen như đã nói trên kia. Được biết nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã viết những dòng thông minh giới thiệu tóm tắt cho cuốn sách:
Một vị tiến sĩ tiếng tăm và giầu có, sau khi vợ chết đã tình cờ phát hiện ra cái thế giới bí mật của các khách sạn. Từ đó ông giao du với những con người bị xã hội khinh bỉ, lăn lộn trong Cõi ta bà, và câu hỏi lớn trong ông là: Làm sao bước đi được giữa Cõi ta bà ấy mà con người vẫn giữ cho mình được là mình…”.
Hoa trạng nguyên đỏ rực ngoài kia, và mùi thơm quyến rũ của người con gái… Một cô gái từng làm nghề mát-xa… Thì có sao đâu!… Ai rồi cũng phải đi qua cõi đời trần tục, cái Cõi ta bà đầy khổ đau và nhớp nháp. Nhưng, thực ra, cũng chẳng có cõi nào hơn…
Như vậy là bức màn tiểu thuyết đã vén lên phần nào. Còn lại là công việc của nhà văn. Là sự làm mới là sáng tạo của nhà văn. Đến Cõi ta bà, tức là đến cuốn tiểu thuyết thứ ba, Dương Kỳ Anh muốn tìm tòi sáng tạo ở lối vào hiện thực.
Và phải nói, ở cái điều tiên khởi của tiểu thuyết này, anh đã thành công. Sự đời vẫn vậy, thiên đàng và địa ngục vẫn vậy, Cõi ta bà lại càng vậy… Nhưng lần này, đọc Dương Kỳ Anh, bạn đọc nhận ra những cảm xúc mới lạ.
Không ở một chương, một đoạn văn, mà sợi chỉ đi dọc cả tập sách. Cảm xúc, cảm nhận hiện thực đó là gì? Khi giật mình, khi thở phào nhẹ nhõm, khi cười to lên, khi cười tủm tỉm, khi cười lặn sâu vào lòng… Cũng có lúc gai người, muốn phản biện, tranh luận…
Vấn đề ở hai điều: Lối đi vào hiện thực và việc xử lý phẩm chất hiện thực đó. Đôi chỗ như nguyên xi, như rơi vào bản năng. Đôi chỗ ngỡ như tác giả bất cần kiểm soát nữa. Dương Kỳ Anh có điểm tựa vững chắc là hiện thực của tuổi trẻ, sức trẻ, cái nhìn trẻ…
Từ lộ trình đó, dòng sông trẻ đó, nhịp cầu trẻ đó… mà cuốn đi dào dạt, như cuốn phăng tất cả. Tôi suy nghĩ rất nhiều ở điều này, cái mới đáng quý trước nhất ở Cõi ta bà – và tôi đã thử cắt nghĩa điều đó. Xuyên cẩm là tuổi thơ, và đó là chất liệu tổng hợp của cảm xúc thi nhân.
Thổ địa đã đối mặt, tổng hợp chất liệu cuộc đời. Đến Cõi ta bà, nhà văn như huy động quãng lung linh nhất của đời người, đời của người con trai – Cụ thể kia là quãng vào đời: Nhận thức, quãng đi học, sinh viên.
Tôi rất vui và cám ơn nhà văn, khi một bước như chúng ta được tìm thấy bước chân vào đời của mình trong đó. Bom đạn, chiến tranh, bắt đầu từ một cô Tý đầy ấn tượng cảm thương đến khu phố Bà Triệu, Nguyễn Du thân quen đến ký túc xá Mễ Trì Đại học, đến ngôi nhà và cô con gái của Giáo sư… Rồi đến Cõi ta bà!
Anh chàng sinh viên Nguyễn Văn Thiệu (cái tên nhân vật chính, “tổ hợp” nhiều sự lạ), say võ giỏi võ, như muốn ra trong ở quãng hiện thực trẻ kỳ lạ này. Rõ là nhà văn muốn “ra tay” ở đây.
Anh sử dụng chất liệu trẻ, nguyên hình nguyên khối nguyên chất, dứt khoát, táo bạo, thế mở hoàn toàn… Để tìm kiếm nội lực, công lực. Chính nhờ biết khai thác cái “điểm sáng” cuộc đời đó, cái gan dám nói, dám làm của tuổi trẻ đó mà tác giả đã thành công.
Cõi ta bà “ra tay” ở toàn những chi tiết hiện thực gần như bản năng, nhưng thực ra điều nó muốn đạt tới là những vấn đề nóng không nhỏ, nếu không muốn nói là lớn.
Vấn đề không ở tuổi trẻ và tính dục, không ở ngay cả cái Cõi Ta Bà mà đến trang 171 chương 17 Nghiệp chướng ta mới hiểu rõ ra ở lời giảng của nhân vật Huyền: Cõi ta bà bẩn thỉu, nhơ nhớp, đáng chán… Nhưng có phải ai cũng dám từ bỏ để về cực lạc…
Vấn đề lại ở chính Con Người – Khởi đầu từ ông tiến sĩ Thiệu tiếng tăm và giàu có làm công việc nghiên cứu về con người và cả cái viện, cái nhân bản của anh.
Rồi đến vấn đề Tự do, Pháp luật, Lôgic cuộc sống (Trang 61, 62… 122, 123,… 192, 193…). Toàn nặng ký cả. Đây là điều thứ hai, tôi muốn nói là ở Cõi Ta Bà. Đây cũng chính là cái khó, cái thử thách cao nhất mà tác giả phải vượt qua.
Trước chuỗi đời hiện thực nguyên xi, nguyên bản, nguyên gốc như vậy, không thể không nói trắng phớ hiện trạng… nhưng với tinh thần trách nhiệm của nhà văn, và trái tim thi nhân luôn tỉnh thức, đọc kỹ ta thấy nỗi lòng, ý tưởng của tác giả muốn đạt đến điều gì.
Muốn gì cho người và cuộc đời này. Muốn gì trước những hiện trạng đang xảy ra. Đó là một sự tìm kiếm nghiên cứu thú vị ở Cõi ta bà.
Cõi ta bà vào loại tiểu thuyết không dày. Địa danh sự kiện, số phận nhân vật… được chuyển đổi chọn lọc, linh hoạt, có kết cấu vững vàng. Nếu nói công việc của người viết tiểu thuyết chính là nhân vật, thì ở cuốn này, nhà văn đã có bước tiến khá xa ở sự khắc họa các nhân vật.
Thực và ảo. Địa ngục và Thiên đàng. Kỷ niệm và phía trước. Khát vọng một thời và khát vọng muôn đời. Các nhân vật của anh có cá tính, có hồn, có số phận… gây được dấu ấn cảm xúc khác nhau trong lòng người đọc.
Cái cô Tý như thu cả đáy sâu tuổi thơ kia. Rồi Hoàng Lan, Hương Lan… muôn vẻ cuộc đời. Giáo sư Mai và gia đình Giáo sư. Đặc biệt nhân vật Huyền như hàm chứa chất cả.
Cái tính dục, tính nhân văn, tính tâm linh như có cả ở cuộc đời người con gái không dễ mô tả bằng truyện hoặc bằng thơ tình này. Mà phải nhờ tiểu thuyết. Đến đây mới cần đến cái tài của nhà văn.
Đến Cõi ta bà, nhà văn có những trang văn hay như nhuần thấm từ đất cát cuộc đời. “Lúc đó tôi còn quá trẻ để hiểu điều quan trong nhất… (trang 86, “Trong sâu thẳm của nàng, có cái gì đó tôi chưa chạm tới được…” (trang 161 – Song sinh) v.v…
Thật bình dị mà cảm xúc, như gạn chắt từ số phận tiểu thuyết. Là những câu văn hay của tiểu thuyết. Từ Báo hiếu cha đến Trả nghĩa mẹ… Từ Ba đêm tân hôn đến… Hãy chọn giá đúng…, bằng câu văn sắc sảo như nét chữ vi tính hiện đại… nhà văn lách vào cái hài, cái bi, cái giễu nhại một cách tỉnh táo, có sự kiềm chế của tri thức và lý trí.
Bản thân cái tên, sự ra đời, bước đi vào đời của nhân vật Thiệu, Nguyễn Văn Thiệu… cũng đã đầy cái chất đó… Có cảm giác như nhà văn đang bước vào cõi mà người ta thường nói là “Hậu hiện đại” chăng?
Mừng một vòng tiểu thuyết của nhà văn: Từ cái làng Cẩm quê mình, qua Thổ Địa, đến Cõi ta bà đều có những cái riêng, độc đáo, mới lạ..
____
* Tiểu thuyết của Dương Kỳ Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008