Cái chết đau lòng do kích điện đánh bắt cá

Biên phòng – Dẫu biết sử dụng kích điện đánh bắt cá là vi phạm pháp luật và cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Song, không ít người dân ở một số xã vùng cao thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn bất chấp pháp luật để rồi nhận lấy hậu quả đau lòng.

af6p_17Đánh bắt bằng xung điện, một sự tận diệt nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến bây giờ, người dân thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, vẫn không khỏi bàng hoàng sau cái chết đau lòng của anh Nguyễn Văn Nội (33 tuổi) xảy ra vào tối 25-6. Nguyên nhân gây ra cái chết của anh Nội là do anh dùng kích điện đi rà cá bị điện giật chết ngay dưới suối. Theo người nhà kể lại, hôm đó, anh cùng người chú ruột của mình là ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) và con trai của chú là anh Nguyễn Ngọc Kỹ (30 tuổi), trú cùng thôn, rủ nhau mang bình ắc quy và kích điện đi ra địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cách nơi cư trú khoảng 70km để rà bắt cá về cải thiện và bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng không may cho anh, trong khi rà bắt cá bị điện giật làm anh chết dưới suối, còn ông Cường và anh Kỹ đã thoát chết nhờ một số người dân đi chặt song mây phát hiện kịp thời tới cứu giúp.

Chưa hết hoàn hồn sau cái đêm định mệnh bên dòng suối hôm đó, ông Nguyễn Văn Cường bùi ngùi kể lại: “Thằng Nội cháu tôi khổ từ nhỏ tới bây giờ. Vì cuộc sống quá khó khăn mà nó đã mất mạng. Mấy hôm trước, chú cháu tôi chỉ tranh thủ mỗi đêm vài giờ, bắt được bao nhiêu cá thì bắt. Hôm đó, tôi giục về, nó cứ bảo tranh thủ kiếm thêm ít cá nữa để mai bán kiếm tiền xăng. Nghe vậy, tôi ngồi hút thuốc trên bờ, chờ nó làm xong cùng về. Ai ngờ, được một lát nghe nó kêu cứu, tôi chạy lại thì cũng bị điện giật bắn tung người. Nhìn thấy nó chân tay co quắp rồi ngã xuống nước, tôi lúng túng không biết xử lý ra sao. Run rủi thế nào tôi lại cầm vào dây điện, bị điện giật cháy tay rồi ngất lịm. Con trai tôi chạy tới cứu cũng bị điện giật ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, nhìn thằng cháu nằm dưới nước mà không còn sức để cứu. May mà có mấy người dân đi làm qua cứu giúp, rồi đưa con trai tôi đi bệnh viện cấp cứu, còn tôi ở lại đi tìm người ra vớt xác cháu đưa về. Suýt nữa thì tôi và con trai tôi cũng chết”.

Theo ông Cường, biết dùng kích điện đi rà cá là vi phạm pháp luật và nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì mưu sinh nên đành nhắm mắt làm liều. “Nhà nghèo, không có tiền, hơn nữa cá biển không dám ăn, biết ăn cái gì? Đành liều bố con, chú cháu ngày đi làm, đêm rủ nhau đi kiếm con tôm, con cá về cải thiện bữa ăn cho cả nhà, hôm nào may mắn được con cá nào ngon thì mang đi bán kiếm thêm ít tiền mà mua dầu, mua mắm, mua gạo. Nhưng hậu quả xảy ra thật đau lòng. Biết vậy, ăn rau, ăn muối cho xong, cháu tôi đã không chết” – ông Cường đau xót.

 Rời nhà ông Cường, chúng tôi tìm đến nhà anh Nội. Chúng tôi thấy một cảnh tượng tang thương bao trùm căn nhà nhỏ. Gặp ông Phạm Thái Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm, chúng tôi được biết: “Anh Nội trước đây là nhân viên Hợp tác xã điện xã Kỳ Lâm. Sau khi hợp tác xã giải thể và bàn giao cho Điện lực huyện Kỳ Anh quản lý, anh Nội làm hợp đồng thu tiền điện hằng tháng cho Điện lực huyện. Hoàn cảnh kinh tế gia đình anh hết sức khó khăn. Vợ anh không có việc làm, 2 con lại còn nhỏ, cháu lớn 11 tuổi và cháu bé mới hơn 8 tháng tuổi. Nội ngoại đều đông anh em, nhưng kinh tế ai cũng khó khăn”.

Cái chết của anh Nội là một sự mất mát rất lớn của gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học cảnh tỉnh cho tất cả những ai bất chấp mọi quy định pháp luật để rồi gánh lấy hậu quả đau lòng như trên.

“Vấn đề dùng kích điện đánh bắt cá, địa phương chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, quán triệt để mọi người hiểu về sự nguy hại của nó vừa ảnh hưởng tới môi trường sống của các loại động thực vật, tận diệt nguồn lợi thủy sản, vừa nguy hiểm đến tính mạng nhưng một số ít người dân đã không chấp hành dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an xã rà soát, yêu cầu từng hộ dân phải cam kết, nếu hộ nào không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Hoa cho biết thêm.

Xuân Hoàng

Rate this post

Viết một bình luận