Tôi quan sát và ngẫm thấy một điều, ở nhiều môi trường, người ta ít khi nói về danh dự. Ai đề cao danh dự dễ trở nên “lạc điệu”. Trong khi đó, những suy nghĩ và hành động “khôn lỏi”, vị kỷ có vẻ dễ được bỏ qua.
Vài lần, tại buổi giảng bài hay trên trang cá nhân, khi tôi bàn luận về vai trò của việc đề cao danh dự trong việc kiểm soát tư duy và hành động vị kỷ, nhiều bạn phê phán là “hão huyền, xa vời”, rằng chúng ta cần những giải pháp dễ nhìn thấy bằng mắt hơn.
Cũng không ít lần tôi trao đổi với đồng nghiệp về bản năng “tham” của con người. Mỗi cá nhân hành động đều trước hết là vì mình. Bởi thế, ý thức về danh dự và sự liêm chính sẽ là yếu tố khiến cá nhân phải cân nhắc mỗi khi đối diện tình huống có thể hành động vị kỷ. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi về danh dự hay sự liêm chính đều diễn ra rất ngắn. Mọi người cũng thường im lặng hoặc ít ý kiến bàn luận.
Mười năm trước, khi theo học chương trình tiến sĩ về Quản trị công và chính sách tại Mỹ, tôi thấy danh dự là phạm trù luôn được đề cao trong văn hóa công vụ ở xứ này. Một trong những chủ đề mà tôi và giáo sư hướng dẫn hay “đàm đạo” là đạo đức của cán bộ công quyền, nhất là những người làm lãnh đạo và quản lý. Những câu hỏi của tôi như: Làm thế nào để có được những nhà lãnh đạo và quản lý liêm chính? Làm sao có thể kiểm soát được cái tôi vị kỷ để họ không dám tiêu cực hay tham nhũng? Giáo sư giới thiệu với tôi vài tài liệu để đọc.
Những ý niệm đầu tiên về đạo đức công vụ ở các nước phương Tây gắn với truyền thuyết về Lucius Cincinnatus. Năm 458 trước Công nguyên, khi thành Rome bị đe dọa bởi ngoại bang, Cincinnatus, vốn là một nông dân, được thượng viện bổ nhiệm làm thống chế quân đội. Sau 16 ngày, ông đánh bại kẻ thù, từ chức và trở về công việc đồng áng của mình.
Cho đến nay, truyền thuyết về Cincinnatus không màng danh lợi sau khi thực hiện trách nhiệm với cộng đồng vẫn được giới lãnh đạo, hành chính và nhân viên công quyền ở nhiều nước phương Tây coi như một biểu tượng về danh dự công vụ.
Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về 19 điều Đảng viên không được làm mới ban hành hôm qua có nội dung, Đảng viên không được chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi.
Khi đảm nhiệm các vị trí công quyền, mỗi cá nhân đều luôn có những lợi ích riêng tư trong khi hành động của họ phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích công. Đây chính là căn nguyên cho những tình huống tiềm ẩn nguy cơ “tiêu cực” hay “tham nhũng”.
Điều này cũng có nghĩa, sự liêm chính của mỗi cá nhân thực thi công vụ luôn đứng trước thách thức – đó là khi họ có thể ban hành những quyết định theo hướng có lợi cho bản thân hoặc liên quan đến họ nhưng lại thiệt hại nhất định cho lợi ích xã hội. Nếu không được kiểm soát, hệ quả dễ thấy nhất của tình trạng trên là có thể gia tăng tham nhũng, giảm chất lượng chính sách, giảm hiệu quả hoạt động của chính quyền. Và trên hết, bào mòn lòng tin của người dân vào thể chế công và chính quyền nói chung.
Báo cáo mới đây của Chính phủ cho biết, năm 2021, ngành Công an đã thụ lý điều tra hơn 580 vụ án với khoảng 1.300 bị can về tham nhũng. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý là trên 800 tỷ đồng, hơn 398.600 mét vuông đất… Chỉ có bốn trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 350 triệu đồng.
“Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, nhưng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho dân ngày càng tinh vi, chưa được ngăn chặn hiệu quả”, Chính phủ nhận định. Trong một động thái liên quan, gần đây, “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” được đổi tên thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Để chống tiêu cực, chúng ta nói nhiều đến việc “truy quét” chủ nghĩa cá nhân, phê phán những cán bộ vị kỷ. Tôi cho rằng, đây mới chỉ là vế thứ nhất của vấn đề. Vế thứ hai là, sau khi phê phán rồi thì cái chúng ta hướng đến là gì? Hẳn nhiên, đó phải là hệ giá trị đạo đức công mà đầu bảng phải là danh dự và sự liêm chính.
Liệu ý thức về danh dự, liêm chính có thể góp phần ngăn chặn hành vi vị kỷ và tiêu cực?
Trên thực tế, hành vi của các nhà lãnh đạo và nhân viên công quyền ở các nước phát triển bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định trong nội bộ hệ thống chính quyền cũng như sự giám sát từ xã hội. Ngoài ra, các hội nghề nghiệp luôn có các bộ “chuẩn mực hành vi” hay “quy tắc đạo đức nghề nghiệp”, bao gồm những quy tắc rất cụ thể để áp dụng với đội ngũ công chức.
Quan sát thực tế ở nước ta, tôi thấy những cá nhân khi được bổ nhiệm thường phát biểu cảm ơn sự quan tâm của cấp trên, sự ủng hộ của đồng nghiệp và hứa “sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, tôi không thấy họ cam kết về sự liêm chính hay sẽ bảo vệ danh dự bản thân và tổ chức. Vì thế, nhà nước có thể bổ sung quy định các cán bộ cần tuyên bố cam kết sẽ làm việc liêm chính, bảo vệ danh dự của bản thân, tổ chức và cả hệ thống khi nhận quyết định bổ nhiệm vào vị trí quản lý.
Bởi lẽ, với mỗi người, danh dự như chiếc la bàn, giúp chúng ta xác định được hành vi nào là đúng đắn trong cuộc sống riêng tư cũng như khi hành xử với người khác. Người làm việc cho chính quyền coi trọng danh dự sẽ tạo ra sợi dây ràng buộc giữa hành động của họ với trách nhiệm và bổn phận gắn với vị trí đảm nhiệm. Nhờ đó, mỗi người có thể kiềm chế tốt hơn cái tôi vị kỷ, không để nó tự tung tự tác.
Nhiều người có thể cười suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi vẫn tin rằng, chỉ khi mỗi cá nhân và cả cộng đồng ý thức sâu sắc về các giá trị như danh dự và sự liêm chính thì họ sẽ tự khắc giảm thiểu hành động vị kỷ.
Lợi ích công chỉ thực sự được bảo vệ nếu mỗi cán bộ công quyền thấm đẫm những giá trị đạo đức phổ quát.
Nguyễn Văn Đáng