Tôi vẫn nhớ bà ngoại thường hay kể, lúc mẹ tôi còn bé thường được ông bà chở đi chơi công viên Thống Nhất vào mỗi dịp Tết hoặc 30/4. Nhà ông bà ở tận cầu Đuống, nhưng vẫn đạp xe để đưa mẹ tôi đến công viên ăn kem, chơi đu quay, rồi mua mấy con tò he đất nặn gần chợ Đồng Xuân trên đường trở về. Giờ bà chẳng còn nữa, những ký ức phong sương chắp vá về ngày xưa cách đây gần 50 năm chỉ được kể lại bằng album ảnh ố vàng bức nhòe bức hỏng, và ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của mẹ khi nhớ lại ngày ấu thơ được đi chơi công viên rồi thèm thuồng ngó sang rạp xiếc ngay cạnh bên.
Sống ở Hà Nội đã lâu nhưng tôi chỉ đi ngang qua công viên Thống Nhất, bước qua cổng 1 lần duy nhất để đi hội sách cách đây tận 6 năm. Trong suy nghĩ của tôi, đó là một nơi cũ kỹ và chẳng có gì thú vị, toàn cây cối và chỉ dành cho các bà các cụ dạo chơi, tập thể dục. Nhưng sự thật thì tôi đã lầm, suýt nữa tôi đã bỏ qua một nơi tuyệt vời ngay giữa lòng thủ đô, nơi giúp tôi có thể tạm “trốn” nhịp sống xô bồ mỗi lúc mệt mỏi, nơi sở hữu vô số thứ độc đáo mà các công viên khác chẳng có.
Giữa vô vàn những công viên mới vừa đẹp vừa hiện đại ở thủ đô bây giờ, công viên Thống Nhất nghe thật cũ kỹ, đầy hoài niệm, như cái tên xe đạp Thống Nhất, nhà máy diêm Thống Nhất gắn liền với tuổi thơ của những cụ ông cụ bà người Hà Nội từ cách đây rất lâu vậy. Tại sao không phải là cái tên nghe “thời thượng” hơn, hoặc tên một vĩ nhân nào đó?
Đơn giản vì công viên Thống Nhất mang trong mình bề dày lịch sử đáng nể. Bắt đầu xây dựng năm 1958 và khánh thành sau 2 năm nhờ công sức lao động tự nguyện của nhân dân, công viên được lấy tên là “Thống Nhất” theo ước nguyện sum vầy 2 miền của đồng bào cả nước.
Công viên được xây bên đường quốc lộ 1, hàng ngày có các chuyến tàu đưa đoàn cán bộ giải phóng miền Nam đi qua. Có thể nói, công viên Thống Nhất không chỉ là một địa điểm tụ họp của công nhân viên chức thời đó mà còn mang trong mình trọng trách lịch sử nối liền 2 miền Nam Bắc, là nhân chứng sống đi qua bao thăng trầm của đất nước suốt hơn 60 năm.
Bản đồ do Sở Địa chính TP. Hà Nội in tháng 1/1957 cho thấy khu hồ Bảy Mẫu vẫn còn con đường chéo nối cuối phố Nguyễn Đình Chiểu, Tô Hiến Thành xuyên qua đầm hồ để sang bên đường Lê Duẩn bây giờ. Dần dần, trải qua nhiều mốc thời gian, công viên được hoàn thiện từng bộ phận, tu sửa, quy hoạch thêm cảnh quan mới, trồng cây cỏ phủ kín khắp nơi và sở hữu diện mạo như bây giờ. Ngày nay, công viên được bao quanh bởi 4 con phố lớn: Trần Nhân Tông, Đại Cồ Việt, Nguyễn Đình Chiểu và Lê Duẩn.
Đã từng có một khoảng thời gian địa danh này được đổi tên thành công viên Lê Nin, nhưng sau khi vườn hoa Chi Lăng ở ngã 4 Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu được đặt theo tên vị lãnh tụ Nga thì công viên Thống Nhất được gọi lại với tên cũ.
– Được coi là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50 ha và lịch sử tồn tại gần 100 năm.
– Công viên bao trọn hồ Bảy Mẫu rộng mênh mông ở chính giữa, có 2 hòn đảo nhỏ xinh tên là đảo Hòa Bình và đảo Quán Gió. Nhìn từ trên cao vào những ngày nắng, hồ lấp lánh như viên ngọc xanh ngát giữa lòng thành phố.
– Công viên có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông đối diện với hồ Thiền Quang, cổng lớn thứ 2 nằm ở góc giao Đại Cồ Việt – Nguyễn Đình Chiểu, đi thẳng vào khu đậu thuyền thiên nga.
– Vé vào cổng là 4.000 đồng/ người lớn, nếu mặc đồ thể dục hoặc trẻ em thì được free!
– Công viên có hàng vạn cây xanh đủ loại hoa lá khác nhau như “lá phổi khổng lồ” của Hà Nội, nhưng đặc biệt nhất là cây đa Bác Hồ, được trồng ở gần cổng vào phía Đại Cồ Việt.
– Ngoài công viên Thống Nhất, không còn công viên nào ở Hà Nội có chiếc tàu hỏa rực rỡ sắc màu chạy trên đường ray bao quanh công viên cho trẻ em tham quan với giá vé siêu rẻ.
1 trong 2 hòn đảo giữa hồ được quy hoạch đẹp đẽ, có cầu nối bê tông.
Cây đa Bác Hồ – di tích lịch sử quan trọng tại công viên Thống Nhất.
Nếu là du khách lần đầu tới Hà Nội muốn khám phá công viên thì bạn có thể đặt dịch vụ xe ôm/ ô tô công nghệ tới địa chỉ cổng chính ở mặt đường Trần Nhân Tông, hoặc các cổng khác ở đường Đại Cồ Việt, Lê Duẩn.
Ngoài ra, bạn có thể đi xe bus cho tiết kiệm, hoặc phương tiện cá nhân tùy độ xa gần. Vé vào cổng 4.000 đồng/ người lớn, 2.000 đồng/ trẻ em, giá vé gửi xe máy 5.000 đồng và ô tô 30.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, đáng tiếc là 80% những trò chơi đó đều đã bỏ hoang rồi. Nghe có phần hơi ám ảnh nhỉ, nhưng thực tế thì các khu máy bay, bập bênh, cầu trượt, hay đu quay khổng lồ… do đã quá cũ nát và không được đầu tư thay mới nên đều phải đóng cửa rồi. Chúng vẫn tồn tại qua nắng mưa, nước sơn vẫn đẹp rực rỡ chỉ hơi hoen gỉ chút thôi, nhưng giờ chúng chỉ đứng đó ngắm lũ trẻ nghịch ngợm chạy qua lại mỗi ngày, trở thành vật trang trí lưu giữ tuổi thơ của biết bao thế hệ người Hà Nội.
Những năm cuối thế kỷ 20, công viên Thống Nhất nổi tiếng với Nhà Cười và hệ thống “Nhà ga – Đường sắt – Tàu hỏa” mini đi vòng quanh công viên khiến các em bé mê mệt. Đến nay chiếc tàu hỏa mini và đường ray vẫn còn, được cải tạo lại sạch đẹp để “đi tour” phục vụ các em thiếu nhi mỗi ngày.
Nổi bật ngay gần cổng chính là ngôi nhà gương 40 năm tuổi, trước đây rất cũ kỹ, xuống cấp và bị lãng quên. Nhưng giữa năm 2017, thành phố Hà Nội quyết định tu sửa ngôi nhà gương với mong muốn lưu giữ lại những giá trị truyền thống ở công viên Thống Nhất, đồng thời thu hút giới trẻ đến tham quan. Mất 3 năm cải tạo lại, giờ đây nhà gương đã trở thành tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, sinh động, là công trình kiến trúc nổi bật tại công viên với bức tường gốm sứ siêu đẹp, trông xa như chiếc bánh gato 2 tầng khổng lồ được trang trí hình đại dương.
Giá vé vào nhà gương kỳ lạ là 25.000 đồng/lượt, không giới hạn thời gian.
Ở đây còn có trò đạp vịt giống công viên Thủ Lệ, từng thu hút rất đông khách mua vé trải nghiệm cảm giác phiêu lưu trên mặt nước mênh mông. Tuy nhiên hiện tại thì bến đạp vịt đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại những chiếc thuyền thiên nga đánh số lặng lẽ đậu bên bờ hồ, mỗi lúc chiều tà khung cảnh ở đây khá ảm đạm. Chỉ có hàng nước bên cạnh náo nhiệt đông vui mà thôi.
Ở trong công viên không có nhà hàng nào cả, chỉ có các quán “di động” bán nước mát và đồ ăn vặt mà thôi. Điểm cộng là giá cả không bị chặt chém, với nhiều lựa chọn bình dân như trà đá, nhân trần, nước vối, nước ngọt đóng chai, sữa, bim bim, trái cây…
Vì công viên rất rộng nên nếu không chuẩn bị sẵn nước để giải nhiệt thì sẽ khá mệt trong thời tiết oi bức mùa hè, đi 1 đoạn lại có vài quán nhỏ nằm dưới bóng cây nên yên tâm chỉ cần mang 50k đi là thoải mái đi dạo hoặc tập thể dục rồi.
Công viên Thống Nhất có không gian thích hợp dành cho những bạn trẻ năng động, thích khám phá, ưa các hoạt động tập thể. Ở đây có vô số bãi cỏ rộng, ghế đá, nhà bát giác, khu vực trống để picnic nghỉ ngơi nên cũng là gợi ý tuyệt vời cho các gia đình vào dịp cuối tuần. Chẳng cần đi đâu xa xôi, công viên Thống Nhất vừa có đảo vừa có hồ, rừng cây xanh, hoa lá phong phú, chim chóc bay đậu xung quanh, không khí trong lành chẳng khác gì resort.
Mỗi dịp lễ Tết hoặc ngày kỉ niệm đặc biệt, trong công viên Thống Nhất luôn tổ chức triển lãm, hội sách, hội chợ, các hoạt động văn hóa ẩm thực hấp dẫn thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm. Nếu đến đây vào buổi sáng để tập thể dục, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành của sương mai và những gì tinh khôi nhất của thiên nhiên trước khi trở về cuộc sống ồn ào vội vã bên ngoài.
Hiện tại thì công viên vẫn duy trì nhiều trò chơi dành cho trẻ em như tô tượng, nhà bóng, câu cá, lái xe điện… với mức vé khá rẻ tùy từng trò. Lưu ý không cho trẻ leo trèo ở các khu vực bỏ hoang bởi những trò chơi cũ đã xuống cấp không an toàn.
Mỗi buổi chiều, luôn có nhiều nhóm bạn trẻ tập trung tại các khu vực sân trống để tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, đạp xe, nhảy hiphop, trượt patin… hay người dân ở gần công viên đến chạy bộ, tập thể thao, nhảy zumba khá sôi động. Ven hồ có khá nhiều người ngồi câu cá, các cụ già ngồi trò chuyện nghỉ ngơi, hoặc các chị các mẹ bế con em ra hóng gió, hàn huyên. Mùa hè này thì 2 hòn đảo nhỏ giữa hồ cũng thu hút vô số người đến bơi.
Tóm lại có khá nhiều thứ để chơi và giải trí phù hợp với mọi lứa tuổi, nên đến công viên và tự thu về trải nghiệm thú vị riêng. Nhớ giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác và khám phá mọi thứ thật văn minh nhé!
Đúng vậy, công viên Thống Nhất to đẹp và nhiều cây xanh như một rừng nhiệt đới thu nhỏ, đi mỏi chân cả ngày không hết nên có vô số góc “sống ảo” bị bỏ qua. Hệ thống đường đi và cầu nối giữa các khu vực trong công viên khá phức tạp, nên mọi người thường chỉ chọn hành trình nào đó phù hợp với nhu cầu vui chơi tập tành. Kể cả fan trung thành nhất với chiếc công viên lâu đời này cũng chưa chắc đã biết hết mọi ngóc ngách, thi thoảng ngẫu hứng mới phát hiện ra vài góc cây xanh đón nắng đẹp rực rỡ như phim Hàn, hoặc vài đoạn đường ray lãng mạn như châu Âu mùa thu, rồi hành lang hoa giấy mộng mơ với những chiếc cột đậm nét Hy Lạp…
Những gốc cây rụng đầy hoa điệp vàng, hoa giấy, phượng vĩ đỏ, những lối đi thơm ngát mùi hoa sứ… chỉ cần ngồi xuống là có ngay bức ảnh lãng mạn đậm hương mùa hè. Bến thuyền nơi đậu đầy thiên nga sơn trắng cũng là địa điểm chụp ảnh ưa thích của nhiều cặp đôi, chỉ cần khéo léo một chút và có gu riêng thì kiểu gì bạn cũng sở hữu những khoảnh khắc “chất lừ” ở đó.
Ở Hà Nội bây giờ, ngoài hồ Tây ra thì cũng hiếm có nơi nào sở hữu khoảng trời rộng bao la như công viên Thống Nhất, không bị che khuất bởi những tòa cao ốc lô nhô. Ngồi ở ghế đá ven hồ ngắm bình minh hoặc hoàng hôn, thưởng thức gió mát rượi và nhìn màu trời thay đổi theo từng khoảnh khắc, đảm bảo sẽ là món quà mang lại cảm giác lạ lẫm phấn khích cho bạn nếu phải chịu đựng sự ngột ngạt trong thành phố quá lâu.
Ai nói công viên Thống Nhất nhàm chán cũ kỹ? Ai bảo rằng cái công viên này quá già nua và chẳng hấp dẫn bằng những tụ điểm giải trí hiện đại? Hãy thử đến đây một lần và nhắm mắt hít đầy mùi hoa cỏ, sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm vô cùng, như được thanh lọc bằng thứ năng lượng kỳ diệu của thiên nhiên. 4 mặt công viên bao quanh bởi 4 con phố sầm uất nhất nhì thủ đô, nhưng chỉ cần bước qua cổng công viên thì không gian sẽ tĩnh lặng, thanh bình hơn hẳn.
4.000 đồng cho 1 vé về tuổi thơ lại còn được bonus thêm vô số trải nghiệm thư thái như đi nghỉ dưỡng, nắng gắt còn kéo dài lắm chị em ơi, đến công viên Thống Nhất chơi cho mát thôi!