Cẩm nang Du lịch HẢI DƯƠNG 2022 từ A-Z: Top 14 địa điểm phải trải nghiệm

Hải Dương tuy không phải là cái tên nổi bật trên bản đồ du lịch nhưng lại hấp dẫn du khách bởi những di tích lịch sử lâu đời cùng phong cảnh bình yên, hữu tình.

Đi Hải Dương mùa nào

Hải Dương phù hợp để tham quan cả 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, mùa lễ hội từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm đẹp nhất vì Hải Dương có nhiều đền chùa, di tích lịch sử. Mùa vải thiều vào vụ thu hoạch là từ tháng 5 đến tháng 6. Còn mùa hoa hướng dương vào tháng 10. Tháng 12 là mùa hoa dã quỳ nở, du khách tự do check-in với cả đường hoa dưới chân cầu Phú Tảo, TP Hải Dương.

Thành phố Hải Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Huy Hòa

Di chuyển

Hải Dương cách Hà Nội khoảng 60 km. Tới Hải Dương có đa dạng phương tiện di chuyển như xe cá nhân, xe khách, xe limousine, tàu hỏa…

Nhanh nhất là đi xe limousine với thời gian di chuyển nhanh và tiện nghi, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái. Bạn có thể tham khảo xe limousine tại Đi Chung có giá 250.000 đồng một vé, tần suất chạy liên tục, 30 phút có một chuyến. Lựa chọn rẻ hơn là Tuấn Hải limousine, đi xe 16 chỗ, tần suất 4 chuyến một ngày. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn đi xe khách, tham khảo các hãng Phúc Xuyên, Dũng Thủy… giá 60.000-70.000 đồng.

Trải nghiệm thú vị và thong thả hơn là đi tàu hỏa, về các ga Phú Thái, Hải Dương, Cẩm Giàng trên chiều tới Hải Phòng. Tàu hỏa xuất phát từ ga Long Biên, cuối tuần xuất phát từ ga Hà Nội.

Cầu Quang Thanh bắc qua sông Văn Úc, nối Hải Phòng và Hải Dương. Ảnh: Giang Chinh

Tham quan

Danh thắng

Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đảo cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Với diện tích hơn 31.000 ha, nơi đây là khu vực sinh sống của khoảng 12.000 cá thể cò và 5.030 cá thể vạc. Các loại cò chính gồm lửa, ruồi, bợ, đen…., vạc có xám, xanh, đen…

Để tham quan, khách có hai lựa chọn là đạp vịt hoặc đi thuyền quanh các đảo nhỏ. Một tiếng động lớn cũng có thể khiến cả bầy xáo động. Từng đàn từ lùm cây vút lên nền trời xanh. Cùng tiếng kêu vang, tất cả tạo nên một khung cảnh ngoạn mục và hoang dã.

Chỉ mất khoảng một ngày để du khách đi hết đảo. Có những người tìm tới điểm homestay, nghỉ qua đêm để tận hưởng cảnh sắc yên bình cũng như tìm hiểu tỉ mỉ cuộc sống của cò. Nhờ đó, họ có thể quan sát thêm những cảnh tượng như lúc hàng đàn cò, vạc bay đi kiếm ăn vào sáng sớm và trở về lúc chiều tàn.

Đảo cò nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngô Huy Hòa

Cánh đồng cỏ rễ

Bãi rễ nằm cạnh rừng thông ở phía nam chân núi Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cây rễ còn có tên là thanh hao, nở hoa trắng li ti vào mùa thu, với hương thơm dễ chịu. Đi thêm vài kilomet từ cánh đồng này bạn sẽ gặp vườn hồng trĩu quả vào mùa thu.

Khung cảnh dưới chân núi Côn Sơn mênh mông và thơ mộng nhờ thảm xanh của đồng rễ luôn thu hút nhiều bạn trẻ tới thăm thú, chụp ảnh. Ảnh: HachiẢnh: Phương Trang

Cánh đồng hoa hướng dương

Vào tháng 10, cánh đồng hoa hướng dương ở đường Trường Chinh sẽ nở rộ, vàng ươm một vùng.

Vườn hoa đẹp nhất vào buổi sáng từ 8 – 9h, để có ánh nắng tự nhiên, không quá đông khách. Hoặc bạn có thể ghé nơi đây vào buổi chiều, từ 15h30 đến 17h30 để kết hợp ngắm hoàng hôn. Vườn mở cửa miễn phí. Vào buổi tối, những bông hoa thêm rực rỡ bởi các mô hình ánh sáng.

Cây vải tổ

Thanh Hà vốn có vải thiều ngon nức tiếng, ít ai biết vải trong vùng đều lấy giống từ cây tổ 200 tuổi của cụ Hoàng Văn Cơm. Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tuổi đời hơn 200 năm, giữ kỷ lục “Cây vải thiều lâu năm nhất”.

Cụ Hoàng Văn Cơm, người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà mang hạt về ươm từ năm 1870. Cụ ươm lên 3 cây, nhưng chỉ một cây sống sót và ra quả, nhân giống thành những vườn vải thiều rộng khắp vùng Hải Dương. Đến nay cây vải tổ vẫn tươi tốt.

Cây vải có tuổi đời hơn 200 năm được xác lập kỷ lục “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”. Ảnh: Long Văn Vũ

Di tích lịch sử – văn hóa

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc

Ảnh: Lam Linh

Côn Sơn – Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng, với đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá “năm gian” (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.

Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư “Lưỡng long chầu nguyệt” bề thế. Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than.

Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử, giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.

Ảnh: Ngô Huy Hòa

Văn miếu Mao Điền

Việt Nam có Văn miếu lớn, lâu đời nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, thứ hai là Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích được khởi lập cách đây hơn 500 năm, vào thời Lê sơ. Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, được chọn làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương. Từ đó, di tích có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.

Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn ngọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía Bắc đường Quốc lộ 5A chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km.

Văn miếu Mao Điền trở thành di tích quốc gia đặc biệt

 

 

Văn miếu Mao Điền trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Văn Miếu Mao Điền là Di tích quốc gia đặc biệt. Video: Giang Chinh

Đền Đươi

Đền Đươi còn có tên Quỳnh Hoa từ, ở làng Cẩm Cầu, xã Thống Nhất (Gia Lộc, Hải Dương). Đây là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 11). Năm 1991, đền Đươi được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đền thờ Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044-25/7/1117). Bà tên là Lê Thị Yến hay Lê Khiết, phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông. Trong chiến tranh, đền Đươi là cơ sở cách mạng ở địa phương, trung tâm liên lạc kết nối với chiến khu Việt Bắc.

Đền Đươi, nơi thờ tự Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan là một trong số ít di tích lịch sử văn hóa cổ xưa còn được gìn giữ đến ngày nay trên đất Hải Dương. Ảnh: Giang Chinh

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai lưu giữ bia “Thanh Mai Viên thông tháp bi” được công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: Giang Chinh

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa xây dựng trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Chùa xây dựng từ thế kỷ 13. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả – vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng mưa nắng, chiến tranh, chùa cổ đã sụp đổ. Thời gian gần đây, chùa được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn. Chùa nằm dưới quần thể rừng phong trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, trong đó hơn 50 ha nằm trọn trong đất chùa.

Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương

Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Di tích gồm An Phụ: gồm Đền An Phụ và chùa Tường Vân (Chùa Cao) thuộc xã An Sinh; Kính Chủ: Động Kính Chủ thuộc núi Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (còn gọi là Bồ Đà, Quán Châu, Thạch Môn), lại có hang thông lên trời gọi là Dương Nham; Nhẫm Dương: chùa Nhẫm Dương (chùa Nhẫm, tên chữ là Thánh Quang) thuộc xã Duy Tân.

Đền An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương

Đền An Phụ còn có tên là Đền Cao. Đền nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh vương Trần Liễu – Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và hai cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô – con gái của Hưng Đạo Đại Vương.

Động Kính Chủ có nhiều ngõ ngách, chính giữa là ban thờ Phật, bên phải là bệ thờ vua Lý Thần Tông và Lý Chiêu Hoàng, phía trong thờ Đức Thánh Hiền, Ban Cô. Bên trái động thờ Thành Hoàng, Đức Ông. Sâu hơn ở phía trong là tượng Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.

Hiện tại, trong động còn tổng 47 bia ma nhai như một bảo tàng về văn bia với những nét chạm khắc tài hoa, phản ánh rõ nét phong cách trang trí mỹ thuật đương thời từ thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Động Kính Chủ, Kinh Môn. Ảnh: Hoàng Hiệp/Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương

Chùa Nhẫm Dương, tên chữ là Thánh Quang tự, là một ngôi chùa lớn, được khởi dựng từ thời Trần, được tôn tạo và khá sầm uất vào thời Lê, thời Nguyễn. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê – bảo vật quý giá cho thấy bề dày lịch sử của ngôi chùa. Chùa Nhẫm Dương còn có các di chỉ khảo cổ học như động Thánh Hoá và Hang Tối, với 1.796 hiện vật – chủ yếu là hoá thạch của các loài động vật có niên đại từ 3 – 5 vạn năm.

Chùa Giám

Di tích lịch sử quốc gia chùa Giám, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, ngôi chùa xây dựng từ năm 1336, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh.

Toà tháp hình lăng trụ lục giác là công trình nổi bật nhất của chùa Giám, làm từ gỗ lim, cao khoảng 8 m, nặng 4 tấn với nhiều chi tiết chạm trổ cầu kỳ. Ở giữa tháp là một trục quay giúp cả công trình có thể xoay tròn bằng sức đẩy của một người.

Mỗi tầng tháp có 18 bức tượng. Mỗi mặt có 3 bức gồm tượng Phật ở giữa và tượng Bồ Tát ở hai bên. Giữa các tầng đều có cột đỡ chạm khắc mô phỏng thân cây trúc. Ảnh: Kiều Dương

Làng nghề truyền thống

Làng gốm Chu Đậu

Làng gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chu là thuyền, Đậu là bến, tức thuyền đậu bên bến sông. Chu Đậu vốn là làng quê nhỏ bên dòng sông Thái Bình, danh tiếng lan xa đến khi xuất hiện những dấu vết về nghề gốm đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới hàng thế kỷ trước.

Ảnh: Ninh Hải/Sở KHCN tỉnh Hải Dương

Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.

Làng chạm khắc gỗ Đông Giao

Tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân làng Đông Giao. Ảnh: @chinhdieukhac/Instagram

Làng chạm khắc gỗ Đông Giao thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, cách thành phố Hải Dương 20km về phía Tây.

Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm nhưng bị mai một dần. Đến năm 1983 nghề được phục hồi và phát triển như ngày nay. Thợ làng Đông Giao khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề.

Làng rối nước Thanh Hải

Hải Dương còn lại 3 phường múa rối là Hồng Phong, Thanh Hải và Lê Lợi. Tất cả đều tận dụng ưu thế là địa điểm biểu diễn xen lẫn với nhà cửa, ruộng đồng. Nhờ vậy, du khách có được cảm giác gần gũi khi theo dõi.

Con rối được làm từ gỗ sung nên nhẹ và dễ điều khiển trên mặt nước. Nhờ đó, các hoạt động trở nên linh hoạt, đem đến cảm xúc chân thật nhất tới du khách. Ảnh: Diệu Huyền

Trong ao nước nhỏ nằm giữa xóm làng, một thủy đình được xây dựng làm địa điểm biểu diễn. Những câu chuyện ruộng đồng được người địa phương, thường quen với tay cầy tay cấy khơi gợi khéo léo. Các tiết mục múa tứ linh, chuyện chàng câu ếch… cứ thế diễn ra tự nhiên được du khách hưởng ứng nhiệt tình.

Khác với nhiều nơi, nghệ thuật múa rối ở đây có hệ thống điều khiển khác biệt. Nếu nhiều phường khác sử dụng sào đưa rối ra rồi giật dây, người dân nơi này cắm cọc âm dưới nước rồi nối dây lại. Khi đó, mỗi hoạt động, cử chỉ của “nhân vật” sẽ do sự khéo léo, tài tình của họ điều khiển.

Người Hải Dương còn nghề làm gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang), nghề thêu ở Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ), nghề làm vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang), nghề làm lược tre ở làng Hoạch Trạch (xã Thái Học, Bình Giang), nghề khâu nón Mao Điền (Cẩm Giàng), nghề làm giường chõng tre (xã Nhân Quyền, Bình Giang); nghề làm bánh gai (Ninh Giang), nghề làm bánh đậu xanh, nấu rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), nghề điêu khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn)…

Trò chơi dân gian

Những trò chơi dân gian độc đáo được duy trì phải kể đến như đánh pháo đất ở Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc; thả diều ở Kinh Môn; thổi cơm thi ở Thanh Hà; nặn tò he ở Nam Sách; đánh bệt ở đền Sượt; múa lễ chữ ở Bình Giang…

Trong đó, pháo đất là trò chơi dân gian được tổ chức từ đầu năm đến hết tháng 4 âm lịch. Những trận đấu pháo giữa các làng thường được tổ chức ở sân đình vào các ngày rằm và mùng 1 hằng tháng. Người dân quan niệm, tiếng pháo nổ càng to càng tốt, để dân làng có thêm một mùa mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Nhiều nơi bảo tồn di sản văn hóa này gồm xã Minh Đức, Quang Khải (huyện Tứ Kỳ); Nghĩa An, Ứng Hòe, Kiến Quốc (huyện Ninh Giang); Đức Xương (huyện Gia Lộc)… Tỉnh Hải Dương còn đưa Hội thi pháo đất toàn tỉnh vào Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Người dân Ninh Giang, Tứ Kỳ duy trì trò chơi dân gian pháo đất. Ảnh: Hoàng Hiệp/Báo Hải Dương

Đặc sản

Bánh đậu xanh

Nhắc đến Hải Dương, phần lớn ý nghĩ về quà ngon đều tập trung về bánh đậu xanh. Món này ra đời vào đầu thế kỷ 20 và dù không có vẻ ngoài bắt mắt, hương vị thơm ngon đặc trưng của bánh đậu xanh vẫn níu giữ sự quan tâm nhiều lữ khách. Nguyên liệu làm món này gồm đậu xanh, đường kính, mỡ lợn và dầu hoa bưởi.

Ảnh: Koel

Người làm giàu kinh nghiệm thường chọn đậu xanh loại mỏng, phơi khô, rang chín vàng sau đó mới xay thành bột mịn. Còn mỡ lợn rán nhỏ lửa để không bị cháy, sau đó lọc và chỉ lấy phần trong suốt. Đường kính hòa nước, cũng tiếp tục lọc sạch, thêm tinh dầu hoa bưởi trộn cùng nhau thật khéo léo theo tỷ lệ hợp lý, mới ra những chiếc bánh thơm ngon. Thưởng thức bánh đậu xanh, bạn hãy nhấp thêm chén nước chè. Vị ngăn ngắt đắng và chát sẽ tăng thêm cảm giác ngọt bùi của bánh.

Chả rươi

Ảnh: Phan Anh

Ở Hải Dương, rươi có ở các vùng ruộng trũng Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Cứ vào “tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm” khi nước triều dâng lên ngập các ruộng, rươi từ dưới lòng đất chui lên từng đàn bơi ra sông. Rươi rửa sạch, để ráo nước rồi đổ rươi vào âu dùng đũa đánh nhuyễn trộn cùng các loại trên. Dùng nồi hấp cho rươi chín rồi cho vào chảo mỡ rán. Rươi nóng hổi cuộn lá rau diếp ăn kèm rau thơm cùng bún rồi chấm nước mắm sẽ cảm thấy vị ngậy ngậy.

Bánh gai

Xuất hiện tại Hải Dương từ thế kỷ 12, bánh gai nhanh chóng nổi tiếng khắp xa gần và tồn tại đến ngày nay. Đây là món bánh giản dị, được làm từ những nguyên liệu ruộng vườn nhưng vẫn khiến thực khách nhớ mãi. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen.

Bánh gai có vị ngọt tự nhiên và không ngấy. Ảnh: Diệu Huyền.

Cách chế biến cầu kỳ nhất ở phần nhân. Trong đó, mỡ lợn được ướp đường sao cho giòn như mứt bí. Hạt sen, đậu xanh ninh nhừ, tán nhuyễn và trộn cùng mỡ lợn, dừa tươi, đường. Bánh gai được gói lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Bên cạnh bánh gai còn có bánh gấc, nổi tiếng ở Ninh Giang.

Vải thiều Thanh Hà

Vào tháng 5, tháng 6, khắp Hải Dương, đặc biệt là vùng đất Thanh Hà bạt ngàn các cây vải thiều chín rộ. Những chùm vải chín sắc đỏ rực lẫn trong tán lá xanh biếc. Len lỏi vào các khu vườn, bạn sẽ tận hưởng không khí trong lành, thích thú khi được tận tay hái những chùm vải chín lúc lỉu, cảm nhận hương thơm và vị ngọt mát quyến luyến nơi đầu lưỡi. Đặc trưng của vải Thanh Hà là vỏ chín có màu đỏ tươi, bề mặt phẳng đều, cùi vải dày, màu trắng trong, giòn, vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ.

Ảnh: Ngọc Thành

Bún cá rô đồng

Cá rô đồng thịt chắc, mềm và vị ngọt vừa vặn. Cá sau khi sơ chế, đem luộc rồi mới ướp gia vị, bột nghệ và xào cùng hành tỏi. Một số nơi, phần thịt cá này còn được rán để không bị nát khi ăn cùng bún.

Nước dùng cũng là phần quan trọng, được tận dụng từ nước luộc cá có thả thêm cà chua, dứa… Một bát bún cá rô đồng thường ăn kèm rau muống hoặc cần, ngót… và một số rau gia vị khác như xà lách, hoa chuối.

Bánh đa

Đặc trưng ở Hải Dương là bánh đa mềm, dai, không bị nát khi ngâm lâu trong nước. Để có những sợi bánh đa như vậy, người dân nơi đây tiết lộ chỉ sử dụng gạo Q5. Khách mua món đặc sản này về có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào thịt lợn, nấu cùng cá, thịt gà…

Du Hy

Rate this post

Viết một bình luận