Cẩm nang các giống gà bạn phải biết | Farmvina Nông Nghiệp

Trong bài viết này, Farmvina cùng tác giả Bình Điền sẽ giúp bạn điểm qua một số giống gà được nuôi tại Việt Nam. Hy vọng điều này sẽ giúp bà con nông dân có nhiều kiến thức hơn để chăn nuôi gà thành công.

  • Kinh nghiệm làm chuồng trại nuôi gà công nghiệp

1. Giống gà nội

Gà ác

  • Nguồn gốc: Gà Ác là giống gà được thuần dưỡng và phát triển đầu tiên ở các tỉnh Trà Vinh, Long An, Tiền Giang …
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà ác có thân hình nhỏ, nhẹ, lông xước màu trắng tuyền: da, thịt, xương, mỏ và chân đều có màu đen. Gà trống có mào cờ màu đỏ thẫm, gà mái mào nhỏ hơn và có màu đỏ nhạt. Chân có lông và 5 ngón (ngũ trảo), nhưng cũng có một số con không có lông chân hoặc chân chỉ có 4 ngón.
  • Khả năng sản xuất: Gà trống và gà mái trên 4 tháng tuổi có khối lượng trung bình từ 640-760g. Tuổi đẻ trứng lần đầu tiên của gà Ác là trên dưới 120 ngày; sản lượng trứng 70-80 quả/năm/mái; tỷ lệ trứng có phôi 90%, tỷ lệ nở/trứng vào ấp xấp xỉ 64% khối lượng trứng trên 30g. Gà mái có thể nuôi và lấy trứng 2,5 năm. Trứng của gà ác có màu trắng, có tỷ lệ lòng đỏ cao và tỷ lệ lòng trắng thấp.
  • Công dụng: Theo y học cổ truyền, thịt và xương gà Ác có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao. Thịt gà Ác đặc trị các bệnh về phổi, thận, đau lưng, ra mồ hôi trộm, chây tay yếu mỏi, tạng yếu, lao lực, rất tốt cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh. Xương gà Ác phối hợp với một số vị thuốc đem nấu thành cao được gọi là tinh gà đen, có tác dụng chữa hư nhược, kém ăn, mệt mỏi, đau lưng, sinh dục yếu, bạch đới, băng huyết, kiết lỵ. Gà Ác chủ yếu để hầm với thuốc Bắc, hoặc ngâm rượu.

Gà chọi (gà nòi)
giống gà

  • Nguồn gốc: Gà chọi chủ yếu chỉ có những địa phương có phong tục truyền thống văn hoá ‘chơi chọi gà’ như Hà Nội, Bắc Ninh, Huế và huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh).
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà chọi có chân cao, mình dài, cổ cao, mào xuýt (mào kép) màu đỏ tía; lông con trống màu mận chín pha lông đen ở cánh, đuôi, đầu; con gà mái màu xám (giống như màu lá chuối khô) hoặc màu vàng nhờ nhờ, có điểm đen; mỏ và chân màu chì.
  • Khả năng sản xuất: Gà trống 1 năm tuổi mới đạt 2,5kg – 3kg; gà mái 1,8 – 1,9kg. Sản lượng trứng 50 – 60 quả, vỏ trứng có màu hồng/

Gà Đông Tảo

nuôi gà

  • Nguồn gốc: Gà Đông Tảo là giống gà địa phương hướng thịt. Giống gà này có nguồn gốc từ thôn Đông Tảo, xã Cấp Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, nó không chỉ được phát triển ở Hưng Yên mà còn được nuôi rộng rãi ở nhiều tỉnh như: Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam …
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà Đông Tảo có thân hình to thô, chân to, cổ ngắn, mào kép (mào nụ), tốc độ mọc lông chậm. Da của gà mái có màu trắng đục, da bụng, da cổ của gà trống có màu đỏ. Lông của gà trống màu mận chín chiếm đa số; con mái có hai màu lông điển hình: lông xám xen kẽ, đốm đen, nâu (thường gọi là màu lông lá chuối khô) chiếm đa số, một số ít con lông có màu nõn chuối. Nói chung mà lông gà Đông Tảo ít bị pha tạp hơn so với gà Ri.
  • Khả năng sản xuất: Lúc 4 tháng tuổi, gà thịt có khối lượng trung bình con trống đạt 2,5kg, con mái đạt 2kg; gà đẻ, con mái đạt 3,5kg. Sản lượng trứng trong 10 tháng để 68kg/mái. Tỷ lệ trứng có phôi 90%, tỷ lệ nở trứng và ấp 68%. Người ta thường dùng gà trống Đông Tảo lai với gà Ri, gà Lương Phượng, gà Kabir. Cho con lai nuôi thịt có tốc độ sinh trưởng nhanh, lông giống lông gà ta, chất lượng thịt thơm ngon.

Gà Hồ

gà hồ

  • Nguồn gốc: Gà Hồ là giống gà thịt địa phương. Nó có xuất xứ từ Làng Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
  • Đặc điểm ngoại hình: So với các giống gà nội khác thì gà Hồ có tầm vóc to, chậm chạp và hiền lành hơn. Khi chọn con giống trống người ta thường chọn con có ngoại hình là: Đầu công, mình hình ốc, cánh hình vỏ trai, đuôi hình nơm (để đạp mái cho dễ).
  • Đặc điểm của gà trống là: ngực nở, diều cân ở giữa, mào xuýt, chân ngắn, đùi dài (cho thịt đùi nhiều), vòng chân tròn, ngón tách nhau, thân hình chắc chắn. Gà mái ngực nở, chân cao vừa phải, mào trái dâu. Lông gà mái lông màu lá chuối hay màu vỏ nhãn, màu đất thó. Gà trống da vàng, lông màu mận chín hay màu mận đen. Tốc độ mọc lông của gà Hồ chậm nên khả năng chống rét rất kém.
    • Cả gà trống và gà mái đều có màu da vàng hơi hồng, riêng gà trống ở những nơi trụi lông như: cổ, ngực, đuôi, xung quanh hậu môn … thì da có màu đỏ như gà chọi. Khi giết thịt, cả gà trống và gà mái đều có màu da vàng, thịt trắng. Nhìn chung gà Hồ có thân hình vạm vỡ và chắc chắn hơn gà Đông Tảo.
  • Khả năng sản xuất: Khối lượng gà thịt lúc 4 tháng tuổi con trống đạt 2,7kg. Lúc 6 tháng tuổi (gà mới đẻ) con trống trung bình đạt 3,4kg; con mái đạt 2,7kg. Sản lượng trứng thấp – chỉ đạt 60 quả/mái/năm, tỷ lệ nở/trứng ấp 75-80%. Một năm đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa đẻ được 10 – 15 quả trứng.
  • Giá gà Hồ trên thị trường luôn ở mức khá cao. Gà thịt khoảng 2 năm tuổi có giá lên tới 350.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi con gà có thể bán giá lên tới 3 triệu đồng. Gà Hồ còn được chọn làm linh vật trong một số cuộc thi thể dục thể thao.

Gà Mía

  • Nguồn gốc: Gà Mía là giống gà hướng thịt của Việt Nam. Đây cũng là giống gà địa phương của xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội).
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà Mía là giống gà duy nhất ít bị pha tạp hơn so với các giống gà nội khác. Gà trống có màu lông mận chín, cánh và đuôi ánh xanh đen, cổ có lông cườm ánh tía, mào cờ (mào đơn). Nhìn chung, màu lông của gà Mía tương đối thuần nhất, ít khi bị pha tạp hơn so với gà Ri. Tốc độ mọc lông chậm, khoảng 15 tuần mới phủ kín lông ở gà trống.
  • Khả năng sản xuất: Gà Mía tăng trọng nhanh hơn là gà Ri. Lúc 4 tháng tuổi, gà giết thịt bình quân con trống đạt 2,3kg, con mái đạt 1,9kg. Lúc 6 tháng tuổi gà mới đẻ, lúc đó con mái đạt trung bình 2,4kg. Sản lượng trứng bình quân thường là 70 quả/mái/năm. Tỷ lệ trứng có phôi và ấp nở thấp hơn so với gà Ri, chỉ đạt 70-75%.

Gà “Ô Kê”

  • Nguồn gốc: Gà Ô Kê (hay còn gọi là gà đen) được nuôi ở vùng biên giới Việt – Trung như: Bản Mê thuộc huyện Bắc Hà, Lào Cai, và một số xã thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lai Châu.
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà có tầm vóc nhỏ; có nhiều màu lông khác nhau, nhưng màu đen tuyền là chiếm đa số, mào cờ (mào đơn) màu đen nhạt; chân, da, thịt, xương, mề, mỡ thì có màu đen.
  • Khả năng sản xuất: Khối lượng gà lúc đẻ thường từ 1 – 1,3kg. Sản lượng trứng 90 – 100 quả/mái/năm. Ngoài ra còn có loại gà Ô Kê to hơn (hướng thịt), màu lông chủ yếu là màu vàng đất, xám, có lông bàn chân, đa số mào trụ (mào kép) màu hồng xám. Khối lượng cơ thể lúc trưởng thành con mái 2,8-3kg, con trống 2,8-3,2kg.
  • Công dụng: Gà Ô Kê thường được sử dụng để hầm với thuốc Bắc, ngâm rượu để bồi bổ cơ thể cho người rất tốt.

Gà Ri

gà ri

  • Nguồn gốc: Gà Ri là giống gà nội đã có gà nội có từ rất lâu đời và được nuôi khá rộng rãi trong cả nước, phổ biến nhất ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và miền Nam Trung Bộ. Ở các tỉnh phía Nam thì gà Ri còn có tên gọi là gà ta vàng.
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà Ri có thân hình nhỏ, chân thấp. Gà mái có bộ lông vàng nhạt, hoặc vàng nâu có điểm lông đen ở cổ, lưng. Gà trống có bộ lông sặc sỡ nhiều màu hơn. Lông cổ màu đỏ tía hoặc da cam, lông cánh ánh đen. Chân, da, mỏ có màu vàng nhạt. Cả con gà trống và con gà mái đều có mào đơn nhiều khía răng cưa màu đỏ tươi. Gà Ri mọc lông sớm, chỉ hơn 1 tháng tuổi đã mọc đủ lông. Nhìn chung lông gà Ri qua nhiều năm bị pha tạp nhiều.
  • Khả năng sản xuất: Khi 4 tháng tuổi, gà trống trnug bình đạt gần 1,7kg, gà mái đạt gần 1,2kg. Chất lượng thịt gà Ri thơm ngon và đậm đà. Gà Ri chỉ khoảng 135 – 140 ngày là đẻ quả trứng đầu tiên. Sản lượng trứng một năm đạt từ 80-120 quả/mái. Trứng có khối lượng bé 42-45g, vỏ trứng màu nâu nhạt; tỷ lệ trứng có phôi 89-90%, tỷ lệ ấp nở 80-85%. Lúc mới nở gà Ri đạt 25-28g; lúc bắt đầu đẻ, khối lượng gà mái khoảng 1,2-1,3kg, lúc trưởng thành đạt 1,7-1,8kg, gà trống 2,2 – 2,3kg. Tuy khối lượng trứng gà Ri bé, nhưng tỷ lệ lòng đỏ lại cao hơn so với trứng gà công nghiệp. Tỷ lệ lòng đỏ của trứng gà Ri là 34%, trong khi ở các giống khác chỉ chiếm 27-30%. Màu sắc lòng đỏ của trứng gà Ri cũng đậm hơn.
    • Ưu điểm của gà Ri so với các giống gà lông màu nhập nội là có thể khai thác gà mái ở năm đẻ thứ hai thậm chí vào năm đẻ thứ ba. Với khẩu phần thức ăn nghèo dinh dưỡng (13-14% đạm) cũng vẫn nuọi được gà nuôi đẻ trứng.
    • Hiện nay tại nhiều địa phương, gà Ri đã bị pha tạp nhiều do lai với một số giống gà địa phương khác (như gà Mía, gà Đông Tảo …) hoặc lai với một số giống gà lông màu nhập nội (như gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, gà Kabir …) tạo nên các con lai khác nhau và được gọi chung là gà Ri pha. Do sự lai tạo không có định hướng và không có sự chọn lọc nên ngoại hình của gà Ri pha cũng rất đa dạng, nặng suất thịt cũng khác nhiều so với gà Ri thuần. Song, nhìn chung gà Ri pha có thân hình to hơn và năng suất thịt cao hơn gà Ri thuần.
  • Sức đề kháng của gà ri cao, ít bệnh tật, dễ nuôi, dễ cho ăn. Thịt gà rất thơm ngôn nếu nuôi thả vườn thịt gà dai, xương cứng, trứng đẻ ra rất tốt. Nhìn chung giá gà ta thịt hiên nay đang ở mức khá cao, đặc biệt giá gà ri đang vào khoảng 90.000 – 110.000 đồng/kg.

–> Tìm hiểu kỹ thuật nuôi Gà Ri từ A đến Z

Gà Rốt – Ri

  • Nguồn gốc: Gà Rốt – Ri làm một nhóm giống được lai tạo giữa gà Rhode Island kiêm dụng trứng thịt với gà Ri của Việt Nam tạo Viện chăn nuôi vào những năm 70.
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà có tầm vóc to hơn gà Ri, lông màu nâu nhạt có điểm lông đen ở chóp đuôi, chóp cánh. Mào cờ màu đỏ. Da, chân, mỏ màu vàng nhạt.
  • Khả năng sản xuất: Gà trưởng thành (lúc đẻ) con trống nặng 3-3,5 kg, con mái nặng 2,5 kg. Sản lượng trứng đạt 160 quả/mái/năm đẻ. Trứng nặng 48-52g, vỏ trứng màu nâu nhạt gần giống màu trứng gà Ri. Giống gà Rốt – Ri thường được dùng để lai với một số trứng gà nội và gà nhập nội (gà thả vườn) để tạo ra con lai năng suất hơn.

Gà Văn Phú

  • Nguồn gốc: Gà Văn Phú là giống gà địa phương kiêm dụng (cho trứng và cho thịt), được thuần dưỡng ở xã Văn Phú, xã Sai Ngã, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
  • Đặc điểm ngoại hình: Gà Văn Phú có ngoại hình cân đối, chân chì, cao, lông đen pha lẫn trắng ở cuống lông, mào cờ (mào đơn) phát triển. Khối lượng cơ thể ở các giai đoạn thấp hơn gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía.
  • Khả năng sản xuất: Sản lượng trứng của gà Văn Phú đạt trên dưới 100 quả/năm/mái, khối lượng trứng 50-55g. Tỷ lệ ấp nở thấp, chỉ đạt trên 70%. Giống gà này được phân bố hẹp – chỉ phát triển chủ yếu một vài địa phương ở tỉnh Phú Thọ.

Gà tàu vàng

Trái ngược với gà ri, gà tàu vàng hiện nay được nuôi nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam. Thịt gà tàu vàng rất được ưa chuộng do chất lượng thịt và trứng cao, thêm nữa lại rất dễ nuôi.

Gà thường bị lai với các giống gà khác nhưng vẫn có chung đặc điểm đó là màu long đỏ đậm với gà trống và vàng nâu với gà mái. Lông đuôi gà trống dài và có màu đen ánh xanh. Mào gà trống to dài và đỏ thẫm, da mặt gà cũng màu đỏ. Lông đuôi gà mái rất ngắn gần như đuôi cụt. Mà mái có thân nhỏ, nhỏ hơn gà ri, chân ngăn và nhỏ. Mào gà mái nhỏ hơn, thường màu đỏ tưởi hay đỏ nhạt.

gà Tàu Vàng

Gà tàu vàng trường thành nặng khoảng 2-2.5kg với gà trống và nặng khoảng 1,5-1,8kg với gà mái. Nuôi gà tàu vàng khoảng 6 tháng là đã có thể lấy thịt. Gà đẻ không quá nhiều chỉ khoảng 60 – 70 quả/năm. Với gà mái 6 tháng đã bắt đầu đẻ trứng. Sau khi đẻ, gà thường thích ấp và tự nuôi con, gà nuôi và chăm con rất khéo léo. Gà tàu vàng có thể nuôi nhốt hoặc thả vườn  nhưng bà con nên nuôi thả vườn để gà đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.

–> Xem trang kế: Một số giống gà thịt cao sản (siêu thịt) ngoại nhập

Rate this post

Viết một bình luận