Thấm thoát đã bốn năm kể từ khi tôi đậu vào ngôi trường mang tên Đại học kiểm sát Hà Nội – một đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với tôi, đó là khoảng thời gian rất tuyệt vời của một người sinh viên mang đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau khi được tiếp xúc với Ngành – nơi rèn luyện, trưởng thành của các Kiểm sát viên, cái nôi của công lý, bảo vệ pháp luật.
Tôi may mắn là một trong những sinh viên khóa VI của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu nhập học, tôi đã được thầy cô giảng bài về truyền thống lịch sử vẻ vang của Ngành, trách nhiệm vinh quang bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân. Những cô cậu học sinh vừa rời khỏi tuổi học trò năm đó chưa thể mường tượng ra cán bộ Kiểm sát sẽ làm những công việc gì, nhiệm vụ gì, có gian khổ vất vả như thế nào. Ấy vậy mà trong từng cặp mắt trong veo ấy, chúng tôi đều mong mỏi rằng sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân Luật, chúng tôi sẽ được trở thành người cán bộ Kiểm sát nhân dân.
Nay đã là tháng 7 của năm cuối cùng với tư cách là một sinh viên đại học, tôi được trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cử về địa phương – Viện kiểm sát huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nơi mình sinh sống để tiến hành thực tập. Viện kiểm sát nhân dân huyện Tịnh Biên tọa lạc tại khu hành chính của huyện Tịnh Biên, nằm ngay trung tâm thị trấn Tịnh Biên. Tôi vẫn nhớ như in từng ngày trong gần 02 tháng qua thực tập tại đây. Từng ngày, tôi được hòa mình dần vào tập thể Viện kiểm sát nhân dân huyện Tịnh Biên, một tập thể được đánh giá có sự đoàn kết rất cao. Cảm nhận của tôi thấy trong đơn vị mọi người rất cần mẫn, trách nhiệm với công việc. Những buổi soạn hồ sơ chiều đi Tòa xét xử, có những anh chị Kiểm sát viên làm luôn buổi trưa để kiểm tra lại hồ sơ, các anh chị bảo mặc dù vững vàng nhưng vẫn muốn cẩn trọng xem xét lại một lần nữa trước khi tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại Tòa. Bên cạnh việc kiểm sát các hồ sơ hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thi hành án thì cán bộ Kiểm sát còn kiêm nhiệm thêm công việc báo cáo, thống kê (vừa thực hiện báo cáo của ngành và thực hiện các báo cáo theo yêu cầu cấp ủy địa phương). Lượng công việc thì mong muốn giảm nhưng tội phạm, vi phạm pháp luật, tranh chấp dân sự đâu giảm, bởi vậy những người đồng nghiệp cứ cần cù ngày ngày làm việc miệt mài.
Khi được trực tiếp tham gia xem một phiên tòa dân sự, cùng những phiên tòa hình sự, có những bị cáo đứng trên bục khai báo, lời nói sau cùng mới thốt lên: “Bị cáo mong được xét xử nhẹ để sớm về đoàn tụ với gia đình, bị cáo rất nhớ con”. Cũng từ những lần tham gia xem các phiên tòa ấy, tôi cũng hiểu ra rằng làm nghề Kiểm sát là phải có một “cái đầu lạnh” và một “trái tim nóng” để biết xử lý nghiêm minh với những hành vi phạm tội nguy hiểm nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và thương cảm với những mảnh đời lầm lỗi để các bị can, bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời. Trong quá trình thực tập, tôi cũng đã nhiều lần được chứng kiến không ít khó khăn vất vả của những đồng chí Kiểm sát viên thực thi nhiệm vụ khi phải chiến đấu với một số loại tội phạm nghiêm trọng, phức tạp. Càng được làm việc nhiều, càng tìm hiểu về nghề, tôi càng thấm thía rằng đằng sau hình ảnh đẹp của một Kiểm sát viên trong màu áo thiên thanh đó là rất nhiều trí não, công sức, rất nhiều những giọt mồ hôi đã đổ xuống khi thực hiện nhiệm vụ như: Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, vào những buổi trưa hè nóng bức hay vào giữa đêm hôm mưa gió bão bùng.
Sau những tháng ngày thực tập tôi đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm cũng như hoàn thành nhiệm vụ mà trường đã đề ra. Tôi nhận thấy Ngành Kiểm sát không khô khan như tôi tưởng tượng, ngoài những quyển luật, các thông tư, nghị định, quy chế thì tôi phát hiện ngoài giây phút nghiêm nghị đối diện bị cáo, miệt mài trên chồng văn bản pháp luật thì người cán bộ Kiểm sát cũng rất nghệ sĩ. Những bản tình ca lâu lâu lại được cất lên xua tan bao nhiêu mệt mỏi, áp lực công việc. Và cũng có những câu chuyện nghề hóm hỉnh kể cho nhau nghe mang lại những tràng cười hào sảng. Đó vừa là những bài học kinh nghiệm được sẻ chia, rất gần gũi dễ đi vào lòng người.
Trong không khí thi đua sôi nổi của cán bộ, kiểm sát viên, công chức và người lao động của ngành Kiểm sát trên khắp mọi miền Tổ quốc lập thành tích chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, cùng với 46 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến toàn thể các bác, cô chú, anh chị trong Ngành. Thực hiện tốt 5 đức tính của người cán bộ kiểm sát mà Bác đã dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Chúc cho ngành Kiểm sát luôn phát triển và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Tác giả: Phước Lộc
Nguồn tin: Viện KSND huyện Tịnh Biên (Q)