Cảm nhận phim UPTOWN GIRL

Cảm nhận phim UPTOWN GIRL

vi Thứ năm, 30 tháng 06 2011 17:00

Tôi xem phim này lần đầu tiên tại Hôi quán Đời Rất
Đẹp – DRD khi không tập trung lắm, vì bận con gái lớn níu tay mẹ để hỏi,
mẹ ơi phim nói gì, mẹ ơi con hổng hiểu tiếng Anh, mẹ ơi tại sao chị tại
sao cô… trong khi con gái nhỏ buồn ngủ nên nhăn nhó cự nự, may mà có
anh chồng đáng yêu bồng con đi vòng vòng cho mẹ xem phim. Vậy mà không
hiểu tại sao xem phim lần đầu đã thấy …’thấm’ nhiều lắm, có lẽ nhờ vừa
đi học lớp SFT nên quan sát và phân tích tâm lý nhân vật nhạy bén hơn 1
xíu chắc 🙂

Thực ra, cảm xúc của mình khi xem phim, cho dù là khi
xem lại lần thứ hai vào hôm sau để viết bài cảm nhận này cũng không
dâng trào mãnh liệt như khi xem các phim Step-mom, The Proposal,
Everybody’s fine,… nhưng vẫn rất thích thông điệp của phim và tâm đắc
với khá nhiều chi tiết thú vị trải dài xuyên suốt bộ phim kéo dài 1 giờ
32 phút.

Thôi thì mình sẽ đúc kết và ghi lại thông điệp từ phim mà mình cảm nhận được để chia sẻ và cũng ‘tự nhắc nhở’ vậy.

Thông điệp thứ nhất: Hòa bình nội tâm là quan trọng nhất để có một cuộc sống cân bằng.

Nhân vật Ray có hoàn cảnh khá đặc biệt, cha bệnh nặng
hiện sống trong tình trạng thực vật, cô bé không thể giao tiếp với cha;
mẹ thì bận rộn nên phó mặc cô bé với liên tiếp các cô bảo mẫu chán ngán
tính khí khó chịu như một bà cô già, ngăn nắp và giữ vệ sinh vô cùng
cẩn thận. Ray không có được sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Cô bé cô đơn
trong ngôi nhà to lớn và người giúp việc, vú em, bảo mẫu, với người
cha-không-thể-nói-chuyện, với người mẹ-không-thèm-quan-tâm, với hàng tá
đồ chơi đắt tiền nhưng không dám chơi vì phải giữ chúng đúng trật tự
trên kệ! Ray nói năng trịch thượng, rất giỏi dùng ngôn từ chỉ trích
người khác và hành xử, đánh giá những người xung quanh như thể mình đã
là một người lớn đầy trách nhiệm và quyền lực vậy. Ray tập múa ba lê và
cô bé cho rằng hoàn thành bài tập ‘khổ sai’ (theo lời Molly) gồm 200
động tác nhún chân là thú vui ‘chính đáng’. Ray luôn nói ‘trước khi vui
chơi thì phải có căn bản’. Cô bé ăn mặc giản dị, lỗi mốt và thậm chí già
dặn hơn cả mẹ mình. Ray tự chăm sóc bản thân theo cách lý tưởng trong
các sách hướng dẫn. Cô bé rất thích uống trà, ăn bánh ngọt (theo kiểu
dùng trà của các quý tộc người Anh) và có hẳn cả bộ đồ uống trà đắt tiền
cùng với nhiều chiếc bánh ngọt giả nhưng trông như thật để trưng bày
trong phòng riêng. Ray chẳng bao giờ dám ‘ăn hàng’ (ở bối cảnh nước Mỹ
thì ‘ăn hàng’ chính là ăn hot-dog trong tiệm Mac Donald!) hay đi chơi ở
Disnayland, đơn giản chỉ vì cha Ray bệnh từ lâu và mẹ Ray thì chẳng còn
thời gian và lòng dạ nào dắt cô đi chơi như những đứa trẻ khác. Nghiệt
ngã thay, cho dù Ray cay đắng với nỗi đau đó, cô bé tự huyễn hoặc chính
mình rằng tất cả những ‘trò’ đó là không phù hợp với mình, là phí thời
gian và phải học, phải luyện múa balett để ‘có căn bản’ trước đã. Và mỗi
khi đối diện với nỗi niềm khao khát được là một đứa trẻ có tuổi thơ và
có cha mẹ bầu bạn, Ray lại chôn chặt mơ ước chực trào ra từ đôi mắt biết
nói, và giấu nó đằng sau cái kiếng đen hàng hiệu mà mẹ mua cho! Ôi,
mình xem, và hiểu thấu sự dữ dội trong lòng một đứa trẻ phải học cách
tự-lớn, tự vui với chính mình và huyễn hoặc bản thân rằng có cha mẹ bầu
bạn là một mơ ước không thực tế, và không bao giờ có, vậy thì hãy tự vui
và tự trưởng thành để làm một người lớn-tốt-hơn những người lớn hiện
giờ mà cô biết vậy, phải đầy trách nhiệm, như mẹ, phải giữ vệ sinh tuyệt
đối, để không bệnh như cha, phải học hành tốt, và ăn mặc ‘đúng mực’,
không như những cô bảo mẫu mà mẹ cô thuê để trông nom cô. Tất cả những
điều đó bóp nghẹt khát khao được là cô bé thơ ngây, trong sáng và vô tư.
Vì thể nhân vật Ray luôn tỏ ra khó chịu, cau có, đánh giá và phán xét
người khác. Bởi Ray-biểu-hiện không thể chấp nhận bản thân và luôn ‘gây
sự’ với bản chất vốn có của Ray-trẻ-thơ. Ray luôn phản ứng tiêu cực, suy
nghĩ tiêu cực về hoàn cảnh và nhìn trách nhiệm, sự trưởng thành rất
tiêu cực chứ không phải là cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân. Với
Ray, những hình mẫu xung quanh đều là tấm gương xấu và cô bé luôn cần
nỗ lực tối đa để ‘vượt qua’ và làm tốt hơn, để ‘việc hy sinh’ sự trong
sáng của mình được ‘đền đáp’ xứng đáng.

Nhân vật Molly thì ngược lại với Ray. Molly cũng mồ
côi cha mẹ, nhưng có lẽ ‘ít’ cay đắng hơn, cha mẹ Molly qua đời (vì tai
nạn máy bay) với tình cảm yêu thương dành cho con gái vẫn chan chứa chứ
không phải là những hình mẫu lạnh lùng, bất lực hay xa cách như hình mẫu
cha mẹ Ray. Nhờ cội nguồn yêu thương này, Molly luôn nhìn sự việc ở mặt
tích cực và hưởng thụ cuộc sống. Cô thoải mái cho đi và nhận lại từ bạn
bè. Molly yêu quý bản thân và thậm chí quá dễ dãi với chính mình. Ngay
cả trong tình huống trớ trêu, bi kịch nhất, Molly vẫn nhìn ra một cơ hội
tiếp theo. Molly chấp nhận thay đổi nhanh chóng, thích nghi dễ dàng để
tiếp tục sống, chứ không cay cú, nhiếc móc cuộc đời và những người khác.
Bởi thế, Molly có mối quan hệ giao tiếp rộng rãi với nhiều người, kể cả
với nhân vật nổi tiếng (cho dù nhờ hào quang của cha mẹ mà Molly có thể
thiết lập mối quan hệ, nhưng để duy trì mối quan hệ thì phải dựa vào
những thế mạnh hay ưu điểm của chính cô). Không những thế, Molly khá
công bằng và thẳng thắn, vì cô hiểu bản thân, cô tôn trọng bản thân (có
thể chưa hoàn toàn đúng mực cho đến khi câu chuyện với Ray xảy ra),
nhưng Molly không cho phép bất kỳ ai xúc phạm mình, và cũng không xúc
phạm hay lợi dụng ai. Vậy đó, bài học hòa bình với bản thân của Molly
cho tôi thấy ta luôn còn cơ hội phía trước để tiến lên trong cuộc đời
một cách vui vẻ, cân bằng và tích cực. Đó mới thực sự là sống hòa bình
với chính mình.

Thông điệp thứ hai: Ở mỗi thái cực con người đều trở nên cực đoan và mất cân bằng

Như đã nói, Molly rất yêu quý bản thân. Cô chiều
chuộng bản thân mình bằng cuộc sống trượt dài trong tiệc tùng, mua sắm,
hưởng thụ và kết bạn. Molly sống như thể mình vẫn còn là đứa con cưng
luôn được bố mẹ bảo bọc (cho dù sự bảo bọc của bố mẹ cô chỉ hiện diện
bằng đống tài sản kếch sù được trông coi bởi một tay quản lý tham lam).
Có lẽ Molly tự thay mặt bố mẹ mình ‘bắt đền’ sự mồ côi của mình bằng
cách sống và vui chơi như một đứa trẻ-lớn-xác chứ không chịu trưởng
thành. Molly tự huyễn hoặc mình về sự yêu thương và dung chứa vô hạn của
người khác. Bởi thế, nếu không có biến cố mất hết tài sản (tượng trưng
cho sự bảo bọc của cha mẹ, Molly đâu có cơ hội để trưởng thành đích thực
và được Ray thừa nhận là ‘người lớn’ ở cuối phim.

Trong khi đó, Ray lại bạc đãi chính mình, hay nói đúng hơn Ray bóp nghẹt
cái tôi-trẻ thơ của mình để đóng vai một ‘người lớn’ đúng mực, một hình
mẫu mà cô bé mong muốn nhưng không thể có được. Cô ăn mặc giản dị, tập
balett như khổ luyện, giữ vệ sinh vô cùng cẩn thận, sinh hoạt theo thời
khóa biểu nghiêm ngặt, ăn nói rất chừng mực và thậm chí đanh đá, già dặn
hơn cả Molly. Ray làm mình nhớ hồi nhỏ mình rất mê truyện nhưng mẹ đâu
có thời gian để đọc sách hay kể chuyện cho mình nghe. Và khi nhìn thèm
thuồng mãi những quyển sách có hình, nhưng không hiểu chữ nói gì, mà thi
thoảng đêm mẹ nằm dỗ mình ngủ, mẹ kể chuyện ‘ngày xửa ngày xưa, xưa ơi
là xưa, xưa thật là xưa, xưa lắm,…. xưa đến nỗi chẳng có gì để kể…’
thậm chí mẹ đã ngủ khò trước khi kể xong ‘câu chuyện ngày xưa lắm’ như
thế, mình đã khao khát biết đọc chữ đến nỗi chẳng nhớ vì sao mình có thể
tự đọc sách được hồi 5 tuổi, và lần đầu tiên cầm quyển truyện tự đọc
được, mình nghĩ ôi sung sướng làm sao, vậy là mình không cần người lớn
nữa, mình tự làm được, và mình đọc còn …giỏi hơn, nghĩa là mình sẽ đọc
tất cả truyện mà mình thích! Bởi thế, mình hiểu ở thái cực của Ray, thà
đóng vai hình mẫu mơ ước của mình thì thích hơn, bởi vì nếu là một cô
bé trẻ con, Ray cũng đâu có được những niềm vui trẻ thơ thông thường, vì
cô bé cô đơn và hoàn toàn không có ai bầu bạn, ngoài những tiện nghi
đắt tiền và những con búp bê mà Ray cũng không dám chơi, vì nếu chơi sẽ
vô tình chạm đến mong ước nhạy cảm của trẻ con (trẻ thường dùng búp bê
để chơi trò gia đình, trò vợ chồng, trò bè bạn, mà những mối quan hệ này
đều bất ổn đối với Ray).

Hai nhân vật ở hai thái cực của sự mất quân bình
trong việc yêu quý và tôn trọng bản thân, dám đối diện với chính mình,
với những nhu cầu, khát khao để sống đúng bản chất thật, để giao tiếp
lành mạnh với chính mình và thể giới xung quanh đều đau khổ, bị tổn
thương tâm lý nặng nề khi gặp phải một biến cố làm giọt nước tràn ly.
Với Molly, việc bị Neal bỏ rơi cũng được cô đồng hóa như việc cha mẹ qua
đời và để Molly trơ trọi một mình vậy. Bởi thế Molly đâu thể vui vẻ
nữa, cô khóc vùi, suy sụp đến khi phát hiện ra chính mình đã đẩy mình
vào một bi kịch khác, trớ trêu và thực tế hơn nhiều: bị mất trắng và
phải tự nuôi thân. Với Ray, việc cha mất sau khi Ray tin lời của Molly
và trò chuyện với cha, mong muốn ông có thể bình phục là một cú trời
giáng vào việc giữ lời hứa của người lớn, rằng người lớn mà cô đã tin
cậy (Molly) rốt cuộc cũng nói điều phi lý. Mình cho rằng phản ứng điềm
tĩnh của Ray mà mẹ cô bé nhìn thấy (tiếp tục làm bài tập về nhà khi hay
tin cha mất) cũng chỉ là sự kiềm chế cao độ để tiếp tục đóng vai người
lớn trước mẹ và Molly, hai người lớn mà cô bé hoàn toàn thất vọng đến
thời điểm này. Thực sự, mình hiểu rằng Ray đang nghẹt thở mà cô bé hoàn
toàn không biết, vì những cách thể hiện thông thường khác như than khóc,
đau buồn đều là những tiếng kêu tuyệt vọng tan đi rất nhanh trong ngôi
nhà lạnh lẽo của Ray mà cha mẹ cô chưa bao giờ để ý nghe thấy.

Thông điệp thứ ba: Cha mẹ tôn trọng con cái không có nghĩa
là chu cấp đầy đủ vật chất cho con mà chẳng hề quan tâm đến việc thể
hiện tình yêu bằng cử chỉ yêu thương và thời gian bên con

Mẹ của Ray nói với Molly: “Tôi hiểu con đủ để tôn
trọng những ý muốn của nó” và bà đã tôn trọng con bằng cách thỏa mãn,
đảm bảo cho con cuộc sống vật chất xa xỉ, có tài xế đưa đón, có bảo mẫu
chăm nom hàng ngày, có người hầu phục vụ bữa ăn tận phòng, nhưng hoàn
toàn không có bóng dáng của người mẹ trong cuộc sống tinh thần của đứa
con. Bà mẹ không hiểu, và cũng không biết rằng cần phải hiểu con gái
đang thực sự nghĩ gì, đã có chuyện gì giữa con gái và bảo mẫu, hay con
gái bình tĩnh tiếp tục làm bài tập khi hay tin cha mất là phản ứng tốt
chứ không phải là sự kiềm chế câm lặng đến nghẹt thở của con gái. Thật
đáng thương cho cả mẹ và con gái. May mắn thay, Molly đã lên tiếng thay
cho Ray, để bà mẹ hiểu rằng con trẻ luôn cần hơi ấm của tình mẫu tử chứ
không phải sự tôn trọng xa cách và vật chất khỏa lấp.

Thông điệp thứ tư: Hãy sống hết lòng thì ta sẽ trải nghiệm sâu sắc nhất, và cũng nhận lại được nhiều nhất

Với Ray, Molly chỉ là một cô bảo mẫu hết sức vụng về và chẳng biết để
tâm tuân theo sự ngăn nắp, trật tự mà Ray ưa thích. Thậm chí Molly không
thèm tìm cách làm hài lòng cô chủ nhỏ trái tính nết hay im lặng chịu
đựng những sở thích trái khoáy của Ray để bảo mẫu được ‘yên thân’. Ngược
lại, Molly để tâm và thời gian chia sẻ, tham gia vào thế giới của Ray,
bình phẩm (nhưng không hề phán xét hoặc đánh giá bản thân cô bé), gợi ý
những thay đổi mà cô nghĩ tốt hơn cho Ray. Khi làm những điều này, dĩ
nhiên Molly đối đầu tức thì với sức kháng cự của Ray. Nhưng Molly kiên
trì theo cách của cô, Molly dùng sự thông cảm, thông minh và nhạy bén
cùng sự chân tình, cởi mở của mình để chăm sóc Ray theo đúng cách của
một người mẹ-người-bạn-lớn – hình mẫu mà Ray khao khát nhưng lại không
dám thừa nhận. Molly chia sẻ cả tâm sự sâu kín nhất về nỗi đau mất cha
mẹ và nỗi sợ hãi không dám đối diện với thực tại với Ray. Đây chính là
chìa khóa của sự cảm hóa và giúp Ray giải tỏa được những nghi kỵ đối với
thái cực Molly và bắt đầu chấp nhận cô đồng thời cũng bắt đầu chuyển
hóa chính mình.

Không những chỉ có sự hết lòng trong việc yêu thương
một ai đó mới có ý nghĩa. Sự hết lòng khi ta làm việc, bất chấp việc đó
là đam mê hay chỉ là nhiệm vụ rất bình thường, thậm chí chỉ là việc ta
sửa sai, đều sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Molly sửa chiếc áo khoác của
Neal thành một cái áo khoác thời trang rất ấn tượng, rất hợp với Neal
cũng như gây được sự chú ý cho các ngôi sao ca nhạc khác. Tương tự với
bộ đồ múa xinh xắn Molly thiết kế và may cho Ray để thay cho bộ đồng
phục múa đơn điệu của cô bé. Molly dành hết tâm trí vào hành động của
mình, chấp nhận trả giá và mất mát (hy sinh thú nhồi bông yêu thích để
lấy làm vật liệu trang trí cho áo khoác) và kết quả tuyệt vời hơn cả
mong đợi: Molly phát hiện ra mình cũng có thể làm giỏi một việc gì đó
(thiết kế thời trang) chứ không phải như cô nghĩ về bản thân chỉ biết
hưởng thụ như ban đầu. Quá trình nhận thức ‘Tôi là ai’ này chỉ thực sự ý
nghĩa khi có quyết tâm và sự dấn thân hoàn toàn, mừng cho Molly!

Không chỉ hàm chứa các thông điệp sâu sắc như trên,
mình thấy phim Uptown Girl còn có khá nhiều chi tiết ‘đắt’ như những
viên ngọc làm ‘sáng’ cả một bộ phim được ‘dán nhãn’ là một phim hài, vui
nhộn và dường như chỉ dành cho tuổi teen.

Chi tiết đầu tiên tôi ấn tượng là Molly không đủ can
đảm nghe lại bài hát do cha mình (vốn là một ngôi sao nhạc Rock’n Roll
đã quá cố) sáng tác, do một ca sĩ trẻ mới nổi và hiện đang ‘để ý’ Molly.
Ca từ của bài hát đơn giản như lời người cha đang ngắm nhìn đứa con gái
bé bỏng tươi cười nhảy múa trong nắng sớm. Vậy mà Molly không dám nghe.
Cô sợ. Molly sợ nỗi nhớ về cha mẹ lại ùa đến, ngập tràn trong tim. Mà
Molly vốn đâu phải là người thích buồn. Cô luôn tìm cách vui đùa, và
hưởng thụ cuộc sống, ngay cả khi là một bé gái mồ côi cha mẹ, ngập trong
đống gia sản và hàng núi đồ đạc bừa bộn Molly xem là ‘vật kỷ niệm’ từ
những nhân vật nổi tiếng chất đống trong nhà. Mình ấn tượng chi tiết này
vì hiểu thấu nỗi sợ của Molly khi phải đối diện với nỗi đau mất mát cha
mẹ. Tình cảm được kiềm nén rất sợ bị thổi bùng lên mỗi khi gặp chất xúc
tác gợi nhớ. Và mình cũng vậy.

Chi tiết đắt giá thứ hai là vũng nước lầy và cạn lại
chính là nơi Molly chọn để nhảy xuống tự tử. Mình thích vô cùng cách ẩn
dụ của phim này. Molly cảm thấy thất vọng hoàn toàn khi phát hiện Neal
ngủ với sếp – trùm sản xuất đĩa ca nhạc (chính là mẹ của Ray) để thăng
tiến. Cô cảm thấy những gì đã từng có ý nghĩa và quan trọng trong đời
mình đều đã vụt qua, tàn lụi và thậm chí trở nên lố bịch. Molly thấy mất
hết ý chí sống, vì cô đã từng nghĩ mình chẳng thể làm gì giỏi, lại
không còn ý nghĩa sống, thì thôi chết quách đi cho khỏe. Bởi vậy cô leo
lên thành cầu và nhảy tòm xuống. Hành động nông cạn này cũng dẫn đến một
kết quả nực cười nhưng mang ý nghĩa ẩn dụ sây sắc. Vũng lầy cạn, ngập
ngụa bùn cũng chính là tình trạng hiện thời của Molly. Bởi vậy, sau đó
Molly bệnh, cũng chính là một ẩn dụ về sự tự nhận thức và phản ứng nghi
ngờ (uncertainty) về hiện tại, là tiền đề để những khán giả tinh ý nhận
ra Molly sau trận ốm đó bắt đầu thay đổi rất nhiều: là tự dọn ra ở riêng
(thuê căn hộ với những điều kiện khiêm tốn nhưng phù hợp với khả năng
tài chính, lại nhìn nhận những hạn chế về tiện nghi rất hài hước và thú
vị, đúng chất Molly-tích cực-vui-vẻ), cởi mở hơn hẳn với Ray, can đảm
lên tiếng với mẹ của Ray, quyết định đi học (vì đã nhận thức được tầm
quan trọng của kiến thức và học vấn), v.v.

Mình rất thích cách hai nhân vật chính này ‘dạy dỗ’
và chuyển hóa lẫn nhau. Molly học được cách trưởng thành khi chính cô
dạy cho Ray trung thực với chính mình và với mẹ, để dám sống cuộc sống
của trẻ thơ. Trong phim có cảnh Molly nắm tay Ray quay vòng theo nhạc
hiện đại và té, các búp bê trên kệ đổ ngã chỏng chơ tung tóe, Ray cáu
giận, bỏ ra ngoài và ném vào Molly còn đang ngồi chỏng gọng một từ đầy
vẻ trịch thượng ‘Grow’ – lớn lên đi!!! Quan điểm ‘lớn lên’ này dần dần
được chuyển hóa để cuối cùng Ray thừa nhận Molly là người lớn đã cho
thấy cô bé đã chấp nhận được bản thân, để thấy rằng làm người lớn không
phải là nhãn mác mà ta có thể gắn kết vào bản thân thông qua cách hành
xử, nói năng, trách nhiệm tự nhận lấy mà ta phải thực sự trưởng thành,
chín chắn, trung thực và khoan dung với chính mình. Điều quan trọng
nhất, mình nghiệm thấy Ray học được, đó là người lớn cũng không nhất
thiết phải hoàn hảo, và làm trẻ-con-9-tuổi thì vẫn thích hơn làm
người-lớn-9-tuổi 🙂

Chi tiết cuối cùng thu hút mình khi xem phim này
chính là cách Ray giả bệnh và tưởng như mình bệnh sau buổi tối đi trình
diễn múa ballet đầu tiên mà mẹ cô lại quên và không đến dự. Chi tiết này
cho thấy ‘tâm bệnh’ còn hạ gục người ta nhanh hơn ‘thân bệnh’. Ray cảm
thấy mình ốm vì cô thất vọng với mẹ, nhưng cô vẫn muốn gây sự chú ý nơi
người mẹ quá xa cách, hời hợt. Ray múa trình diễn, mẹ không đến xem, vậy
cô bé ‘sẽ’ bệnh để mẹ xuất hiện và chăm sóc cho mình. Vậy mà mẹ không
có mặt, thôi thì Ray tiếp tục đóng vai người mẹ của chính mình vậy. Cô
bé tự nằm nghỉ, tự cặp nhiệt và tự lấy thuốc để sẵn, y như cô đã từng
mong muốn mẹ sẽ làm điều đó cho mình vậy. Đối với mình, chi tiết này rất
có ý nghĩa vì những ý nghĩ này đều đã từng đến, thoáng qua hoặc in đậm
trong tâm trí mình.

Liên hệ bản thân: cũng đã có một thời gian khá dài
mình sống như Ray, khép kín, tỏ vẻ mạnh mẽ, can đảm, bất cần, liều lĩnh
và luôn phán xét người khác, trừ bản thân. Thú thật mình đã từng nghĩ
mình mạnh mẽ, tự-lớn được và không cần người lớn nâng đỡ hay dạy bảo
mình bất cứ điều gì, vì thông thường người lớn hay ‘nói một đằng, làm
một nẻo’ và hứa suông. Vậy mà khi sống đằng sau những rào cản tự thân
dựng nên với mong muốn được an toàn, mình có thấy an toàn đâu, mà những
sang chấn tâm lý càng bị dồn nén nhiều hơn, càng khổ sở hơn. Bởi vậy,
phim này nhắc nhở mình nhiều điều, như đã kể trong các thông điệp được
ghi nhận, và còn nữa, nhắc mình về nỗi khao khát biểu lộ tình yêu thương
trong gia đình mà mình luôn bị ám ảnh, cũng là điểm mạnh lẫn điểm yếu
lớn nhất của mình.

 

  • 1 Ý kiến phản hồi

Re: Cảm nhận phim UPTOWN GIRL

buiminhphuc1990

Chị viết bài này ơi, em có thể xin contact của chị được không ạ?

Đây là một bài bình phim rất hay và em rất đồng tình với ý kiến của
tác giả. Mặc dù rank của Uptown girl trên IMDB không cao nhưng theo cá
nhân em, đây là một bộ phim rất tinh tế.

 

 

Tin liên quan

Go to top

Rate this post

Viết một bình luận