Ngộ độc Paraquat tỷ lệ tử vong rất cao, tính chung có thể tới 70-90%, khi nuốt hoặc hít phải. Nếu điều trị kịp thời, ngộ độc Paraquat vẫn có thể để lại những hậu quả sức khỏe lâu dài cho người bệnh. Với trường hợp bệnh nhân M đến cấp cứu tại Bệnh viện, do đã uống hết 1 chai Paraquat dù đã được gia đình phát hiện sớm và đưa đi viện, được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đã không qua khỏi.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra các ca ngộ độc Paraquat là do người bệnh vô tình hoặc cố ý nuốt phải loại hóa chất độc hại này. Chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, những người sinh sống và làm việc gần nơi thường xuyên sử dụng Paraquat cũng rất dễ bị ngộ độc, dẫn đến tổn thương phổi.
Người bệnh cũng có thể bị nhiễm độc khi tiếp xúc với Paraquat qua da, đặc biệt là khi hóa chất ở nồng độ cao. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp bị ngộ độc xuất phát từ ý định tự tử, do có thể dễ dàng mua được các loại thuốc diệt cỏ.
Paraquat có độc tính rất cao và không có thuốc chữa hay thuốc giải độc đặc hiệu. Do đó, khả năng hồi phục của người bệnh sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phơi nhiễm, sức khỏe tổng quát cá nhân và thời gian tiếp cận sự chăm sóc y tế. Nếu thường xuyên làm việc trong môi trường dùng nhiều hóa chất, hãy đảm bảo mình đã tuân thủ các biện pháp bảo hộ và biết cách xử trí khi bị phơi nhiễm.
Dấu hiệu ngộ độc paraquat
Người bệnh có thể bị sưng, đau ở miệng và cổ họng ngay sau khi nuốt phải hoặc hít phải một lượng hóa chất nhất định. Các biểu hiện khác của ngộ độc Paraquat bao gồm: buồn nôn và nôn; đau bụng; tiêu chảy, có thể lẫn máu trong phân; chảy máu cam; khó thở; mất nước; tụt huyết áp. Nguy hiểm hơn, ngộ độc paraquat có thể gây tử vong dù người bệnh chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ hóa chất. Sau vài ngày đến vài tuần, người bệnh có thể bị xơ phổi và suy đa tạng (suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan…). Trong trường hợp nuốt phải lượng lớn chất độc sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng như: lũ lẫn, yếu cơ, co giật, suy hô hấp và khó thở, hôn mê và tử vong sau đó.
Phòng tránh
Trên thế giới, rất nhiều nước đã cấm sử dụng Paraquat trong nông nghiệp. Ở Việt Nam, đã có Quyết định 278/QĐ-BNN-BVTV, ngày 8/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó loại bỏ Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay các ca ngộ độc Paraquat vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy người dân loại bỏ thuốc diệt cỏ Paraquat ra khỏi đời sống sản xuất, sinh hoạt của mình, bởi khi thuốc này xâm nhập cơ thể với lượng nhỏ cũng không thể cứu chữa. Khi bị ngộ độc loại thuốc diệt cỏ cực độc này vì bất kỳ lý do gì cần đưa ngay tới các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.
Để tránh những ca ngộ độc đáng tiếc xảy ra trong thời gian tới khuyến nghị nên cấm bán và sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat và những thuốc diệt cỏ Paraquat còn đang lưu hành, cần phải được thu hồi và tiêu hủy.