Hến là đặc sản của vùng nước ngọt và nước lợ, có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Hến có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, rất tốt cho sức khỏe. Trong đông y, hến được xem là vị thuốc quý dùng để chữa nhiều chứng bệnh. Hến giàu dinh dưỡng, cũng là món ngon giải nhiệt, chứa nhiều canxi, sắt…, rất hợp để ăn trong những ngày hè nóng nực.
Từ lâu, hến đã được người dân quê chế biến thành nhiều món ngon khác nhau: cơm hến, bún hến, cháo hến… Riêng gia đình tôi, trong những bữa cơm có món hến cải thiện, nhiều hơn cả vẫn thường là canh hến. Mẹ nấu rất nhiều món canh từ hến: hến nấu rau đay, hến nấu khế, hến nấu cà chua… nhưng thanh mát nhất vẫn là canh hến nấu với rau thì là.
Để có món canh hến như ý, cũng cần bảo đảm các bước theo trình tự. Đầu tiên, mẹ ngâm hến trong nước vo gạo để chúng nhả hết chất bẩn, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi luộc lên với một chút muối. Khi luộc, mẹ đẩy lửa liu riu để hến không bị dính và dễ đãi. Khi nào nồi hến sôi, mẹ mở vung, lấy đũa đảo đều để chúng mở hết miệng. Luộc xong, mẹ chắt lấy phần nước luộc hến để riêng ra một bát lớn, lắng cặn, lấy phần nước trong dùng nấu canh. Phần vỏ và thịt hến được đổ ra rổ để đãi tách lấy phần thịt. Rau thì là cũng đã được mẹ hái ngoài vườn mang vào, rửa sạch và thái nhỏ.
Món canh hến với thì là hấp dẫn anh em tôi suốt một thời tuổi thơ lam lũ. Bữa cơm nhà được dọn ra, không chỉ hấp dẫn bởi nồi cơm gạo mới thơm dẻo mà còn có thêm bát canh hến màu trắng đục quyện hương rau thì là xanh đậm cùng bát cà muối vàng giòn… Mới nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay hương vị ngon ngọt, đậm đà của quê nhà.
Đã qua rồi một thời sương gió, mẹ tôi giờ đã ở tuổi thất thập. Những bữa cơm đoàn viên vẫn chẳng thể thiếu món canh hến thì là mẹ nấu. Hương vị canh hến thì là vẫn tròn vị, đậm đà, ngọt thanh hơn bởi đong đầy tình mẹ!