Nhiều người cho rằng: cao lầu chính là mì quảng chỉ khác nhau mỗi tên gọi. Vậy món nước này sự thật là gì? Hãy cùng Điện máy XANH tìm hiểu cao lầu là gì cũng như nguồn gốc cao lầu, cách giúp bạn phân biệt giữa cao lầu và mì quảng khác nhau như thế nào qua chuyên mục Mẹo vào bếp hôm nay nhé!
1 Cao lầu là gì?
Cao lầu là một loại mì màu vàng, dùng kèm với một ít nước dùng (hầm từ xương heo), có thịt xá xíu, tôm, thịt heo, ăn kèm với một số loại rau sống và bánh đa chiên (hoặc nướng).
Gọi là cao lầu nên nhiều người cho rằng: đây là món ăn của người Hoa nhưng không phải. Thậm chí, người Nhật còn cảm nhận chúng khá giống với mì udon của quốc gia họ nhưng khác nhau về cách chế biến và hương vị món ăn. Sự thật, cao lầu là món ăn của người Việt và nổi tiếng tại khu vực miền Trung.
2 Nguồn gốc của cao lầu
Nếu có dịp đến vùng đất Quảng Nam, bạn đừng bỏ qua món cao lầu vì đây chính là đặc sản của người dân Hội An.
Theo lịch sử ghi chép, cao lầu đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Trong khoảng thời gian này, các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên lui tới cảng Hội An. Họ đã mang theo văn hóa ẩm thực riêng của nước họ, rồi dần dần tạo điều kiện cho món cao lầu ra đời – có thể được xem là sự pha trộn giữa nền ẩm thực Trung và Nhật.
Chưa dừng lại ở đó, món cao lầu còn được biến tấu theo thời gian để hợp khẩu vị hơn đối với người Việt, rồi trở thành món ăn đặc sản của người dân miền Trung.
Tên gọi “cao lầu” có nghĩa là món ăn cao lương mỹ vị và được thưởng thức ở trên lầu cao. Nói một cách khác, thực khác có thể vừa dùng món ăn, vừa ngắm được toàn bộ cảnh đẹp của phố phường Hội An ngay từ trên lầu cao.
3 Cao lầu và mì quảng khác nhau như thế nào?
Thoạt nhìn, bạn sẽ trông thấy cao lầu khá giống với mì quảng nhưng đây là 2 món ăn khác nhau mà bạn có thể phân biệt dễ dàng qua một số đặc điểm sau:
Giống nhau
Cao lầu và mì quảng đều gồm có 3 phần: sợi mì (được làm từ bột mì), nước dùng và nhân, rồi thường được ăn kèm với rau sống.
Khác nhau
Dựa vào đặc trưng gồm có 3 phần không thể thiếu trong món ăn, bạn hãy phân biệt sự khác nhau như sau:
Đối với sợi mì
Cách chế biến sợi mì của cao lầu nhiều công đoạn và cầu kì hơn so với cách làm ra sợi mì của mì quảng. Cụ thể, người ta sẽ đem ngâm gạo trong nước tro (phần nước tro này phải sử dụng từ tro của một loại cây ở Cù Lao Chàm) để sợi mì có độ dẻo giòn và khô đặc trưng.
Tiếp theo, họ sẽ lọc kỹ và xay thành bột, trong đó nước được dùng xay gạo phải lấy từ nước giếng Bá Lễ. Kế tiếp, họ dùng vải để lọc nhiều lần hỗn hợp bột vừa xay để giúp cho bột khô và dẻo, trước khi cán thành miếng và cắt thành từng sợi.
Cuối cùng, đem hấp nhiều lần và phơi khô để tạo ra sợi mì cao lầu. Chính vì thế, sợi mì cao lầu thường có màu hơi đục, sậm và tạo cảm giác dai, cứng hơn so với sợi mì quảng.
Đối với sợi mì của mì quảng thì cách làm đơn giản hơn. Người dân sẽ sử dụng bột gạo, rồi muốn tạo màu sắc cho sợi mì thì chỉ cần luộc trong nước có màu vàng tươi, màu nâu hoặc đơn thuần là nước lọc để tạo ra màu trắng vốn có của gạo.
Đối với nước dùng (nước lèo)
Thường nước dùng của mì quảng khá trong và có hương thơm đặc trưng của phần xương heo hoặc gà được hầm.
Trong khi, nước dùng của cao lầu thì có phần sệt hơn, ngoài dùng nước hầm xương còn có sự xuất hiện thêm của thịt xá xíu nên có hương vị đậm đà hơn.
Đối với phần nhân mì:
Hầu hết, mì quảng thường hay dùng thịt heo, thịt gà, tôm và trứng cút (hoặc trứng gà). Một số người còn biến tấu mì quảng khi ăn kèm thịt vịt, thịt ếch hoặc cá. Phần bánh tráng dùng kèm với mì quảng là loại bánh đa nướng, có mè trắng hoặc mè đen.
Trái lại, cao lầu sử dụng thịt xá xíu là chủ yếu ngoài việc một số nhân giống như mì quảng, đồng thời còn được ăn kèm với bánh đa mè có thể đem nướng hoặc chiên.
4 Cách nấu cao lầu
Để giảm thiểu công đoạn nấu cao lầu, bạn có thể mua sợi mì (bánh) cao lầu ở ngoài chợ hoặc tự làm sợi mì ngay tại nhà như công thức mà Điện máy XANH gợi ý phía dưới.
Sau đó, bạn sử dụng xương heo hoặc xương gà để hầm nước dùng. Trong khi chờ đợi nước dùng, bạn làm thịt xá xíu bằng cách ướp thịt heo với nước tương, ngũ vị hương, tỏi băm, muối và hạt nêm, rồi đem chiên vàng giòn. Tiếp đó, mới ninh phần thịt này với một ít nước dùng cho đến khi có màu đỏ đặc trưng của thịt xá xíu.
Nêm nếm nước dùng, rồi bạn thái thịt xá xíu. Cuối cùng, cho mì vào tô cùng với thịt xá xíu, chan nước dùng, rắc thêm tí đậu phộng (nếu thích) và ăn kèm với rau sống và bánh đa chiên hoặc nướng.
Tham khảo thêm một số cách nấu cao lầu cùng Điện máy XANH:
Hy vọng những chia sẻ phía trên đã giúp bạn có thêm góc nhìn về món ăn cao lầu là gì cùng với nguồn gốc cao lầu, cách phân biệt giữa cao lầu và mì quảng khác nhau như thế nào rồi nhé.
Cao lầu
https://vi.wikipedia.org/wiki/Cao_l%E1%BA%A7u
Ngày truy cập: 11/12/2021
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 23/12/2021