Cá mập ăn thịt người xuất hiện nhiều trên màn ảnh Hollywood, khiến chúng ta tưởng chừng nó ở đâu xa xôi. Ít ai biết nó lại có một khu vực sinh sống ở biển Việt Nam.
Theo Wikipedia, cá mập trắng khổng lồ (Great white shark) có tên khoa học là Carcharodon carcharias , cũng được quen gọi là cá mập trắng, hoặc cái chết trắng…
Sách đỏ Việt Nam gọi Carcharodon carcharias là ” cá mập ăn thịt người “, thuộc họ cá mập, bộ cá nhám chuột (Lamniformes). Chúng thường lui tới tại các vùng biển Trường Sa, Khánh Hòa, Bình Thuận, Côn Đảo, Quy Nhơn… của Việt Nam.
Hình dáng quen thuộc của loài cá mập trắng khổng lồ.
Loài cá này có chiều dài từ 2 – 6 m, con lớn nhất có thể lên đến 8 m, nặng trung bình khoảng 3 tấn. Với bản tính rất hung dữ, bơi lội nhanh nhẹn, Carcharodon carcharias thường săn bắt mồi và các động vật cỡ lớn.
Thậm chí, chúng còn tấn công cả con người và làm đắm thuyền ghe nhỏ với bộ hàm chắc khỏe cùng hơn 50 chiếc răng nhọn, sắc của mình.
Carcharodon carcharias có thể tấn công cả thuyền nhỏ.
Carcharodon carcharias thường ưa sống ở tầng nước trên của biển khơi vùng ôn đới và á nhiệt đới, có cả vùng biển nhiệt đới. Vì vậy ngoài vùng biển kể trên của Việt Nam, chúng còn có mặt tại các vùng biển thuộc Đại Tây Dương, bờ Đông và bờ Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia quản lý hồ sơ cá mập tấn công người trên toàn thế giới George Burgess, thuộc Đại học Florida (Mỹ), cho biết năm 2010, Việt Nam và Ai Cập ghi nhận số vụ cá mập tấn công người cao bất thường, 6 vụ trong 1 năm.
Con số này hoàn toàn có thể tăng do nguyên nhân khách quan là nhiệt độ Trái đất ấm lên khiến loài chúng trở nên hung dữ và thường xuyên vào bờ “trú ngụ”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác của tình trạng này được cho là do con người hoạt động trên biển ngày càng nhiều hơn, khiến khả năng bị cá mập cũng tăng.
Cũng theo Sách đỏ Việt Nam, do ngư dân các vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận có nghề săn bắt cá mập ở biển khơi, nên số lượng cá mập này nói riêng và loài cá mập nói chung ngày càng ít đi.
Đó là lý do tại sao, mặc dù tấn công và có thể ăn thịt người, nhưng Carcharodon carcharias nằm trong diện cảnh báo tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Sách đỏ đề nghị cách bảo vệ loài cá này như sau: “Giáo dục trong nhân dân có ý thức bảo vệ loài cá hiếm này, nếu có bắt được thì cần thả ngay khi chúng còn sống.”
Làm gì khi bị cá mập tấn công?
Tất nhiên đây chỉ là vấn đề lý thuyết, để tồn tại trong hoàn cảnh đó phải là kỹ năng sống được rèn luyện và cả sự may mắn nữa.
Các chuyên gia khuyên, nếu bị cá mập tấn công bất ngờ, nên dùng vật cứng đánh vào mũi chúng để khiến chúng tạm thời không thể “lấn tới”, rồi sau đó nên tìm cách lên bờ càng sớm càng tốt vì cú đánh vào mũi chỉ khiến cá mập yếu tạm thời.
Khi đã bị cá mập cắn thì nên tấn công vào mắt và mang chúng vì đó là những bộ phận nhạy cảm.