Tìm hiểu nhanh kiến thức về câu phủ định là gì? Đặc điểm nhận dạng và chức năng của câu phủ định. Đồng thời nêu lên một vài ví dụ loại câu này giúp các em hiểu hơn bài học về loại câu này. Mời các em lớp 8 tìm hiểu khái niệm thuật ngữ này trong nội dung bên dưới.
Khái niệm câu phủ định ví dụ minh họa
Khái niệm
Định nghĩa Sách giáo khoa lớp 8 đã nêu rõ: câu phủ định là trong câu đó có các từ ngữ phủ định ví dụ như không phải, chẳng phải, không, chẳng, chả…đây là đặc điểm nhận dạng trong các câu rất dễ nhận thấy.
Câu phủ định còn phủ nhận các hành động, trạng thái, tính chất đối tượng trong câu.
Ví dụ: “Thứ 7 này Hà không về quê” – từ phủ định “không”
“Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. – Từ phủ định “không”
Chức năng của câu phủ định
– Nhằm phản bác ý kiến, khẳng định của người khác (phủ định bác bỏ).
Ví dụ: ” À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ! Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết…Ông để cậu Vàng ông nuôi…”
=> Lão Hạc phủ định việc giết cậu Vàng. Từ phủ định “không”.
– Thông báo, xác nhận không có các sự vật, sự việc, tính chất cụ thể nào đó (phủ định miêu tả).
Ví dụ:
“Hôm nay thời tiết thật đẹp và không có nắng to”
=> Từ phủ định “không” miêu tả sự vật (thời tiết) “không có nắng to”.
Phân biệt phủ định bác bỏ và phủ định miêu tả
– Dựa vào vị trí để phân biệt: câu phủ định bác bỏ bao giờ cũng đứng sau một ý kiến, một nhận định nào đó được đưa ra từ trước. Vì vậy câu phủ định bác bỏ thường không đứng ở đầu câu.
Ví dụ:
” Thầy sờ vòi bảo:
-Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa
Thầy sờ ngà bảo:
-Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn
Thầy sờ tai bảo:
-Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc”
(Trích “Thầy bói xem voi”)
=> Các câu phủ định bác bỏ: “Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn” – “Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc”. Trước khi đưa ra ý kiến bác bỏ này thì đã có ý kiến của một thầy bói khác là “…nó sun sun như con đỉa”.
– Dựa vào hoàn cảnh để phân biệt. Nhiều khi không thể dựa vào dấu hiệu hình thức để phân biệt thì trong một số trường hợp cần dựa vào hoàn cảnh cụ thể để biết được đâu là phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ.
Ví dụ: “Không, chúng con không đói nữa đâu. Hai đứa ăn hết ngần kia của khoai thì no mỏng bụng ra rồi còn đói gì nữa”
=> Dựa vào ý nghĩ của chị Dậu cho là các con đang đói, cái Tí bác bỏ ý kiến của mẹ nó rằng “Không, chúng con không đói nữa đâu”.
– Phủ định của phủ định: trong câu xuất hiện hai từ phủ định thì câu đó lại là câu khẳng định
Ví dụ:
“Tôi không thể nào không nhớ được buổi đầu tiên đặt chân vào cánh cửa học đường”
=> Hai từ “không” mang nghĩa khẳng định là “rất nhớ”
– Lưu ý: Một số câu có hàm ý dùng để phủ định nhưng lại không phải là câu phủ định.
Ví dụ:
“Đẹp gì mà đẹp”
“Cuốn sách này có gì mà hay?”
“Làm gì có chuyện đó được”
Ví dụ về câu phủ định
Đây là loại câu rất dễ và sử dụng phổ biến hàng ngày vì vậy các em sẽ tìm thấy nhiều ví dụ minh họa. Một số ví dụ dễ hiểu như:
– Vân đi chơi (1)
– Vân chưa đi chơi (2)
Mục đích câu (1) khẳng định sự việc Vân đi chơi nhưng trong câu (2) phủ định sự việc Vân không đi chơi. Câu (2) mang ý nghĩa ngược với câu (1).
– Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu ! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác. (Nam Cao, Lão Hạc).
Câu phủ định bác bỏ được sử dụng trong câu “Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu”.
– Chú chim bị thương không đứng dậy được nữa, nằm thở dốc.
“Không” từ ngữ phủ định, khẳng định cho việc chú chim bị thương nằm hoàn toàn dưới đất.
Xem thêm: Câu nghi vấn là gì
Đó chỉ là 3 ví dụ dễ hiểu về câu phủ định, các em làm tiếp bài tập phần luyện tập sách giáo khoa nữa nhé. Hẹn gặp lại các em trong một số bài học khác.
Thuật Ngữ –