Cầu Thê Húc – Biểu tượng văn hóa người Hà Nội
Một trong những điểm nhấn kiến trúc đầu tiên của đền Ngọc Sơn là cầu Thê Húc với màu sơn son như một dải lụa mềm mại vắt qua làn nước xanh đặc trưng của Hồ Gươm, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, bắt mắt. Được thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu) xây dựng vào năm 1865. Cầu Thê Húc là một cây cầu màu đỏ son, làm bẳng gỗ, một cây cầu nối liền giữa bờ với đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc có ý nghĩa là “nơi lưu lại ánh sáng” hay “nơi ngưng tụ hào quang”. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.
Có thể thấy, cầu Thê Húc hướng về phía Đông, hướng về phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí ấy. Và đi cùng với ý nghĩa ấy, nên xưa nay cây cầu mang màu đỏ này đem đến màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến nay – cây cầu Thê Húc – biểu tượng của thần mặt trời. Bởi thế trong cảm nhận riêng của mình, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã viết: “Hồ Gươm làm cho Hà Nội duyên dáng và mềm mại hơn nhưng cầu Thê Húc lại là đồ trang sức quý giá của Hồ Gươm”.
Theo các kiến trúc sư, cầu Thê Húc ban đầu được làm theo nét văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là đặc điểm gia đình nào cũng có một chiếc ao và làm cầu ao để mỗi khi đi làm đồng về thuận tiện cho việc rửa chân, giặt giũ quần áo.
Kết cấu cầu Thê Húc mang nhiều nét kiến trúc cổ xưa. Nó được phỏng theo hình một chiếc nhà gỗ của người dân vùng châu thổ Sông Hồng. Nếu như làm nhà cần có mộng, trụ giá, cột, khóa giang… như bộ khung nhà thì cầu Thê Húc cũng được thiết kế như vậy. Trên là nhà, dưới là cầu, “thượng gia, hạ kiều”, những ngôi chùa ngoài ao hồ nổi tiếng hiện nay cũng được thiết kế dựa trên kiến trúc cầu Thê Húc như cầu Ngói ở Huế, khu du lịch Hội An, chùa Thầy ở Sài Sơn, Hà Nội…
Trong lịch sử tồn tại của mình, cầu Thê Húc đã trải qua nhiều câu chuyện đáng nhớ. Tương truyền, từ khi có cầu Thê Húc thì sỹ tử thi Hương chen nhau vào đền Ngọc Sơn thắp hương cầu khấn rất đông. Vào mỗi mùa thi, cụ từ trông đền phải cho người ra nhắc nhở thí sinh không chen lấn vì sợ sập cầu.
Cầu đã được trải qua hai lần trùng tu. Lần thứ nhất là năm 1897, vào triều Thái Thanh. Lần thứ hai là vào năm 1952, sau khi một nhịp cầu bị gãy vào đêm giao thừa năm Nhâm Thìn do lượng khách đi lễ tại đền Ngọc Sơn quá đông.
Cầu đã được xây lại dưới sự giám sát của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, thay vì bằng gỗ thì móng cầu được đúc lại bằng xi măng.
Dù cuộc sống ngày càng trở nên nhộn nhịp và bận rộn, thế nhưng dòng người kéo về thăm di tích “đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc – tháp Bút – đài Nghiên” vẫn không có gì thay đổi. Có người tìm đến đây để vui chơi giải trí, có người lại đến để tĩnh tâm trong không gian trầm lặng, tràn ngập hương khói.
Hồ Gươm, Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc,…tạo nên một quần thể hoàn chỉnh. Quần thể này đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng cho Hà Nội ngày nay.