Cây bưởi là cây rất đỗi bình dị và quen thuộc đối với mỗi vùng quê, trải dọc theo chiều dài đất nước nơi đâu cũng có bưởi. Bởi cây không phụ lòng người chăm sóc luôn cho hoa thơm trái ngọt để thưởng thức. Hình ảnh hoa bưởi từ lâu cũng được phổ lên thành những vần thơ, điệu nhạc, làm cho những người đi xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương – nơi có chùm khế ngọt, có hoa bưởi bình dị.
I. Giới thiệu về cây Bưởi
Tên thường gọi:
Cây bưởi
Tên gọi khác:
Cây bòng
Tên tiếng anh:
Pomelo tree
Tên khoa học:
Citrus Grandis
Họ thực vật:Thuộc họ Rutaceae – Họ camNguồn gốc xuất xứ:
Cây bưởi có nguồn gốc là ở Đông Dương, Trung Quốc, Ấn Độ
Tuổi thọ:
Cây sống lâu năm
Thời gian nở hoa:
Cây bưởi ra hoa vào tháng Giêng, muộn nhất là tháng hai hoặc cũng có thể ra hoa trái vụ khoảng tháng 10 – 11 âm lịch nếu có cách chăm sóc đặc biệt
Màu sắc của hoa:
Màu trắng ngà
Bao gồm các loại cây:
-
Bưởi Năm roi: Giống cây bưởi nổi tiếng của các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long..
-
Bưởi da xanh: Bưởi đặc sản của tỉnh Bến Tre.
-
Bưởi Phúc Trạch: Đặc sản của đất Hương Khê – Hà Tĩnh.
-
Bưởi Diễn: Loại quả nổi tiếng của làng Diễn – Từ Liêm – Hà Nội. Đây là loại bưởi thường được dâng lên vua chúa.
-
Bưởi Đoan Hùng: Ở huyện Đoan Hùng – Phú Thọ.
-
Ngoài ra còn có các loại bưởi Đào, bưởi Đỏ chủ yếu trồng để làm cảnh.
II. Đặc điểm của cây Bưởi
- Hình dáng bên ngoài:
Cây bưởi là cây thân gỗ nhỏ cùng họ với Cam,Chanh,Quýt nhưng phiến lá bưởi to hơn. Vỏ thân cây bưởi có màu vàng nhạt, có nhiều kẽ nứt trên thân cây dọc từ gốc lên ngọn.
-
Kích thước:
Cây bưởi hạt mọc tự nhiên trưởng thành có chiều cao trung bình khoảng 5 – 6m, đối với cây bưởi lai ghép hiện nay được hãm chiều cao chỉ khoảng 3 – 4m.
- Lá:
Lá bưởi da xanh hình trứng, to,cứng, dày, hơi tròn, dài khoảng 10 –12cm, rộng 5 – 6cm, hai đầu lá tù, mép lá không có răng cưa, cuống lá khoảng 1 – 2cm có cánh nhỏ. Lá bưởi cũng bị vàng lá sinh lý vào mùa đông giống như cam, chanh nhưng tự phục hồi được.
- Hoa:
Hoa bưởi da xanh thuộc loại hoa kép, ra theo chùm ở ngọn cành khoảng 10 – 15 bông trên cùng một chùm hoặc hoa ra ở các cành trong thân cây. Hoa bưởi màu trắng ngà, tỏa hương thơm nồng. Hoa có 5 cánh, ở gốc cánh là các ống nhụy dài xếp thành vòng tròn nhỏ, đầu các nhụy màu vàng cam, ở trung tâm nhụy là noãn tròn chuẩn bị hình thành quả.
- Cành:
Cành bưởi da xanh ở đoạn gốc thường nằm ngang xoài ra tạo thành tán cây tròn xum xuê, các cành trên thẳng đứng có ít gai hoặc không có gai.
- Quả:
Quả bưởi da xanh có hình cầu to, màu xanh lục, vỏ ngoài dày, sần sùi, nặng khoảng 3kg, quả nhỏ nhất khoảng 1 – 1,2kg. Cuống bưởi dài khoảng 10 – 15cm. Bên trong quả là các múi, bên trong múi là các tép bưởi to mọng nước, các múi được ngăn cách bởi các màng. Màng múi, tép và lớp trong của vỏ màu hồng đỏ.
- Hạt:
Xen kẽ các tép bưởi là các hạt, mỗi quả có chừng 15 – 20 hạt. Nếu muốn quả bưởi không hạt có thể xử lý bằng cách thủ công ở giai đoạn ra hoa.
III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Bưởi
1. Ý nghĩa
Cây bưởi là một trong rất nhiều loại cây đã xuất hiện từ rất lâu đời, đây là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả cúng tổ tiên trong ngày tết. Quả bưởi có hình dạng tròn trĩnh thể hiện sự trọn vẹn, sum vầy, sung túc, no đủ mang lại tiền tài, danh vọng cho gia chủ.
2. Tác dụng
-
Tác dụng trong trang trí, làm cảnh:
Cây bưởi có thể trồng làm cảnh, cây bóng mát vì cây có tán rộng xòe xum xuê, lá to, hình dáng quả đẹp. Nếu bạn yêu hoa cỏ thiên nhiên hãy đến vườn bưởi vào tháng Giêng để chìm đắm vào hương sắc nồng nàn của hoa bưởi, loài hoa tạo cảm giác thư thái, quên hết mọi lo âu, mệt mỏi của cuộc sống thường ngày.
Ngày nay thú chơi bưởi bonsai đang là trào lưu phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước, cây bonsai có thể đặt ở mọi nơi như ở: Sân vườn nhà, sân biệt thự, các khu nghỉ dưỡng, sảnh các tòa cao ốc. Cây vừa làm cảnh lại vừa thanh lọc không khí, giảm bụi bẩn cho nơi đặt cây.
- Giá trị ẩm thực
Quả bưởi là loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C và các chất khoáng nên rất được ưa chuộng, là món tráng miệng rất tốt, thanh lọc cơ thể sau những bữa ăn cay nóng nhiều dầu, mỡ.
Có thể ép nước làm sinh tố bưởi, chè bưởi đây là những món ăn vặt trong ngày hè nắng nóng.
- Tác dụng chữa bệnh
Lá bưởi thường được ông cha tận dụng để đun tắm xông trong trường hợp bị cảm lạnh.
Vỏ bưởi phơi, sấy khô để sắc nước uống chữa ho, sốt, tiêu đờm ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Tác dụng khác:
Quả bưởi có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như: Chất đạm, chất béo không no, chất xơ, các vitamin nhóm B, vitamin C, chất khoáng. Ăn bưởi thường xuyên sẽ bổ sung các chất bị thiếu hụt trong cơ thể, giúp giảm căng thẳng, giảm mỡ máu, chống lão hóa da và đặc biệt là ngăn ngừa bệnh ung thư rất hiệu quả.
Ngoài ra, tinh dầu bưởi còn có tác dụng trong ngành thẩm mỹ, dùng để tắm xông hơi, làm trắng da, mượt tóc.
Thân, cành bưởi dùng làm củi đun.
III. Cách trồng và chăm sóc cây Bưởi
1. Cách trồng cây
Cây bưởi cũng như các loại cây cam, chanh, quýt nên cũng có các phương pháp nhân giống như nhau, có thể nhân giống bằng chiết cành, ghép cành và gieo hạt. Đối với hai phương pháp đầu tiên là khả thi nhất vì chọn được cành giống có phẩm chất tốt nhất từ cây mẹ.
- Chọn giống
Chọn cây giống bưởi ghép có phẩm chất tốt, con giống phải sạch sâu bệnh. Cây con cao khoảng 60 – 70cm, mầm lá xanh tốt, bộ rễ cọc và chùm rễ tơ phát triển mạnh, thân cây thẳng, không bị trầy xước.
- Thời vụ trồng
Cây bưởi có thể trồng được quanh năm nhưng để trồng cây cho mục đích kinh doanh thì nên trồng từ tháng giêng đến tháng tám, thời điểm này nắng ấm cây sẽ sinh sôi phát triển mạnh nhất. Nếu trồng vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt bộ rễ cây sẽ kém phát triển.
- Mật độ trồng
Nếu trồng trên chân đất đồi nên trồng dày với mật độ cây cách cây khoảng 4m, hàng cách hàng là 5m. Đất đồi khô hơn nên cây sinh trưởng chậm hơn.
Đối với chân đất ruộng ẩm, bằng phẳng nên trồng với mật độ hàng cách hàng là 7m, cây cách cây là 6m. Vì đất ruộng luôn cung cấp đủ độ ẩm rễ cây phát triển nhanh hơn, tán rộng hơn nên phải trồng thưa hơn.
- Đất trồng
Trước khi trồng cây bưởi nên phát dọn cỏ dại sạch sẽ, làm đất nhỏ, tơi bằng cách cày bừa, cây bưởi thuộc cây rễ cọc nên phải đánh rãnh sâu xung quanh ruộng hoặc cứ hai hàng cây trồng khơi một rãnh thoát nước sâu khoảng 50cm, rộng khoảng 50cm để tránh ngập úng khi mưa dài ngày. Để cẩn thận hơn nên đắp mô cao thêm khoảng 30cm tránh bị thối rễ cây vào mùa mưa.
Khi đã là đất nhỏ tơi chỉ cần cuốc hố to hơn bầu cây bưởi một chút là được, sau đó rắc vôi bột khử mầm bệnh trong đất khoảng nửa tháng. Rồi lót phân chuồng hoai mục hoặc tro trấu đốt trộn đều với đất ủ thêm khoảng nửa tháng nữa là trồng.
Đối với cây bưởi trồng trên đất đồi khô nên tưới nước cho đất ẩm trước khi trồng. Nếu đất ruộng đã có đủ độ ẩm thì không nên tưới.
- Cách trồng
Xé túi bầu đất và đặt cây giống bưởi xuống hố đã lót phân ủ sẵn, giữ cho thẳng cây rồi vùi đất tơi xốp nhẹ nhàng nén xung quanh bầu cây. Chỉ nên lấp đất quá mặt bầu khoảng 2 – 3cm. Đối với cách trồng cành bưởi chiết có thể đặt cành nằm nghiêng hoặc thẳng đứng tùy vào cành nhánh có nhiều hay ít.
2. Cách chăm sóc
- Tưới nước
Nên tưới nước luôn ngay sau khi trồng cây bưởi đối với đất đồi khô hạn, nếu trồng vào khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng kéo dài nên dùng biện pháp che chắn cho cây tránh héo chết do nắng. Khi cây hồi phục trở lại phải gỡ bỏ vật che để cây hấp thụ ánh sáng giúp cây sinh trưởng nhanh.
Những ngày sau đó cần tưới ít nhất một lần trên một ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ngày râm mát không tưới vì cây bưởi non cũng chưa yêu cầu quá nhiều nước.
Khi cây bưởi ghép non ra lớp chồi mầm đầu tiên bắt đầu tưới thuốc Siêu Ra Rễ để rễ cây hấp thụ nhanh hơn, ra rễ nhiều hơn, to và nhiều rễ tơ giúp hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn. Tưới thuốc vào gốc cây định kỳ 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 10 ngày.
- Phân bón
Khi cây bưởi ra mầm đợt hai bón thúc lần 2 bằng phân hữu cơ. Có thể dùng các loại phân đặc chủng cho cây có múi như sau: Nitex (16 – 16 – 8) hoặc Quế Lâm, Ogen, cây còn non chỉ bón ít một. Nếu đất giàu dinh dưỡng thì giảm lượng phân xuống chỉ còn một nửa, khi cây bưởi to hơn nên bón tăng lượng phân dần lên.
Đối với cây bưởi da xanh sau khi trồng khoảng 3 – 4 năm là bắt đầu bói quả. Cây còn non nên vặt bớt quả nhỏ, chỉ để lại mỗi cây khoảng 5 quả đỡ gánh nặng cho cây. Thời điểm này cần phải bón bổ sung thêm nhiều loại phân khác như: phân bón lá, phân vi lượng tưới rễ, khoáng, kali..để cây phát triển tốt nhất.
- Tỉa cành tạo tán
Tỉa cành tạo tán và kết hợp làm cỏ vun xới đất là công việc cần làm thường xuyên trong quá trình chăm sóc cây. Để cây bưởi được thông thoáng, quang hợp tốt, sạch sâu bệnh từ đó sẽ cho năng suất chất lượng nông sản cao nhất.
Tỉa cành tạo tán cho cây bưởi thế nào để cho ở cả phần gốc, thân cây đều có thể nhận đủ ánh sáng. Tỉa bỏ cành tăm, cành yếu trơ không mọc được lá hay cành mọc khuất dưới tán cây (sát đất) hoặc những chồi trong thân phát triển quá cao nên bấm ngọn để hạn chế chiều cao và để tập trung dinh dưỡng cho những cành đang nuôi quả.
- Phòng trừ sâu bệnh hại
Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện sâu bệnh hại cây cũng như có biện pháp xử lý kịp thời. Cũng như các cây khác cùng họ như: Cam, quýt nên cây bưởi cũng thường gặp các loại sâu bệnh hại cây giống nhau như: Ghẻ quả, thối quả non, sâu ăn lá, rệp ăn búp non, thối rễ, vàng lá ngọn, vàng cành chồi.
-
Bệnh ghẻ quả, thối quả: Do nấm gây ra nên dùng thuốc: Cacbenzim, Timan, man xanh pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì.
-
Rệp, sâu ăn lá, bọ trĩ: Dùng Monifos hoặc Reagant pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
-
Thối rễ: Dùng Nấm Alimet để phun tưới vào gốc tưới xung quanh bán kính của tán, tưới 2 lần cách nhau 5 – 7 ngày.
-
Vàng lá ngọn, vàng cành chồi: Nên bấm ngọn, bấm hết cành bị vàng kết hợp phun nấm để phục hồi cây.
Bao quát toàn bộ bài là những chia sẻ về thông tin, đặc điểm, các ứng dụng, cách trồng và chăm sóc cây bưởi, cây cũng dễ trồng nhưng khó chăm sóc. Cây không chịu được úng và cũng không chịu được khô hạn, vì thế cần phải có chế độ chăm sóc riêng biệt để kéo dài tuổi thọ của cây. Chúc các bạn thành công trong việc chăm sóc cây và thu được lợi nhuận cao.
5/5 – (7 bình chọn)