–
Thứ hai, 25/10/2021 16:00 (GMT+7)
Cây cau còn chưa được rất nhiều bệnh ngoài việc dùng để ăn trầu và là phẩm vật không thể thiếu trong các cuộc cưới hỏi.
Ngoài ăn với trầu, quả cau còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Ảnh: Từ Ân
Cau có tên khoa học là Areca catechu L. Thuộc họ Cau – Arecaceae. Trong đời sống cau được dùng để ăn trầu và là phẩm vật không thể thiếu trong các cuộc cưới hỏi…
Tuy nhiên cau còn có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh hiệu quả. Dưới đây là 13 bài thuốc từ cau của bác sĩ Lê Thân, Bệnh viên Y học Cổ truyền Quảng Nam viết trong sách “Thuốc ở quanh ta”.
– Tẩy giun sán (kết hợp với hạt bí rợ): Sáng sớm lúc đói bụng, ăn 60 – 120g hạt bí rợ cả vỏ, nếu bỏ vỏ thì chỉ ăn 40 – 100g. Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau, trẻ em 10 tuổi trở xuống uống 30g, người lớn 60 – 80g.
Nằm nghỉ, đợi thật muốn đi cầu, thì pha một chậu nước ấm tới nhiệt độ thân thể (370C), ngồi vào trong chậu đại tiện một mạch không nghỉ, nếu không sán ra thì sẽ đứt mất phần đầu sán và còn sót lại.
Kiểm tra xem sán có ra không, nếu ra có bị đứt phần đầu không; nếu không ra hoặc bị đứt mất phần đầu thì 5 – 6 tháng sau làm lại 1 lần nữa.
Nếu có điều kiện, sau khi uống nước sắc hạt cau độ 30 phút, thì uống 1 liều thuốc tẩy nhẹ (magie sulfat 20g) thì tốt hơn.
– Ăn không tiêu, đau bụng, chán ăn: hạt cau, hạt cải củ rang mỗi thứ 10g, vỏ quýt một miếng, một lượng đường trắng vừa phải; trước tiên là đem hạt cau giã nát, rồi bỏ chung vào sắc, bỏ bã, cho thêm đường trắng, uống thay nước chè.
– Đại tiểu tiện không thông: Hạt cau 6 – 9g, sắc uống.
– Trong miệng sinh ra những mụn trắng: Cau 2 hạt, đốt cháy nghiền mịn bôi lên nốt mụn.
– Thuốc cường dương: Rễ cau trắng ở dưới đất 40 – 60g, sao vàng sắc uống, dùng nhiều tán khí có hại.
– Đầy bụng do cước khí hoặc ở người già: hạt cau tán mịn, nấu nước vỏ trái cau, uống với bột hạt cau tán mịn, mỗi lần 8g.
– Hen suyễn: Tua cau đốt tồn tính, mỗi lần dùng 4 – 8g, trộn với nước cơm hoặc cháo uống một ngày.
– Sỏi thận: Rễ cau non, rễ cây dâu, rễ dừa, cỏ mần trầu, mỗi thứ một nắm sao vàng hạ thổ; mía lau 5 lóng, đường phèn 1 nhúm, nấu uống.
– Đi tiểu nhiều: Bẹ cau 15g xắt nhỏ sao vàng, sắc uống.
– Đái rắt, đái buốt, bụng căng tức: Hạt cau 15g sắc lấy nước cô đặc, để ấm hòa mật ong uống. Hạt cau 50g, xích thược 30g; nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi vào lúc đói.
– Trẻ bị suy dinh dưỡng: Cau nửa hạt, tim heo 300g, gạo nếp 100g; cau giã nhỏ lọc lấy 300ml nước, lấy nước đó cho nếp vào nấu thành cháo rồi cho tim heo vào nấu chín; ăn tuần 3 lần trong 2 tuần.
– Đờm dãi quá nhiều: Hạt cau nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với nước sôi.
– Viêm thận phù nề: Vỏ cau già 15g, mã thầy 50g; sắc uống.