Cây lạc
Lạc thuộc họ đậu: Fabacaea.
Chi: A rachis.
Loài lạc trồng: Arachis hypogaea.
I. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT
1. Rễ lạc
Rễ cái có thể ăn sâu từ 1 – 1,3m, nhưng trung bình khoảng 40-50cm, có nhiều rễ phụ. Rễ phụ xuất phát từ các vị trí khác nhau trên rễ cái, phân nhánh rất nhiều làm thành một mạng rễ dày đặc. Rễ phân bố ở lớp đất mặt khoảng 30cm.
Trên các rễ con, khoảng 2-3 tuần sau khi hạt nảy mầm, thấy có nhiều nốt sần xuất hiện. Trong các nốt sần này có các vi khuẩn hình que (Rhizobium leguminosarum), có khả năng hấp thụ đạm khí trời và sống cộng sinh với cây lạc.
2. Thân
Tùy theo loại, có thân đứng hoặc thân bò. Chiều cao thân chính thay đổi tùy từng giống và kỹ thuật canh tác. Đối với các vùng khí hậu khô khan, thân khoảng 30-40cm.
Thân mọc thẳng, khi còn non hình tròn. Nhưng đến khi ra hoa, phần thân mang cành thì thân rỗng, thân có 15-25 đốt, ở phía gốc đốt ngắn, ở giữa và phía trên thân đốt dài. Thân thường có màu xanh có khi đỏ tím. Trên thân có lông tơ trắng nhiều hay ít tùy theo giống và tùy thuộc và điều kiện canh tác. Khi trồng trong điều kiện thiếu nước, lông tơ nhiều hơn.
Lạc phân cành rất nhiều: Cấp 1, cấp 2, cấp 3…. Trong cùng một giống, trồng trong điều kiện nhất định, cây phân nhánh nhiều thì số quả nhiều. Nhưng nếu phân cành quá nhiều, nhất là thời kì ra hoa kết trái, không có lợi cho sự tập trung dinh dưỡng về quả.
3. Lá
Lá mọc xen kẽ. Lá thuộc loại lá kép hình lông chim mang hai đôi lá chét dài từ 18 – 40mm, rộng từ 15-25mm. Thường có những lá biến thái 1, 2, 3, 4, 5 hoặc 6 lá chét không cuống mọc đối nhau. Về hình dạng, lá thường có hình bầu dục dài, hình trứng lộn ngược.
Màu sắc của lá thay đổi tùy từng giống và tùy thuộc vào điều kiện canh tác.
Thí dụ: đất nhiều nước quá: lá có màu xanh vàng, đất khô hạn: lá có màu xanh xám.
Lá cũng là một đặc tính để phân biệt giữa các giống. Lá ở giữa cây có hình dạng ổn định biểu hiện đặc tính của giống. Lá có màu xanh nhạt hay đậm, vàng nhạt hay vàng đậm.
4. Hoa
Hoa mọc thành chùm, có 6-7 cái có khi khi tới 15 cái, là loại hoa lưỡng tính. Tỷ lệ thụ phấn chéo 0,25%. Hoa lạc màu vàng hoặc trắng không có cuống, gồm 5 bộ phận: lá bắc, lá đài, tràng hoa, nhị đực và nhụy cái. Lá bắc màu xanh gồm là bắc trong dài 2cm ở đầu mút chẻ đôi, lá bắc ngoài ngắn hơn bao bọc phía ngoài ống đài. Nhị đực có 10 cái trong đó luôn luôn có 2 lép, 8 cái có bao phấn: 4 cái dài, 4 cái ngắn. Bốn cái dài hạt phấn chín sớm hơn 4 cái có chỉ ngắn và dễ tung phấn hơn.
Bốn cái dài: 3 cái có bao phấn hai ngăn và một cái có bao phấn một ngăn.
Nhụy cái thường nhô cao hơn nhị đực. Tùy vị trí hoa mọc trên thân mà chia thành 3 loại hoa:
+ Loại thứ nhất: mọc từ đất nhưng trong đất loại hoa này là hoa ngậm kết trái bất thụ, thường gặp ở cái loài lạc chín sớm.
+ Loại thứ hai: từ mặt đất đến 15 cm. Hoa mọc ở vị trí này rất hữu hiệu cho đậu trái nhiều nhất.
+ Loại thứ ba: mọc từ 15cm trở lên. Hoa mọc ở vị trí này rất ít hữu hiệu.
Khi hoa thụ phấn xong, tia củ phát triển dài ra và chui xuống đất. Thường từ 3-7 ngày đầu, tia củ mọc thẳng, sau đó quay xuống đất. Bầu noãn được thành lập và phát triển thành trái. Tia củ thường không quá 15cm. Do đó, những hoa phát triển trên 15cm thì không tạo được trái. Tia củ ở trên không, có màu tím, khi chui xuống dất có màu trắng.
5. Quả và hạt
Quả:
Sau khi thụ tinh tia củ phát triển đẩy bầu hoa xuống đất. Tia củ do mô phân sinh ở gốc bầu hoa hình thành. Quả được hình thành khi tia củ chui xuống dất. Tia củ không dài quá 15cm có cấu tạo như lông hút do đó hút được các chất dinh dưỡng như rễ. Tia củ chẳng những hút được Lân mà còn nhanh chóng chuyển vận lân vào thân lá. Tia củ có tính hướng địa dương, mọc đâm thẳng vào đất và quả phát triển vào độ sâu 2-7cm dưới mặt đất.
Quả bao gồm vỏ và hạt có từ 1-4. Vỏ quả có 3 lớp: tầng ngoại bì và tân trung bì gồm những tế bào cứng, tầng nội bì gồm những tế bào mềm. Hình dạng của quả thay đổi tùy giống. Mỏ quả tù, hơi tù, hoặc nhọn, eo lưng, eo bụng rõ hay không rõ. Đường gân trên vỏ quả nhiều hay ít là tùy thuộc vào giống. Đây là chỉ tiêu phân loại giống lạc. Màu sắc của vỏ quả thay đổi nhiều theo điều kiện ngoại cảnh như: đất trồng, điều kiện phơi.. Thí dụ: trồng ở đất cát vỏ quả có màu sáng bóng, trồng ở đất sét nặng, bón nhiều phân hữu cơ vỏ quả không bóng, điểm những chấm đen và có khi thay đổi cả về dạng.
Độ lớn của quả thay đổi từ 1×0,5cm đến 8x12cm, bề dày của quả biến động từ 0,2-2mm tùy thuộc và điều kiện canh tác và đặc tính của giống. Do đó chọn giống hạt to, mỏng vỏ có ý nghĩa tăng sản lượng rất lớn. Số quả trên một cây thay đổi tùy giống và điều kiện trồng trọt, mức độ thay đổi rất lớn từ 7-8 quả, có khi đến hằng trăm quả trên cây.
Hạt
Hạt gồm vỏ lụa bao bọc bên ngoài và phôi với hai lá mầm và một trục thẳng, khác với cây họ đậu khác hạt thường cong. Độ lớn hình dạng của hạt thay đổi tùy giống và điều kiện ngoại cảnh.
Hình dạng của hạt có thể là hình tròn, bầu dục dài hay ngắn, phần tiếp xúc với hạt bên cạnh thường thẳng. Trong một quả, hạt ở ngăn trước dài nhỏ, hạt ở ngăn sau ngắn và to. Màu sắc vỏ lụa phải quan sát sau khi phơi khô bóc vỏ mới chính xác. Nếu để lâu màu sắc biến đổi không đại diện cho giống. Số hạt trên một quả thay đổi cũng tùy thuộc vào giống, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh. Thường giống hạt to, quả có ít hạt; giống hạt nhỏ, quả có nhiều hạt, hạt to có ý nghĩa tăng năng suất lớn hơn.
II. CÁC THỜI KỲ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thời kỳ nảy mầm
Với điều kiện hạt giống tốt, ẩm độ, nhiệt độ không khí đầy đủ, từ 3-5 ngày sau khi gieo hạt sẽ nảy mầm
2. Thời kỳ cây con
Thời kỳ cây con tính từ khi lạc bắt đầu mọc mầm đến khi bắt đầu trổ hoa. Thời kỳ này có thể kéo dài 25-45 ngày tùy vào giống và điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cây lạc có thể phát triển như sau: Khi cây con có ba lá mầm thì từ nách của hai lá mầm cho ra cặp cành thứ nhất. Khi cây con có năm lá thì từ cặp cành thứ nhất cho ra bốn cặp cành phụ cấp hai và từ thân mọc ra cành thứ ba và thứ tư. Khi cây có bảy đến tám lá cho ra cành thứ năm và cành thứ sáu. Cặp cành thứ nhất và thứ hai chiếm 60% tổng số trái chín của cây. Cành thứ ba và cành thứ tư chiếm 33%. Vì vậy, muốn tăng năng suất lạc cần áp dụng biện pháp kỹ thuật để cho hoa nở cùng một lúc.
3. Thời kỳ ra hoa và đâm tia củ.
Hoa nở từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài. Nhóm Spanish có từ 200-300 hoa. Nhóm Virginia có 1.000 hoa trên cây. Thời gian ra hoa của nhóm sớm là 60 ngày và của nhóm muộn là 90-120 ngày. Trong thời gian này có những đợt hoa nở rộ. Hoa hình thành trong 2-5 tuần đầu có độ hữu dụng cao nhất. Trong sản xuất lượng hoa này chiếm 10-20%. Sau khi thụ tinh 6 ngày tia củ sẽ dài ra. Năm đến mười ngày sau tia củ sẽ chui xuống đất và phát triển ở độ sâu 2-7cm. Sau thời kỳ đâm tia củ, thân lá phát triển chậm dần là điều kiện tốt nhất cho cây đậu trái, trái sẽ được chắc. Trong thời gian này cần lưu ý một số thông số kỹ thuật sau:
+ Nhiệt độ đối hảo cho hoa nở là 24oC, nếu nhiệt độ nhỏ hơn 22oC thì sẽ giảm số hoa, hoa sẽ không đều. Nếu nhiệt độ nhỏ hơn 12oC ảnh hưởng rất lớn đến sự phát dục và thụ tinh.
+ Ẩm độ 60-70%, nếu độ ẩm lớn hơn 80% thân sẽ bị đổ ngã, hoa ít.
+ Ánh sáng phải đầy đủ, cây ra hoa sớm và đều.
4. Thời ký kết trái và thời kỳ chín
Khi tia củ chui xuống đất cây phát triển chậm dần đi. Tập trung dinh dưỡng phát triển trái và hình thành hạt rất nhanh chóng. Trong thời gian này trọng lượng tươi của trái đạt tối đa sau khi tia củ chui xuống đất 2 tuần đối với giống Spanish và 3 tuần đối với giống Virginia. Hạt tích lũy chất khô sau 6 tuần đối với giống Spanish và 12 tuần đối với giống Virginia. Dầu xuất hiện sớm trong hạt sau 3 tuần là 30% đến tuần thứ 6 sẽ đạt tối đa đối với sống Spanish và 10 tuần đối với giống Virginia. Trong thời gian hạt tích lũy chất khô cần lưu ý những điểm sau: thiếu nước bầu hoa sẽ bị héo và nếu thiếu trầm trọng sẽ ngừng sinh trưởng, nếu thiếu oxy trái bị lép. Dinh dưỡng phải đầy đủ trong thời gian này cần nhiều lân (P) và canxi (Ca).
III. QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LẠC
1. Làm đất:
Cày sâu 25 – 30 cm, bừa kỹ và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống rạch hàng.
2.Thời vụ gieo:
Các tỉnh phía Bắc:
– Vụ Xuân: 03/01 – 30/02
– Vụ Thu Đông: 15/8 – 10/9
Duyên hải miền Trung:
– Vụ Xuân: 01/12 – 30/01
– Vụ Thu Đông: 15/7 – 15/8
3. Phân bón:
Lượng bón:
– Đạm Urê: 80 – 100 Kg/ha
– Lân supe: 500 – 600 Kg/ha
– Kali: 160 – 200 Kg/ha
– Phân chuồng: 15 – 20 tấn/ha
– Vôi bột: 450 – 500 Kg/ha
Cách bón:
Có thể áp dụng cung cho cả phủ nilon hoặc không phủ nilon.
Vôi bột bón lót 1/2 trước khi rạch hàng, 1/2 còn lại bón vào gốc lúc lạc bắt đầu đâm tỉa.
Toàn bộ lượng phân hoá học được trộn đều và bón lót vào hàng đã rạch sẵn (hàng rạch sâu 10 – 15 cm), phân chuồng bón sau cùng, sau khi bón phân lấp một lớp đất dày 2 – 3 cm để hạt gieo không bị tiếp xúc trực tiếp vào phân.
4. Lượng giống cần cho 1 ha
Trước khi gieo nên thử lại sức nảy mầm. Nếu hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85% thì lượng giống cần 200 – 220 kg (giống vụ Xuân) và 180 – 200 kg (giống vụ Thu hoặc thu đông).
5. Kích thước luống và mật độ gieo:
Luống rộng 75 – 80 cm (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo luống cao 20 – 25 cm và mặt luống rộng 45 – 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống. Khoảng cách hốc cách hốc 10 cm gieo 1hạt/hốc, hoặc khoảng cách hốc cách hốc 18 – 20 cm gieo 2 hạt/hốc.
Luống rộng 1,3m (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo mặt luống rộng 1,0m được gieo thành 4 hàng dọc theo chiều dài luống. Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm và hốc cách hốc 10 cm gieo 1 hạt/hốc, hoặc khoảng cách hốc cách hốc 18 – 20 cm gieo 2 hạt/hốc.
Chú ý: Khi gieo hạt, đất phải đủ ẩm, hạt được phủ sâu 3 – 5 cm.
6. Chăm sóc:
* Xới cỏ lần 1 (phá váng): Khi cây có 2 – 3 lá thật (sau mọc 10 – 12 ngày).
* Xới cỏ lần 2: Khi cây có 6 – 7 lá thật (trước khi ra hoa), xới sâu 5 – 6 cm sát gốc, không vun gốc.
* Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi hoa rộ 7 – 10 ngày (chỉ nên vun nhẹ đất vào gốc lạc).
Bón bổ sung bằng cách phun lên lá dung dịch đạm và lân (5%) hoặc phân bón qua lá chuyên dùng cho lạc.
7. Tưới nước:
Nếu thời tiết khô hạn phải tưới vào 2 thời kỳ chính, trước khi ra hoa (cây có 6 – 7 lá) và thời kỳ làm quả. Tưới vào rãnh ngập 2/3 luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.
8. Phòng trừ bệnh hại chết cây con:
Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ nấm Rovral 50WP 0,3g/kg hạt, hoặc phun Carbedazin 0,5 – 0,7 lít/ha.
9. Phòng trừ bệnh lá:
Dùng Daconnil, Anvil, Bayleton 0,1 – 0,3% hoặc Zinhep 0,2%, Boocdo phun lần 1 sau mọc 25 – 30 ngày, lần 2 cách lần một 15 – 20 ngày để ngăn ngừa bệnh rụng lá sớm.
10. Phòng trừ sâu hại chủ yếu:
Nên sử dụng cây hước dương làm cây dẫn dụ để thu hút các loài sâu khoang, sâu xanh đến đẻ trứng. Định kỳ kiểm tra để tiêu diệt các ổ trứng và sâu non trên lá hướng dương.
Cũng có thể trừ sâu khoang, sâu xanh bằng thuốc hoá học Sumicidin, Alphan 5EC.
11. Thu hoạch và bảo quản:
Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Thu hoạch khi quả già chiếm khoảng 80 – 85% số quả trên cây đối với lạc thương phẩm. Lạc để làm giống thu hoạch sớm hơn lạc thương phẩm từ 5 – 7 ngày. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc ra là được.
Phơi và bảo quản lạc giống: Nhất thiết phải phơi trên nong, nia, cót, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, sân xi măng). Sau khi phơi, phải để lạc nguội, sau đó cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín để nơi khô mát.