Hiện nay, châm cứu đang là một phương pháp điều trị bệnh được nhiều thầy thuốc trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn cho người bệnh của mình. Tuy nhiên, giống như những phương pháp điều trị khác, châm cứu có những lưu ý trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng YouMed giải đáp thắc mắc người đang điều trị bằng châm cứu kiêng gì qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về phương pháp châm cứu
Châm cứu là gì?
Châm cứu là một môn học lớn trong Y học cổ truyền phương Đông; bao gồm các nước chính là Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nó được sử dụng từ xa xưa và không ngừng phát triển đến ngày nay. Tác dụng của châm cứu được các nước phương Tây và Tổ chức Y tế Thế giới công nhận trong các bệnh lý như giảm đau trong bệnh xương khớp, mất ngủ, táo bón, thống kinh…
Châm và cứu là hai phương pháp trị bệnh có từ rất sớm ở phương Đông.
Châm là dùng kim nhỏ châm vào những điểm trên cơ thể (huyệt). Nhằm mục đích phòng và trị bệnh. Căn cứ vào tình trạng bệnh lý và thể chất người bệnh; mà người thầy thuốc dùng thủ pháp phù hợp để đạt mục đích thông kinh lạc; loại trừ bệnh tật; nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Phương pháp này gọi chung là châm.
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp châm cứu khác nhau đang được sử dụng trong nước. Ngay cả các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Còn cứu là dùng lá ngải cứu khô để chế biến thành ngải nhung, rồi tạo thành viên to nhỏ như mồi ngải, cuốn thành điếu ngải, trực tiếp, gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị của người bệnh. Từ đó, thông qua sự kích thích ấm nóng làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.
Hai phương pháp tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt giống nhau. Có khi kết hợp châm và cứu nên thông thường gọi chung là phép châm cứu.
Tác dụng của châm cứu
Để tìm hiểu người đang điều trị bằng châm cứu kiêng gì; chúng ta hãy cùng điểm qua những tác dụng của phương pháp này. Trong lý luận Y học cổ truyền, cơ thể con người âm và dương cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh. Khi âm dương mất cân bằng thì gây ra bệnh tật. Bệnh tật có thể phát sinh do từ bên ngoài. Hoặc do nguyên nhân bên trong cơ thể bị suy yếu.
Nếu do nguyên nhân bên ngoài gây bít tắc sự vận hành của khí huyết; châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài. Nếu do nguyên nhân bên trong, cơ thể suy yếu, khí huyết không đủ thì châm cứu có tác dụng làm tăng khí huyết để đạt mục đích điều trị.
Châm cứu nhằm điều hòa lại sự cân bằng âm dương. Khi sự cân bằng này đạt được và duy trì, con người trở nên khỏe mạnh về cả về thể chất, tinh thần.
Một số bệnh lý thường dùng châm cứu
Châm cứu có rất nhiều tác dụng giúp giảm đau lưng, đau cổ vai gáy, đau sau phẫu thuật và nhiều loại đau khác. Tuy nhiên, tác dụng châm cứu không chỉ dừng ở đó. Ngày nay, điều trị bằng châm cứu thường áp dụng cho ba nhóm bệnh lý gồm: đau, liệt, rối loạn các chức năng của cơ thể. Cụ thể như sau:
Đau: đau do thần kinh (đau thần kinh tọa), đau sau zona, đau cơ xương khớp: bệnh lý dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng.
Liệt: liệt nửa người do di chứng tai biến mạch máu não, liệt dây thanh, liệt dây thần kinh sọ III, IV, V, VI, VII,…
Rối loạn các chức năng của cơ thể: mất ngủ, viêm xoang, dễ cảm cúm, các bệnh lý về dạ dày, ruột; các bệnh lý rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh; tiểu dầm, tiểu bí sau phẫu thuật.
Khi châm cứu kiêng gì?
Trước khi châm
Châm cứu thường không kiêng cữ gì trước khi châm. Người bệnh đến châm cứu không nên ăn quá no (tránh nôn ói); không nên quá đói hoặc nhịn đói (dễ vượng châm); không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá trước châm 30 phút – 1 giờ. Thầy thuốc sẽ có chỉ định kiêng thức ăn tùy theo thể bệnh đang có của người bệnh.
Đối với phương pháp châm cứu bằng cấy chỉ và thủy châm thì người bệnh cần tắm sạch sẽ trước khi đến châm cứu.
Trong quá trình châm cứu
Trong quá trình châm cứu, người bệnh cần thư giãn, thả lỏng cơ thể và hợp tác theo hướng dẫn của thầy thuốc để châm cứu có hiệu quả.
Sau khi châm cứu
Tùy theo trường hợp sử dụng phương pháp châm cứu cụ thể; thầy thuốc yêu cầu người bệnh cần kiêng cữ sau châm cứu. Ví dụ:
Vì phương pháp châm cứu bằng cấy chỉ và thủy châm sử dụng kim có đường kính lớn hơn bình thường; nên sau khi dùng phương pháp châm cứu bằng cấy chỉ và thủy châm; người bệnh nên kiêng tắm trong 01 ngày, tránh nhiễm nước vào chỗ cấy chỉ.
Hoặc người bệnh vừa được thầy thuốc hơ hoặc xông ngải cứu vì chứng bệnh do hàn lạnh thì cần giữ ấm, tránh gió lạnh, ăn thức ăn ấm nóng để duy trì hiệu quả của phương pháp cứu.
Hoặc người bệnh vừa được châm cứu trong bệnh lý thoái hóa khớp gối thì cần hạn chế gây hại khớp gối như ngồi xổm, ngồi xếp bằng, ngồi lâu…
Người bệnh sau châm cứu nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, tránh tác động nhiều lên vùng cơ thể đang điều trị.
Chế độ dinh dưỡng cho người đang châm cứu
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh.
Thực phẩm mà người đang thực hiện châm cứu cần kiêng là gì?
Không có thức ăn, thức uống gì cần kiêng cữ đối với người đang thực hiện châm cứu. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh lý đang mắc phải thì người bệnh cần hạn chế những thức ăn dầu mỡ; thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối, đường; chất kích thích, rượu, bia.
Người đang thực hiện châm cứu nên ăn gì?
Người đang thực hiện châm cứu cần ăn uống cân bằng các yếu tố dinh dưỡng giữa: protein, lipid, glucid, chất xơ, vi khoáng… Có thể tăng thêm phần rau củ quả giàu vitamin, giàu canxi như sữa và sản phẩm từ sữa. Ưu tiên sử dụng các loại cá thay cho thịt bò, heo.
Bài viết đã giải đáp câu hỏi người đang điều trị châm cứu kiêng gì. Châm cứu đã và đang ngày càng phát triển, được sử dụng rộng rãi và công nhận hiệu quả trên toàn thế giới. Quý bạn đọc muốn sử dụng phương pháp châm cứu để điều trị bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Y học cổ truyền để được khám, tư vấn.