Chấm dứt lời Khấn Dòng theo Giáo luật 1983 – Dòng Mân Côi Chí Hoà Việt Nam

Khấn dòng diễn tả như một giao ước được thực hiện một cách cá nhân giữa tu sĩ và Đức Kitô qua việc cam kết tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Thật vậy, “ngay từ thời kỳ sơ khai của Giáo hội, đã có những người nam cũng như nữ, muốn tự nguyện bước theo Chúa Kitô với tinh thần tự do thanh thoát, trung thành noi theo mẫu gương đời sống của Chúa qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm”[1]. Họ thực sự muốn sống điều họ kết ước với Thiên Chúa bằng trọn cả cuộc sống của họ. Ý nghĩa của việc tuyên khấn không chỉ bao gồm việc thực hiện lời cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm, mà qua việc tuyên khấn đó, tu sĩ còn được gia nhập vào một Tu hội với những quyền lợi và bổn phận do luật quy định (x. đ. 654). Từ đây, giữa tu sĩ và Tu hội có một dây ràng buộc mang tính pháp lý. Từ nay tu sĩ sống một bậc sống tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng lại gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội[2].
Ý thức được sự cao cả của giao ước tình yêu này, tu sĩ luôn mong ước sống trung thành với Thiên Chúa và với Tu hội. Thế nhưng trong tiến trình hoàn thiện bản thân, tu sĩ vẫn mang trong mình những khuynh hướng tự nhiên muốn buông lỏng những điều đã khấn hứa và nghiêng chiều về cuộc sống thế gian, nên không thiếu những trường hợp tu sĩ đã thay đổi điều quyết định trước đó. Đối diện với thực trạng này, Giáo hội đưa ra những quy tắc Giáo luật liên quan đến việc rời bỏ Tu hội hay chấm dứt lời khấn, để điều hành kỷ luật đời sống tu trì.
Vấn đề Chấm dứt lời khấn dòng sẽ được tìm hiểu với những điểm sau: 1) ý nghĩa thần học, 2) do đặc ân hồi tục, 3) do bị sa thải. Bài viết giới hạn nội dung trong những lời khấn dòng của Tu hội dòng (Institutumreligiosum, hay còn gọi Hội dòng, Dòng), nghĩa là những lời khấn công (votum publicum) vĩnh viễn hay tạm thời (x. đ. 607§2), chứ không khai triển sang việc chấm dứt lời khấn hay cam kết của các Tu hội đời (Institutum saeculare) hay Tu đoàn tông đồ (Sociestas vitae apostolicae).

1. Ý NGHĨA THẦN HỌC

Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tu sĩ tự do đáp lại, nhưng theo Ngài một thời gian, tu sĩ thay đổi ý định. Với Thiên Chúa, Ngài là Đấng trung tín, dù con người có đổi thay thì Ngài vẫn tín trung vì Ngài không thể chối bỏ chính mình[3]. Hơn nữa, Thiên Chúa không thể bắt ép bất kỳ ai. Ngài đón nhận tu sĩ với cả con người yếu đuối của họ. Một lần Ngài đã kêu gọi tu sĩ thì không bao giờ bỏ rơi họ. Ngược lại, Người còn ban Ân Sủng để hun đúc ước nguyện tận hiến của họ[4]. Thế nhưng tu sĩ đã không đủ sức mạnh để đáp lại trọn vẹn hồng ân Thiên Chúa. Như kho tàng được chứa trong bình sành[5], có trường hợp tu sĩ buông rơi ơn gọi thần linh và muốn trở về thế gian. Điều này là một vết thương trong lòng Giáo hội, nhưng Giáo hội vẫn giúp tu sĩ giải quyết mối bận tâm của họ với Giáo hội và với Thiên Chúa.
Về phương diện pháp lý, một mặt Giáo luật nhấn mạnh đến sự trọn vẹn và bền vững của sự thánh hiến (x. đ. 573§2, 574§1) và khích lệ sự trung tín trong việc dấn thân sống điều khấn hứa[6], mặt khác, Giáo luật lại có những quy tắc liên quan đến việc rời bỏ tu hội, thậm chí cả trường hợp có thể rời bỏ một cách tự do một bậc sống đã chọn lựa sau khi hết lời khấn tạm (x. đ. 688§1). Những quy tắc này tồn tại trong thể chế pháp lý của Giáo hội nói lên một thực tại: tu sĩ vẫn là con người yếu đuối, muốn điều tốt nhưng lại không làm[7]. Thực trạng con người ấy đã được hiến chế Giáo hội nêu lên: “Giáo hội luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân”[8].
Đối diện với hai thực trạng: con người yếu đuối và sự bền vững của lời khấn hứa, việc chấm dứt lời khấn dòng diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi vì, như ý kiến của giáo sư D’Auria, không tồn tại một quyền rời bỏ Tu hội mà tu sĩ đã tự do gia nhập, điều này xảy ra sau khi khấn tạm hoặc khấn trọn đời, nhưng hiện hữu một quyền để xin đặc ân rời bỏ Tu hội[9], vì thế tu sĩ xin với Giáo hội một hành động của lòng thương xót[10]. Qua Giáo hội, Thiên Chúa đã ban cho các Tông đồ và các người kế vị các ngài quyền năng dẫn dắt và cai quản Giáo hội. Qua Giáo hội, Thiên Chúa chấp nhận của lễ hiến dâng của Tu sĩ, và cũng qua Giáo hội Thiên Chúa tháo gỡ cho tu sĩ khỏi lời khấn hứa mà họ không thể tiếp tục. Chính Giáo hội là máng chuyển ơn lành và là chốn tựa nương giúp tu sĩ có thể sống bình an trong mọi cảnh huống. Giáo hội thực hiện những hành vi của lòng thương xót như Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Người không mệt mỏi để cảm thông và tha thứ cho chúng ta[11]. Do đo, Giáo hội tiếp tục công trình cứu thế bằng việc đáp lại những lời cầu xin của các tu sĩ trong thử thách gian nan[12]. Hơn nữa, việc chấm dứt lời khấn còn nói lên tình bác ái với chính tu sĩ và với cả Giáo hội.
Khởi đi từ tâm khảm của tu sĩ phải xin tháo lời khấn, họ bị dằn vặt băn khoăn. Họ đau khổ với đời sống thực tại vì không thể sống những đòi hỏi của đời dâng hiến. Khi một tu sĩ phải sống trong một tình trạng lưỡng nan như thế, họ không hạnh phúc, không bình an và chính họ cảm thấy không xứng đáng với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa nhìn thế, Thiên Chúa cũng không hạnh phúc bởi vì Thiên Chúa muốn cho con người được sống và sống dồi dào[13]. Việc chấm dứt lời khấn, một cách nào đó giúp tu sĩ thoát ra khỏi gánh nặng mang trong tim khi đối diện với Thiên Chúa. Trên bề mặt pháp lý, họ cảm thấy an tâm và không còn day dứt bởi lỗi tội đối với chính họ. Đây là trường hợp một tu sĩ xin đặc ân hồi tục.   
Chấm dứt lời khấn được áp dụng từng trường hợp bởi các nhà lãnh đạo trong Giáo hội không chỉ vì lợi ích cho cá nhân tu sĩ, nhưng còn phải vì lợi ích của Tu hội và của cả Giáo hội. Mỗi một trường hợp cụ thể của các tu sĩ là một trường hợp cụ thể của toàn Giáo hội, bởi vì “các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể”[14]. Khi tuyên khấn, tu sĩ không sống cho một mình họ. Việc tuyên khấn là hành động mang tính Giáo hội vì họ sống lời khấn trong Giáo hội và vì Giáo hội. Vì thế, tự bản chất, con người của tu sĩ là chứng tá, lời tiên tri và dấu chỉ sống động cho đời sống mai sau[15]. Khi bước vào đời sống thánh hiến, tu sĩ có sứ mạng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và tiếp tục sứ mạng của Người. Thế nhưng nếu cách sống của tu sĩ không thể hiện một đời sống hiệp thông với cả Giáo hội, với cộng đoàn của họ thì làm sao có thể chu toàn sứ mạng của Đức Kitô và của Giáo hội. Nếu một lúc nào đó, vì tính mê nết xấu, họ đã phạm những tội “tày trời” trái nghịch với điều răn của Chúa, thì làm sao Giáo hội có thể an lòng vì hành vi đó được. Nếu một tu sĩ không sống đúng như một tu sĩ, Giáo hội không thể dửng dưng, ngược lại Giáo hội cố gắng giải quyết từng trường hợp theo một con đường đúng đắn nhất. Nếu tu sĩ sống không có hy vọng, làm thế nào họ có thể làm chứng những điều mà tự bản chất đời sống thánh hiến phải diễn tả. Một tu sĩ không muốn hoặc tự họ không thể sống đời sống họ đã chọn lựa được nữa, có thể trở thành một gánh nặng cho tất cả cộng đoàn, vì thế, tốt hơn là Giáo hội giúp tu sĩ đó trở về thế gian, sống đời sống như mọi tín hữu khác để không nên cớ vấp phạm cho họ và cho người khác. Đây là trường hợp Giáo hội giúp tu sĩ ý thức về hồng ân thánh hiến, đời sống tu trì cần sự cộng tác của tu sĩ để sống xứng hợp với Ơn Chúa ban. Khi không có sự nỗ lực cá nhân, tu sĩ cũng có thể bị dòng đời cuốn trôi và ơn gọi của Chúa ban dần cũng bị phai nhạt. 
Đối diện với những trường hợp trên, khi phải chọn lựa một lối sống mới phù hợp hơn cho tình trạng của đương sự, Giáo hội đành phải tháo lời khấn cho tu sĩ. Làm như thế, Giáo hội đã dành cho tu sĩ một tình bác ái lớn lao là vì lợi ích phần linh hồn của họ. Điều này thật sự Giáo hội rất lưu tâm, ngay cả trong thể chế pháp lý của mình, vì đức ái chính là luật tối thượng (suprema lex) của Giáo hội (x. đ. 1752). Quả thực, mục đích của Giáo luật là giúp Giáo hội thực hiện nhiệm vụ tỏ lộ và loan truyền cho thế gian quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, như một tác giả đã khẳng định, vì vị trí của luật lệ trong Giáo hội là hướng dẫn con người đến sự cứu độ, còn vai trò của luật là giúp con người đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa[16]. Phần rỗi linh hồn trở thành yếu tố nền tảng giúp người ta hiểu được nguyên nhân tồn tại trong Giáo hội những quy tắc liên quan đến việc làm chấm dứt lời khấn hứa của tu sĩ với Thiên Chúa.

2. DO ĐẶC ÂN HỒI TỤC

    a. Lý do xin đặc ân

  • Đối với tu sĩ khấn trọn

Khi bàn đến việc rời Tu hội đối với tu sĩ khấn trọn, điều 691 của Giáo luật đòi phải có lý do rất nghiêm trọng đã cân nhắc trước mặt Chúa. Bởi vì tu sĩ thực hiện một lời khấn với tự do và hiểu biết đối với Thiên Chúa và Tu hội qua việc khấn dòng. Đồng thời, có thể xin đặc ân rời bỏ Tu hội là một biện pháp ngoại thường, vì Giáo luật dùng đến kiểu nói cấm đoán: một người đã khấn trọn đời không được xin đặc ân rời bỏ Tu hội, nếu không có những lý do rất nghiêm trọng phải cân nhắc trước mặt Chúa. Nhà làm luật dùng “những lý do” ở thể số nhiều để lưu ý cho tu sĩ rằng không dễ dàng để rời bỏ Tu hội mà họ gia nhập vĩnh viễn qua lời cam kết trọn đời nếu không vì những lý do hết sức quan trọng, bởi vì đây là một ràng buộc thánh thiêng mà họ đã tự nguyện thực thi với Thiên Chúa trong Tu hội của mình. 

  • Đối với tu sĩ khấn tạm

Một tu sĩ trong thời gian giữ lời khấn tạm, vì lý do nghiêm trọng xin rời bỏ Tu hội, có thể được nhận đặc ân hồi tục từ bề trên tổng quyền với sự chấp thuận của ban cố vấn nếu đó là Tu hội thuộc luật giáo hoàng. Đối với Tu hội thuộc luật giáo phận, để đặc ân hồi tục được hữu hiệu, cần phải có sự phê chuẩn của Giám mục tại nơi có nhà được chỉ định cho đương sự ở (đ. 688§2). Bề trên của các Tu hội này được Tòa thánh trao năng quyền ban đặc ân hồi tục cho tu sĩ khấn tạm[17].

    b. Tiến trình

  • Phía tu sĩ

Đối diện với vấn đề của ơn gọi, trước mặt Thiên Chúa, tu sĩ phải có trách nhiệm, không ai có thể quyết định về đời sống và ơn gọi của họ. Do đó, tu sĩ phải tự do quyết định về việc xin đặc ân hồi tục. Tu sĩ nào, với sự chắc chắn theo lương tâm, cảm thấy không thể tiếp tục sống trong đời sống thánh hiến, thì tu sĩ đó phải trình bày với bề trên tổng quyền của Tu hội (x. đ. 691§1).
Một cách chung, việc đệ đơn lên bề trên phải được làm bởi chính tu sĩ. Trong đơn, tu sĩ trình bày những chi tiết sau: khấn trọn đời khi nào, động lực khấn trọn đời, đã sống lời khấn như thế nào, tại những nơi nào hay trong hoàn cảnh ra sao và tại sao lại muốn rời bỏ Tu hội[18].

  • Phía các bề trên

Khi nhận được đơn xin đặc ân hồi tục của một thành viên, bề trên phải cân nhắc cẩn thận trường hợp đó, cùng với tu sĩ phân định để tìm ra những ánh sáng giúp vấn đề rõ hơn. Bề trên có trách nhiệm suy xét mức nghiêm trọng của vấn đề, giúp tu sĩ nhìn ra tình trạng thật và đâu là phương hướng đúng cần phải theo. Hơn nữa, bằng tất cả phương tiện, bề trên cố gắng giúp tu sĩ có thể nhìn lại quyết định của họ một cách rõ ràng. Bề trên phải có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và với Tu hội. Bề trên có thể khuyên tu sĩ nghĩ lại, có thể rút lại đơn xin nếu không có những lý do chính đáng và nghiêm trọng.
Ngoài những động cơ về luân lý, bề trên phải theo trình tự pháp lý theo quy tắc luật định của các điều 691-693. Bề trên chuyển ý kiến của ngài cùng với ý kiến của ban cố vấn lên nhà chức trách có thẩm quyền. Ý kiến của bề trên và ý kiến của ban cố vấn phải độc lập với nhau. Ý kiến của cố vấn không mang tính tham vấn và cũng không có tính quyết định. Nhiệm vụ của ban cố vấn là cầu nguyện và nhận định các vấn đề một cách nghiêm túc để có thể trình bày những yếu tố cần thiết và những nguyên nhân sâu xa cho chọn lựa của họ[19]. Thế nhưng một cách tự nhiên, trong quyết định của họ thường có những khía cạnh chủ quan che mờ sự thật khách quan. Vì điều này, Giáo hội đề nghị các bề trên dùng mọi phương tiện để có thể tiếp cận và nhìn rõ vấn đề bao nhiêu có thể[20]. Ngoài ra, bề trên phải cung cấp tất cả những yếu tố ích lợi và cần thiết để giúp đỡ các vị chức trách có thẩm quyền xét đoán trường hợp được trình bày với một sự hiểu biết đầy đủ bao nhiêu có thể.

  • Phía nhà chức trách có thẩm quyền

Trong trường hợp đặc ân hồi tục được ban cho một tu sĩ khấn trọn, phân biệt hai trường hợp liên quan đến bản chất của Tu hội: nếu là Tu hội thuộc luật giáo hoàng, thì đặc ân này được dành riêng cho Tòa Thánh, theo tông hiến Pastor Bonus, quyền này thuộc về Bộ các Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ[21]. Đối với Tu hội thuộc về luật giáo phận, Giám mục của giáo phận nơi có nhà được chỉ định cho tu sĩ ở cũng có thể ban đặc ân này (x. đ. 691§2).
Thiết tưởng nên lặp lại ở đây về trường hợp của một tu sĩ khấn tạm, đặc ân hồi tục có thể được ban do bề trên tổng quyền với sự đồng ý của ban cố vấn nếu đó là Tu hội thuộc luật giáo hoàng. Nhưng đối với Tu hội thuộc luật giáo phận, đặc ân phải được sự phê chuẩn của Giám mục giáo phận nơi có nhà đã được chỉ định cho đương sự ở (x. đ. 688§2).

    c. Hiệu quả pháp lý

Nếu đặc ân hồi tục được ban một cách hợp lệ, và đã thông báo cho tu sĩ, nếu tu sĩ này không từ chối ngay khi đó, thì đặc ân này đương nhiên bao hàm sự miễn chuẩn lời khấn cũng như mọi nghĩa vụ phát xuất bởi việc tuyên khấn dòng. Một cách cụ thể, tu sĩ mất đi quyền lợi và nghĩa vụ của bậc sống tu trì và của thành viên trong Tu hội. Tu sĩ trở về tình trạng theo Giáo luật như trước khi khấn dòng: có thể là giáo sĩ hoặc giáo dân.
Trong Giáo luật, sự thông báo rất quan trọng bởi vì được phỏng đoán là tu sĩ đã biết và chấp nhận đặc ân hồi tục, nên việc thông báo phải được làm theo cách thức chính thức. Theo quy tắc của điều 692, ngay khi được thông báo tu sĩ phải thể hiện rõ ràng sự đồng ý hay từ chối. Ngang qua việc thông báo, Giáo hội bảo vệ quyền lợi của mỗi tu sĩ, vì nếu trong lúc thông báo, tu sĩ từ chối đón nhận thì có cơ hội thay đổi ý kiến ban đầu. Nếu lúc đó tu sĩ từ chối, không muốn nhận đặc ân nữa thì vẫn có thể trở về Tu hội của mình.
Điều 693 trình bày trường hợp tu sĩ là giáo sĩ. Với đặc ân hồi tục, tu sĩ không còn ràng buộc bởi lời khấn, nhưng những quyền lợi và nghĩa vụ của một giáo sĩ thì vẫn còn. Do đó, đặc ân hồi tục chỉ được ban khi tu sĩ giáo sĩ tìm được một Giám mục cho phép tu sĩ này nhập tịch vào giáo phận của ngài, hoặc ít là nhận để thử luyện (ad experimentum). Giáo hội đã thiết lập thể chế của việc nhập tịch để đảm bảo rằng trong Giáo hội không có giáo sĩ vô gia cư (x. đ. 265)[22]. Một tu sĩ giáo sĩ khi rời bỏ Tu hội của mình cũng đồng nghĩa với việc xuất tịch trong Tu hội. Trường hợp tu sĩ thử nghiệm tại một giáo phận, nếu trải qua năm năm, tu sĩ được nhập tịch vào giáo phận theo luật định và có thể sở đắc đặc ân hồi tục. Tuy nhiên, Giáo luật cũng dành cho Giám mục giáo phận quyền từ chối sự nhập tịch này. Trong thời gian thử nghiệm, nếu bị giám mục từ chối, tu sĩ phải trở về và lệ thuộc vào Tu hội trước đây (x. đ. 693). 
Với một giáo sĩ là tu sĩ khấn tạm, nghĩa là tu sĩ đó đã chịu chức thánh trước khi vào dòng thì không có một sự nhập tịch nào xảy ra đối với Tu hội (x. đ. 266§2), đặc ân hồi tục bao gồm sự bắt buộc giáo sĩ đó phải trở về giáo phận mình đã nhập tịch trước đây (x. đ. 268§2).
Nếu tu sĩ chấp nhận đặc ân hồi tục ngay lúc thông báo, đồng nghĩa với việc chính thức rời khỏi Tu hội, ngưng là tu sĩ, nhưng sau một thời gian lại muốn xin trở lại Tu hội thì có thể được nhận lại. Giáo luật trao cho bề trên Tổng quyền, với sự chấp thuận của ban cố vấn, quyền được nhận lại một tu sĩ đã rời bỏ Tu hội cách hợp pháp sau khi mãn việc tập tu hoặc sau khi hết hạn giữ lời khấn (đ. 690). Điều luật này cũng được áp dụng cho một tu sĩ đã hồi tục trong thời gian khấn tạm hoặc sau khi khấn trọn đời với đặc ân hồi tục[23]. Điều 690 không chi phối những tu sĩ trong trường hợp bị sa thải (đ. 694-704), mà chỉ áp dụng cho những thành viên đã rời bỏ Tu hội cách hợp pháp. Tinh thần của Giáo luật đòi hỏi việc rời bỏ tu hội phải là hợp pháp, nghĩa là được thực hiện theo như quy tắc Giáo luật (đ. 690) và trong các trường hợp chúng ta đã xem xét (đ. 688§2, đ. 691, đ. 693).
Trong tất cả các trường hợp đương sự xin trở lại như được nói trên đây, mặc dù Giáo luật không buộc đương sự phải bắt đầu thời kỳ tập tu, thế nhưng bề trên tổng quyền cần xác định một thời kỳ thử luyện thích hợp trước khi cho đương sự tuyên khấn lần đầu, hoặc khấn tạm. Đồng thời, chính vị bề trên cũng xác định thời gian phải giữ các lời khấn trước khi cho khấn trọn đời theo quy tắc của điều 655 và 657, nghĩa là không được dưới 3 năm và không qúa 9 năm.
Dựa trên những quy tắc của điều 690, một cách cụ thể, hiến pháp của mỗi Tu hội có thể ấn định thời hạn bao nhiêu năm thì đương sự có thể được nhận lại tính từ lúc rời bỏ Tu hội, khoảng thời gian thử luyện, xác định những quyền lợi có được hoặc sẽ bị mất trong vòng bao nhiêu năm (áp dụng điều 687) và những nghĩa vụ trong thời gian thử luyện hoặc sau khi tuyên khấn.

3. DO BỊ SA THẢI

    a. Lý do bị sa thải

Nhà lập pháp đưa ra ba cấp độ sa thải dựa trên mức độ nghiêm trọng của các lý do: đương nhiên bị sa thải; buộc phải sa thải; có thể bị sa thải.

  • Đối với tu sĩ khấn trọn

Trong trường hợp đương nhiên bị sa thải, tu sĩ phải bị sa thải nếu phạm một trong hai tội sau: thứ nhất, đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công giáo và đã kết hôn hoặc mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự (x. đ. 694§1).
Sự chối bỏ đức tin Công giáo phải có biểu hiện rõ ràng, có thể chứng minh ở tòa ngoài, chứ không chỉ là quan điểm, ý tưởng về đạo của đương sự. Có thể ví dụ như một người bỏ việc giữ đạo Công Giáo mà chuyển sang sinh hoạt trong một cộng đoàn ngoài Công Giáo, như trong một giáo phái Tin lành hay đi thờ cúng ở chùa chiềng.
“Mưu toan kết hôn” không có nghĩa là một sự toan tính hay có ý định kết hôn mà là đã thực hiện việc kết hôn, hoặc theo thể thức Giáo luật hoặc theo dân sự, và người kết hôn có ý thức rằng mình đang có ngăn trở tiêu hôn. Khi một tu sĩ đang bị ràng buộc bởi lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh thì khi kết hôn, người này đã mưu toan kết hôn. Hôn nhân đó bất thành và tu sĩ sẽ phải bị phạt theo luật: bị sa thải tự động (đ. 694) và bị vạ cấm chế tiền kết (đ. 1394§2).
Điều luật 1088 về ngăn trở tiêu hôn do lời khấn chỉ áp dụng cho các tu sĩ khấn trọn trong Tu hội (Institutumreligiosum) có những lời khấn công (vota publica) là lời khấn được chấp nhận nhân danh Giáo hội (x. đ. 607 và đ. 1192§1). Ngăn trở này và vạ cấm chế tiền kết nói ở điều 1394§2 không chi phối các thành viên chỉ bị ràng buộc bởi lời khấn tạm trong Tu hội (Dòng tu), và ngay cả còn ràng buộc bởi lời khấn hay cam kết trọn đời trong Tu hội đời (x. đ. 712) và Tu đoàn tông đồ (x. đ. 731§2).
Trong trường hợp sa thải tự động, bề trên cao cấp cùng với ban cố vấn thu thập các bằng chứng và đưa ra bản tuyên bố về sự kiện vì đó sa thải tu sĩ ra khỏi tu viện[24]. Trường hợp đương nhiên bị sa thải này gần như là một thể loại của hình phạt tiền kết – latea sententiae, một cách đơn giản, bề trên cao cấp chỉ làm một bản tuyên bố sự kiện[25]. Trong trường hợp này, các ràng buộc của lời khấn chấm dứt ngay từ khi sự kiện phạm tội xảy ra chứ không từ khi bản tuyên bố được ban hành.
 Trong trường hợp buộc phải sa thải hay còn được gọi là sa thải cưỡng bách theo quy tắc của điều 695, Giáo luật đòi đến sự can thiệp của bề trên là người phải kiểm chứng liệu tu sĩ phạm các tội sau: tội sát nhân, bắt cóc hoặc chặt cắt tay chân hay đả thương trầm trọng người nào (x. đ. 1397), tội thi hành việc phá thai có hiệu quả (x. đ. 1398), đối với một tu sĩ giáo sĩ mắc tội tư hôn và thường xuyên ở trong một tội bề ngoài nghịch giới răn thứ sáu của Thập giới với gương xấu (x. đ. 1395§1).
Trong trường hợp có thể bị sa thải, với những lý do nghiêm trọng, bên ngoài, có thể qui trách và được chứng minh theo pháp lý thì tu sĩ có thể bị sa thải. Chẳng hạn như thường xuyên chểnh mảng các nghĩa vụ đời thánh hiến, nhiều lần tái phạm các lời khấn, ngoan cố không tuân giữ những qui định hợp pháp của bề trên trong vấn đề quan trọng, sinh gương xấu trầm trọng do cách xử sự sai lỗi, ngoan cố ủng hộ hay truyền bá các học thuyết đã bị huấn quyền Giáo hội kết án, công khai tán đồng các ý thức hệ ảnh hưởng bởi thuyết duy vật hay vô thần, sự vắng nhà bất hợp pháp kéo dài sáu tháng, hoặc những lý do nghiêm trọng khác tương tự như thế mà luật riêng của Tu hội ấn định (x. đ. 696). Trong việc sa thải này bề trên không chỉ cho thấy những mức độ nghiêm trọng và qui trách nhiệm của những lỗi phạm, mà còn chỉ ra được cả những lần cảnh cáo và sự ngoan cố, không sửa chữa của đương sự (x. đ. 697).

  • Đối với tu sĩ khấn tạm

Việc sa thải đã được nói đến ở trên dành cho tu sĩ khấn trọn thì cũng được áp dụng cho tu sĩ khấn tạm, không có sự phân biệt. Nhà làm luật còn nhấn mạnh rằng với một tu sĩ khấn tạm thì việc sa thải có thể áp dụng khi có những lý do kém nghiêm trọng hơn được luật riêng xác định (đ. 696§2).

    b. Tiến trình

Việc sa thải tu sĩ không có sự khởi đầu từ phía tu sĩ như trường hợp xin đặc ân hồi tục, mà khởi đi từ phía các bề trên do được xem như một biện pháp kỷ luật[26]. Tuy nhiên, trong hai trường hợp buộc phải sa thải (x. đ. 695) và có thể bị sa thải (x. đ. 696), nhà lập pháp quy định quyền tự bào chữa của tu sĩ qua việc họ được trực tiếp liên lạc với bề trên tổng quyền và trực tiếp trình bày với ngài những lời biện hộ trong mọi trường hợp (x. đ. 698). Các tiến trình phải được thực hiện theo hướng dẫn của Giáo luật cho từng hình thức sa thải khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân khác nhau.

  • Giai đoạn chuẩn bị

Trong trường hợp đương nhiên bị sa thải, bề trên cao cấp cùng với ban cố vấn thu thập các chứng cớ và tuyên bố sự kiện. Tiến trình này không chỉ dành cho bề trên cao nhất, mà Giáo luật dành cho bề trên cao cấp (x. đ. 620) là người có quyền thu thập các bằng chứng để xác thực các sự kiện và tuyên bố không chút trì hoãn (x. đ. 694§2). Trường hợp này không cần đến một thủ tục lâu dài, mà sự sa thải tự xảy ra khi có những sự kiện tội phạm. Bề trên chỉ là người tuyên bố về sự kiện và những hậu quả pháp lý của nó (x. đ. 694§2).
Trong trường hợp buộc phải sa thải, bề trên phải xem tu sĩ phạm những tội theo quy tắc của điều 695§1 hay không. Bề trên cao cấp thu thập các bằng chứng liên quan đến sự kiện và sự qui trách nhiệm, đồng thời cho tu sĩ biết lý do và bằng chứng mà tu sĩ sẽ bị sa thải. Hơn nữa, bề trên phải cho tu sĩ đó cơ hội để bào chữa mình. Sau đó, tất cả các văn bản được viết bởi bề trên cao cấp và công chứng viên (notarius), phải được chuyển lên bề trên tổng quyền cùng với những văn thư trả lời của tu sĩ về các cuộc đối thoại cũng như các hình thức viết tay.
Trong trường hợp có thể bị sa thải, bề trên cao cấp sau khi tham khảo ý kiến của ban cố vấn, xét xem có phải dùng đến biện pháp sa thải hay không. Trước hết, bề trên thu thập các chứng cớ, và sau đó cảnh cáo cho tu sĩ biết. Việc cảnh cáo này phải được làm trước hai nhân chứng hoặc bằng văn bản với lời cảnh cáo rõ ràng rằng tu sĩ sẽ bị sa thải nếu không thay đổi, luôn luôn chỉ ra các lý do của việc sa thải và cho tu sĩ quyền giải thích để bào chữa chính mình. Nếu lời cảnh cáo đầu tiên này không có tác dụng gì với tu sĩ, sau 15 ngày, bề trên phải tiến hành cảnh cáo lần thứ hai. Sau lần này, bề trên cao cấp cùng với ban cố vấn nhận thấy đương sự vẫn không có dấu hiệu thay đổi, không thể sửa chữa được, thì sau 15 ngày, ngài chuyển tất cả hồ sơ do ngài và công chứng viên ký tên, cùng với tất cả những câu trả lời của tu sĩ do chính họ ký tên lên bề trên tổng quyền (x. đ. 697).

  • Giai đoạn quyết định

Trong trường hợp buộc phải sa thải hoặc có thể bị sa thải, Bề trên tổng quyền cùng với ban cố vấn ít là bốn thành viên, để thành sự, cùng tiến hành một cách đoàn thể, cân nhắc cẩn thận các bằng chứng, các lý luận và các lời biện hộ. Sau đó, Hội đồng cố vấn bỏ phiếu kín để quyết định. Nếu việc sa thải được quyết định, bề trên tổng quyền sẽ ký sắc lệnh sa thải. Để sắc lệnh hữu hiệu, bề trên phải trình bày ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện trong sắc lệnh (x. đ. 699§1)[27]. 

  • Sự chuẩn y

Theo qui luật của điều 700, sắc lệnh sa thải, để có hiệu lực, phải được chuẩn y bởi Tòa thánh nếu là Tu hội thuộc luật giáo hoàng. Nếu là Tu hội thuộc luật giáo phận, sự chuẩn y thuộc quyền Đức Giám mục giáo phận nơi có nhà được chỉ định cho tu sĩ ở[28].
Nên lưu ý là trong tiến trình thủ tục sa thải, khi luật có minh định rõ ràng về điều phải thực hiện để có “hiệu lực” thì nếu không thực hiện đúng thì hành vi sa thải không có hiệu lực. Ví dụ, nếu Bề trên tổng quyền tự một mình ra quyết định sa thải; hoặc nếu sắc lệnh sa thải mà không có ghi lý do theo luật và theo sự kiện; hoặc sắc lệnh không được sự chuẩn y bởi thẩm quyền của Giáo quyền tương ứng thì việc sa thải không có hiệu lực.

c. Hiệu quả pháp lý

Đối với trường hợp tu sĩ đương nhiên bị sa thải, nghĩa là tu sĩ bị trục xuất khỏi Tu hội ngay khi có sự vi phạm luật của Giáo hội một cách xác định, nghĩa là họ đương nhiên bị sa thải mà không cần đến sự can thiệp của các bề trên có thẩm quyền Giáo hội. Nếu tu sĩ phạm một trong các tội được nêu ra ở điều 694, thì đương nhiên bị sa thải khỏi Tu hội. Hiệu quả pháp lý của trường này không được nói tới cụ thể trong Giáo luật, nhưng phải được áp dụng và giải thích tương đương như các loại sa thải khác (x. đ. 701-702, 704) [29]. Như vậy, khi phạm những tội được nói ở điều 694, tu sĩ lập tức bị sa thải khỏi Tu hội, không còn là thành viên của Tu hội nữa, các lời khấn cũng như các quyền lợi và các nghĩa vụ phát sinh từ việc tuyên khấn đương nhiên chấm dứt (đ. 701).    
Tính hợp pháp của việc sa thải bao gồm những yếu tố căn bản mang tính pháp lý: 1) sự hiện diện của một trong các tội được Giáo luật quy định (x. đ. 694§1, 695§1) hay có sự vi phạm mang tính pháp lý (x. đ. 696); 2) bề trên có quyền thu thập các chứng cớ và soạn thảo văn bản hay ký sắc lệnh sa thải (x. đ. 695§2, 699); 3) tiến hành theo đúng các thủ tục mà Giáo luật yêu cầu (đ. 694-701); 4) không có sự từ chối hoặc thượng cầu từ phía đương sự bị sa thải.  
Để có hiệu lực, trong sắc lệnh sa thải bề trên phải ghi rõ quyền mà tu sĩ bị sa thải có được, đó là “quyền kháng cáo lên nhà chức trách có thẩm quyền trong vòng 10 ngày kể từ lúc nhận được thông báo. Việc kháng cáo này phải có hiệu quả đình hoãn” (đ. 700). Tu sĩ nào cảm thấy bị thiệt hại do một sắc lệnh sa thải thì có thể thượng cầu lên Thượng cấp hệ trật của người ban sắc lệnh (x. đ. 1737§1). Cụ thể đối với Tu hội thuộc luật giáo phận, tu sĩ có thể thượng cầu đến Bộ các Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ. Với Tu hội thuộc luật giáo hoàng, thượng cầu cũng được gởi đến Bộ này, đây cũng chính là cơ quan đã chuẩn y sắc lệnh sa thải. Nếu sự phê chuẩn mới vẫn không thay đổi chính nội dung của sắc lệnh cũ thì Bộ các Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ có thể là đối tượng vì đó sẽ có thượng cầu. Chống lại quyết định của Bộ này, tu sĩ có quyền thượng cầu lên Tối Cao Pháp viện Tông Tòa[30].
Sắc lệnh sa thải không bao hàm sự miễn chuẩn lời khấn như đặc ân hồi tục (x. đ. 692), nhưng là luật quy cho việc sa thải hợp pháp đương nhiên làm chấm dứt các lời khấn bao gồm các bổn phận và quyền lợi phát sinh từ việc tuyên khấn. Điều này có hiệu lực vừa cho lời khấn tạm, nếu sự sa thải xảy ra cho tu sĩ khấn tạm, vừa có hiệu lực cho lời khấn trọn. Với sắc lệnh sa thải hợp pháp tu sĩ không lệ thuộc vào Tu hội nữa, chấm dứt tình trạng tu sĩ. 
Đối với tu sĩ khấn trọn, hiệu quả pháp lý sau khi tuyên khấn trọn đời là mắc ngăn trở tiêu hôn (x. đ. 1088), nghĩa là kết hôn không thành và còn mắc vạ cấm chế tiền kết nếu mưu toan kết hôn dù chỉ là hôn nhân dân sự (x. đ. 1394§2). Tuy nhiên, với việc sa thải hợp pháp, các lời khấn cũng như các quyền lợi và các nghĩa vụ phát sinh từ việc tuyên khấn chấm dứt (x. đ. 701), nên đương sự không còn mắc ngăn trở gì nữa. Nếu không có chức thánh, đương sự trở về tình trạng độc thân theo giáo luật, có thể kết hôn hữu hiệu mà không cần bất kỳ một phép chuẩn nào về lời khấn nữa.
Vì lợi ích của đương sự, Tu hội phải báo về giáo xứ để xác định tình trạng giáo luật của đương sự trong sổ rửa tội (đ. 535§2). Tuy nhiên, nếu đương sự là một giáo sĩ, dù đã bị sa thải thì việc kết hôn vẫn không thành do còn ngăn trở chức thánh, vì đương sự chấm dứt bậc tu sĩ, nhưng không mất đi bậc giáo sĩ (x. đ. 1087). 
Nếu tu sĩ là một giáo sĩ với lời khấn tạm, chịu chức phó tế trước khi gia nhập Tu hội, với sắc lệnh sa thải, phải trở về giáo phận đã nhập tịch trước khi gia nhập Tu hội (x. đ. 266§2 và đ. 268§2). Ngược lại, với một tu sĩ là giáo sĩ khấn trọn thì không thể thi hành chức thánh trước khi tìm được một Giám mục mà sau một thời gian thử nghiệm trong giáo phận, ngài đã nhận vào giáo phận của ngài hay ít ra đồng ý cho thành viên này thực hành chức thánh (x. đ. 701), vì với sự sa thải hợp pháp, giáo sĩ vừa không còn thuộc về Tu hội, vừa không còn sự nhập tịch ở giáo phận nào cả.
Trong trường hợp giáo sĩ đã bị sa thải khỏi Tu hội, mà không có Đức giám mục nào nhận vào giáo phận của ngài, Giáo hội luôn mở ra một con đường nhằm bảo vệ thánh chức bởi vì bí tích truyền chức thánh mang ấn tín không thể xóa bỏ (sacerdos in aeternum) (x. đ. 845). Một tu sĩ giáo sĩ bị sa thải thì vẫn là giáo sĩ mãi mãi. Hơn nữa, sự nhập tịch vào một Giáo hội địa phương hay vào một Tu hội thánh hiến là luật thiết định (x. đ. 265), vì thế Giáo hội có quyền miễn chuẩn quy định này. Giáo hội có thể giúp giáo sĩ bị sa thải bằng việc tách họ khỏi giáo phận hoặc Tu hội của họ để lệ thuộc trực tiếp vào Đức Thánh Cha hoặc lệ thuộc trực tiếp vào một Bộ của Tòa Thánh. Giáo hội cũng có thể tháo cho tu sĩ khỏi mọi ràng buộc với việc thi hành chức thánh và thu hồi mọi quyền lợi liên quan đến thánh chức, và do đó, Giáo sĩ trở về với tình trạng giáo dân (có thể là một đặc ân, hoặc cũng có thể là một hình phạt). Trong trường hợp này, mối ràng buộc pháp lý duy nhất tồn tại là với Tòa thánh, bởi vì mối ràng buộc với các hệ trật cấp dưới bị cắt đứt. Giáo sĩ, dù không thi hành chức thánh vẫn phải giữ mối quan hệ với Giáo hội và người đứng đầu trong nhân đức của Thánh chức[31].

THAY LỜI KẾT

Trước hết, ơn gọi Thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa ban, vì thế mỗi tu sĩ được mời gọi sống một cách triển nở và hạnh phúc chọn lựa của mình. Trong một xã hội có biết bao cám dỗ của nền văn hóa tạm thời, một nền văn hoá cổ võ cho sự thay đổi những lựa chọn đã thực hiện, tu sĩ được mời gọi phải nỗ lực rất nhiều trong việc tự huấn luyện chính mình để đạt được sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, nhờ đó có thể đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa như gương của Đức Maria.
Thứ đến, mỗi tu sĩ đều gia nhập vào một Tu hội qua việc khấn dòng nên vai trò của Tu hội là giúp tu sĩ hiểu và sống đặc sủng của Tu hội, là có thể thích nghi và đạt đến một tâm thức thuộc về Tu hội. Một cách cụ thể hơn, mỗi một cộng đoàn tu sĩ đang sống phải trở nên ngôi nhà trong đó tu sĩ diễn tả giao ước với Chúa một cách thiết thực và sống động. Nơi đó, tu sĩ có thể sống ba lời khuyên Phúc Âm, có thể học biết cho và nhận, học biết tha thứ và cảm thông, đồng thời đón nhận các thành viên khác với sự giới hạn của họ. Nơi đó, họ có thể đón nhận những giáo huấn của bề trên như những vị đại diện Chúa, hầu có thể giúp họ trung thành với hiến pháp và tinh thần của Tu hội cũng như của Giáo hội. Trong cộng đoàn đó, tu sĩ được cảm nhận về căn tính của chính đời sống thánh hiến là bước theo Đức Kitô, một Kitô phục vụ và hiến dâng chính mình. Với biết bao thách đố của thời đại hôm nay, tu sĩ cần khám phá mỗi ngày rõ nét hơn căn tính của đời thánh hiến. Vâng,  căn tính của đời sống thánh hiến lệ thuộc vào chính căn tính của mỗi Tu hội và kinh nghiệm thiêng liêng của từng tu sĩ.
Với các tu sĩ đang khủng hoảng trong ơn gọi, không cảm thấy ý nghĩa thánh thiêng của đời tu, không cảm nhận được những từ bỏ là điều cần thiết để theo Đức Kitô, hay vì những lý do bên ngoài làm tu sĩ không thể tiếp tục ơn gọi, họ cần đến sự giúp đỡ, lắng nghe và hướng dẫn khôn ngoan, cẩn trọng và đầy tình bác ái của các bề trên, của các anh chị em tu sĩ cùng dòng và trong cùng cộng đoàn. Nếu đã dùng các phương tiện để giúp đỡ mà tu sĩ vẫn không vượt qua những khó khăn, trong trường hợp đó, tu sĩ có thể xin với với Giáo hội tháo gỡ lời khấn hứa với Thiên Chúa. Về phần mình, với tư cách là trung gian giữa Thiên Chúa và Dân người, Giáo hội được mời gọi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, nghĩa là thay mặt Thiên Chúa tháo gỡ mối dây ràng buộc mà người tu sĩ đã cam kết với Thiên Chúa. Mặc dù, Thiên Chúa là Đấng tín trung, nghĩa là Ngài không bao giờ đi ngược lại giao ước mà Ngài đã ký kết với con cái Ngài, nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, nên Ngài muốn con cái mình sống trong an vui và hạnh phúc. Đây chính là lý do chính yếu của việc tháo gỡ lời khấn. Thực vậy, qua việc được tháo gỡ lời khấn, người tu sĩ có cơ hội để “làm lại”, để tiếp tục sống an vui và hạnh phúc cuộc sống của mình. Dẫu không thể sống trọn giao ước cao đẹp mà họ đã có với Thiên Chúa, nhưng với tư cách là Kitô hữu, họ được mời gọi để sống trọn vẹn niềm vui của con cái Thiên Chúa. Họ được mời gọi để cảm nhận tình yêu và thương xót vô biên của Chúa, Đấng luôn trung tín với họ cho dẫu họ bất trung và yếu đuối. Vì sự yếu đuối và bất toàn của mình, người tu sĩ có thể thay đổi quyết định họ đã chọn lựa, nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ thì bất biến, Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương và trung tín với họ. Cảm nhận được tình yêu vô bờ bến ấy, người “cựu tu sĩ” sẽ sống vui tươi và hạnh phúc trong chọn lựa mới của mình. Và người “cựu tu sĩ” cũng được mời gọi để làm chứng cho tình yêu ấy trong cuộc sống thường ngày, nơi mà họ là men, là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian.
Cuối cùng, các thành viên đã rời bỏ Tu hội do đặc ân hồi tục hay do bị sa thải hợp pháp không có quyền đòi hỏi Tu hội về bất cứ công trạng gì đã làm. Tuy nhiên, Tu hội phải giữ sự hợp tình hợp lý và đức bác ái của Phúc Âm đối với các thành viên này (đ. 702).

Sr. M. Thánh Tâm Tố Oanh, Fmsr

[1]PC 1.

[2] x. LG 44, đ. 207§2.

[3] x. 2Tm 2,13.

[4] x. VC 19.

[5] x. 2 Cr 4,7.

[6] x. CONGREGAZIONE PER I RELIGIOSI E GLI ISTITUTI SECOLARI, Documento Dans Sa Maternelle (giugno 1984): EV 9, 847-860, n. 1.

[7] x. Rm 7,15.

[8]LG 8.

[9] x. D’AURIA Andrea, Libertà del fedele e scelta della vocazione – La tutela giuridica del can. 219 C.I.C., Urbaniana University Press, Roma 2012, p. 63.

[10] x. GHIRLANDA Gianfranco, ««La problematica della separazione del religioso dal proprio istituto», in AA.VV., Il nuovo diritto dei religiosi, Editrice Rogate, Roma 1984, 153-193, p. 170.

[11] x. PHANXICO, Kinh Truyền tin ngày 17/03/2013, https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/13news/13news0175.htm (mở 12/07/2016).

[12] x. Dans Sa Maternelle n. 1.

[13] x. Ga 10,10.

[14] 1Cr 12,12.

[15] x. PC 1.

[16] x. L. ÖRSY, Theology and canon law, 1-3, in A. PONZONE, «Teologia e diritto canonico nel pensiero di Ladislas Örsy», in Apollinaris 85 (2012), 317-359, p. 334.

[17] x. SECRETARIA STABUS, Rescriptum pontificium Cum admotae quo Supremis Moderatoribus Religionum clericalium iuris pontificii atque abbatibus Praesidibus Congregationum Monasticarum facultates quaedam ab Apostolica Sede delegantur (6 novembris 1964): AAS 59 (1967), 374-378, n. 14; x. SACRA CONGREGAZIONE PER I RELIGIOSI E GLI ISTITUTI SECOLARI, Decreto Cum superiores generales (27 novembre 1969): AAS 61 (1969), 738-739.

[18] x. Dans Sa Maternelle n. 7a.

[19] x. Ibidem  n. 6.

[20] x. Ibidem  n. 6.

[21] x. GIOVANNI PAOLO II, Cost. Apost., Pastor Bonus (28 giugno 1988): AAS 80 (1988), 841-934, Art. 108.

[22] Điều 265 diễn tả một cách bắt buộc rằng mỗi giáo sĩ phải nhập tịch vào một giáo phận, hay một hạt giám chức tòng nhân, hoặc vào một Tu hội thánh hiến hay vào một Tu đoàn có năng quyền này. Với việc lãnh chức phó tế một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một giáo phận hoặc một hạt giám chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ (đ. 266§1). Đối với một tu sĩ bằng việc khấn trọn đời trong một Tu hội dòng hoặc đã gia nhập vĩnh viễn một Tu đoàn tông đồ giáo sĩ được nhập tịch như một giáo sĩ vào Tu hội dòng hay Tu đoàn ấy do việc lãnh chức phó tế (đ. 266§2).

[23] x. DE PAOLIS Velasio, La vita consacrata nella Chiesa, Edizione rivista e ampliata a cura di Vincenzo Mosca, Facoltà di diritto canonico San Pio X, Manuali 4, Marcianum Press, Venezia 2010, p. 573; x. D’OSTILIO Francesco, Prontuario del codice di diritto canonico, Tavole sinottiche, Libreria Editrice Vaticana, Città Del Vaticano 1994, p. 308; x. SACRA CONGREGAZIONE PER I RELIGIOSI E GLI ISTITUTI SECOLARI, Istruzione Renovationis Causam  (6 gennaio 1969): AAS 61 (1969), 103-120, n. 38.  

[24] Bề trên cao cấp: khi được nhắc đến, thì có thể được hiểu đối với cả hai cấp bậc trong Tu hội: là Bề trên Tổng quyền đối với toàn Tu hội; hoặc là Bề trên Giám Tỉnh đối với Tỉnh dòng (x. đ. 620). Nếu vấn đề thuộc phạm vi toàn Tu hội, thì “Bề trên cao cấp” được hiểu là Bề trên Tổng quyền; nếu là vấn đề thuộc phạm vi Tỉnh dòng, thì “Bề trên cao cấp” được hiểu là Bề trên Giám tỉnh.

[25] x. D’AURIA, Libertà del fedele e scelta della vocazione…, cit., p. 94.

[26] x. GHIRLANDA, «La problematica della separazione del religioso dal proprio istituto», cit., p. 176.

[27] “Vị điều hành tổng quyền cùng với ban cố vấn phải gồm ít nhất là bốn thành viên mới thành sự, cùng tiến hành cách hiệp đoàn để cân nhắc cẩn thận các bằng chứng, các lý luận và các lời biện hộ; nếu việc sa thải đã được quyết định sau một cuộc bỏ phiếu kín, thì vị Điều hành tổng quyền phải ban hành sắc lệnh sa thải, và để được hữu hiệu, sắc lệnh phải trình bày ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện”, đ. 699§1. 

[28] «In the case of an institute of diocesan right, the diocesan bishop confirms the decree. This is not necessary the bishop of the place where the general administration of the institute is situated, but rather, the bishop of the domicile of the religious, that is, of the diocese where the house to which the religious is assigned is located (cfr. Can. 103)», RAMOS, Exegetical commentary on the Code of canon law, vol. II/2, cit., p. 1880.

[29] x. ANDRÉS Domingo Javier, Le forme di vita consacrata, commentario teologico giuridico al Codice di diritto canonico, Ediurcla, Roma 2008, p. 665; x. DE PAOLIS, La vita consacrata nella Chiesa, cit., p. 576.

 [30] “Tòa án này xét xử những tranh chấp phát xuất từ một hành vi của quyền hành chính trong Giáo hội đã được đệ lên tòa cách hợp pháp, xét xử những tranh chấp khác có tính cách hành chính được Đức Giáo Hoàng Rôma hay những cơ quan của Giáo triều Rôma trao cho tòa này thụ lý, và xét xử những tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan ấy”, đ. 1445§2.

[31] x. Dans Sa Maternelle n. 13.

 

 

 

 

 

Rate this post

Viết một bình luận