Nứt gót chân là một chứng bệnh ngoài da, thường gặp ở da khô và diễn tiến nặng hơn vào mùa hanh khô. Biểu hiện là gót chân bị bong tróc, nứt da, ngứa và chảy máu từ các vết nứt làm cho vi khuẩn, vi nấm hoặc siêu vi xâm nhập. Nứt gót chân không chỉ gây mất thẩm mỹ cho người bệnh mà còn gây đau đớn khó chịu, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt.
Cách điều trị
Vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ: Khi đã bị nứt gót chân, việc đầu tiên cần làm hàng ngày để chấm dứt tình trạng này đó là vệ sinh chân và gót chân sạch sẽ sau mỗi ngày làm việc. Có nhiều cách làm sạch chân và gót chân nhưng bạn không nên sử dụng xà phòng hay nước tẩy rửa để làm việc này bởi nó sẽ làm gót chân bị nứt trở nên khô hơn và đau hơn nhiều lần. Chính vì thế có thể sử dụng nước muối loãng hoặc nước chè tươi loãng đun sôi để ấm là an toàn nhất để làm sạch những bụi bẩn bám ở chân và gót chân.
Sử dụng sản phẩm thiên nhiên trị nứt nẻ gót chân
– Muối và chanh. Muối và chanh có khả năng tẩy tế bào chết, duy trì độ ẩm trên da. Vitamin C và axit amin trong chanh giúp phục hồi tế bào da bị khô xơ, nứt nẻ, phát triển tế bào da mới. Lấy 1 chậu nước ấm cho thêm vào 3 muỗng muối, 3 muỗng glycerin, nước cốt chanh và vài giọt nước hoa hồng. Ngâm chân trong hỗn hợp này khoảng 20 phút. Dùng bàn chải chà xát lên vùng gót chân bị nứt nẻ 2-3 phút. Cuối cùng rửa chân lại với nước ấm và thoa một lớp kem dưỡng lên chân.
– Tinh dầu thiên nhiên. Các loại tinh dầu như dầu dừa, dầu ôliu, dầu hạnh nhân, dầu trà chứa nhiều vitamin E, khoáng chất và tinh dầu. Những thành phần này cần thiết để duy trì độ ẩm cho da, dưỡng da mềm mịn hơn, đây cũng là cách giảm bớt tình trạng nứt nẻ ở gót chân. Chỉ cần thoa đều tinh dầu lên vùng gót chân và massage nhẹ nhàng. Đi tất và giữ đến sáng hôm sau rồi rửa sạch lại bằng nước ấm.
– Chuối và bơ. Chuối giàu vitamin B, bơ giàu vitamin E hiệu quả để điều trị nứt nẻ gót chân hiệu quả. Trộn 1 quả chuối với nửa quả bơ rồi xay nhuyễn. Đắp hỗn hợp này lên gót chân và dùng khăn quấn cố định lại. Giữ khoảng 30 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm.
– Bột gạo, mật ong và dấm. Bột gạo giúp tẩy tế bào chết, làm sạch và tái tạo da. Mật ong có tính chất chống viêm, giúp làm lành gót chân bị nứt nhanh chóng. Dấm táo có nhiều loại axit làm mềm da, tẩy da chết hiệu quả. Trộn 3 muỗng cà phê bột gạo, 1 muỗng mật ong, 2-3 giọt dấm táo. Khuấy đều cho đến khi thành một hỗn hợp sánh đặc. Ngâm chân trong nước ấm khoảng 10 phút rồi sử dụng hỗn hợp trên chà gót chân để tẩy da chết.
Tạo thói quen chăm sóc vùng da gót chân
– Bạn nên tạo cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, giàu vitamin, dưỡng chất, đồng thời uống nhiều nước. Thói quen này sẽ khiến cho cơ thể bạn khỏe mạnh, làn da được cung cấp đủ nước để duy trì độ ẩm, dưỡng da mịn màng hơn. Đồng thời nó giảm được tình trạng da bong tróc, nứt nẻ dễ dàng nhất.
– Thường xuyên tẩy tế bào chết ở vùng gót chân cũng là yếu tố quan trọng làm cho quá trình điều trị gót chân bị nứt nẻ tốt nhất. Khi bạn phải đi lại nhiều, đi giày cao gót thường xuyên sẽ khiến lớp chai sạn xuất hiện và ngày càng dày lên. Việc tẩy tế bào chết sẽ giúp lớp chai sạn này mỏng đi đồng thời sẽ loại bỏ đi điều kiện cho vết nứt trên da xuất hiện.
– Sử dụng kem dưỡng giúp duy trì độ ẩm cho da, giúp da bạn không còn khô ráp và bị bong tróc da nữa. Sử dụng kem dưỡng gót chân là biện pháp hữu hiệu bạn cần làm để sớm cải thiện gót chân của mình.
– Sử dụng dụng cụ bảo vệ đôi chân phù hợp: Sau khi đã tiến hành các biện pháp chữa trị vết nứt gót chân thì hãy sắm cho mình dụng cụ bảo hộ lao động như đôi ủng hoặc những đôi giầy, dép cao vừa phải, rộng rãi và êm ái để đi cho đôi chân của mình. Ngay cả khi bạn làm việc hay đến công sở thì bạn cũng cần phải lưu ý điều này bởi nếu bạn tiếp tục để gót chân bị bám bẩn thì tình trạng nứt nẻ sẽ càng tăng hơn.
Có thể bạn quan tâm: Chăm sóc da trong mùa hanh khô
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp