Một bát cháo dinh dưỡng phải đảm bảo: đạm, tinh bột, chất xơ và chất béo
TS.BS Lê Bảo Khanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, khẳng định: “Những loại cháo dinh dưỡng trên thị trường chắc chắn không đủ dinh dưỡng. Vì thế, nếu bé chỉ ăn cháo dinh dưỡng mà không bổ sung thêm các nguồn thực phẩm khác thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cả ngày của trẻ”.
Cũng theo TS Khanh, có vẻ như đang có sự nhầm lẫn về khái niệm cháo dinh dưỡng. Một loại cháo được coi là cháo dinh dưỡng thì phải tính toán sao cho đủ, cân đối giữa các chất đạm, vi chất dinh dưỡng có trong gói cháo. Vì thế, nó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có chuyên môn chứ không thể tuỳ tiện muốn công bố như thế nào thì công bố.
“Trên thực tế, cho đến thời điểm này, chưa có một nghiên cứu, báo cáo nào cho thấy các loại cháo được gắn mác dinh dưỡng trên thị trường là đủ dinh dưỡng. Chưa có cơ quan chuyên môn nào chứng nhận cho các loại cháo này là đủ dinh dưỡng. Hiện người tiêu dùng chỉ đọc trên bao bì sản phẩm do nhà sản xuất công bố về tổng năng lượng, hàm lượng đạm, chất béo… nhưng chưa có ai, chưa có cơ quan nào chứng nhận điều ghi trên bao bì đó là đúng”, TS Khanh nói.
Vì thế, việc quan trọng là phải có cơ quan chứng nhận chất lượng thực sự về các sản phẩm này, hàm lượng dinh dưỡng là bao nhiêu thì các chuyên gia mới có thể đưa ra khuyến cáo, là cháo hợp với lứa tuổi nào, ăn bao nhiêu là đủ…
“Đến nay, chưa một nhà sản xuất nào đưa mẫu cháo đến Viện Dinh dưỡng để kiểm định hàm lượng dinh dưỡng, chất đạm, cũng chưa loại cháo nào được Viện Dinh dưỡng xác nhận thành phần thực của cháo”, TS Khanh khẳng định.
Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, các bà mẹ không nên vì tiện lợi mà lạm dụng các loại cháo được quảng cáo là cháo dinh dưỡng, mà hãy nên tự nấu cháo cho trẻ ăn. Một bát cháo của trẻ được coi là cháo dinh dưỡng khi nó phải có đầy đủ các chất đạm (từ thịt, cá, trứng, cua…), tinh bột (cháo gạo, ngô…), chất béo (dầu ăn) và chất xơ (gồm các loại rau củ quả…).
Hồng Hải