Cháo lươn ăn với rau gì để hấp thu trọn vẹn vị ngon cùng dinh dưỡng?
“Cháo lươn ăn với rau gì?” là một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt với những bà mẹ và người có người thân đang bị bệnh. Với những gợi ý và công thức trong bài viết này, Nấu Ăn Không khó hy vọng sẽ mang đến bạn những điều bổ ích.
Cháo lươn là món ăn quen thuộc với chúng ta, thường được nghe đến với mục đích tẩm bổ nhưng với hương vị thơm ngon đây cũng là món ăn rất phổ biến. Vậy cháo lươn ăn với rau gì? Có rất nhiều loại rau củ có thể ăn cùng cháo lươn mang đến hương vị thơm ngon, giúp bổ sung lượng dinh dưỡng dồi dào. Nào, chúng ta hãy bắt đầu khám phá những điều hữu ích về món ăn hấp dẫn này nhé.
Lợi ích khi ăn thịt lươn
Lươn hay còn gọi là cá chình, là một loại thực phẩm vừa ngon miệng lại giàu dinh dưỡng. So với hến, tôm, cua đồng thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Trong 100g thịt lươn chứa 18,7g chất đạm, 0,9g chất béo, 150 mg Phospho, 39 mg Canxi, 1,6 mg Sắt, vitamin A, D các vitamin B1, B2, B6 và PP cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất. Nhờ lượng dinh dưỡng dồi dào này, lươn thường được nấu cháo, nấu miến,… để bồi bổ cho người bệnh, người còi cọc, giúp mát da, tinh thần sảng khoái, tăng cường sinh lực.
Cách nấu cháo lươn
Cháo lươn là món ăn nổi tiếng của miền Trung, với giá trị dinh dưỡng cùng vị ngon hấp dẫn món ăn này phù hợp với hầu hết mọi người từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Nguyên liệu nấu cháo lươn
- Lươn: 500g
- Thịt bằm: 100g
- Nếp: ½ chén
- Gạo tẻ: 1 chén
- Hành lá: 2 nhánh (xắt nhỏ)
- Hành tím băm: 2 muỗng cà phê
- Hạt nêm: 1 muỗng cà phê
- Bột nghệ: 1 muỗng cà phê
- Đường: 3,5 muỗng cà phê
- Nước mắm: 1 muỗng cà phê
- Muối: 1 muỗng cà phê
- Bột ngọt: ½ muỗng cà phê
- Dầu ăn: 3 muỗng canh
- Tiêu xay
Cách nấu cháo lươn
Bước 1. Sơ chế nguyên liệu
- Lươn làm sạch, bóp với muối và giấm (hoặc chanh) để loại hết nhớt và mùi tanh (nếu có tro bếp bạn chà lươn với tro bếp nhé) sau đó rửa sạch, cắt khúc, cho vào rổ để ráo.
- Bắc chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn cùng 1 muỗng cà phê hành tím vào phi thơm vàng, vớt hành tím ra để ráo dầu tạo thành hành phi.
- Tận dụng lại chảo dầu phi hành phi, bổ sung thêm 1 muỗng canh dầu ăn, làm nóng rồi cho ½ muỗng cà phê hành tím băm vô phi thơm. Xong cho thịt bằm vào xào săn lại, nêm nếm ½ muỗng cà phê hạt nêm. Thịt chín lấy ra chén để riêng.
Xào thịt bằm
- Tiếp tục sử dụng lại chảo này, bổ sung 1 muỗng canh dầu, cho ½ muỗng cà phê hành tím băm vô phi thơm, cho lươn vào xào săn lại. Nêm nếm ½ muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột nghệ, ½ muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê nước mắm. Lươn chín lấy ra dĩa để riêng, nếu có thời gian bạn hãy tách thịt lươn ra khỏi xương để cháo lươn dễ ăn hơn.
Xào chín lươn
Bước 2. Nấu cháo
- Cho ½ chén gạo nếp và 1 chén gạo tẻ vào nồi, vo sạch.
- Cho một lượng nước ngập nồi vào, bắc nồi lên bếp nấu sôi dưới lửa lớn rồi vặn nhỏ lại ninh cho cháo chín.
- Khi cháo đã nở mềm thì cho lươn và thịt bằm vào.
Cho thịt và lươn vào
- Nêm nếm 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt. Điều chỉnh gia vị theo khẩu vị gia đình.
- Nấu thêm vài phút cho cháo chín mềm thì tắt bếp.
Cháo lươn bổ dưỡng hấp dẫn
Cách nấu cháo lươn như vậy là xong, bạn cho cháo vào tô, thêm hành lá, hành phi, tiêu xay vào và thưởng thức nóng để hạn chế mùi tanh cũng như giữ trọn vẹn vị ngon của món ăn bổ dưỡng này.
Cháo lươn ăn với rau gì?
Trên đây là cách nấu cháo lươn đơn giản, tuy nhiên để món ăn thêm phong phú và giàu giá trị dinh dưỡng cũng như mùi vị trong quá trình chế biến chúng ta có thể bổ sung thêm một số loại rau củ quả giúp món ăn hấp dẫn hơn bội phần (cho rau củ vào cùng lúc với cho thịt và lươn vào cháo). Vậy cháo lươn ăn với rau gì thích hợp nhất? Đặc biệt là với trẻ em loại rau củ nào sẽ có lợi nhất? Cùng Nấu Ăn Không Khó xem qua những gợi ý bên dưới bạn nhé.
1. Cháo lươn ăn với cải xanh
Trong cải xanh chứa rất nhiều vitamin như A, B, K và chất hữu cơ như canxi giúp xương phát triển, rắn chắc. Món cháo lươn cải xanh này chính là một sự kết hợp dinh dưỡng tuyệt vời cho bé con nhà mình đấy.
Cải xanh – sự kết hợp tuyệt vời
- Cách sơ chế cải xanh là hãy thái nhỏ cải và cho vào cháo khi gần chín, nấu vài phút cho cải chín thì tắt bếp.
2. Cháo lươn ăn với rau ngót
Rau ngót có nhiều vitamin nhóm B, đạm, vitamin C và beta-carotene khi nấu cùng cháo lươn thì lượn vi chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt sáng tinh anh. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, vitamin B tăng cường chuyển hóa đạm. Món ăn này chẳng những thích hợp cho bé bổ sung dinh dưỡng mà còn là món ăn bồi bổ tuyệt vời cho người bệnh.
Rau ngót – Giá trị dinh dưỡng bất tận
- Rau ngót tướt lấy lá và cho vào khi cháo gần chín.
3. Cháo lươn ăn với rau mồng tơi
Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin B, A, C, riboflavin, folate, sắt, enzym chống oxy hóa, giúp tăng cường phát triển thể chất, ngăn ngừa loãng xương và thiếu máu. Nấu rau mồng tơi cùng cháo lươn sẽ tạo nên món ăn bổ dưỡng đặc biệt tốt cho quá trình tiêu hóa và hạn chế những vấn đề về đường ruột phát sinh, làm mát, giải nhiệt cơ thể.
Mồng tơi – Bảo vệ hệ tiêu hóa và đường ruột
- Rau mồng tơi thái nhỏ, vì rau mồng tơi rất nhanh chín nên hãy cho vào cháo khi cháo gần chín.
4. Cháo lươn ăn với cà rốt
Tương tự rau ngót, cà rốt có nhiều beta-carotene khi nấu cùng cháo lươn thì lượng vi chất này sẽ chuyển hóa thành vitamin A giúp bạn và trẻ có đôi mắt khỏe. Đồng thời loại củ này còn chứa nhiều chất xơ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Cà rốt cho đôi mắt tinh anh
- Thái hạt lựu cà rốt và cho vào cháo cùng lúc với thịt lươn và thịt bằm, nấu đến khi cà rốt chín mềm.
5. Cháo lươn ăn với khoai môn
Khoai môn giàu tinh bột, đạm, vitamin A, B, C,… loại củ này có giá trị dinh dưỡng cao hơn khoai tây gấp 1,5 lần, rất giàu năng lượng. Nấu khoai môn cùng cháo lươn sẽ tạo nên món ăn tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
Khoai môn – Sự lựa chọn của sức khỏe
- Bạn có thể thái khoai môn thành miếng vuông đường kính 1cm hoặc to hơn để khoai đỡ nát, tùy theo ý thích và cho vào cháo ở bước cho thịt lươn và thịt bằm vào, nấu chín mềm khoai môn thì tắt bếp.
Với 5 gợi ý này giờ đây câu hỏi “Cháo lươn ăn với rau gì?” đã được giải đáp, nếu bạn có con nhỏ hay người thân đang bệnh hãy thay đổi các loại rau trên là đã có 5 món cháo ấm nóng, giàu dinh dưỡng tẩm bổ cho họ rồi đấy, đừng quên lưu lại bài viết này nhé!
Nguồn: Bếp Của Vợ, bachhoaxanh.com