Chất làm ngọt nhân tạo có khác gì so với đường?
Tính đến nay, đã có hơn 210.000 nghiên cứu khác nhau về các chất làm ngọt thay thế đường. Dù vậy, những gì chúng ta biết về các chất làm ngọt thường sử dụng trong đồ uống là chúng không chứa calo hay việc tiêu thụ một lượng vừa phải các chất này sẽ không gây ung thư. Ngoài ra, các tác động khác đối với sức khoẻ dường như vẫn chưa được làm rõ.
Nhưng ngay cả khi bỏ qua rủi ro mắc ung thư, các tranh luận vẫn nổ ra liên tiếp liên quan đến tác dụng của chất làm ngọt nhân tạo đối với sức khỏe. Liệu những loại chất này có tốt cho cơ thể hơn các loại đường thông thường?
“Lời khuyên của tôi là không nên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo” – Ariel Kushmaro, giáo sư về công nghệ sinh học vi sinh tại Đại học Ben-Gurion, chia sẻ trên tờ Business Insider.
Chất làm ngọt nhân tạo có thể gây hại cho đường ruột
Nghiên cứu mới nhất của Kushmaro về chất làm ngọt nhân tạo đã được công bố trên tạp chí Molecules tuần trước. Đây là thành quả hợp tác của Kushmaro cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học Ben-Gurion ở Negev, Israel và Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Kết quả cho thấy một số chất làm ngọt nhân tạo đang được sử dụng phổ biến hiện nay có thể cản trở các vi khuẩn đường ruột làm công việc thiết yếu hàng ngày của chúng.
Trong nghiên cứu này, Kushmaro và các cộng sự phơi nhiễm một loại vi khuẩn E. coli với các chất làm ngọt nhân tạo phổ biến. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với tổng cộng 6 chất làm ngọt đã được công nhận an toàn thực phẩm bời Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), bao gồm Aspartame (nhãn hiệu Equal và NutraSweet), Sucralose (nhãn hiệu Splenda), Saccharine (nhãn hiệu Sweet’n Low) và các loại khác. Họ thậm chí thử nghiệm cả các loại bột protein dành riêng cho các vận động viên và các gói hương liệu có thành phần chính là những chất làm ngọt này.
Sau khi cho vi khuẩn E. coli tiếp xúc với chất làm ngọt nhân tạo “hàng trăm lần”, Kushmaro kết luận chất làm ngọt khá độc hại, gây khó khăn cho vi khuẩn đường ruột phát triển và sinh sản.
Các nhà nghiên cứu cho rằng một vài loại nước ngọt hoặc cà phê có thể sử dụng lượng chất làm ngọt nhân tạo đủ lớn để tác động tới sức khỏe đường ruột, thậm chí gây trở ngại cho cơ thể tiêu thụ các loại đường thông thường và các loại carbohydrate khác.
Điều này chứng tỏ rằng các nhà nghiên cứu cũng không chắc chắn bởi các quan sát rút ra từ thí nghiệm trên E. coli chứ không phải con người.
“Chúng tôi không tuyên bố rằng chất làm ngọt nhân tạo độc hại cho con người” – Kushmaro khẳng định – “chúng tôi tuyên bố rằng nó độc hại đối với vi khuẩn đường ruột, do đó, sẽ ảnh hưởng đến chúng ta”.
Chất làm ngọt nhân tạo sẽ không làm giảm sự thèm ăn hay thỏa mãn cảm giác thèm ăn
Nhóm của Kushmaro không phải là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về chất làm ngọt nhân tạo. Một nghiên cứu gần đây trên loài chuột cho rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể thay đổi cách cơ thể xử lý chất béo và năng lượng. Ở chuột, điều này thậm chí dẫn đến vỡ cơ.
Ở người, các nghiên cứu trước đây cho thấy sử dụng chất làm ngọt nhân tạo khiến tỷ lệ mắc các bênh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và đột quỵ cao hơn. Các nghiên cứu khác cũng kết luận chất làm ngọt không chứa calo có thể giúp mọi người giảm cân nhưng đồ uống ít calo sẽ không làm giảm sự thèm ăn.
Kushmaro đang lên kế hoạch để tiến hành nhiều thử nghiệm hơn về vi khuẩn đường ruột, tập trung toàn bộ vào cơ chế hoạt động của vi sinh vật đường ruột.
“Trong một vài năm qua, chúng tôi ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của các vi sinh vật này”, ông chia sẻ.
Người tiêu dùng đã bắt đầu dè dặt hơn trong việc lựa chọn các chất làm ngọt để thay thế đường sử dụng hàng ngày. Hiện nay, xu hướng đang nghiêng về việc sử dụng loại đường chiết xuất từ lá cây cỏ ngọt (Stevia).
Theo tờ Food Navigator, năm ngoái, doanh thu từ loại đường làm từ cỏ ngọt này tăng gần 12% tại Mỹ, trong khi doanh thu của aspartame (chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide, được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống) giảm 8%, sucralose (một chất làm ngọt nhân tạo và chất thay thế đường, không chứa calo) và saccharin (đường hoá học) đều giảm khoảng 6%.
Các nhà nghiên cứu vẫn rất thận trọng đối với tất cả các chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm cả cây cỏ ngọt. Nguyên nhân là bởi các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa thể làm rõ được tác hại và lợi ích mà chúng mang lại cho sức khoẻ con người.
Lá cây cỏ ngọt hiện vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp nhận sử dụng tại Mỹ bởi một số lo ngại về tác động của loại lá này đối với sức khoẻ trẻ em, sức khỏe bà bầu, khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và hoạt động của hệ thống tim mạch.
Phương án phù hợp nhất cho người tiêu dùng trong thời điểm này có lẽ là hạn chế lượng đồ ngọt tiêu thụ, bao gồm cả loại có đường và không đường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!