Chất thơ trong tác phẩm văn học.
Trong sáng tác văn học nghệ thuật, chất thơ được xem như một đặc tính quan trọng đem lại sự cuốn hút kì diệu cho hình tượng nghệ thuật và tác phẩm.
1. Chất thơ là gì?
– Chất thơ hay còn gọi là “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ. “Chất thơ” có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa…” (Đỗ Lai Thúy)
– Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc.
– Ở văn xuôi chất thơ có ở trong nhiều cấp độ: từ ngữ; bức tranh thiên nhiên; hình tượng nhân vật vượt lên trên thực tại của đời sống, của hoàn cảnh để hướng đến vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn.
2. Biểu hiện chất thơ trong tác phẩm văn học.
Chất thơ biểu hiện ở cái đẹp của ngôn ngữ và âm điệu, cái đẹp của cảm xúc và ý tưởng…
Chất thơ chính là sự khám phá cuộc sống bằng nghệ thuật đa dạng, độc đáo đem lại vẻ đẹp và xúc động tâm hồn cho người đọc. Thông thường người ta cho rằng chất thơ là một thuộc tính chỉ riêng thơ mới có. Nhưng thực ra chất thơ có thể tìm thấy trong cả những thể loại văn học khác như văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, kịch…).
Tác phẩm văn chương chính là sự thẩm thấu của nhà văn về cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật. “Trong đời sống hàng ngày, khi nói đến chất thơ thường có thói quen nghĩ đến cái gì đẹp, thơ mộng, lí tưởng, bay bổng như một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, sơn thủy hữu tình, một người con gái đẹp, một tâm hồn lãng mạn. Người ta ít nghĩ hơn đến chất thơ trong những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc hay những cảnh tượng bề bộn, tăm tối”.
Quan niệm trên dường như đã trở thành một thói quen trong cảm nghĩ của nhiều người, tuy có phần đúng nhưng chưa đủ và có tính chất hẹp hòi. Cần thấy rằng có đối tượng nên thơ và đối tượng không nên thơ, biết phát hiện ở đối tượng khách quan phần nên thơ của nó, cung cấp cho nó một dáng hình, một cách giải thích, một lí tưởng đẹp. Đó là nhiệm vụ chung của nghệ thuật và trực tiếp của thi ca, nói như Tsecnưisepxki: “Ở đâu có sự sống ở đấy có thơ ca”
Chất thơ trong tác phẩm văn học trước hết gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực tiếp.
Ngô Giang Tiệp nói: “Thơ là tiếng lòng” còn Worthworth thì khẳng đinh: “Thơ từ trái tim đi và trở về với trái tim”. Có thể khẳng định, bản chất giàu cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ quyết định tính chất phong phú về cảm xúc của hình tượng. Chất thơ trước hết là ở tấm lòng nhưng chất thơ cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống muôn màu.
Chất thơ gắn liền với trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng chắp cánh cho tâm hồn bay lên vượt khỏi những giới hạn xác định của một địa điểm và thời điểm cụ thể mà trở về với quá khứ, sống trong ước mơ với tương lai.
Chất thơ cũng gắn liền với cái đẹp. Thơ không phải chỉ nói đến cái đẹp trong cuộc sống mà nói về cuộc sống với một lí tưởng đẹp. Không phải ngẫu nhiên, Etgapô cho rằng: “Cái đẹp là địa hạt hợp pháp của thơ ca”. Còn Bôđơle xem thơ là “ước mong của con người vươn tới một cái cao đẹp cao thượng”.
Toàn bộ những phẩm chất trên hợp thành chất thơ trong sáng tạo của nghệ thuật. Do đó, tuy có nhiều quan niệm khác nhau về chất thơ trong văn học nhưng có thể tổng hợp các ý kiến đó trong cách hiểu sau: “Với trí tưởng tượng phong phú và những rung động sâu xa của tâm hồn, nhà thơ phản ánh hiện thực xã hội và tâm trạng con người thông qua hệ thống những cảm nghĩ và những hình ảnh tiêu biểu cho đời sống trên cơ sở của ngôn ngữ gợi cảm chọn lọc và giàu nhịp điệu”.