HOẠT ĐỘNG CỦA GV&HS
NỘI DUNG CHÍNH
Gv hs hs hiểu về đặc điểm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi.
GV nêu các câu hỏi thảo luận:
-“Chất thơ” có đồng nghĩa vối “thơ” không?
-Khi nói đến “chất thơ” trong “văn xuôi” theo em cần chú ý tới những yếu tố nào?
I. CHẤT THƠ TRONG VĂN XUÔI
1. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi:
– Chất thơ hay còn gọi là “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ.
“Chất thơ” có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa…”(Đỗ Lai Thúy)
– Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc.
– Ở văn xuôi chất thơ có ở trong nhiều cấp độ: từ ngữ; bức tranh thiên nhiên; hình tượng nhân vật vượt lên trên thực tại của đời sống, của hoàn cảnh để hướng đến vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn.
HS lấy ví dụ tác phẩm trong chương trình lớp 11 và 12.
GV cung cấp thêm thông tin: Thơ tuôn chảy không ngừng (chỉ tạm nghỉ ở chỗ ngắt ý, ngắt giọng, ngắt câu thông thường), không bị ràng buộc bởi quy luật số lượng hay vần điệu, nhịp điệu. Nhưng văn xuôi sẽ khai thác mạnh mẽ khả năngmô tả(tạo hình) của ngôn từ, cái khả năng nhờ vào ngữ nghĩa của các từ để − qua liên tưởng − khiến cho người đọc hình dung cụ thể như sờ thấy các sự vật, như tận mắt nom thấy các sự vật, cảnh huống, − một khả năng mà thơ khó có thể sánh kịp.
Thật ra, cũng chỉ gần đây, văn xuôi mới trở thành một nghệ thuật thật sự(1). Người ta cho rằng ở châu Âu, văn xuôi nghệ thuật mới chỉ có từ thời Phục Hưng. Ở nước ta, văn xuôi (văn xuôi thành văn nói chung) trong tiếng Việt mới chỉ có từ đầu thế kỷ XX (như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan mới viết gần đây trên tuần báoVăn nghệsố 10/1982).
-Thông tin 2:
Từ văn xuôi Tản Đà vốn rất gần thể phú − một thể “trung gian” giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi − đến ngôn ngữ củaTố Tâm, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên, ảnh hưởng của phong cách ngôn ngữ thơ vẫn còn khá đậm. Nhưng qua ngôn ngữ các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đến ngôn ngữ văn xuôi của những Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, v.v…, rõ ràng văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt đã đạt đến một độ chín mẩy, đầy đặn, với những vẻ đẹp riêng, không còn thấy những dấu vết ảnh hưởng mạnh của lối tổ chức ngôn ngữ thơ, tuy vẫn có những âm hưởng riêng, tiết tấu và thậm chí nhạc điệu riêng. Trong văn học tiếng Việt ngày nay, ở một chừng mực nhất định, chúng ta còn có thể thấy ảnh hưởng trở lại của ngôn ngữ văn xuôi đối với ngôn ngữ thơ. Chứng cứ là thể thơ tự do đang chiếm ưu thế trong sáng tác của các nhà thơ hiện ở lứa tuổi dưới 50, hoặc thể thơ văn xuôi đang được thể nghiệm trong sáng tác của một số nhà thơ, kể cả một vài nhà thơ lớn tuổi như Chế Lan Viên, Huy Cận
GV chốt ý: Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở trái tim”, là cái nhụy của cuộc sống được chưng cất thành thơ. “Chất thơ” có thể hiểu là chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Còn “Chất thơ trong truyện ngắn” là cái được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn. Đó là những rung động, rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình người. Voltcure đã từng nói: “Thơ là âm điệu của tâm hồn cao cả, đa cảm”. Chỉ nhờ âm nhạc của lòng mình người nghệ sĩ mới có thể truyền cảm xúc đến với người đọc, khơi lên trong tâm hồn độc giả lòng yêu thích con người, quý trọng sự sống. Chính chất thơ làm cho trang văn trở nên tinh tế vút cao, đi vào lòng người đọc một cách mãnh liệt hơn.
VD:
VD1: Chất thơ trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành:
– Hình tượng cây xà nu trong xúc cảm trữ tình mãnh liệt của nhà văn.
Nhà văn đã đem hết bút lực để tả một khu rừng xà nu:
“Rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”
“Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở. Cạnh một câu xà nu ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”
“Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”
Đó là những câu văn đẹp, gợi cảm, tạo một cảnh tượng tuyệt vời, nên thơ, tráng lệ, có sức gây ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Những hình ảnh so sánh độc đáo, kì vĩ nhằm tái hiện một rừng xà nu với vóc dáng đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh dưới ánh nắng…Đọc những đoạn văn tả rừng xà nu, người đọc dễ nhận ra một giọng văn đằm thắm chất trữ tình, khi trầm hùng, khi trang nghiêm, xúc động, khi tha thiết tuôn chảy theo dòng hồi tưởng. Lời văn của “Rừng xà nu” giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, nhiều đoạn văn trau chuốt, mượt óng như ngôn ngữ một bài thơ.
Không phải ngẫu nhiên mà có một câu văn được lặp lại gần y nguyên đến hai lần ở phần mở đầu và kết thúc: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Đó là điệp khúc trầm hùng làm nền cho toàn bộ câu chuyện, để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân.
Cảm hứng chủ yếu của những trang viết về cánh rừng xà nu là cảm hứng ngợi ca. Nguyễn Trung Thành ngợi ca phẩm chất phóng khoáng, hào hiệp, sức sống bất diệt, khao khát tự do của con người Tây Nguyên…
– Khát vọng tự do cháy bỏng của người dân Tây Nguyên:
Chất thơ là một đối cực của thực tại nhưng vút lên từ thực tại. Như vậy, chất thơ cần có một đối cực là thực tại khắc nghiệt. Ngay từ đầu tác phẩm, ta đã thấy làng Xô Man phải đối đầu với những thử thách ác liệt, dữ dội
“…không đêm nào chó của nó và súng của nó không sủa vang cả rừng…Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng: Ai nuôi cộng sản thi coi đó!”
“Nó giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng”
Tác giả đã xây dựng một hệ thống các nhân vật đại diện cho các thế hệ nối tiếp nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Bé Heng. Trong cuộc đối đầu lịch sử đó, người dân Xô Man đã chiến đấu bằng niềm tin, bằng lí tưởng, bằng khát vọng và bằng cả những chân lí đúc kết được từ trong đau thương.
VD: Một phong cách như Nguyễn Tuân, định hình trong thể tùy bút, có thể khiến một số độc giả nào đấy tưởng là phong cách trữ tình, thật ra, lại là một phng cách rất mực văn xuôi. Dĩ nhiên ở các sáng tác của Nguyễn Tuân vẫn có chỗ đứng cho trữ tình, nhưng đó không phải là thành phần chính. Xúc cảm ở văn xuôi Nguyễn Tuân không nống lên rưng rưng (như thường có ở văn xuôi trữ tình) mà thường pha ngang sang chiều tưng tửng, hóm hỉnh, thích nghịch lý, thích cười. Ưa sự kỳ khu, tỉ mỉ, ưa phô diễn đến tận ngành tận ngọn những chi tiết tư liệu chính xác xung quanh một sự việc − đấy là một nét đẹp khác ở văn xuôi Nguyễn Tuân mà ta hoàn toàn có thể gọi là cái đẹp của sự “biết”, của tri thức, của trí tuệ, của sự nhận thức: đó là cặp mắt nhìn đầy ngạc nhiên vào những điều có thật đến thế mà cũng lạ lùng đến thế ở mọi sự trên đời. Thế giới các đồ vật, các sự vật cực kỳ phong phú, đa dạng, được nhìn từ một cặp mắt văn hóa tinh tường, lọc lõi − ấy là cả một thế giới độc đáo của văn xuôi Nguyễn Tuân. Có thể nhận ra chỗ gần gũi bề sâu giữa văn xuôi Nguyễn Tuân với văn xuôi của khá đông các nhà văn xuôi mà ta có thể tạm gọi là các nhà văn xuôi “phong tục”: Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, Nguyên Hồng và Tô Hoài, Kim Lân và Bùi Hiển, v.v… Đây có lẽ là lớp nhà văn đã đưa ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt đến độ chín mẩy, đầy đặn. Chính là với kinh nghiệm của văn xuôi này, ngôn ngữ tiếng Việt đã bộc lộ thêm một khả năng nghệ thuật mới mà nói chung văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn chưa khai thác được. Ấy là ở chỗ ngôn ngữ không chỉ là phương tiện miêu tả của văn xuôi (giống như âm thanh là phương tiện chất liệu của hội họa, v.v…) mà văn xuôi nghệ thuật còn có khả năng miêu tả ngôn ngữ.
GV giúp hs nhận diện chất thơ trong văn xuôi qua các biểu hiện cụ thể.
GV giảng lý thuyết.
HS thực hành.
2.Biểu hiện chất thơ trong văn xuôi
*Về phương diện nội dung:
-Xác định thế giới nhân vật nào là chủ đạo?
-Nhân vật trung tâm được biểu hiện chủ yếu trong cảnh nào/ hay toàn bộ tác phẩm là những cung bậc tâm trạng (không phải là nhwunxg hành động).
-Cả cảnh và tình trong mỗi trang văn đều toát lên một vẻ đẹp rất riêng, giàu tính biểu cảm, gợi nhiều cảm xúc ở người tiếp nhận.
+Thiên nhiên
+ Cuộc sống con người.
*Về phương diện nghệ thuật:
-Tìm hiểu câu văn, cách dùng và tạo ra kiểu câu văn nghue thế nào (Ví dụ: câu văn “Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru,…”. Câu văn có tín hiệu “chiều” rất đặc biệt, nếu chỉ là tín hiệu nghĩa của văn xuôi người ta sẽ chỉ cần một chữ “chiều”, vậy 3 chữ “chiều” xếp đặt cạnh nhau, nó tạo ra chất thơ, nhịp thơ)
-Nghệ thuật chủ đạo của địa hạt thơ đã được sử dụng chủ yếu trong văn xuôi như thế nào? Ở cảnh nào? (Ví dụ: lấy động tả tĩnh, lấy sáng tả tối,… được sử dụng chủ yếu trong truyện Hai đứa trẻ như thế nào?).
-Từ ngữ, giọng điệu, nhịp điệu giàu chất thơ như thế nào?
Gv hd học sinh làm bài tập luyện tập.
Gv hướng dẫn phần giải thích.
Yêu cầu hs bình luận và chọn 1tác phẩm chứng minh
GV hướng dẫn chọn tác phẩm “Chí Phèo” để chứng minh.
II. LUYỆN TẬP
Đề 1.
Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật truyện ngắn là sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt của ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ điện ảnh”. Anh (Chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua truyện ngắn trong chương trình lớp 11 hoặc 12.
Hướng dẫn:
Lđ 1: Giải thích
-Truyện ngắn phải mang dấu ấn của thi pháp thơ ca, đó là cấu trúc chặt chẽ, có tiết tấu, nhịp độ nhanh, chậm, độ căng lớn.
– Đặc điểm của ngôn ngữ điện ảnh:cần chú ý tới nghệ thuật dàn cảnh và nghệ thuật kịch bản của điện ảnh để làm sống động sự việc và nhân vật. Nói cách khác trong truyện phải có yếu tố kịch tính được tạo nên bởi sự triển khai mâu thuẫn, xung đột trong cốt truyện; truyện phải xây dựng được nhân vật chính rõ nét. Để tái hiện mâu thuẫn, xung đột và xây dựng nhân vật, nhà văn phải chọn lọc được những chi tiết đắt giá, có khả năng dựng cảnh để chuẩn bị môi trường trực tiếp cho nhân vật hoạt động và có thể gián tiếp miêu tả tâm lí nhân vật…
=>Ý kiến đề cập về đặc điểm của nghệ thuật viết truyện ngắn, một thể loại văn học rất năng động. Ở đó có thể nhận thấy sự tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau giữa các thể loại văn học làm cho thể loại truyện ngắn trở nên phong phú vừa có chất của thơ ca, vừa có chất của kịch (điện ảnh) nhưng nó không phải là thơ hay kịch (điện ảnh)
Lđ 2. Chứng minh:
*Kết cấu ngắn gọn của “Chí Phèo”
Dù nội dung truyền tải lớn- bức tranh nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám – nhưng tất cả những “giông tố” trong làng Vũ Đại lại chỉ được thể hiện trong một truyện ngắn. Vì vậy, có những sự việc nhà văn chỉ kể lướt, có những nhân vật nhà văn chỉ miêu tả mờ nhạt: Binh Chức, Năm Thọ, bà Ba…
* Nhịp điệu trần thuật “trầm bổng”
Trong truyện “Chí Phèo”, nhịp độ chủ yếu là sự chậm rãi, thong thả vì tác phẩm được kết cấu theo lối hồi cố (hồi tưởng lại cuộc đời Chí Phèo); nhà văn sử dụng bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật (đoạn miêu tả tâm lí Chí Phèo tỉnh rượu ) nhưng cũng có sự kiện, nhà văn Nam Cao rút gọn lại khiến cho nhịp kể trôi qua rất nhanh ( thời gian Chí Phèo sồng 5 ngày bên Thị Nở)
*Yếu tố kịch tính
Yếu tố kịch tính được tạo nên bởi truyện đã phản ánh mâu thuẫn giai cấp rất căng thẳng đến mức không thể điều hòa được: mâu thuẫn giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Cùng với đó là mẫu thuẫn giữa con người và hoàn cảnh sống (Chí Phèo và dư luận, định kiến về Chí Phèo của người dân làng Vũ Đại). Hai mâu thuẫn này khiến Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát.
Hd hs đánh giá:
Về ý kiến, bài học với người cầm bút và người tiếp nhận.
Lđ 3. Đánh giá:
-Ý kiến đúng đắn, khẳng định tính chất đặc trưng của thể loại truyện ngắn, nghệ thuật viết truyện ngắn.
-Bài học với người cầm bút: cần chú trọng lối viết “tảng băng trôi”, hàm ẩn để truyện đảm bảo được tính chất “ngắn”; chú ý những dấu hiệu quan trọng làm nên sức hấp dẫn của truyện là cốt truyện và những chi tiết đặc sắc, đắt giá.
Hd hs lập dàn ý cho đề 2.
GV hướng dẫn hs phát hiện ra vấn đề nghị luận.
Vđ NL: Giải thích được ý nghĩa của nhận định: khẳng định đặc trưng, khả năng của thể loại truyện ngắn: tuy dung lượng nhỏ, thường chỉ viết về một khoảnh khắc (một tình huống, một sự kiện, một lát cắt đời sống), với những yếu tố nhỏ bé, ít ỏi (nhân vật, chi tiết…), nhưng có sức chứa và sức gợi lớn, vừa có khả năng khái quát hiện thực cuộc sống rộng lớn, vừa có khả năng gợi mở, mang chứa chiều sâu không cùng của cõi lòng, tư tưởng con người vfa đặc biệt rất giàu chất thơ.
Đề 2.
Bàn về thể loại truyện ngắn, nhà phê bình Hoàng Phong Tuấn viết:
“Truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc, nhưng là cái khoảnh khắc gợi mở đến vô cùng, là một giọt sương phản chiếu cả bầu trời, là giọt nước mắt mang chứa cả cõi lòng con người.” (“Vợ nhặt” – Chất thơ vút lên từ cái đói và cái chết – Tư liệu Ngữ văn 12 – Tr.184 – NXB Giáo dục, 2008)
Anh (chị) hiểu và suy nghĩ như thế nào về quan niệm trên? Hãy làm sáng tỏ qua việc phân tích truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân).