Da bị cháy nắng là tình trạng phổ biến thường gặp khi da bị phơi nhiễm với tia UV mà không có biện pháp phòng chống, nhất là ở một nước nhiệt đới có nền nhiệt cao như Việt Nam.
Chưa kể, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu ngày nay còn khiến cơ thể con người tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với những bức xạ mặt trời có hại. Nhất là khi tầng ozone bị phá hoại nghiêm trọng.
- Vậy tình trạng cháy nắng ở da là gì? Nguyên nhân do đâu?
- Tình trạng này có tác hại gì? Cách phòng tránh như thế nào?
- Chăm sóc và phục hồi tổn thương da sau cháy nắng ra sao?
Hãy cùng EvaReview tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!
Da bị cháy nắng là gì?
Da bị cháy nắng hoặc bỏng nắng (sunburn) là tình trạng phản ứng viêm của lớp da ngoài cùng khi bị tổn thương do tác động của tia cực tím (tia UV). Khi da bị cháy nắng, sẽ xuất hiện trên da những vùng ửng đỏ, đau và nóng rát khi chạm vào.
Tình trạng này thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi da tiếp xúc với quá nhiều tia cực tím (UV) từ mặt trời hoặc các nguồn sáng nhân tạo khác. Sau khoảng thời gian này, có thể sẽ cần đến vài ngày để giảm triệu chứng cũng như khiến vùng da cháy nắng mờ dần.
Cơ chế hoạt động của da để chống lại các tác động này là bằng quá trình sản sinh sắc tố melanin. Đây là những sắc tố giúp bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời, đồng thời đây cũng là nhân tố khiến da bị tối màu đi khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng.
Ở những người có khả năng sản sinh melanin ít, khả năng được bảo vệ bởi melanin dưới tác động của ánh sáng mặt trời sẽ thấp đi. Điều này dẫn đến tế bào da bị tổn thương, gây nên hiện tượng da sưng đỏ, nóng rát hay thậm chí là phồng rộp.
Tất cả những hiện tượng trên được gọi chung là cháy nắng hay bỏng nắng.
Bên cạnh đó, nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cường độ cao, trong khoảng thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần thậm chí còn dẫn đến những tổn thương da nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là ung thư da cấp tính.
Nguyên nhân gây cháy nắng da
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng cháy nắng da là do không che chắn, bảo vệ da đúng cách dẫn đến phần cơ thể hở ra ngoài khi tiếp xúc với ánh sáng sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của tia cực tím.
Trong ánh sáng mặt trời, có hai loại tia cực tím chính là UVA và UVB, cả hai tia này đều có những tác động tiêu cực khác nhau trên da dẫn đến nhiều hệ lụy như:
- Tia UVA: đây là những bức xạ có bước sóng dài (từ 320 nm đến 400nm) và chiếm phần lớn trong lượng tia UV chiếu vào da (khoảng 95%). Tia này có khả năng xuyên qua lớp thượng bì da, tác động trực tiếp đến cấu trúc nền của da, khiến suy giảm Collagen và Elastin, từ đó dẫn đến tình trạng lão hóa da, nám và tổn thương da nghiêm trọng
- Tia UVB: đây là những bức xạ có bước sóng ngắn (từ 290nm đến 320 nm), tuy tia UVB không nhiều và không có khả năng xuyên qua da nhưng chúng cũng là tác nhân chính gây nên hiện tượng cháy nắng, biến đổi sắc tố da và ung thư da.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khiến da dễ bắt nắng và gặp tình trạng cháy nắng hơn đó là:
- Người có làn da sáng màu, khả năng sản sinh melanin ít do bẩm sinh
- Sinh sống hoặc đến những vùng khí hậu nắng nóng, bức xạ mạnh như những vùng gần xích đạo
- Thường xuyên làm việc, hoạt động ngoài trời, dưới ánh sáng mặt trời
- Sử dụng thuốc, mỹ phẩm khiến làn da dễ bắt nắng
Xem thêm: Tia UV là gì? Tác động của chúng tới da như thế nào?
Dấu hiệu làn da bị cháy nắng
Các dấu hiệu khi da bị cháy nắng thường xuất hiện trong khoảng vài giờ sau khi tiếp xúc với tia cực tím (UVA, UVB) và dấu hiệu này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong khoảng vài ngày (12-24 hoặc hơn).
Những dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Da bị đổi màu, không đều màu hay bị đỏ, rát
- Cảm thấy ấm, nóng khi chạm tay vào
- Đau, sưng nề hoặc ngứa, rát
- Da phồng rộp, xuất hiện bọc nước nhỏ trên da
- Nhức đầu, sốt, buồn nôn và mệt mỏi trong tình trạng nghiêm trọng
Bất kỳ phần da nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đều có nguy cơ gặp phải những tình trạng trên, kể cả là khi đã sử dụng quần áo chống nắng vì tia UVA có thể xuyên qua những chất liệu mỏng.
Trong vòng vài ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, cơ thể bạn cũng đã bắt đầu quá trình tự chữa lành và lúc này có thể xuất hiện những mảng da bong tróc. Khi những mảng da bong tróc hết, da có thể sẽ không đều màu và tình trạng này sẽ được da tự chữa lành trong nhiều ngày sau đó nữa.
Xem thêm: Kem chống nắng tốt nhất giúp ngăn ngừa cháy nắng
Tác hại khi da bị cháy nắng
Tác hại dễ nhận thấy nhất khi bị cháy nắng là sẽ làm da bị tổn thương, sạm đen và tối màu, bên cạnh đó sẽ là cảm giác đau rát, khó chịu và nếu không có cách khắc phục và phòng chống đúng cách. Chúng có thể dẫn tới những tình trạng nghiêm trọng hơn như:
Lão hóa da
Dưới tác động của ta UV, cấu trúc nền của da bị tấn công khiến chúng bị suy giảm lượng Collagen và Elastin, gây nên hiện tượng da nhăn nheo, xuất hiện đốm nâu, khô sạm và mất độ đàn hồi.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu điển hình khác như:
- Xuất hiện nhiều tàn nhang, chủ yếu trên mặt và vai
- Nếp nhăn sâu, da khô ráp, thiếu độ ẩm
- Các đốm sẫm màu xuất hiện trên mặt, mu bàn tay, lưng, vai và ngực
- Những đường gân đỏ xuất hiện trên má, mũi và tai
Tổn thương da tiền ung thư
Tổn thương da tiền ung thư xuất hiện dưới dạng các mảng sần sùi, tróc vảy ở những vùng da tổn thương. Những mảng này được gọi là keratoses hoạt tính (actinic keratoses) và keratoses mặt trời (solar keratoses) và có thể tiến triển thành ung thư da.
Ung thư da
Đây có thể nói là tình trạng nghiêm trọng nhất khi da bị cháy nắng. Các tia UV có thể làm hỏng DNA của tế bào da, làm tăng nguy cơ ung thư da ác tính và chủ yếu phát triển trên những vùng da tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng mặt trời như da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay, chân và lưng.
Tổn thương mắt
Không chỉ da, tia UV cũng có thể khiến giác mạc mắt bị tổn thương. Các tổn thương này bao gồm hỏng võng mạc, thủy tính thể hoặc giác mạc, có thể dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể.
Mắt bị cháy nắng sẽ có cảm giác đau hoặc sạn, tình tràng cháy nắng giác mạc còn được gọi là bệnh mù tuyết.
Xem thêm: Kem chống lão hóa nào tốt nhất giúp hồi phục da
Cách chăm sóc và phục hồi da bị cháy nắng
Tình trạng cháy nắng da được xếp vào mức độ bỏng da cấp độ 1, tuy nhiên nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, chúng có thể gây ra ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe làn da sau này.
Do vậy những biện pháp dưới đây được các chuyên da khuyên dùng để khắc phục tình trạng cháy nắng của da.
Sử dụng thuốc giảm đau
Nếu tình trạng đau rát nghiêm trọng, có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen sodium càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, một số loại còn có dạng gel để bôi ngoài da.
Làm mát da
Làm mát da bằng cách đắp lên vùng da bị ảnh hưởng bằng khăn bông mềm tẩm nước mát. Nếu vùng da rộng hơn hoặc toàn thân, có thể ngâm mình trong nước mát khoảng vài lần trong ngày. Nếu có điều kiện, có thể pha thêm baking soda vào nước để làm mát.
Trong thời gian khác trong ngày, có thể sử dụng thêm kem hoặc gel dưỡng ẩm để làm dịu da, làm dịu tình trạng viêm cũng như làm mát và bổ sung độ ẩm cho da. Một số sản phẩm gel hoặc kem dưỡng ẩm có tinh chất lô hội cũng được đánh giá cao trong trường hợp này.
Có thể bạn quan tâm: Gel dưỡng ẩm nào tốt nhất hiện nay?
Uống nhiều nước
Tình trạng cháy nắng cũng gây nên tình trạng mất nước nghiêm trọng trong cơ thể, do vậy hãy bổ sung nước nhiều hơn. Bên cạnh đó cũng có thể bổ sung nước có chứa nhiều loại vitamin như Vitamin C, A, E từ trái cây tự nhiên như nước ép hoa quả (cam, chanh, bưởi .. ) để tăng sức đề kháng cũng như hiệu quả giảm viêm, hồi phục da.
Thận trọng với vùng da cháy nắng
Nếu vùng da cháy nắng bị phồng rộp, tuyệt đối không tác động tới chúng mà chỉ rửa nhẹ bên ngoài. Nếu phồng rộp bị vỡ, hãy rửa với nước sạch và bôi kháng sinh, băng lại bằng gạc thoáng.
Trong những ngày tiếp theo, da có thể sẽ tiếp tục bong tróc, lúc này có thể bổ sung kem hoặc gel dưỡng ẩm và để cho da tự phục hồi tổn thương.
Bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời
Khi da đang tổn thương và cơ thể đang dần phục hồi, tránh tiếp xúc thêm với ánh sáng mặt trời vì có thể khiến mất khả năng phục hồi và tình trạng cháy nắng nghiêm trọng hơn.
Nếu cấp bách phải ra ngoài, hãy lựa chọn thời điểm ánh sáng yếu vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Che chắn cơ thể bằng trang phục dày dặn, thoáng khí, rộng rãi và dễ chịu khi ra ngoài. Tránh mặc những đồ len hoặc da vì chúng dễ bắt nắng và hấp thụ nhiệt.
Biện pháp ngăn ngừa cháy nắng da
Các biện pháp ngăn ngừa da bị cháy nắng hữu hiệu nhất chính là hạn chế khả năng tiếp xúc của da với ánh sáng mặt trời, những phương pháp đơn giản và thông dụng nhất bao gồm.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng – 4h chiều, đây là thời điểm bức xạ mặt trời ở mức cao nhất, có tác động rất tiêu cực tới làn da
- Sử dụng trang phục để chống nắng dày dặn, thoáng khí và rộng rãi, không được bỏ qua mũ rộng vành hoặc kính râm để bảo vệ da mặt và mắt
- Sử dụng kem chống nắng có chất lượng tốt, bảo vệ phổ rộng và có chỉ số SPF, PA cao
- Bổ sung đầy đủ nước, tích cực sử dụng nước trái cây có nhiều Vitamin A, E, C để tăng cường sức đề kháng nói chung
- Nếu phải sử dụng những loại thuốc hoặc mỹ phẩm có khả năng tăng độ nhạy sáng của da, nên tham khảo ý kiến bác sỹ
Lưu ý: Một số lời khuyên về sử dụng thuốc để điều trị tình trạng cháy nắng trong bài viết này bạn chỉ nên tham khảo. Tốt nhất là liên hệ với bác sỹ để có chuẩn đoán và phương hướng điều trị chính xác nhất.
Nguồn tham khảo