Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu sau khi sinh, nhất là sinh mổ là rất cần thiết vì đây là giai đoạn sản phụ cần bổ sung dinh dưỡng giúp tăng lượng sữa mẹ cho bé bú cũng như việc ăn đủ chất là điều kiện thiết yếu để giúp sức khỏe mẹ nhanh phục hồi, chống thiếu máu và giúp vết mổ mau lành.
1. Các giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật
1.1. Giai đoạn đầu: từ ngày 1 – 2 Sau mổ
Giai đoạn này vẫn còn ảnh hưởng của thuốc mê nên nhiệt độ cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa cần nhiều nitơ, kali, làm cân bằng nitơ, kali âm tính dẫn đến liệt ruột, bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi và bị trướng hơi.
1.2. Giai đoạn giữa: từ ngày 3 – 5 sau mổ
Thông thường đến thời điểm này nhu động ruột đã hoạt động bình thường trở lại, bệnh nhân đã có thể trung tiện. Bệnh nhân tỉnh táo hơn, có cảm giác đói nhưng vẫn chưa muốn ăn.
1.3. Giai đoạn hồi phục: Từ ngày 6 sau mổ
Đến giai đoạn này bệnh nhân đã có thể đại, tiểu tiện bình thường, hàm lượng kali máu dần trở lại bình thường. Vết mổ đã khô và liền. Bệnh nhân có cảm giác đói, người nhà có thể cho họ ăn tăng lượng để phục hồi dinh dưỡng nhanh.
2. Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ sinh mổ theo từng giai đoạn
Trừ một số trường hợp có tổn thương hệ tiêu hóa (phẫu thuật viên sẽ có chỉ định chế độ dinh dưỡng đặc biệt ), các bệnh nhân sau mổ phụ khoa có chế độ ăn như sau:
2.1. Giai đoạn đầu
Trước đây, ở giai đoạn đầu sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải trung tiện được thì mới bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hóa. Hiện nay, các chuyên gia đã chứng minh rằng việc cho bệnh nhân ăn muộn là không có lợi. Đời sống của tế bào ruột khá ngắn, khoảng hơn 24 giờ, vì thế, nếu đường ruột không được ăn sớm thì các tế bào này sẽ có thể bị hoại tử và hệ vi khuẩn đường ruột sẽ thẩm lậu qua ruột vào máu. Các nhà khoa học đã tiến hành việc nuôi dưỡng sớm bằng đường tiêu hóa ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí giờ thứ 8 sau phẫu thuật và kết quả mang lại rất tốt.
Giai đoạn này bệnh nhân chưa ăn được. Chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid đảm bảo đủ lượng calo cần thiết cho nuôi dưỡng cơ thể, làm giảm giáng hóa protein. Có thể truyền tĩnh mạch các loại dịch glucoza 5%, glucoza 30%, NaCl 90/oo, KCl 1 hoặc 2 ống. Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị chướng bụng thì không nên cho uống. Nên cho uống một ít ( 50 ml cách nhau 1 giờ ) nước đường nước luộc rau, nước quả. Có thể truyền plasma, máu. Cần xét nghiệm tỷ lệ kali, dự trữ kiềm, NaCl, nitơ máu để chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp.
2.2. Giai đoạn giữa (ngày thứ 3 – 5)
Cho ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch. Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500 Kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 – 2 ngày tăng thêm 250 – 500 Kcal cho đến khi đạt 2000 Kcal/ ngày. Cho ăn sữa. Nên dùng dưới dạng sữa pha nước cháo. Nên dùng sữa bột đã loại bơ, dùng sữa đậu nành. Cho ăn làm nhiều bữa (4 – 6 bữa). Vì bệnh nhân còn đang chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn
- Có thể dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không dùng được sữa
- Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh ….
- Ăn thức ăn mềm hạn chế thức ăn có xơ.
2.3. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn này vết mổ đã liền, bệnh nhân đã đỡ. Vì vậy chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Đây là chế độ ăn nhiều protein và calo. Protein có thể tới 120 – 150g/ ngày và năng lượng có thể tới 2500 kcal – 3000 kcal/ ngày. Khẩu phần này phải được chia thành nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa/ ngày hoặc hơn) Dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.
Tăng cường cho bệnh nhân ăn các món chứa nhiều đạm như sữa, trứng, thịt, cá, sữa chua, phô mai,…các món chứa nhiều vitamin và khoáng chất như trái cây (cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi…) rau xanh, đậu đỗ, cà rốt, đu đủ, bí đỏ, khoai lang…để tránh táo bón, giúp nhanh lành vết mổ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
Bên cạnh đó cũng nên uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày để bù lại lượng nước đã mất và giúp bài trừ hết độc tố của thuốc men ra khỏi cơ thể.
Một số người quan niệm, sau mổ nếu ăn thịt chim, thịt gà thì vết mổ mưng mủ, ngứa, nhức; ăn hải sản, rau muống sẽ bị sẹo lồi; ăn thịt bò sẹo sẽ bị thâm; ăn trứng vết sẹo bị loang màu… Đây là quan điểm sai lầm. Cho đến nay chưa có một công trình khoa học nào chứng minh rằng, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, hải sản… là nguyên nhân gây sẹo lồi, ngứa, vết mổ thâm, loang màu,.. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà quá trình liền sẹo sẽ khác nhau, tuy nhiên nếu kiêng khem quá mức sẽ làm cơ thể suy kiệt không đủ sức đề kháng để lành vết thương, hồi phục sức khỏe, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu.
Ngoài cung cấp chế độ dinh dưỡng phong phú, đủ chất thì việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như giữ cho vết thương luôn khô, sạch sẽ sẽ giúp quá trình hồi phục sức khỏe và sự lành vết thương diễn ra nhanh chóng hơn.
Thấu hiểu được nỗi nỗi lo đau đớn khi sinh nở, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp chương trình Thai sản trọn gói với dịch vụ “đẻ không đau” trọn vẹn trong khi sinh và sau khi sinh bằng kỹ thuật gây tê màng cứng không morphin và gây tê thần kinh thẹn. Trong suốt quá trình sinh, sản phụ sẽ được các hộ lý hướng dẫn cách rặn đẻ và thở đúng cách, bé sẽ chào đời chỉ trong 10 – 15 phút. Sau khi sinh, bé sẽ được chăm sóc trong phòng vô trùng trước khi được đưa trở về với mẹ.
Sản phụ sẽ được nghỉ ngơi tại phòng bệnh cao cấp, được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn quốc tế, 1 mẹ 1 phòng với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, hiện đại, thoái mái như ở nhà. Mẹ sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn phương pháp nuôi dưỡng bé trước khi xuất viện. Tái khám sau sinh với cả mẹ và bé với các bác sĩ Sản khoa và Nhi khoa hàng đầu.
Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!