, Trồng và Chăm sóc Tiêu,
Bạn Đỗ Trường Sơn ở Bù Đăng, Bình Phước viết lại kinh nghiệm ươm tiêu lươn của mình để chia sẻ với cộng đồng. Nhận thấy cách làm của bạn khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả nên Giatieu.com mong bà con trồng tiêu tham khảo.
Thân chào bà con và các bạn !
Thời gian qua giatieu.com đã chuyển đến bà con một số cách nhân giống cây hồ tiêu rất hiệu quả, sáng tạo. Nhưng khi trồng đại trà bà con thường chọn cách trồng tiêu ác trực tiếp hoặc ươm tiêu lươn trong bầu đất. Riêng tôi muốn chia sẻ cùng bà con phương pháp ươm tiêu lươn trong bầu đất mà tôi đã thực hiện nhiều năm qua.
Bản thân tôi không dám nhận mình là người ươm tiêu chuyên nghiệp, nhưng tôi đã tự tay ươm tiêu để trồng trong vườn nhà từ rất lâu. Tôi cũng biết đây là việc làm không mới, nhưng tôi muốn chia sẻ cùng bà con chưa biết ươm hoặc đã ươm nhưng tỉ lệ bầu sống chưa cao. Tôi vừa làm, vừa chụp ảnh và ghi chép tỷ mỷ để bà con cùng làm . Chúc bà con thành công !
I .Làm vườn ươm :
Bà con chọn mảnh đất bằng phẳng, gần nguồn nước, tiện đường vận chuyển, dùng vật liệu tre, nứa, gỗ… làm vườn ươm. Chiều cao khoảng 2,2 m, dài, rộng tùy theo nhu cầu cần ươm. Mua lưới chuyên dùng (loại 1 kg đo được khoảng 20 m2), che hướng đông nam. Trên mái 2 lớp, các hướng còn lại che 1 lớp,( che nắng và gió ). Nên làm cửa ra vào. Nếu làm với diện tích lớn nên thiết kế giàn phun nước tự động để tiết kiệm công tưới sau này.
2. Bầu ươm :
Túi nilon dùng để làm bầu ươm tiêu là loại cở 12cm x 22cm, lấy đinh 10 đục 4 lỗ dưới đáy, 4 lỗ giữa bịch (đục xuyên qua), bầu ươm sẽ có 16 lỗ, đảm bảo đủ để thoát nước tốt. Nếu không làm kỹ khâu này tiêu sẽ bị thối hom vì úng, cho dù có thể đã ra rễ và ra đọt có được vài lá non.
3. Làm đất :
Loading…
Đất dùng để vào bầu ươm là loại đất mặt giàu chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không lấy đất ở gần các trụ tiêu hay các cây trồng khác đã chết, không lẫn lộn xác bả hữu cơ chưa phân hũy, nhất là lá, rễ tiêu.
Có điều kiện thì trộn thêm xơ dừa, tro trấu … với tỷ lệ 30-50%. Bình thường như tôi đã làm thì chỉ cần 4 xe rùa đất + 15 kg lân vi sinh + nấm Trichoderma + 10% xác bã thực vật + phân sinh học Amino. Trộn đều và ủ trước ít nhất 15 -20 ngày trước khi vào bầu ươm.
4. Chọn giống :
Chọn hom từ những trụ tiêu tơ xanh tốt, lấy lươn thòng hoặc lươn gốc 1 năm tuổi. Nếu của nhà không có thì mua ở vùng tiêu chưa bị bệnh (ngày trước tôi về Gia Lào, Long Khánh mua 30.000 đ/kg tiêu lươn). Chọn những dây lươn mập, không chứa mầm bệnh (để xác định tiêu không nhiễm bệnh thì áp dụng phương pháp làm bẫy bào tử, vô Google : “dịch hại trên cây hồ tiêu” –video, để tham khảo thêm).
5. Ươm hom tiêu :
Tiêu lươn khi mang về dùng tay vặt ngược bỏ lá, bỏ cuống lá (vì khi ươm cuống sẽ bị thối và dễ lây qua bầu tiêu) dùng kéo bén cắt lấy 3-4 mắt (nên quay lưỡi kéo bén về phần ngọn, làm thế để phần hom được cắm xuống đất không bị dập ),. Nếu mắt nào dài thì ta cắt xích lên gần mắt ngọn, đảm bảo có hai mắt hom nằm chìm trong bầu đất. Không lấy hom quá non. Bà con phân hom tiêu già và hom non riêng ra, nhúng cả hai vào thuốc siêu ra rễ trong 10 phút rồi lấy ra chuẩn bị vô bầu hoặc đem giâm.
–Cách I :
Cho đất đã trộn vô 1/3 bầu, cắm 2 hom già và 1 hom non vào. Không để cho các hom chạm vào nhau, hom non tỉ lệ sống không cao nhưng bỏ thì tiếc, làm như vậy để bầu ươm lên tối thiểu được 2 dây). Rồi cho đất vô đầy bầu, nén nhẹ (không được chặt quá), xếp vào luống , hàng ngang 6-8 bầu, chiều dài tùy theo vườn ươm (để thoát nước tốt bà con nên xếp thưa). Nên chừa lối đi rộng rãi để sau này còn ngồi nhổ cỏ không bị vướng vào luống tiêu. Tưới cho bầu tiêu vừa đủ ướt. Dùng lưới che mái gấp làm hai rồi phủ lên mặt luống, đến khi tiêu non nhú đọt được 1-2 cm thì mới gỡ ra. Vì mùa này là mùa nắng, ngày nóng đêm lạnh, trời khô và nhiều gió nên cách làm này nhằm để giữ ấm, giữ ẩm và chống nóng cho tiêu non. Theo tôi, bước này là bước quan trọng nhất, cần chu ý.
-Cách II :
Chuẩn bị vườn giâm hom là một mảnh đất trống cuốc thành liếp rộng 2m, dài tùy theo số lượng cần giâm. Tưới nước sơ qua, xới đất sâu khoản 20cm thật tơi. San đất thật bằng phẳng. Bắt đầu từ đầu liếp xẻ một rãnh ngang sâu 15cm, rồi rải hom đã chuẩn bị vào rãnh. Để hom nghiêng 45o, không cho hom chồng lên nhau, lấp đất lại, cách 20cm xẻ một rãnh. Sau khi rải hết hom, dùng lưới làm vườn ươm gấp đôi rồi phủ lên liếp. Dùng cọc tre cắm 4 góc (nhiều hơn càng tốt) để giữ chặt lưới sát với hom, khỏi bị gió thổi bay. Tưới nước ngày 1 lần giữ ẩm, không tưới nhiều để tránh bị úng. Khoảng 1 tháng sau, những hom tiêu đã có chồi non lên được 1-2cm, nhổ lên để cấy vào bầu. Lấy 2 hom có rễ và 1 hom chưa rễ cấy vô một bầu như trên, cách này tỉ lệ sống và phát triển rất cao, trên 95%.
6. Chăm sóc :
-Tưới nước ngày hai lần sáng và chiều, tưới vừa đủ, không tưới tràn.
-Nhổ khi cỏ còn nhỏ, chú ý cẩn thận vì dễ làm gãy đọt tiêu non.
-Không di dời làm động bầu tiêu vì cây và rễ tiêu còn non nên dễ bị ảnh hưởng. Khi vận chuyển đưa đi trồng thì cũng cần phải nhẹ nhàng.
-Khi tiêu được 2 – 3 lá, dùng phân bón lá phun 10 ngày một lần (loại có hàm lượng lân cao nhằm kích thích rễ).
-Trong thời gian nuôi tiêu trong bầu đất, nếu cảm thấy tiêu con thiếu dinh dưỡng thì có thể bổ sung thêm phân bón gốc NPK (ngâm, hòa nước tưới gốc) hoặc tưới phân sinh học và phân bón lá xen kẻ nhau càng tốt.
-Khoảng 20 ngày trước khi trồng, ngưng phun phân bón lá, gỡ bớt một lớp lưới ở trên mái và hướng đông nam ra nhằm tập cho tiêu quen dần với nắng gắt.
Tôi là một nông dân chân lấm tay bùn, ngày ngày lên nương rẫy bới đất nhặt cỏ mưu cầu cuộc sống cho bản thân và gia đình nên không có thời gian nghiên cứu sâu, chỉ có thể chia sẻ cùng bà con những gì tôi đã làm theo kinh nghiệm của một nông dân cần cù quen làm.
Kính chúc cộng đồng giatieu.com sức khỏe, thành công và hạnh phúc !
* Đỗ Trường Sơn, Thọ Sơn – Bù Đăng – BP
Giatieu.com