Chiêu trò của nhóm “bảo kê”, “xã hội đen” và sự vô cảm của người có trách nhiệm

Không từ thủ đoạn nào để “ăn chặn” ngư dân

Sau khi có chủ trương chấp thuận đầu tư xây dựng cảng Phước Thịnh, mọi hoạt động ở cảng này trong thời gian qua đều do ông Phan Sinh Thành (biệt danh Thành Sứt) và một số người thân của ông Thành trực tiếp quán xuyến. Mặc dù cảng đang trong quá trình xây dựng nhưng những đối tượng này đã lợi dụng “mác” cảng để ép ngư dân và các chủ tàu phải vào để thu lợi bất chính, với số tiền “khủng” bằng nhiều chiêu trò.

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Tàu của đội quân ông Thành luôn hoạt động trên biển chăn dắt, ép tàu, thuyền của ngư dân vào cảng lậu Phước Thịnh để thu tiền “bảo kê”

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Phản ánh với phóng viên, nhiều chủ tàu ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhằm có nguồn hải sản để cung cấp cho các nhà hàng và xuất khẩu đi nước ngoài, họ đã bỏ vốn ra cho bà con mượn để sắm tàu, thuyền, các ngư lưới cụ lặn bắt sò, tôm, cua ở vùng biển cảng Hòn La và Đá Nhảy. Sau khi bà con đánh bắt được thì họ mua lại với giá thị trường cho bà con, nhằm tạo công ăn việc làm, giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn đầu tư. Tuy nhiên để được vào vùng biển nói trên đánh bắt, các ngư dân và chủ tàu phải “xin phép” ông Thành. Khi được ông Thành đồng ý thì mới dám vào vùng biển này để lặn bắt sò, và tất nhiên kèm theo điều kiện là nộp tiền “cắt phẩy” hoặc phải bán lại cho ông Thành với giá rẻ mạt.

Ngư dân sau khi nhận tàu, thuyền của các chủ hàng và trầm mình dưới đáy biển sâu trên chục mét để bắt sò. Mỗi ngày có hàng giờ đánh vật với sóng nước đầy nguy hiểm, tất cả các tàu đánh bắt nơi đây đều phải vào cảng lậu Phước Thịnh để cân lên bán cho chủ tàu, mà không thể cập bến nào khác được. Tại đây, trong khi cân hàng bàn giao giữa người lặn và chủ tàu thì có đội quân của ông Thành đi theo giám sát và thu tiền của chủ tàu từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Chủ hàng cũng không thể đi thu mua ở nơi khác được vì toàn bộ tàu thuyền vào đây đánh bắt đều bị đội quân của ông Thành luôn chăn dắt và uy hiếp, ép phải vào cảng Phước Thịnh.

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Đội quân của ông Thành (dấu x màu gạch) luôn bám sát theo dõi khối lượng bàn giao giữa ngư dân và chủ tàu để thu tiền “bảo kê” với mức thu từ 3.000 – 5.000 đồng/kg

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”, Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Chị T. ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi bức xúc lắm, tôm cá ở biển là của chung, nhưng khi vào lặn bắt thì phải xin ông Thành và phải nộp tiền bảo kê, nếu không nộp thì họ uy hiếp, đe dọa đánh đập, cắt ống khi lặn. Người dân đã khổ cực, vay vốn để sắm tàu thuyền kiếm miếng cơm mà nộp mỗi tấn hàng 5 triệu đồng rồi thì còn đâu lời lãi nữa”?.

“Vào lặn bắt sò phải xin ông Thành và nộp tiền “luật” từ 3.000 – 5.000 đồng/kg (tùy thời điểm) thì mới dám lặn chứ không thì ai dám làm. Mình không đóng thì họ đe dọa, uy hiếp, mình đang lặn họ chạy tàu qua cắt ống thở thì chết dưới nước làm sao cứu kịp. Mình chết rồi ai nuôi vợ con, thôi đành chấp nhận chịu thiệt để lặn kiếm bát cơm cho con ăn học”, một ngư dân xã Lộc Hà, Hà Tĩnh bức xúc nói.

Đặc biệt, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng trong nước đóng cửa, sản phẩm không xuất đi được nước ngoài nên các chủ hàng chuyển qua thu mua để nuôi. Nhưng sò của các tàu sau khi lặn lên bị ép phải vào cảng Phước Thịnh để bán lại cho ông Thành với giá 25.000 đồng/kg, sau đó ông Thành bán lại cho chính những chủ hàng đã đầu tư vốn cho tàu đi lặn để mua lại, với giá 50.000 đồng/kg?

Ông Nguyễn X.T, ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bức xúc: “Bà con không có điều kiện, mình bỏ vốn ra cho bà con mượn sắm tàu, thuyền, xăng dầu các thứ để đi đánh bắt rồi mình mua lại để tiêu thụ, coi như hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng khi mình vào thu mua của chính tàu mình đầu tư cũng phải qua ông Thành. Trước đây thì họ lấy “phẩy” thôi, nhưng đợt gần đây sau khi tàu của mình lặn lên thì đội ông Thành bắt phải bán lại cho họ một cân sò 25.000 đồng, rồi họ lại bán lại cho mình một cân 50.000 đồng. Tàu mình đầu tư cho bà con đi lặn để mình mua lại nhưng hắn lại chèn ép, lấy của tàu mình bán cho mình với giá gấp đôi thế mới ác chứ”!

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Ngư dân càng vất vả, cố gắng để có nhiều sò thì nguồn thu bất chính của các đối tượng “bảo kê” nơi đây càng cao

Qua quan sát thực tế và thông tin mà các chủ thu mua hải sản tại đây cung cấp, mỗi ngày có từ 120 đến 150 tàu, thuyền của khoảng 50 chủ hàng các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và tàu thuyền của người dân ven biển các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) vào đánh bắt và phải cập cảng lậu cống nộp tiền bảo kê cho đội quân của ông Thành. Số lượng thu mua hải sản mỗi ngày của một chủ hàng phải từ 3 tạ đến 3 tấn, thậm chí có ngày lên đến 5 tấn.Vì thế số tiền “bảo kê” mà đội quân của ông Thành thu vào theo người dân cho biết phải hàng chục triệu, thậm chí thu đến 200 triệu đồng/ngày, khi ngư dân trúng mẻ lớn.

Không chỉ thu tiền “phẩy” theo đầu kg hải sản đánh bắt của người dân, các đối tượng nơi đây còn ép các tàu, thuyền khác phải cập cảng của mình để bán đồ dùng thiết yếu như nước uống, mì tôm, xăng dầu với giá cắt cổ. Nếu phát hiện tàu nào mua nước nơi khác hoặc mang ngoài vào sẽ bị đánh đập dằn mặt, khiến nhiều người bức xúc.

Trưởng Công an huyện Quảng Trạch không hiểu “bảo kê” là gì!?

Sự việc “bảo kê” tàu, thuyền để thu lợi bất chính đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đặc biệt từ đầu tháng 6/2021, các đối tượng “tận thu” của người dân một cách sát ván và trắng trợn. Người dân đã làm đơn cầu cứu gửi cơ quan báo chí và các cấp chính quyền.

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Quá bức xúc, ngư dân và các chủ tàu đã làm đơn tố cáo hành vi ép tàu thuyền vào cảng để thu tiền “bảo kê” của Nguyễn Sinh Thành

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”, "xã hội đen" và sự vô cảm của người có trách nhiệm

Với mong muốn góp tiếng nói bảo vệ ngư dân “thấp cổ bé họng” , phóng viên Tạp chí Ngày mới online, Tạp chí Người cao tuổi đã đem thông tin này phản ánh đến Công an huyện Quảng Trạch. Sau khi nghe phóng viên trình bày sự việc ông Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an đã có những phát ngôn theo phóng viên là hơi “kỳ lạ” (!?). Phóng viên đặt vấn đề về nạn “bảo kê” tàu thuyền của một số đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở vùng biển Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch thời gian qua, ông có nắm được không? Thì ông Sơn trả lời không hiểu “bảo kê” và “xã hội đen” là gì!?. Sau khi trả lời vô cảm, ông Sơn cho rằng: “Cảng này nó nằm trong khu vực thuộc quản lý của Bộ đội Biên phòng và Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình, nên anh tự đi mà tìm hiểu. Vấn đề anh đặt ra tôi không hiểu “bảo kê” là cái gì, “xã hội đen” là thế nào? Chúng tôi làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng, là chỉ có người phạm tội và người không phạm tội. Còn như anh nói “xã hội đen” và “bảo kê” thì luật pháp có từ nào giải thích “bảo kê” không, trong luật có quy định cho xã hội đen không? Tôi nói với anh là trên cương vị luật pháp”.

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Trụ sở Công an huyện Quảng Trạch

Do ông Trưởng Công an huyện không biết “bảo kê”, “xã hội đen” là gì nên phóng viên nêu, người dân ở 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh phản ánh cũng như phóng viên chứng kiến, hiện một số đối tượng ở cảng Phước Thịnh có hành vi đe dọa, uy hiếp và bắt ngư dân các tàu thuyền phải vào cảng để thu tiền bất hợp pháp, gây mất an ninh trật tự, ông có nắm được không? Mặc dù lúc này hiểu được nội dung và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhưng vị Trưởng huyện Quảng Trạch từ chối trả lời và nói rằng: “Muốn cung cấp, tìm hiểu thông tin thì tự viết ra nơi giấy, và phải có văn bản, còn anh đến làm việc thì tôi không làm việc với anh. Trưởng Công an huyện muốn làm việc với các nhà báo phải xin ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh”.

Trong quá trình thâm nhập thực tế điều tra đường dây “bảo kê”, ngang nhiên thu tiền của ngư dân, phóng viên bị một số đối tượng trên địa bàn huyện Quảng Trạch hung hãn cầm dao, kiếm tấn công, đánh đập, có hành vi đe dọa đến sự an toàn đối với tính mạng và tài sản. Nên khi đến làm việc tại Công an huyện Quảng Trạch, phóng viên đề xuất được đưa phương tiện vào phía trong khuôn viên của Công an để đảm bảo an toàn, tránh sự gây hấn của các đối tượng nói trên. Nhưng Công an huyện Quảng Trạch nhất quyết không cho đưa vào, với lý do “đưa phương tiện vào trong sân trụ sở Công an chưa chắc an toàn hơn ở ngoài”!?.

Chiêu trò của nhóm “bảo kê”,

Khuôn viên, trụ sở Công an huyện nhưng ông Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Quảng Trạch lại nói với phóng viên rằng chưa chắc đảm bảo an ninh hơn ở ngoài?!

Tiếp tục đem những phản ánh của người dân đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, tại đây, ông Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình luôn tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự các tuyến biên giới theo đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn. Và với tuyến biên giới biển thuộc cảng Hòn La thì có Đồn Biên phòng Roòn trực tiếp phụ trách quản lý thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, thông tin về nạn bảo kê tàu, thuyền để thu lợi bất chính của một số đối tượng thì phía Biên phòng vẫn chưa nắm được?.

Nằm ở tuyến biên giới biển, cảng Phước Thịnh chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Ban Quản lý khu kinh tế… Nhưng trong thời gian dài cảng này ngang nhiên hoạt động trái phép, một số đối tượng lợi dụng ép dân thu tiền bất hợp pháp, ăn chặn trên “xương máu” của ngư dân nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Không lẽ hoài nghi của dư luận rằng có sự làm ngơ, dung túng của lực lượng chức năng để một số đối tượng ngang nhiên hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “bảo kê” thu tiền người dân trong suốt thời gian qua lại là sự thật? Đề nghị tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng cấp cao vào cuộc điều tra xử lý nghiêm, làm sáng tỏ sự thật đảm bảo an ninh trật tự và quyền lợi hợp pháp của ngư dân để lấy lại niềm tin nơi dân.

Bảo kê: Theo từ điển tiếng Việt, bảo kê được hiểu là hành vi sử dụng vũ lực hoặc lợi dụng vị thế, quyền lực để bảo trợ cho hoạt động kinh doanh, làm ăn hoặc đảm bảo quyền lợi bất hợp pháp của một người, một nhóm người, với động cơ và mục đích vụ lợi. Nhưng trên thực tế, kể cả những hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật đôi khi vẫn phải nộp tiền bảo kê.

Những người bảo kê thường là các đối tượng trong giới giang hồ (trong đó có không ít đối tượng có tiền án, tiền sự), dám đâm thuê chém mướn… nên đa số nạn nhân do sợ hãi mà chịu đựng, không dám phản kháng.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin!

Bài 1: Côn đồ lộng hành, hung hãn cầm kiếm chém ngư dân Bài 1: Côn đồ lộng hành, hung hãn cầm kiếm chém ngư dân

Người dân phải vất vả mưu sinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi phải lặn sâu hàng chục mét nước để bắt từng …

Rate this post

Viết một bình luận