Chim Chào mào – Cách nhận biết, nuôi chim khỏe

Chim Chào mào là một trong những loại chim yêu thích được nuôi làm chim cảnh, chúng có giọng hót thánh thót, ngoại hình đẹp và khá dễ nuôi.

1. Nguồn gốc của Chim chào mào

Chào mào là một loài chim thuộc bộ Sẻ, họ Chào mào, danh pháp là Pycnonotus Jocosus, tên tiếng Anh là Red-whiskered. Loài chim này được nhà tự nhiên học người Thụy Điển tên là Carl Linnaeus mô tả chính thức vào năm 1758 trong ấn bản thứ mười của cuốn sách Systema Naturae. Chúng có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới ở khắp châu Á và thức ăn của loài chim này chủ yếu là côn trùng và hoa quả chín… Theo thống kê, trên thế giới có tổng cộng hơn 149 loài.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 1

Tại Việt Nam, chim Chào mào được những người nuôi chim cảnh rất ưa chuộng bởi chúng dễ nuôi, hót hay cả ngày và thân thiện. Các tên gọi khác của loài chim này như: Chóp Mào, Hoành Hoạch Mồng, Chóp Mũ Đỏ, Đít Đỏ nhưng tên thông dụng nhất vẫn là Chào Mào.

Đặc điểm ngoại hình của chim Chào mào

1. Kích thước

Chim Chào mào có kích thước nhỏ. Khi trưởng thành, loài chim này có chiều dài toàn thân từ 17 đến 23cm và nặng khoảng 60 – 80 gram.

2. Hình dáng

Đặc điểm nổi bật dễ nhận biết nhất của chim Chào mào chính là phần tai màu đỏ, hai má màu trắng, cùng với đó là cái mào luôn dựng đứng.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 2

Phần đầu

Phần đầu khá nhỏ, màu đen. Có mào nhọn dựng đứng trên đỉnh đầu. Chúng có đôi mắt tròn màu nâu đen, có viền nhỏ quanh mắt. Mỏ thon nhọn và có khía, phía 2 bên mép của mỏ, gần với mắt có mọc râu khoảng 3 đến 5 sợi. Lỗ mũi của chúng có hình bầu dục.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 3

Mào của chim

Tên gọi của loài chim này cũng đã phản ánh điểm đặc biệt và cực kỳ nổi bật của chúng so với những loài chim khác, đó chính là chiếc mào luôn dựng đứng. Đây là bộ phận đặc biệt được người nuôi chim yêu thích.

Mào của chim Chào mào được cấu tạo từ những chiếc lông mềm. Thông thường mào của chim chia làm 3 loại cơ bản: Mào lân, mào đinh và mào cui.

– Mào lân: Dòng này khá hiếm, khó tìm và giá bán cũng khá cao. Đặc điểm của chim Chào mào lân là mào luôn dựng đứng về phía trước. Khi thi đấu chúng rất lì và không sợ chim đối thủ bao giờ. Nếu chọn được những chú lân đầu bi thì càng tuyệt vời hơn.

– Mào đinh: Chào mào mào đinh siêng hót, mau mỏ nhưng lại dễ mất bình tĩnh trước đối phương.

– Mào cui hay Chào mào mòng cui: Những chú chim Chào mào này có đặc điểm là mỏ mỏng, ngắn, có bản tính lì lợm và bản lĩnh, được người chơi chim ưa thích vì chúng thường có dáng đẹp và hót hay.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 4

Phần thân

Thân hình thuôn dài và khá đầy đặn, phần lưng thẳng, bụng hơi phệ, cổ to và ngắn. Chân nhỏ có màu đen gồm 4 chi, trong đó 3 chi trước và 1 chi sau. Các chi có phần móng dài sắc nhọn có móng sắc nhọn giúp chúng bám vào các cành cây. Cách của chim Chào mào khá dài, sải cánh rộng, khi đậu thường khép sát thân và đuôi cánh hơi chéo vào nhau.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 5

3. Bộ lông và màu sắc của chim Chào mào

Chào mào có lông đuôi và lông cánh khá cứng và dài. Lông đuôi được xòe rộng để giảm tốc độ bay khi chim hạ cánh. Phần lông phần cổ, bụng mềm mượt.

Phần lưng và cánh, đuôi Chào mào có màu nâu đen. Riêng phần gốc của lông đuôi ở phía mặt dưới có màu đỏ cam, mặt dưới lông đuôi phần ngọn có đầu trắng. Lông bụng và cổ có màu trắng. Hai bên mặt có vệt lông đỏ và trắng rất độc đáo.

Tập tính của chim Chào mào

1. Tập tính săn mồi kiếm ăn

Chúng thường sống ở những nơi có nhiều cây cối và khu dân cư. Những nơi có cây bụi già, cây có quả chín, quả mọng thường xuất hiện nhiều loài chim này. Chúng di chuyển theo đàn để kiếm ăn, diệt côn trùng bằng cách bay ra để bắt chúng trong không trung, bay lơ lửng để tìm con mồi từ vỏ cây hoặc giữa các tán lá.

Những con non được cho ăn những côn trùng như sâu bướm. Khi những con Chào mào đến tuổi trưởng thành, chúng bắt đầu ăn quả mọng và trái cây. Ngoài ra, chúng con ăn các bộ phận của hoa, kiến ​​và cây con.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 6

Những loại trái cây mà loài chim này thích ăn có thể kể đến như đu đủ, xoài, quả chà là, quả bơ, chuối chín… Tuổi thọ trung bình của loài chim này từ 10 đến 11 năm hoặc có thể cao hơn nếu trong môi trường thuận lợi.

2. Tập tính sinh sản

Ở Việt Nam, mùa sinh sản của chim Chào mào là từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Một số cặp có thể sinh sản được 2 lần trong 1 năm. Chúng làm tổ trên cành, tổ được làm từ lá khô, rễ hoặc vỏ cây,… Khi “cặp kê”, chim Chào Mào thường có hành động cúi đầu, đuôi nhấp lên xuống, cánh rũ,…

Mỗi lần đẻ, chim cái đẻ từ hai hoặc ba trứng. Trứng của chúng có vỏ màu hồng tím và lốm đốm những đốm nâu đỏ hoặc tím. Kích thước trung bình của trứng là 16,1 x 24,4 mm. Con non mới nở không có lông, phần niêm mạc miệng có màu đỏ ngoại trừ ở đường giữa vòm miệng có màu vàng. Đôi mắt vẫn nhắm trong vài ngày sau khi nở.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 7

Chim non được bố mẹ mớm cho thức ăn trong khoảng mười bốn đến mười tám ngày trong tổ. Dần dần mật độ kiếm ăn cho con non của bố mẹ ít đi và sau đó con non bị bỏ lại để tự kiếm ăn.

Nhận biết chim Chào mào trống và Chào mào mái

So với các loài chim khác thì Chào mào rất khó để phân biệt đâu là chim trống và đâu là chim mái bởi ngoại hình của chúng khá giống nhau. Dưới đây là một vài gợi ý để có thể phân biệt sự khác nhau giữa 2 loài Chào mào trống và Chào mào mái.

1. Ngoại hình

– Chào mào mái: Nhỏ hơn chào mào trống chỉ bằng khoảng 2/3 đến 3/4 chim trống. Phần đầu chim mái nhỏ, mào thấp và cui. Bàn chân chim mái nhỏ, móng mỏng nhìn mảnh mai, con trống thì lại ngược lại. Còn đặc điểm nữa là lông chim mái màu nhạt hơn, khá mềm, mịn hơn chim trống. Khuôn mặt của chim mái trông hiền, mắt ngơ ngác và ngây thơ hơn chim trống.

– Chào mào trống: Thì ngược lại, thân mình to và dài, đầu to, mào cao, mặt hung dữ và nhanh nhẹn.

Xem lông tơ sau gáy Chào mào để chọn chim trống, đây là cách phân biệt khá chính xác. Chào mào trống thường có một vài cọng lông tơ đằng sau gáy (nó được ví như râu) còn chim mái thì không.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 8

2. Giọng hót

Chào mào trống có giọng dài, nhiều giọng và hay đảo giọng, thường ra từ 5 âm trở lên. Còn chào mào mái thì siêng hót và chỉ hót điệu wit …wiu,wit wit wit, giọng chào mào cái ngắn hơn chào mào trống tầm 3 4 âm, nếu sổ cao hơn thì giọng chim mái yếu và không gắt bằng.

3. Phân biệt chào mào qua lông má đỏ

– Con mái: lông đỏ ngắn hơn con trống, chiều dài cánh ngắn hơn (kích thước do được là 78 – 85mm), dáng nhỏ con.

– Con trống: Chiều dài cánh dài hơn, kích thước từ 83 – 91 mm, lông đỏ dài và dày hơn.

4. Phân biệt bằng chim mồi

Dùng một con Chào mào trống, thuần, chơi tốt ra để thử. Nếu con nào chớp cánh và bu lồng đòi chơi kèm theo hót, ché thì đó 100% là con chim trống.

Nếu con nào ngơ ngác, không muốn chơi thì đó có thể là con mái.

5. Nhận biết bằng cách cầm chim

Cách này khá nguy hiểm bởi cầm mạnh quá có thể khiến chim bị ngạt, cầm nhẹ quá chúng có thể giãy dụa mà bay đi mất. Cách này khá chính xác để nhận biết chim Chào mào mái và trống.

– Cách thực hiện: Cầm chào mào nằm gọn trong lòng bàn tay, hướng bụng chào mào xuống đất. Sau đó các bạn thả lỏng tay (vừa vừa thôi không là mất chim đấy) rồi bất ngờ lật ngửa bụng nó lên. Nếu:

– Chim mái bị lật ngửa bụng nó bất ngờ thế thì nó sẽ rụt đầu vào một tý, bộ lông đuôi vẫn xếp gọn và không phản ứng.

– Chim trống sẽ rướn đầu ra, đồng thời khi đó lông đuôi sẽ xòe rộng ra như để lấy thăng bằng.

Các giống chim chào mào đẹp ở Việt Nam

1. Chào mào Huế

Đây là một trong những giống có giọng hót hay và đầy nội lực. Chất giọng chào mào Huế có đặc biệt ở chỗ được chia làm 2 giọng chính là giọng thổ (trầm) và giọng chuông (thanh). Giọng thổ khi sổ ra thường có 6 âm, có uy lực, quát, đanh. Có thể sổ giọng đôi, giọng ba từ 8 âm đến 10 âm (rất ít). Giọng chuông thì phổ quát hơn

2. Chào mào Trung Mang

Đây được cho là giống Chào mào có giọng hay nhất, độc nhất, đắt nhất Miền Trung. Giọng hót rất thanh và có uy, những tiếng “quyu, quách” cao vút.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 9

3. Chào mào Bạch Tạng

Đây là giống đột biến gen cực kỳ quý hiếm không phải ai cũng có cơ hội sở hữu. Giá của chúng cũng vô cùng đắt đỏ nếu như hội tụ đủ các yếu tố như lông trắng, mắt đỏ, chân hồng, mỏ hồng, giọng hót thánh thót.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 10

4. Chào mào Nữ Hoàng

Đây cũng là loài chim Chào mào cực hiếm gặp trong tự nhiên, và giá đắt đỏ bậc nhất. Điều đặc biệt của “nữ hoàng” chính là nó sở hữu 1 bộ lông có khoảng trắng từ đầu đến yếm.

Chim Chào mào - Cách nhận biết, nuôi chim khỏe - 11

Cách nuôi Chào mào

1. Chọn chim nuôi để chúng hót hay

Chọn chim thì đối với người mới bạn nên chọn chim đã thuần, đã nuôi từ chủ cũ để làm quen với việc chăm sóc chúng. Hoặc nếu muốn nuôi chim và gắn bó với chúng từ nhỏ thì bạn nên chọn nuôi chim bổi (chim non) hoặc nuôi chim bồi (chim đánh bẫy được ngoài tự nhiên).

Chọn chim chào mào là khâu quan trọng vì không phải con nào cũng có tiếng hót hay. Khi chọn, bạn cần lưu ý những đặc điểm như:

– Lanh lợi, nhanh nhẹn.

– Cặp ức (hai viền lông đen bên ngực) phải dài, to.

– Chọn chim có mào lân hoặc mào cui.

– Chân của chim Chào mào đẹp là phải to, dài, tướng đi đòn dài, thân hình dài. – – Mỏ ngắn sẽ siêng hót hơn.

2. Lồng nuôi

Chọn lồng nuôi có nan nhỏ, lồng tròn hay vuông tùy thích. Chiều cao lồng ít nhất từ 80cm để chúng thỏa sức nhảy nhót, bung cánh. Đường kính lồng từ 25 đến 40cm. Nên chọn cầu có đường kính từ 1 đến 1,3cm giúp chim bám chắc vào 3/4 dưới cầu.

Đối với chim Chào mào bổi mới bắt về, cần ít nhất từ 3 tháng để thuần hóa cho chúng làm quen với môi trường nuôi nhốt trong lồng. Lúc này, cần trùm áo lồng thường xuyên, chỉ nên để một khe hở, hạn chế ánh sáng, hạn chế chim di chuyển trong lồng. Sau đó hé dần dần ra. Sau 3 tháng mở cho chim tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng, chế độ tắm táp, tắm nắng.

3. Thức ăn

Nuôi chim Chào mào cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để chúng có thể trạng tốt, khỏe mạnh, bộ lông đẹp, căng lửa, hót nhiều. Những thức ăn dành cho chim Chào mào mà chúng ưa thích có thể dùng như: Sâu gạo, sâu tươi, sâu non, cào cào con, châu chấu, giun đất, giun quế…

Các loại hoa quả chín như: đu đủ, xoài, cam, chuối, dâu, cà rốt, củ cải đường, táo tàu, dưa hấu, chuối,…cung cấp một lượng vitamin quan trọng cho chim.

Lưu ý: Không nên cho Chào mào ăn ớt, để lên lửa nhanh nhưng ớt rất cay nóng sẽ làm chim bị điên loạn, uống nhiều nước, ảnh hưởng đến giọng hót và có thể bỏ ăn.

Khi ăn thì cho chim ăn lượng ít để nó ăn hết, không để cám thừa trong cóng. Nước uống cần thay thường xuyên để không bị nhiễm khuẩn, gây bệnh cho chim

4. Tắm cho chim Chào mào

Tắm cho Chào mào giúp chúng luôn sạch sẽ, thư giãn và tránh các loại bệnh tật ký sinh trên da, dưới lông, giúp chim căng lửa và hót hay hơn.

Trước khi tắm, cần đặt lồng chim ra ngoài trời, ít người qua lại trong thời gian từ 20 – 30 phút ở ánh nắng nhẹ lúc 8 đến 9h sáng, để chim cảm thấy nóng và ham muốn nước. Thường cho chim tắm lúc 12h – 12h30, sau khi tắm nước thì cho chim phơi khoảng 30 phút để. Nếu chim không chịu tự tắm thì có thể dùng bình xịt để xịt nước làm ướt lồng chim.

Huấn luyện chim Chào mào hót hay

Chim Chào mào có khả năng bắt chước những âm thanh vừa lạ vừa hay để làm giàu cho âm điệu làn hơi của mình, những chú chim sống lâu năm thì giọng hót càng hay và thánh thót.

1. Dùng chim mồi hay

Dùng 2 chú chim Chào mào “thầy”, treo 2 bên cạnh để chúng hót đối đáp nhau. Khi đó, chào mào của bạn sẽ học theo, hát nhại và dần dần chúng có thể hót theo giọng hoặc pha cả 2 giọng của chim “thầy”.

2. Dùng máy phát âm cho chào mào nghe

Lựa chọn những file ghi âm lại giọng hót của những chú Chim chào mào hót hay, giọng chuẩn rồi phát lên cho chúng nghe thường xuyên khoảng 30 phút một lần. Mở từ 8h sáng đến khoảng 2h chiều thì ngưng. Sau đó vào lúc chập choạng tối, lúc con chim chuẩn bị ngủ – cho nghe chừng 5-10 phút mỗi tối là hiệu quả nhất để chúng có thể hót và nhớ bài tốt.

Khi chim đã sổ tốt rồi, lâu lâu lại mở file phát lại một lần cho chúng không bị nhại giọng.

3. Tập thể lực tăng sức khỏe

Chim có thể lực tốt sẽ có sức hót cao và vang, mục đích của tập lực là giúp cho chim có sức khỏe ổn định và không sợ bất kỳ địch thủ nào.

Cần bố trí cầu cóng theo dạng bậc lên xuống để Chào mào nhảy, di chuyển liên tục. Nên tập 3 lần/tuần vào khoảng 10-13h sau khi chim tắm. Lúc đầu tập ít, càng dần về sau thì tăng lên khoảng 2-3 tiếng.

Các loại bệnh thường gặp ở chim Chào mào

1. Bệnh tiêu chảy

Đây là loại bệnh thường gặp nhất ở chim Chào mào. Khi bạn thấy dưới đáy lồng, phân chim ở dạng loãng, nát, hoặc ướt tức là chim đang có dấu hiệu bị tiêu chảy.

Nếu không điều trị kịp thời, chúng sẽ dần bỏ ăn, yếu đi và chết.

– Nguyên nhân: Cám chim không phù hợp, ăn quá nhiều hoa quả chứa nhiều nước như : Cam, cà chua, dưa hấu… Ngoài ra, lồng, cóng bẩn chứa nhiều vi khuẩn mà không được vệ sinh thường xuyên cũng khiến chúng bị tiêu chảy.

– Điều trị: Cho chim ăn chuối tây hoặc trái hồng xiêm, chọn trái vừa chín còn vị chát để giúp diệt khuẩn đường ruột. Thay nước uống cho chim bằng cách cho ăn trái thơm hoặc nước chè xanh.

2. Bệnh ho gió

Chim lười hót hoặc có dấu hiệu kêu “chắt chắt”, khó thở thì rất có thể chúng đang bị ho gió.

– Nguyên nhân: Thời tiết thay đổi đột ngột, phơi nắng chim quá lâu, lồng nuôi chứa nhiều bụi bẩn, chim ăn cám bị dính bột vào mũi.

– Điều trị: Nhỏ 1 – 2 giọt mật ong vào cóng nước cho chim uống, qua ngày thì đổi cóng nước khác. Cho chim ăn cam, uống nước chè chát nếu bệnh nhẹ. Bệnh năng có thể dùng Enrofloxacin mua tại tiệm thú y sau đó nhỏ 3 giọt vào cóng cho chim uống.

3. Chào mào bị bại chân

Khi chim đứng không vững, bay nhảy khó khăn hoặc nhảy được một chân thì có thể chúng bị bại chân.

– Nguyên nhân: Trúng gió làm chân co rút, bong gân, chân bị sưng tấy hoặc thiếu Canxi và vitamin D.

– Điều trị: Thoa dầu gió vào chân, và dưới cánh cho chim để trị trúng gió.

4. Chào mào bị trúng gió

Khi thấy chim đậu dưới đáy lồng, di chuyển khó khăn, không bay nhảy được thì có thể do chim bị trúng gió.

– Nguyên nhân: Do chim bị trúng gió độc, do treo chim ở hướng gió lùa, thời tiết thay đổi đột ngột.

– Điều trị: Tháo cầu ra, cho thức ăn, nước xuống dưới đáy lồng cho chim ăn và uống, dùng dầu gió bôi một ít vào dưới nách 2 cánh chim và dưới chân chim.

Giá bán chim Chào mào

Tùy theo độ tuổi, ngoại hình, giống chim Chào mào mà giá của chúng thay đổi theo. Thông thường:

– Chim Chào mào con non có giá từ 120.000đ đến 250.000đ/con.

– Chim Chào mào mồi cứng thường có giá từ 550.000đ đến 1.100.000đ/con.

– Chim chào mào bổi mới bẫy Huế giá khoảng 240.000đ đến 530.000đ/con.

– Chào mào Trung Mang rơi vào khoảng 320.000đ đến 810.000đ/con.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

4/5

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/chim-chao-mao-cach-nhan-biet-nuoi-chim-khoe-d28937…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/chim-chao-mao-cach-nhan-biet-nuoi-chim-khoe-d289371.html

Theo Việt Quất (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)

Rate this post

Viết một bình luận