chim Sâu là loài thuộc bộ Sẻ, có kích thước nhỏ. Chúng là loài chim có ích cho nông dân bởi thức ăn yêu thích của chúng là những loại sâu ăn lá như sâu xanh, sâu cuốn lá ở lúa.
Thông tin về chim Sâu
chim Sâu có tên khoa học là Dicaeidae, là một họ trong bộ Sẻ (Passeriformes) thuộc ngành động vật có dây sống. Họ này bao gồm 2 chi là Prionochilus và Dicaeum, với tổng cộng 44-48 loài.
Chúng phân bố ở các vùng nhiệt đới miền nam châu Á và Australasia, từ Ấn Độ kéo dài về phía đông tới Philippines và phía nam tới Australia.
– Tên gọi khác: Chim Sâu xanh, chim chích bông
– Kích thước nhỏ chỉ bằng nắm tay của em bé, chiều dài toàn thân từ 10 – 18cm.
– Cân nặng: 5-12g.
Các loại chim sâu phổ biến
– Chim sâu xanh
– Chim sâu ngực đỏ
– Chim sâu vàng
Đặc điểm hình dáng của chim Sâu
1. Hình dáng và kích thước
Tổng thể hình dáng của chim Sâu trông khá tròn và mập mạp. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng chim sâu rất nhanh nhẹn, đôi chân vững chắc và đôi mắt tinh nhanh giúp chúng di chuyển dễ dàng và linh hoạt khi chuyền từ cành cây này sang cành cây khác.
2. Thân hình
Phần đầu
Đầu tròn, cổ ngắn, mỏ hơi dày, nhọn và hơi cong, lưỡi hình ống. Đôi mắt đen hoặc nâu đen, to tròn, long lanh có chiều sâu, màu mắt thay đổi theo màu bộ lông.
Phần thân
Thân của chim Sâu thon tròn được lông bao phủ toàn bộ. Cánh là những sợi lông dài, cứng mọc đan chéo vào lưng ôm sát cơ thể khi đậu trên cành.
Bộ lông
Lông của chim Sâu màu xanh lá đặc trưng, sợi lông ở cánh và đuôi dài, ngả sang màu xanh đen. Lông phần đầu, người và bụng là những sợi lông tơ dài nhiều lớp nhưng không xoắn vào nhau, trông rất mượt. Lông phần bụng màu xám xanh hoặc màu vàng xanh, lông phần cổ màu trắng xám.
Chim sâu non có lông tơ nhiều hơn và màu nhạt hơn so với chim trưởng thành. Đến khi trưởng thành, lớp lông tơ mềm sẽ thay thế bằng những lớp lông ngắn, mượt hơn.
Đôi chân
Chân ngắn, có màu nâu hồng hoặc màu xám đen, gồm 1 ngón phía sau và 3 ngón phía trước giúp chúng bám rất chắc vào cành cây, kể cả những cành lá nhỏ mà không bị rơi.
Đuôi
Đuôi của chim sâu ngắn. Phần đuôi cũng chính là cách để phân biệt chim sâu đực và chim cái.
Đặc điểm giọng hót của chim Sâu
Sở hữu chiếc lưỡi dài hình ống nhọn nên giọng hót của chim sâu rất rõ nét và vang cao, chim thường hót nhiều vào mùa hè và mùa xuân. Đặc biệt, chim đực sẽ hót nhiều hơn chim cái để thu hút bạn tình, hót nhiều nhất thường vào mùa kết đôi giao phối.
Phân biệt chim Sâu trống và chim Sâu mái
Vẻ bề ngoài của cả chim Sâu trống và mái khi trưởng thành là giống nhau, nhưng màu sắc lông thì có sự thay đổi.
– Màu sắc: Màu sắc lông của chim trống sẽ có màu sắc rực rỡ hơn con mái, con mái có màu nhạt hơn.
– Viền lông trước ngực: Chim sâu trống sẽ có màu đen đậm; ngược lại chim sâu mái sẽ có viền lông màu nhạt hơn.
– Lông đuôi: Lông đuôi của chim Sâu đực sẽ mọc dài ra (còn gọi là đuôi lau) còn chim không có đặc điểm này.
Phân biệt chim Sâu và chim Vành khuyên
Nếu thoạt nhìn bên ngoài tự nhiên khi bạn bắt gặp 2 chú chim này thì khó lòng nhận biết được đâu là chim Sâu và đâu là chim Vành khuyên. Dưới đây là cách phân biệt:
1. Kích thước
Chim khuyên có hình dáng nhỏ nhắn như chim sâu nhưng kích thước nhỉnh hơn, chân chim Khuyên nhỏ và cao hơn và đòn dài hơn so với chim Sâu.
2. Mắt
Mắt của chim Sâu tròn và màu nâu đen hoặc đen còn mắt của chim Khuyên có vành mắt màu trắng.
3. Hình dáng
Chim Khuyên có dáng đứng thẳng, dong dỏng cao còn chim Sâu dáng thấp hơn, thế đứng ngang bằng.
4. Màu sắc
Màu lông của chim Khuyên có màu xanh lá đậm và tươi hơn chim Sâu, lông xanh phủ phần đầu, cổ và lưng, đuôi. Phần cánh cũng có màu xanh đen nhạt hơn.
Chim Khuyên bên trái và chim Sâu bên phải
Môi trường sống của chim Sâu
Đặc điểm của bộ lông của chim sâu là có màu xanh lá, giúp chúng dễ dàng hòa trộn với màu sắc của lá cây xanh khiến chúng dễ dàng ngụy trang và săn mồi rất tốt, đồng thời tránh khỏi những kẻ thù như rắn hoặc mèo.
Những khu rừng nhiệt đới hay những nơi có nhiều cây cối là môi trường ưa thích của chim Sâu. Chúng sống và ngủ trên thân cây, đến mùa sinh sản thì chúng làm tổ trên những thân cây không quá cao.
Tập tính sinh sản của chim Sâu
Chim Sâu mỗi khi đến mùa sinh sản thì chim đực sẽ kết đôi với chim mái để sinh sản và thay nhau xây tổ, ấp trứng và chăm sóc nuôi dưỡng chim con.Tổ của chúng hình bọng tròn, được làm kết lại từ lá khô, treo lơ lửng trên các cây nhỏ hay cây bụi.
Mỗi một mùa sinh sản, chim Sâu đẻ từ 1 đến 4 quả trứng, thời gian ấp trứng khoảng 10-12 ngày, với chim con đủ lông đủ cánh sau 15 ngày.
Thức ăn của chim Sâu
1. Đối với chim ngoài tự nhiên
Những chú chim Sâu ngoài tự nhiên sẽ dùng bản năng nhanh nhạy, ánh mắt quan sát tinh nhanh để săn mồi. Những chiếc mỏ nhọn và cắp rất chặt khi chúng tấn công con mồi khiến chúng không có cơ hội thoát thân. Thức ăn ưa thích của những chú chim sâu ngoài tự nhiên chủ yếu là sâu quy, sâu cuốn lá, cào cào non và trứng kiến, ngoài ra chúng còn ăn cả những loại quả chín mọng, có vị ngọt.
2. Chim nuôi trong lồng
Đối với nuôi chim trong lồng, nếu như không tìm kiếm được các nguồn thức ăn như ngoài tự nhiên thì bạn có thể cho chúng ăn cám chim, các loại hạt như kê, ngũ cốc xay, đậu phộng xay nhỏ…
Cách nuôi chim Sâu
Khi nuôi chim sâu, bạn cần lưu ý một số những đặc điểm sau
1. Nuôi chim Sâu non
Nếu bạn nuôi chim Sâu từ khi còn non, cần chăm sóc chu đáo, kỹ càng hơn bởi chim non đề kháng kém, hệ tiêu hóa chưa phát triển. Và cũng chính sự chu đáo và tỉ mỉ đó sẽ giúp chim Sâu non khi trưởng thành sẽ thuần hơn, quấn người hơn so với nuôi chim đã trưởng thành.
Thức ăn phù hợp với chúng ở giai đoạn này là cào cào non, sâu gạo là chủ yếu, cho tập ăn cám dần dần và không quên cho chúng uống nước. Những chú chim non 1 ngày ăn rất nhiều lần nên bạn hãy để ý để chúng không bị đói.
Bạn cần đút cho chúng ăn, nhẹ nhàng và cung cấp đủ dinh dưỡng cho chúng mỗi ngày. Sau khi chim đã đủ lông cánh, chúng sẽ tự ăn uống được. Lúc này bạn cứ chuẩn bị thức ăn nước uống sạch sẽ đầy đủ cho nó là được.
2. Nuôi chim Sâu bẫy được
Nuôi những chú chim này, cũng khó không kém trong vài ngày đầu. Ban đầu chúng sẽ luôn hoảng sợ và tâm trạng lo lắng khi bị nhốt trong lồng. Bạn cần lấy vải tối màu, phủ kín lồng và cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho chúng.
Chú ý để ý lượng thức ăn trong lồng nhé. Nếu thức ăn vơi đi thì nó đã chịu ăn rồi. Khả năng sống của nó gần như 100%. Sau đó bạn cứ giữ nguyên áo lồng như vậy trong 2 ngày rồi mới từ từ hé 1 chút một.
3. Nuôi chim Sâu sinh sản
Nếu bạn đã có kinh nghiệm nuôi chim Sâu cảnh, và giờ muốn nhân giống chúng thì cũng không hề khó..
Nên chọn lồng cho chim đẻ nên là lồng tre, nan có kích thước vừa phải và không cần quá rộng. Sau đó, nên để một chiếc rổ nhỏ vào trong lồng, lót một lớp rơm rạ cho êm để cho chim sâu có thể làm tổ.
Vị trí treo lồng thì nên tránh chỗ đông người qua lại, nên chọn chỗ yên tĩnh, vắng người để treo và không quên che đậy cẩn thận để chúng cảm thấy an toàn thì chúng mới đẻ. Che hết toàn bộ lồng và chỉ để lại phần cửa lồng để tiện cho ăn. Đỉnh lồng bạn cũng nên che bớt đi. Để lại 50% là được
Giá bán chim Sâu bao nhiêu
Giá bán của chim Sâu mua về làm chim cảnh hiện tùy thuộc vào ngoại hình, tiếng hót và có thuần hay không. Những chú chim ngoại hình đẹp, hót hay và dạn hơn sẽ có giá từ 1,5 triệu cho tới 3 triệu đồng. Những chú chim ngoại hình bình thường và mới nuôi chưa, chưa thuần thì có giá rẻ hơn từ vài trăm nghìn đồng.
Những đôi chim Sâu giống sẽ có giá cao hơn khi đạt được điều kiện về ngoại hình, và màu sắc đẹp.
Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!
2.5/5
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/chim-sau-dac-diem-moi-truong-song-va-cach-nuoi-d28…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/chim-sau-dac-diem-moi-truong-song-va-cach-nuoi-d289605.html
Theo Việt Quất (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)