(GLO)- Đối tượng trung tâm của văn học là con người. Vì vậy, nói về thiên nhiên, cỏ cây hoa lá hay nói về các con vật cũng là phương tiện để cha ông ta gửi gắm những kinh nghiệm sống, những bài học làm người. Sau đây là những tục ngữ, thành ngữ của người Việt về chó:
– Chó ăn vã mắm (ý chỉ sự cãi nhau, tranh giành).
– Chó ăn đá, gà ăn sỏi (đất đai khô cằn).
– Chó dữ mất láng giềng.
– Chó dại tha cứt về nhà (hành động ngu dốt).
– Chó cái cắn con (độc ác).
– Chó càn cắn giậu (cùng đường làm bậy).
– Chó cắn áo rách (khốn quẫn).
– Chó cậy nhà, gà cậy chuồng (dựa vào cái khác để tự tin và tăng sức mạnh).
– Chó chê mèo lắm lông (chỉ nhìn thấy cái xấu ở người khác, trong khi mình cũng không ra gì).
– Chó chạy ruộng khoai (lông bông, không mục đích).
– Chó chạy hở đuôi (cây trồng cằn cỗi).
– Chạy như chó dái (chạy nhiều, đi nhiều, không làm việc).
– Chạy như chó phải pháo (rất sợ hãi).
– Chó ông thánh cắn ra chữ (thơm lây, có uy tín nhờ người khác).
– Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi (kệch cỡm, khó có thể xảy ra).
– Chó có (mặc) váy lĩnh (không tương xứng, lố bịch, thành trò cười).
– Chó gầy hổ mặt người nuôi.
– Chó già giữ xương (tham lam, giữ cái mình không dùng được nữa).
– Chó giữ nhà, gà gáy sáng (mỗi người một việc).
– Chó khô mèo lạc/Mèo đàng chó điếm (loại không ra gì).
– Chó khôn tứ túc huyền đề (bốn chân có chấm đen).
– Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt (kinh nghiệm chọn giống chó).
– Chó lên da, gà lên xương (những bộ phận nếu bị thương thì mau lành).
– Chó chết hết cắn (sự độc ác đã kết thúc).
– Chó chực chuồng chồ (chuồng chồ: chuồng phân, nơi đại tiện; chỉ sự nhục nhã vì miếng ăn).
– Chó chùa bắt nạt (ăn hiếp) chó làng (không biết người biết ta).
– Nhờn chó chó liếm mặt (thân mật quá mức, bị vượt qua phép tắc).
– Chó nhảy bàn độc (gặp thời cơ, liều lĩnh, được lợi).
– Chó chui gầm chạn (nhục nhã cam chịu, thường để chỉ những thân phận ở rể khi xưa).
– Ăn cơm chủ nào sủa cho chủ ấy (tương tự: Ăn cây nào rào cây ấy).
– Chó sủa ma (vu vơ, không xác định chính xác đối tượng).
– Dấm dẳng như chó cắn ma (không quyết liệt, khó chịu).
– Mồm chó, vó ngựa (những chỗ nguy hiểm).
– (Ghét nhau) như chó với mèo.
– Chó ngáp phải ruồi (may mắn ngẫu nhiên, đột xuất).
– Chó treo, mèo đậy (cần cẩn thận).
– Chó đen giữ mực (bản tính khó thay đổi, tương tự: Ngựa quen đường cũ).
– Treo đầu dê, bán thịt chó (nói một đàng, làm một nẻo, lừa bịp).
– Chó vả đi, mèo vả lại (tai họa liên tiếp).
– Chó tháng ba, gà tháng bảy (gầy, không ngon vì đấy là những tháng giáp hạt).
– Đá mèo quèo chó (trút nóng nảy, bực tức lên kẻ khác).
– Hổ xuống đồng bằng gặp chó cũng chào (thất thế, phải lụy cả kẻ yếu gấp ngàn lần mình trước kia).
– Khuyển mã chi tình (tình cảm của chó ngựa: thủy chung, bền chặt).
Chử Anh Đào