“Vĩnh Long có gì mà chơi?” Nếu bạn nghĩ như vậy thì hãy để travel blogger Henry Nguyen dẫn lối. Chỉ với 500.000 đồng trong tay, anh chàng sẽ cùng bạn đi hết các điểm đến ấn tượng, hấp dẫn, đủ góc sống ảo cực xịn để thỏa mãn niềm đam mê.
Chùa Ông
Được xây dựng từ năm 1892-1909. Chùa Ông còn được gọi là Hội quán Phúc Kiến, Vĩnh An Cung hay Thất Phủ Miếu. Đây là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa từ Phúc Kiến sang. Các tượng thờ ở đây đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, gốm sứ. Các cột, kèo, bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, công phu.
Trong những năm gần đây, ngôi chùa cổ trở thành điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ gần xa với mong muốn vừa được cầu bình an, vừa có thể tậu về nhiều tấm ảnh đẹp.
Các bạn nên đến đây vào buổi sáng sớm để có được ánh sáng đẹp nhất cho bức hình. Hơn nữa buổi sáng sẽ vắng người, phía trước sân sẽ ít có xe đậu, lấy được toàn cảnh chùa mà không phải hậu kì xóa vật thể.
Địa chỉ: số 22, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Vĩnh Long.
Chùa Bà Thiên Hậu
Lúc mình đến phía bên trong chùa đang trùng tu, sửa chữa nên mình chỉ có thể chụp được quang cảnh phía ngoài. Nơi đây thờ Nữ Thần là Chánh thần trong Miếu của người Hoa. Đây còn là hội quán sinh hoạt, dân gian gọi là Chùa Bà.
Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ tự ở Vĩnh Long tại Miếu Thiên Hậu và các ban thờ Thánh Mẫu, các Miếu, Hội quán, Chùa Tàu như: Thất phủ Miếu, Chùa Quan Thánh… thường là những đô thị có đông người Hoa sinh sống (thành phố Vĩnh Long, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm).
Địa chỉ: số 64, đường 30/4, thành phố Vĩnh Long.
Nhà cổ Cai Cường
Nếu như Bến Tre có nhà cổ Huỳnh Phủ, Đồng Tháp được biết đến với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Bạc Liêu với nhà cổ của công tử Bạc Liêu, Cần Thơ với nhà cổ Bình Thủy… thì nhà cổ Cai Cường sẽ đưa bạn với nếp sống của một đại địa chủ miệt vườn Vĩnh Long.
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1885, tính đến nay ngôi nhà đã có tuổi đời 135 năm. Chủ nhân của ngôi nhà này là ông Phạm Văn Bổn, tên thường gọi là Cường, khi xưa làm chức cai tổng nên người ta gọi là Cai Cường, sở dĩ ngôi nhà này có tên là nhà cổ Cai cường cũng xuất phát từ đấy. Cũng có người gọi ngôi nhà này là nhà cổ Cái Muối do được xây dựng bên con rạch nhỏ cùng tên.
Nhà cổ Cai Cường, có cấu tạo theo hình chữ Đinh ba gian. Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn “vỏ Tây ruột Ta” trong kiến trúc nội thất và ngoại thất, mặc dù có tuổi đời gần 135 năm, nhưng mọi thứ trong ngôi nhà đều trường tồn với thời gian, chưa có dấu hiệu của sự xuống cấp.
Nếu những bộ ảnh về những ngôi nhà cổ miền Tây thường gam màu trầm cổ kính, trong bộ ảnh lần này mình vẫn sử dụng lại tone màu trầm vốn có pha thêm chút tươi sáng của hiện đại.
Khi đến đây, phía trong nhà vẫn đóng cửa im lìm. Nếu muốn vào check-in, bạn đi sang phía bên nhờ người trông giữ nhà mở cửa giúp, nhớ gửi họ ít tiền cà phê họ sẽ niềm nở và hỗ trợ các bạn nhiệt tình hơn.
Địa chỉ: xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, thành phố Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận
Là cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cách TP.HCM 125km. Mình thích cảm giác choáng ngợp, hoành tráng mỗi lần chạy xe máy trên cầu.
Buổi chiều hoàng hôn là thời điểm đẹp nhất để chụp hình ở đây. Mình bật mí đến các bạn, ngay tại bờ kè Mỹ Thuận, bạn sẽ có thể lấy hết khung cảnh của cầu vào bức ảnh của mình.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi được xây dựng từ năm 1970 với diện tích 1,7 ha do cố hoà thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Do hoàn cảnh khách quan, việc thi công phải tạm dừng nhiều lần.
Mãi đến năm 2015, công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục: chánh điện, bảo tháp, đài Đức Quán Thế Âm lộ thiên, cổng tam quan, giảng đường, trai đường, bảo tàng, thư viện… trở thành trung tâm văn hoá lớn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và Phật giáo của miền Tây.
Công trình nổi bật giữa chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và Bảo tháp cao 45m. Giữa không gian Phật giáo uy nghiêm, cùng những công trình kiến trúc độc đáo như thế này, sẽ khiến bạn không khỏi trầm trồ khi tại miền Tây có những công trình to lớn và đồ sộ không thua kém bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, khi trở thành điểm tham quan, chiêm bái, hành hương tính ngưỡng không chỉ của riêng người dân miền Tây mà còn của đồng bào cả nước. Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Long trên khắp mọi nơi.
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hoà, xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long.
Với chi phí chưa đến 500.000 đồng/người cho 24 giờ tại thành phố Vĩnh Long, mình đi được khá nhiều nơi. Vĩnh Long còn đó nhiều địa điểm thú vị như lò gạch, nhà bá hộ Tể, chùa Phù Ly mà bạn cũng có thể đi hết ngay trong một ngày.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/choi-lon-cam-nua-trieu-di-het-vinh-long-trong-ngay-c14a26185.ht…Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/choi-lon-cam-nua-trieu-di-het-vinh-long-trong-ngay-c14a26185.html