Trong khi truyền hình số mặt đất thường cho độ trễ tín hiệu thấp, các dịch vụ xem TV dựa trên Internet có độ trễ cao khiến hình ảnh phát chậm hơn.
Người dùng hiện có nhiều lựa chọn dịch vụ xem truyền hình với công nghệ truyền tải khác nhau. Trong khi công nghệ tương tự (analog) không còn hoạt động tại Việt Nam, những dịch vụ xem TV hiện nay sử dụng công nghệ kỹ thuật số (digital), các hình thức phổ biến như truyền hình số mặt đất (DVB-T2), truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2), vệ tinh, IPTV hay OTT.
Dưới đây là một số dịch vụ, hình thức truyền tín hiệu TV phổ biến tại Việt Nam. Mỗi hình thức đều có độ trễ, lợi ích và nhược điểm riêng.
Truyền hình số mặt đất (DVB-T2) – Độ trễ thấp.
DVB-T2 (Digital Video Broadcasting – Terrestrial 2) được sử dụng thay cho truyền hình tương tự (analog). Với DVB-T2, tín hiệu vô tuyến từ trạm mặt đất của nhà đài được mã hóa dưới dạng kỹ thuật số. Tiếp theo, chúng được ăng-ten thu nhận, chuyển đến bộ giải mã xử lý để hiện lên TV.
Một đầu thu DVB-T2 dành cho TV đời cũ. Ảnh: Tek Deeps.
Các ưu điểm của truyền hình số mặt đất như hình ảnh độ phân giải cao hơn analog (từ HD 720p trở lên), cung cấp nhiều kênh truyền hình trên cùng tần số, không tốn cước, phạm vi phủ sóng lớn, chất lượng không bị ảnh hưởng do thời tiết. Độ trễ của DVB-T2 thấp hơn các hình thức truyền dẫn phổ biến khác do tín hiệu được phát trực tiếp từ nhà đài đến bộ giải mã tại nhà.
Hầu hết TV hiện nay đã tích hợp bộ giải mã DVB-T2 nên chỉ cần tự mua ăng-ten rồi dò đài. DVB-T2 hỗ trợ các loại ăng-ten nhỏ để đặt trong nhà, tuy nhiên người dùng nên gắn ăng-ten ngoài trời để thu được nhiều kênh hơn. Với các dòng TV đời cũ (sản xuất trước năm 2014), cần mua thêm bộ giải mã DVB-T2 được bán phổ biến trên Internet.
Do được cung cấp miễn phí, lượng kênh truyền hình dành cho DVB-T2 ít hơn so với các dịch vụ trả tiền, chủ yếu gồm kênh quảng bá của VTV, VTC và các đài truyền hình địa phương. Chất lượng và số kênh còn phụ thuộc vào vị trí, hướng xoay ăng-ten và loại cáp kết nối.
Truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2) – Độ trễ thấp
DVB-C2 viết tắt cho Digital Video Broadcasting – Cable 2. Là công nghệ truyền kỹ thuật số giống DVB-T2, tuy nhiên tín hiệu DVB-C2 được phát từ nhà cung cấp dịch vụ (mạng truyền hình cáp) đến đầu thu (set-top-box) rồi mới đến TV thông qua cổng HDMI hoặc AV.
Tại Việt Nam, một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phổ biến như SCTV, HTVC, VTVcab… Để sử dụng DVB-C2, cần đăng ký với nhà cung cấp để nhận đầu thu, trả cước hàng tháng. Một số loại TV tích hợp sẵn bộ giải mã DVB-C2 nên không cần đầu thu.
Truyền hình cáp có độ trễ thấp, tốn cước hàng tháng nhưng có thêm nhiều kênh khác nhau. Ảnh: Instructables.
Do trả phí nên lượng kênh truyền hình của DVB-C2 nhiều hơn, có thêm một số kênh độc quyền của nhà cung cấp, kênh hợp tác với bên thứ ba như kênh chiếu phim, bóng đá… Người dùng có thể chia tín hiệu để gắn vào nhiều TV nhưng chất lượng sẽ giảm. Độ trễ khi xem các kênh truyền hình giữa DVB-C2 và DVB-T2 không quá khác biệt, thường chỉ chênh lệch 1-2 giây.
Một số nhược điểm của DVB-C2 gồm khu vực phủ sóng phụ thuộc vào nhà cung cấp, vài kênh nước ngoài truyền tín hiệu qua vệ tinh có thể giảm chất lượng do thời tiết. Nếu hệ thống của nhà cung cấp bị lỗi, người dùng có thể mất tín hiệu và không xem được kênh nào.
Truyền hình số vệ tinh (DVB-S2) – Độ trễ thấp
Đúng như tên gọi (Digital Video Broadcasting – Satellite 2), hình thức này mô tả tín hiệu kỹ thuật số được truyền lên vệ tinh và phát lại về mặt đất. Một ăng-ten hình parabol, còn gọi là chảo, được dùng để thu tín hiệu, chuyển đến đầu giải mã để hình ảnh và âm thanh hiện lên TV.
DVB-S2 được xem là dịch vụ cao cấp do chi phí đầu tư lớn hơn so với những hình thức khác. Ưu điểm của DVB-S2 là vùng phủ sóng rộng, tín hiệu ổn định và đồng đều, không phụ thuộc vào địa hình nên có thể lắp đặt tại vùng sâu vùng xa.
Loại ăng-ten parabol (chảo) dùng để thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh. Ảnh: Deadline.
Độ trễ của truyền hình vệ tinh sẽ cao hơn truyền hình cáp hay truyền hình số mặt đất do tín hiệu được gửi từ nhà đài đến vệ tinh ở độ cao hơn 35.000 m, sau đó mới đưa ngược về Trái Đất. Một số nhược điểm khác của truyền hình vệ tinh như chi phí đầu tư cao, phải quay chảo đúng hướng và tín hiệu có thể bị ảnh hưởng nếu thời tiết xấu.
Một số dịch vụ truyền hình vệ tinh phổ biến như HTV, K+, VTC hay Truyền hình An Viên (AVG). Mỗi dịch vụ có độ phủ sóng, cước phí khác nhau, một số dịch vụ còn có thêm các kênh độc quyền.
Truyền hình giao thức Internet (IPTV) – Độ trễ cao
IPTV là viết tắt của Internet Protocol TV. Với giao thức này, nội dung được phân phối đến TV thông qua hệ thống Internet được bảo mật và kiểm soát bởi nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài hệ thống truyền dẫn TV, các nhà cung cấp cần đầu tư hạ tầng mạng Internet cho IPTV. Một số dịch vụ IPTV được sử dụng phổ biến tại Việt Nam như FPT Play hay myTV của VNPT.
IPTV sử dụng hạ tầng Internet để truyền tín hiệu. Ảnh: Muvi.
Khi đăng ký dịch vụ, người dùng sẽ nhận set-top-box để chuyển tín hiệu Internet sang TV. Những thiết bị này hỗ trợ các tính năng như xem nhiều kênh cùng lúc, ghi hình để xem lại chương trình hoặc tích hợp dịch vụ xem phim theo yêu cầu (Video on Demand – VOD). Không chỉ trên TV, một số phần mềm trên máy tính cũng hỗ trợ xem các kênh IPTV.
Tuy nhiên, nhược điểm của các dịch vụ IPTV gồm tín hiệu, độ trễ phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng Internet của nhà cung cấp, ảnh hưởng đến chất lượng ảnh và tốc độ tải chương trình. Độ trễ của IPTV cũng chậm hơn so với truyền hình cáp.
Truyền hình OTT – Độ trễ cao
Đây là hình thức xem truyền hình khá mới mẻ nhưng được sử dụng phổ biến. Có tên đầy đủ là Over the Top, hình thức này sử dụng đường truyền Internet phổ thông để phát nội dung thông qua website hoặc app. Nói cách khác, người dùng chỉ cần thiết bị kết nối Internet để xem các chương trình thông qua giao thức OTT.
Với các dịch vụ OTT, người dùng có thể xem truyền hình trên nhiều thiết bị khác nhau. Ảnh: Xuân Sang.
Một số ứng dụng, dịch vụ xem truyền hình OTT phổ biến hiện nay như FPT Play, Netflix, VieOn, VTV Go, Apple TV… Các dịch vụ thường cho xem miễn phí những kênh phổ biến, có thể yêu cầu trả tiền để theo dõi nội dung được mua bản quyền, sản xuất độc quyền. Không chỉ trên TV, người dùng có thể sử dụng dịch vụ OTT trên nhiều thiết bị như smartphone, tablet hay laptop.
Tương tự IPTV, nhược điểm lớn nhất của OTT là chất lượng phụ thuộc vào mạng Internet. Nội dung trên ứng dụng OTT được chuyển từ một nguồn phát kỹ thuật số khác, trải qua nhiều bước đóng gói, giải nén tín hiệu nên gây ra độ trễ lớn. Ngoài ra, chất lượng còn bị ảnh hưởng bởi tốc độ đường truyền Internet khi có quá nhiều người truy cập hoặc lỗi máy chủ. Một số kênh độc quyền của truyền hình cáp cũng không có mặt trên ứng dụng OTT.
Công nghệ Cách truyền tín hiệu Thiết bị cần thiết Thiết bị hỗ trợ Nhà cung cấp phổ biến Hình thức DVB-T2 Trạm mặt đất – Độ trễ thấp Ăng-ten,
Bộ giải mã (cho TV cũ) TV,
Máy tính (cần thêm adapter) – Miễn phí DVB-C2 Cáp – độ trễ thấp Dây cáp,
Bộ giải mã (cho TV cũ) TV,
Máy tính (cần thêm adapter) SCTV, HTVC, VTVcab… Trả phí DVB-S2 Vệ tinh – độ trễ thấp. Ăng-ten,
Bộ giải mã TV,
Máy tính (cần thêm adapter) VTC, K+, Truyền hình An Viên… Trả phí IPTV Internet bảo mật – Độ trễ cao. Router Internet,
Set-top-box hoặc máy tính TV,
Máy tính, smartphone, tablet FPT Play, myTV… Trả phí OTT Internet thông thường – Độ trễ cao. Router Internet TV,
Máy tính, smartphone, tablet FPT Play, VTV Go, Netflix, VieOn, Apple TV… Miễn phí hoặc trả phí